31/10/2023 10:10 GMT+7

Học trường nghề giờ dễ tìm việc trong nước lẫn xuất ngoại

Cơ hội việc làm hấp dẫn tại các doanh nghiệp trong và ngoài nước cho học viên trường nghề các ngành hàn, cơ khí, tự động hóa, công nghệ ô tô...

Sinh viên Trường CĐ nghề Hà Nam học sử dụng máy móc công nghệ cao tại xưởng - Ảnh: HÀ QUÂN

Sinh viên Trường CĐ nghề Hà Nam học sử dụng máy móc công nghệ cao tại xưởng - Ảnh: HÀ QUÂN

Trong một xưởng hàn tại Vĩnh Phúc, bạn Lê Văn Lợi (19 tuổi, học viên nghề hàn tại Trường CĐ nghề Việt Xô số 1) mày mò hàn một tấm kim loại lớn. Học được một năm, giáo viên đánh giá Lợi rất nhanh nhẹn, có tiềm năng đi Hàn Quốc du học.

Làm việc trong và ngoài nước

"Tôi đang ôn thi tiếng Hàn và chứng chỉ nghề để đi Hàn Quốc. Giáo viên nói Hàn Quốc có nhiều chuyên gia rất giỏi trong đóng tàu, sản xuất máy móc. Tôi mong được đi học, tìm hiểu kỹ thuật tiên tiến, tích lũy kinh nghiệm để sau về Việt Nam khởi nghiệp. Nghe nói thu nhập khởi điểm 35 - 40 triệu đồng/tháng" - Lợi hồ hởi chia sẻ.

Ông Trần Đức Tiệp - hiệu trưởng Trường CĐ nghề Việt Xô số 1 - cho hay những nghề như hàn, cơ khí, tự động hóa, công nghệ ô tô... doanh nghiệp trong và ngoài nước rất "khát" nhân lực.

Tuy nhiên, số lượng theo học những nghề này chưa được như kỳ vọng. Ông Tiệp lý giải hệ cao đẳng khó tuyển sinh vì phân luồng chưa hợp lý và tâm lý phụ huynh muốn con học đại học. Việc này khiến trường đầu tư máy móc tốn kém nhưng không chạy hết công suất.

Để hấp dẫn người học, trường liên kết các đơn vị trong và ngoài nước lo việc làm cho sinh viên.

Ví dụ, người học nghề lắp kết cấu thép, CNC, xây dựng kỹ thuật, hàn có cơ hội qua Đức và được chi trả toàn bộ chi phí học tiếng, visa, vé máy bay.

Học sinh tốt nghiệp trung cấp, có bằng lớp 12 và học nghề cơ khí, điện, công nghệ ô tô có cơ hội sang Hàn Quốc du học theo dạng vừa học vừa làm. Nếu tay nghề tốt sẽ được giữ lại lâu dài. "Có bao nhiêu người, phía bạn tiếp nhận bấy nhiêu" - thầy Tiệp nêu rõ.

Nhiều ưu đãi cho người học

Theo ông Vũ Hữu Ý - hiệu trưởng Trường CĐ nghề Hà Nam - HĐND tỉnh Hà Nam đã có nghị quyết 08 về hỗ trợ học sinh, sinh viên học nghề tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Qua đó, học sinh được miễn phí học nghề, học văn hóa, tiếng Nhật. Bên cạnh đó, việc phân luồng học sinh từ sớm và nhận thức thay đổi của phụ huynh khiến tuyển sinh khởi sắc.

"Tuy vậy, trường vẫn gặp khó trong tuyển sinh do các trường đại học linh hoạt hình thức tuyển sinh, đào tạo. Để cạnh tranh, trường đưa ra nhiều giải pháp thu hút học viên như đầu tư cơ sở vật chất, lo việc làm cho các em trước khi tốt nghiệp" - ông Hữu Ý cho hay.

Cũng theo ông Ý, các ngành điện công nghiệp, công nghệ ô tô, cơ khí tuyển sinh tốt, còn nghề hàn chỉ khoảng 50%. Do vậy, trường không đáp ứng đủ nhu cầu nhân lực cho các doanh nghiệp Hàn Quốc, Nhật Bản trên địa bàn.

Bà Đinh Thị Trang - trưởng phòng tổ chức nhân sự Công ty TNHH Biel Crystal Việt Nam (đối tác Apple, Samsung, LG) - cũng cho hay đơn vị rất khó khăn khi tìm hơn 100 lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật để sản xuất.

"Chúng tôi có rất nhiều máy móc hiện đại, cần trình độ nhất định. Do đó nhân sự ngoài chuyên môn còn cần ngoại ngữ như tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Hàn" - bà Trang nói thêm.

Nghề hàn được các doanh nghiệp tuyển dụng với mức lương rất cao. Công việc hàn thực hiện trên máy móc hiện đại, môi trường trong nhà máy sạch sẽ nhưng số lượng theo học chưa như kỳ vọng.
Ông Vũ Hữu Ý (hiệu trưởng Trường CĐ nghề Hà Nam)

Tiếp tục các chính sách hỗ trợ

Trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ, ông Phạm Vũ Quốc Bình - phó tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐ-TB&XH - cho biết kế hoạch tuyển sinh 2023 khoảng 2,2 triệu chỉ tiêu. Hiện số tuyển sinh đạt gần 80% và có thể đạt 100% vào cuối năm.

Các ngành như công nghệ ô tô, điện, điện công nghiệp tuyển sinh tốt. Còn các ngành liên quan tới cơ khí, hàn rất khó tuyển sinh. Trong khi đó, ngành du lịch có dấu hiệu chững lại do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

"Các ngành này có đầu ra việc làm rất tốt. Qua nắm bắt, các doanh nghiệp đang săn đón ứng viên như thợ hàn, thợ cơ khí và sẵn sàng trả lương rất cao.

Tuy nhiên nhiều người cho rằng môi trường làm việc nặng nhọc, độc hại nên người lao động chưa thích thú theo học. Do đó, chúng ta cần tiếp tục có các chính sách hỗ trợ, thúc đẩy ngành phát triển song song với đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu thực tế", ông Bình nói.

Ông Bình cũng chỉ rõ nếu tình trạng thiếu nhân lực cơ khí, hàn kéo dài, ngành đóng tàu, xây dựng, xây lắp sẽ bị ảnh hưởng.

Do đó, theo ông Bình, Bộ LĐ-TB&XH đã ban hành danh mục các ngành nghề đào tạo thuộc lĩnh vực nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Học sinh theo học sẽ được miễn giảm học phí. Nhà giáo giảng dạy sẽ nhận chế độ hỗ trợ để nâng cao chất lượng dạy học.

Phối hợp đào tạo giữa trường và doanh nghiệp

Để giải quyết bài toán thiếu nhân lực, ông Trần Đức Tiệp cho rằng cần nhiều giải pháp đồng bộ như phân luồng tuyển sinh từ sớm, có chính sách miễn giảm học phí, trợ cấp giáo viên giảng dạy nghề nặng nhọc, độc hại.

Nhà nước cần có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đào tạo với trường, bao tiêu việc làm đầu ra, trả chi phí đào tạo để trường có nguồn lực đầu tư máy móc hiện đại.

Tương tự, bà Đinh Thị Trang cũng cho rằng Nhà nước cần có cơ chế, chính sách khuyến khích nhà trường và doanh nghiệp phối hợp đào tạo, tăng thời lượng thực hành, thực tập, đáp ứng nhu cầu của công ty và giải bài toán việc làm.

Dạy học trực tuyến trong trường nghề gặp nhiều khó khănDạy học trực tuyến trong trường nghề gặp nhiều khó khăn

Hội thảo khoa học 'Thực trạng và giải pháp quản lý hoạt động đào tạo trực tuyến tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn TP.HCM trong bối cảnh toàn cầu hóa' do Hội Giáo dục nghề nghiệp TP.HCM tổ chức ngày 10-10.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên