11/10/2023 00:11 GMT+7

Dạy học trực tuyến trong trường nghề gặp nhiều khó khăn

GIA HÂN
và 1 tác giả khác

Hội thảo khoa học 'Thực trạng và giải pháp quản lý hoạt động đào tạo trực tuyến tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn TP.HCM trong bối cảnh toàn cầu hóa' do Hội Giáo dục nghề nghiệp TP.HCM tổ chức ngày 10-10.

ThS Hoàng Quốc Long, hiệu trưởng Trường trung cấp Nguyễn Tất Thành, đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận - Ảnh: GIA HÂN

ThS Hoàng Quốc Long, hiệu trưởng Trường trung cấp Nguyễn Tất Thành, đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận - Ảnh: GIA HÂN

Thiếu tính hệ thống, đồng bộ

Tại hội thảo, ông Đặng Minh Sự, trưởng phòng giáo dục nghề nghiệp Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM, đánh giá hoạt động dạy học trực tuyến trong những năm qua đã đạt được kết quả nhất định.

Hầu hết giáo viên và cán bộ quản lý của các trường cao đẳng, trung cấp đã có kinh nghiệm thực tiễn về đào tạo trực tuyến.

Tuy nhiên hoạt động này vẫn chưa đạt hiệu quả cao do thiếu tính hệ thống, đồng bộ. Cụ thể, phương tiện kỹ thuật dạy và học ở các vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa chưa đầy đủ; phương pháp dạy trực tuyến thiếu hấp dẫn. Bên cạnh đó, phương thức quản lý lớp học cũng chưa thật sự phù hợp.

Cũng theo ông Đặng Minh Sự, trong tương lai, hệ thống giáo dục nghề nghiệp đào tạo trực tuyến sẽ song hành với dạy học trực tiếp. Nhiều môn học, nội dung dạy học sẽ được số hóa và đưa vào giảng dạy trực tuyến thường xuyên tại các trường nghề.

"Điều này đặt ra nhu cầu phải nghiên cứu tìm ra các giải pháp đi trước, đón đầu sự phát triển của đào tạo trực tuyến đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0" - ông Sự nhận định.

Dạy trực tuyến không chỉ là vấn đề công nghệ

Về giải pháp triển khai trường học số tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp, ThS Đỗ Hữu Khoa, viện trưởng Viện Đại học trực tuyến, cho rằng các trường cần đầu tư hạ tầng kỹ thuật và phương thức đào tạo trực tuyến.

Ông đề xuất các trường có thể đầu tư hệ thống kết nối Internet trực tiếp để vận hành hệ thống máy chủ dùng riêng hoặc thuê nhà cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin để triển khai hệ thống máy chủ (riêng/ảo).

ThS Tô Huỳnh Thiên Trường, chuyên gia trưởng quốc gia và ASEAN nghề lắp cáp mạng thông tin, Trường trung cấp Nguyễn Tất Thành, cho rằng chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp không chỉ là ứng dụng công nghệ mới, mà còn là vấn đề văn hóa và con người.

Chất lượng dạy học trực tuyến phụ thuộc phần lớn vào năng lực của nhà giáo. Ngoài kỹ năng nghề nghiệp cơ bản, người dạy cần tham gia các khóa đào tạo từ doanh nghiệp, theo chuẩn quốc tế về công nghiệp và dịch vụ để tăng sự hài lòng của người học; đổi mới phương pháp và hình thức tổ chức dạy học theo hướng linh hoạt thời gian và nội dung phù hợp với dạy học trực tuyến.

Đề xuất bổ sung chính sách, quy định về dạy học trực tuyến

Theo ThS Hoàng Quốc Long - hiệu trưởng Trường trung cấp Nguyễn Tất Thành, dù đào tạo trực tuyến được yêu cầu giảm học phí nhưng giảng viên phải bỏ nhiều thời gian và công sức hơn, nhà trường cần xây dựng hạ tầng kỹ thuật, đào tạo giảng viên.

Ông cũng đề xuất cần bổ sung những chính sách, quy định pháp luật về quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến như số lượng người học trong một lớp; mặt bằng giảng dạy; cơ sở vật chất; kiểm tra, đánh giá bằng hình thức trực tuyến; đào tạo giảng viên…

Sinh viên Nhật sang Việt Nam học nghềSinh viên Nhật sang Việt Nam học nghề

11 sinh viên Nhật Bản lần đầu tiên qua Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng (TP.HCM) học nghề trong vòng một tháng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên