20/01/2024 08:47 GMT+7

Học sinh lớp 11 có nên đăng ký thi đánh giá năng lực?

Thích cả kỹ thuật ô tô và kinh tế, chọn ngành nào? Lớp 11 có nên đăng ký thi đánh giá năng lực? Muốn làm diễn viên, đăng ký học thế nào?...

ThS Hoàng Thúy Nga, Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, giải đáp những thông tin chung về kỳ tuyển sinh 2024, tại chương trình tư vấn sáng 20-1 ở Nam Định - Ảnh: NAM TRẦN

ThS Hoàng Thúy Nga, Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, giải đáp những thông tin chung về kỳ tuyển sinh 2024, tại chương trình tư vấn sáng 20-1 ở Nam Định - Ảnh: NAM TRẦN

Nhiều câu hỏi "nóng" của học sinh đã được các thầy cô giải đáp tại chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp diễn ra đồng thời tại Trường THPT Trần Hưng Đạo (1A Tức Mạc, TP Nam Định, tỉnh Nam Định) và Trường đại học Tây Nguyên (567 Lê Duẩn, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) sáng 20-1. 

Không xác nhận nhập học, bị xem như từ chối quyền trúng tuyển

Trao đổi với học sinh tại chương trình, ThS Hoàng Thúy Nga (Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo) đặc biệt lưu ý với các bạn học sinh về những mốc thời gian quan trọng liên quan tới đăng ký dự thi và xét tuyển.

Cô Nga chia sẻ: Các em cần đọc kỹ thông tin về đề án tuyển sinh của các cơ sở đào tạo mà mình mong muốn dự tuyển để không bỏ sót thông tin liên quan tới tiêu chí, điều kiện, phương thức xét tuyển và cung cấp đủ các minh chứng cần thiết để tận dụng hết các cơ hội trúng tuyển.

Song song đó, các em cần nhớ sẽ phải đăng ký các nguyện vọng lên hệ thống xét tuyển chung theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, không giới hạn số lượng nguyện vọng nhưng cần xếp ưu tiên những nguyện vọng mình yêu thích, mong muốn ở vị trí ưu tiên.

"Khi được thông báo trúng tuyển, các em cần phải làm một thao tác tiếp theo là xác nhận trúng tuyển. Nếu không xác nhận, hệ thống sẽ xem như các em từ chối quyền nhập học vào nguyện vọng đã trúng tuyển", cô Nga lưu ý.

Các chuyên gia trong ban tư vấn cũng khuyên các em học sinh không nên "nghe đồn" từ các nguồn không chính thức và trên mạng xã hội, mà cần xem kỹ và nắm các thông tin từ nguồn chính thức từ Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cơ sở đào tạo để không bị nhiễu và bỏ sót thông tin cần thiết.

Học sinh lớp 11 chưa nên đăng ký thi đánh giá năng lực

Ban tư vấn cung cấp những thông tin quan trọng cho học sinh tại chương trình sáng 20-1 - Ảnh: NAM TRẦN

Ban tư vấn cung cấp những thông tin quan trọng cho học sinh tại chương trình sáng 20-1 - Ảnh: NAM TRẦN

Khá nhiều học sinh lớp 11 cũng có mặt ở chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp tại Nam Định. Một số em quan tâm tới kỳ thi đánh giá năng lực, tư duy và bày tỏ ý định sẽ thử thi từ khi còn học lớp 11.

Về điều này, GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, giám đốc Trung tâm Khảo thí (Đại học Quốc gia Hà Nội), có lời khuyên: Các em học sinh lớp 11 chưa nên thi ngay vì các em chưa học chương trình lớp 12 nên có thể sẽ chưa đạt kết quả tốt. Việc này có thể ảnh hưởng đến tâm lý của các em trong các đợt thi về sau.

Tuy nhiên thầy Thảo cũng cho biết không có quy định giới hạn nào với thí sinh đăng ký dự thi ngoài một số thủ tục cần thiết đã được thông tin công khai. Có nghĩa là học sinh có lực học khá, giỏi hay trung bình, học sinh đã học xong chương trình lớp 12 hay còn học lớp 11, nếu muốn vẫn có thể đăng ký dự thi.

Học sinh đặt câu hỏi với ban tư vấn tại chương trình sáng 20-1 - Ảnh: NAM TRẦN

Học sinh đặt câu hỏi với ban tư vấn tại chương trình sáng 20-1 - Ảnh: NAM TRẦN

Thầy Nguyễn Tiến Thảo và thầy Vũ Duy Hải, trưởng ban tuyển sinh - hướng nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội, đều cho rằng việc đánh giá năng lực, đánh giá tư duy là đánh giá những gì học sinh tích lũy được trong suốt quá trình học phổ thông, chứ không chỉ là kiến thức của lớp 12.

Trên thực tế, nhiều mạch kiến thức phổ thông có sự tiếp nối, phát triển trong 12 năm học. Thầy Hải ví dụ khi kiểm tra khả năng đọc hiểu là kiểm tra phần tích lũy của học sinh được bắt đầu hình thành từ bậc tiểu học, chứ không chỉ ở lớp 12.

Năm 2024, nhiều trường đại học, học viện sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy là một phương thức xét tuyển, trong đó có trường dành nhiều chỉ tiêu cho phương thức này.

Muốn làm diễn viên, đăng ký học thế nào?

Các bạn học sinh lắng nghe những giải đáp thắc mắc của các thầy cô - Ảnh: NAM TRẦN

Các bạn học sinh lắng nghe những giải đáp thắc mắc của các thầy cô - Ảnh: NAM TRẦN

Một học sinh bày tỏ ước mơ làm diễn viên với các chuyên gia tư vấn. PGS.TS Đặng Thị Thu Hương, phó hiệu trưởng Trường đại học Khoa học xã hội & Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), chia sẻ khu vực phía Bắc hiện có Trường đại học Sân khấu Điện ảnh đào tạo diễn viên. Trường này còn đào tạo biên kịch, đạo diễn, quay phim, thiết kế mỹ thuật sân khấu…

Theo cô Hương, năm 2024, Trường đại học Khoa học xã hội & Nhân văn có một ngành mới là ngành điện ảnh và nghệ thuật đại chúng. Ngành này chủ yếu đào tạo biên kịch, phê bình điện ảnh.

Theo các chuyên gia, những học sinh có năng khiếu và yêu thích các ngành nghệ thuật có thể tùy loại hình để đăng ký, ví dụ học về âm nhạc thì vào nhạc viện, Trường đại học Nghệ thuật trung ương; học các ngành mỹ thuật thì học Trường đại học Mỹ thuật công nghiệp, Trường đại học Mỹ thuật…

Điểm chung của các trường khối nghệ thuật sẽ sử dụng các phương thức xét tuyển đặc thù. Trong đó sẽ có phương thức kiểm tra năng khiếu, khả năng phù hợp để học và theo đuổi nghề sau này. 

Các ngành nghệ thuật là những ngành cần sự khổ luyện mới thành tài, vì thế ngoài năng khiếu bẩm sinh, những học sinh muốn theo học cần có ước mơ và nuôi dưỡng đam mê mới có thể đi đường dài với sự lựa chọn của mình.

Lương ngành makerting mới ra trường: Trên 10 triệu đồng/tháng

PGS.TS Bùi Đức Triệu, trưởng phòng quản lý đào tạo, Trường đại học Kinh tế quốc dân - Ảnh: NAM TRẦN

PGS.TS Bùi Đức Triệu, trưởng phòng quản lý đào tạo, Trường đại học Kinh tế quốc dân - Ảnh: NAM TRẦN

PGS.TS Bùi Đức Triệu, trưởng phòng quản lý đào tạo Trường đại học Kinh tế quốc dân, chia sẻ năm nào trường cũng có khảo sát sau khi sinh viên tốt nghiệp trong một năm. Kết quả cho thấy marketing là một trong những ngành dễ tìm kiếm việc làm. Đây cũng là ngành "hot" trên thế giới và ở Việt Nam. 

Tuy nhiên thầy Triệu cho biết mức lương của người mới đi làm chỉ ở mức trên 10 triệu đồng/tháng, chưa thể cao hơn được. Vì điểm cộng chỉ dành cho người có kinh nghiệm, thể hiện được năng lực thực tế vượt trội.

Thầy Triệu cho rằng dù ở ngành nào thì người có năng lực, kỹ năng và kiên trì, nỗ lực cũng sẽ gặt hái thành quả xứng đáng. Vì thế, đừng vội lo lắng quá về vị trí việc làm, về mức lương, mà trước hết hãy tìm hiểu những ngành học phù hợp với năng lực trong lĩnh vực mình yêu thích để lựa chọn và học thật tốt trong những năm ở giảng đường đại học.

Học ngành y khó không, cơ hội việc làm thế nào?

PGS.TS Ngô Thanh Bình, trưởng phòng quản lý đào tạo đại học, Trường đại học Y dược Thái Bình, nhận được nhiều câu hỏi của học sinh ở Nam Định. Các em muốn trở thành bác sĩ đa khoa, bác sĩ da liễu… và muốn biết về môi trường đào tạo và làm việc.

Theo thầy Bình, ngành y cũng là một trong những ngành cần khổ luyện, nên với những học sinh có hoài bão làm việc trong ngành y thì mới có thể vượt qua nhiều khó khăn. 

Tuy nhiên, thầy Bình cũng cho biết nghề y cũng là nghề thú vị, có ý nghĩa. Đôi khi hoài bão chỉ là đến các vùng khó khăn, giúp đỡ những người dân nghèo. Và nghề y sẽ là nơi chắp cánh cho những hoài bão của các em, những người muốn tìm một công việc đóng góp hữu ích cho cộng đồng.

Thầy Bình cho hay Trường đại học Y Dược Thái Bình sẽ dành phần lớn chỉ tiêu tuyển sinh bằng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP.HCM, kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội, kỳ thi riêng của Trường đạihọc Sư phạm Hà Nội.

Thầy thông tin thêm: Có nhiều bệnh viện đã tới trường để tuyển dụng khi các sinh viên còn đang trong quá trình học tập. Vì thế cơ hội việc làm ở khối y dược vẫn rất lớn.

Sinh viên nữ có thể làm việc trên tàu biển

Học sinh nữ tại chương trình tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp - Ảnh: TRUNG TÂN

Học sinh nữ tại chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp - Ảnh: TRUNG TÂN

PGS.TS Phạm Văn Thuần, trưởng phòng đào tạo, Trường đại học Hàng hải Việt Nam, chia sẻ một thông tin thú vị là có một sinh viên nữ học Trường đại học Hàng hải Việt Nam hiện đã trở thành thuyền phó. 

Thầy Thuần cho rằng mọi ngành nghề đều có cơ hội cho nữ, bao gồm cả những ngành thuộc khối kỹ thuật, những ngành làm việc trong môi trường vốn được coi là khắc nghiệt như các ngành làm việc trên biển.

Những bạn nữ yêu thích các ngành của hàng hải mà cần công việc ổn định, phù hợp vẫn có thể tìm kiếm những cơ hội việc làm trên đất liền, ví dụ làm việc ở các cơ quan đăng kiểm, hàng hải. 

Ngoài các ngành truyền thống, Trường đại học Hàng hải Việt Nam năm 2024 cũng có những ngành đào tạo khác như các ngành kinh tế, trong đó có các ngành kinh tế liên quan tới môi trường biển, ngành luật, ngoại ngữ. Đặc biệt có các chương trình nâng cao, chương trình tiên tiến, chương trình lớp chọn… dành cho những học sinh có nguyện vọng và đáp ứng yêu cầu về xét tuyển.

Cẩn trọng với thông tin tuyển sinh trên mạng

Học sinh nghe và ghi chép thông tin do thầy cô cung cấp tại buổi tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp ở Đắk Lắk sáng nay 20-1 - Ảnh: TRUNG TÂN

Học sinh nghe và ghi chép thông tin do thầy cô cung cấp tại buổi tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp ở Đắk Lắk sáng nay 20-1 - Ảnh: TRUNG TÂN

TS Nguyễn Mạnh Hùng, chuyên viên chính Vụ Giáo dục đại học - Bộ Giáo dục và Đào tạo, đặc biệt lưu ý thí sinh trong chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp tại Đắk Lắk sáng nay 20-1.

Ông cho hay năm nay quy chế tuyển sinh đại học không thay đổi. Theo quy định, bên cạnh quy chế của bộ, các trường đại học phải công khai đề án tuyển sinh trên trang thông tin điện tử của trường. Do vậy thí sinh cần phải xem đề án tuyển sinh và quy chế tuyển sinh của các trường. 

"Một là phải đọc kỹ đề án tuyển sinh của trường. Thứ hai, khi đọc đề án tuyển sinh cần phải đọc đúng trang web của các trường. Hiện nay trên mạng có rất nhiều trang web đăng thông tin tuyển sinh cũ và không phải thông tin chính thống của cơ sở đào tạo. 

Thực tế, thông tin tuyển sinh của các trường năm 2024 khác năm 2023 với nhiều thay đổi. Nếu nhầm lẫn thì cả quá trình xét tuyển sẽ sai và ảnh hưởng đến kết quả xét tuyển", ông nhắc nhở.

Học sinh đến chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp do báo Tuổi Trẻ phối hợp các đơn vị tổ chức sáng 20-1 - Ảnh: NAM TRẦN

Học sinh đến chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp do báo Tuổi Trẻ phối hợp các đơn vị tổ chức sáng 20-1 - Ảnh: NAM TRẦN

Về phương thức xét tuyển, năm 2024 các trường tiếp tục tuyển sinh theo nhiều phương thức, trong đó có xét điểm thi THPT, xét điểm thi đánh giá năng lực, xét học bạ… 

Thí sinh được phép đăng ký nhiều nguyện vọng và được điều chỉnh nguyện vọng sau khi đã đăng ký trong thời gian quy định của bộ. 

Năm 2024, sẽ tiếp tục thực hiện xét tuyển chung tất cả phương thức xét tuyển (kể cả các phương thức xét tuyển sớm) trên hệ thống tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Thí sinh chỉ được trúng tuyển một nguyện vọng duy nhất. Năm nay, thí sinh cũng chỉ cần đăng ký ngành yêu thích nhất, không cần phải đăng ký lựa chọn phương thức, tổ hợp xét tuyển trên hệ thống.

Về đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển đại học đến khi nhập học đều thực hiện theo hình thức trực tuyến theo lịch chung. Quá thời gian quy định hệ thống sẽ đóng để chuyển sang các bước tiếp theo, nếu thí sinh không thực hiện đúng thì không đăng ký được nữa.

TS Phạm Tấn Hạ - phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TP.HCM - giải đáp thắc mắc cho học sinh - Ảnh: TRUNG TÂN

TS Phạm Tấn Hạ - phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TP.HCM - giải đáp thắc mắc cho học sinh - Ảnh: TRUNG TÂN

Thích cả kỹ thuật ô tô và kinh tế, nên chọn ngành nào?

Chia sẻ với các thầy cô trong ban tư vấn, bạn Nghĩa, học sinh Trường THPT Lê Duẩn, nói mình đang có hai nguyện vọng chọn ngành kỹ thuật ô tô và ngành kinh tế. "Tuy nhiên em đam mê lĩnh vực kinh tế nhiều hơn. Với tình hình kinh tế của đất nước hiện nay, em có nên chọn ngành kinh tế?", Nghĩa hỏi.

GS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, phó giám đốc Đại học Kinh tế TP.HCM, cho hay kinh tế đất nước đang đứng trước bước ngoặt rất quan trọng sau diễn biến của đại dịch COVID-19 và sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ.

"Trước hết, tôi khẳng định học kinh tế, làm việc trong lĩnh kinh tế bất kỳ lúc nào cũng cần thiết. Xã hội luôn tạo ra nhu cầu, khối lượng việc làm rất lớn vì càng ngày càng có nhiều ngành nghề phát triển, sinh sôi nảy nở… Do vậy lúc nào cũng cần người làm việc liên quan đến điều hành, quản lý, hoạch định và đưa ra các quyết định thúc đẩy nền kinh tế phát triển", thầy Bảo nhấn mạnh.

Về băn khoăn của thí sinh giữa hai ngành trên, thầy Bảo cho rằng xu hướng hiện nay kinh tế truyền thống dần đang nhường sân cho sự kết hợp với khoa học công nghệ. Trong trường hợp này, thí sinh có thể lựa chọn các ngành có xu hướng kết giữa kinh tế truyền thống và sự áp dụng khoa học công nghệ để có thể giải quyết các bài toán kinh tế hiệu quả hơn, tạo giá trị cao hơn cho xã hội, như ngành ngành công nghệ tài chính fintech, kinh doanh số, martech…

Điều kiện xét tuyển điểm đánh giá năng lực vào Học viện Quân y?

Trung tá, Ths Cao Vô Sản, trợ lý tuyển sinh Học viện Quân y, giải đáp các thắc mắc tuyển sinh vào các trường quân đội - Ảnh: NAM TRẦN

Trung tá, Ths Cao Vô Sản, trợ lý tuyển sinh Học viện Quân y, giải đáp các thắc mắc tuyển sinh vào các trường quân đội - Ảnh: NAM TRẦN

Trung tá, ThS Cao Vô Sản - trợ lý tuyển sinh Học viện Quân y, cho biết năm nay là năm đầu tiên Học viện Quân y sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP.HCM xét tuyển, chỉ tiêu cho phương thức này dự kiến từ 5-10%. Tháng 3-2024 khi công bố đề án tuyển sinh, nhà trường sẽ công bố chỉ tiêu cụ thể.

Về mức điểm nhận hồ sơ, với kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội, thí sinh phải đạt tối thiểu 75 điểm/150 điểm. Với kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM, thí sinh phải đạt tối thiểu 600 điểm/1.200 điểm.

Từ năm 2023, Học viện Quân y đã xét tuyển học sinh giỏi có chứng chỉ IELTS từ 5.5 trở lên, kèm điểm học bạ năm lớp 10, lớp 11 và học kỳ 1 năm lớp 12 học lực giỏi, hạnh kiểm tốt, điểm thi tốt nghiệp đạt điểm sàn khối ngành sức khỏe.

Đối với các trường quân đội, thời gian khám sức khỏe sơ tuyển, thẩm tra lý lịch, xác minh thông thường diễn ra từ ngày 1-3 đến ngày 20-5. Thí sinh phải làm hồ sơ sơ tuyển, sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT thí sinh có thể đăng ký xét tuyển.

Về tiêu chuẩn sức khỏe, đối với thí sinh nam và nữ đều sẽ phân ra hai nhóm.

Nhóm các trường Học viện Kỹ thuật quân sự, Học viện Quân y và Học viện Khoa học quân sự có tiêu chuẩn sức khỏe khác. Theo đó thí sinh nam cao 1m63, nặng 50kg trở lên, đối với nữ cao từ 1m54, nặng 48kg trở lên. Thí sinh không cận thị quá 3 độ, khi đeo kính mắt phải đạt 10/10, tổng thị lực 2 mắt phải đạt 19/10.

Đối với nhóm ngành khác như Biên phòng, Hậu cần, Lục Quân… yêu cầu cao hơn, nam phải đạt 1m65, nặng 50 cân, nữ từ 1m54, nặng 48kg. Đặc biệt thí sinh không được mắc tật khúc xạ về mắt.

Nhiều học sinh vẫn đang chọn nghề theo xu hướng đám đông

TS Nguyễn Viết Tuyến, phó trưởng phòng đào tạo Trường đại học Công nghiệp Hà Nội, cho biết thông qua các chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp tại Nghệ An, Thanh Hóa, Nam Định, ghi nhận xu hướng khối ngành học sinh đang lựa chọn nhiều là kinh tế, ngôn ngữ và kỹ thuật.

Tại gian tư vấn riêng của Trường đại học Công nghiệp Hà Nội, học sinh quan tâm nhiều đến nhóm ngành liên quan đến máy tính, công nghệ thông tin, điện - điện tử, cơ khí, cơ khí ô tô… Về nhóm ngành ngôn ngữ, nhiều học sinh quan tâm đến ngôn ngữ Anh, đặc biệt tiếng Trung, tiếng Hàn, tiếng Nhật.

Theo thầy Tuyến, 52 ngành/chương trình đào tạo của Trường đại học Công nghiệp Hà Nội, cơ bản tuyển sinh đều đủ chỉ tiêu, nhu cầu thí sinh vào học tương đối lớn. Tuy nhiên một số nhóm ngành theo quan sát nguồn tuyển không dồi dào bằng các nhóm khác như nhóm ngành liên quan đến công nghệ hóa, dệt may.

Nhóm ngành liên quan đến công nghệ dệt may nhu cầu nhân lực rất lớn, tỉ lệ việc làm sau khi ra trường rất cao. Khi ra trường sinh viên có thể làm việc tại các công ty liên quan đến thiết kế, công ty may.

"Nhiều học sinh lựa chọn ngành nghề theo xu hướng đám đông là sự thật, bởi đôi khi các em chưa có đầy đủ thông tin. Một ngành học đang hot ở thời điểm này, tuy nhiên bốn năm sau chưa chắc đã còn hot.

Điều đầu tiên khi chọn ngành nghề, các bạn học sinh nên tìm hiểu kỹ những ngành nghề bản thân mong muốn theo học, tự đánh giá khả năng của mình thì tới đâu khi tham gia vào ngành đó.

Mỗi một ngành đều yêu cầu những khả năng, năng lực của của bản thân, đóng một vai trò nhất định trong việc phát triển kinh tế - xã hội. Điều quan trọng nhất là các bạn phải tự làm cho mình hot trong ngành học, chứ ngành học hot không khiến bản thân mình hot lên được nếu chúng ta không giỏi", thầy Tuyến nhắn nhủ thí sinh.

Mang thông tin bổ ích đến học sinh

Ông Nguyễn Hoàng Nguyên - Phó Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, phát biểu tại chương trình - Ảnh: TRUNG TÂN

Ông Nguyễn Hoàng Nguyên - phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ: "Tất cả những vấn đề giới trẻ quan tâm như lập thân, lập nghiệp, việc học, việc làm… báo cũng quan tâm" - Ảnh: TRUNG TÂN

Ông Nguyễn Hoàng Nguyên - phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, cho biết báo Tuổi Trẻ đại diện cho giới trẻ TP.HCM và cả nước, cho nên tất cả những vấn đề giới trẻ quan tâm như lập thân, lập nghiệp, việc học, việc làm… báo cũng quan tâm. Nhiều năm qua, các hoạt động sau mặt báo của Tuổi Trẻ cũng dành cho giới trẻ, chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp là một trong những hoạt động đó.

Suốt 22 năm qua, chương trình đã đi đến hầu hết khắp tỉnh thành cả nước, đến với hàng triệu lượt học sinh để mang đến những thông tin bổ ích nhất để các bạn có thể lựa chọn cho mình hướng đi đúng đắn nhất để bước vào tương lai.

Theo bà H Yim K'đoh - phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp của báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng các đơn vị đã được tổ chức tại tỉnh Đắk Lắk liên tục từ năm 2012 đến nay. Trong năm nay, chương trình tiếp tục hướng đến thí sinh, học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn của tỉnh.

Việc tổ chức chương trình tư vấn không chỉ cung cấp thông tin, giải đáp trực tiếp cho các em học sinh, phụ huynh những nội dung, quy định của kỳ thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng, mà còn hướng nghiệp để các em chọn đúng ngành nghề theo sở trường, thế mạnh của bản thân và phù hợp với điều kiện gia đình.

Bà H’Yim Kđoh - phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk: "Chương trình tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp giúp các em chọn đúng ngành nghề theo sở trường, thế mạnh của bản thân và phù hợp với điều kiện gia đình" - Ảnh: TRUNG TÂN

Bà H’Yim Kđoh - phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk: "Chương trình tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp giúp các em chọn đúng ngành nghề theo sở trường, thế mạnh của bản thân và phù hợp với điều kiện gia đình" - Ảnh: TRUNG TÂN

Học sinh tập trung tại gian tư vấn của Đại học Bách khoa Hà Nội trong khuôn khổ chương trình sáng 20-1 - Ảnh: NAM TRẦN

Học sinh tập trung tại gian tư vấn của Đại học Bách khoa Hà Nội trong khuôn khổ chương trình sáng 20-1 - Ảnh: NAM TRẦN

Ông Vũ Đức Thọ, phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nam Định, tại chương trình sáng 20-1 - Ảnh: NAM TRẦN

Ông Vũ Đức Thọ, phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nam Định, tại chương trình sáng 20-1 - Ảnh: NAM TRẦN

Học sinh thích thú tham gia các hoạt động tại chương trình - Ảnh: NAM TRẦN

Học sinh thích thú tham gia các hoạt động tại chương trình - Ảnh: NAM TRẦN

Học sinh đến dự chương trình nhận được sự hướng dẫn và hỗ trợ nhiệt tình từ các anh chị đoàn viên thanh niên - Ảnh: NAM TRẦN

Học sinh đến dự chương trình nhận được sự hướng dẫn và hỗ trợ nhiệt tình từ các anh chị đoàn viên thanh niên - Ảnh: NAM TRẦN

Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp tại Nam Định và Đắk Lắk do báo Tuổi Trẻ phối hợp Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - thương binh và xã hội), Sở Giáo dục và Đào tạo, Tỉnh đoàn Nam Định và Đắk Lắk tổ chức, với sự đồng hành của Tập đoàn Vingroup.

Năm 2024, nhiều trường kinh tế mở ngành công nghệ, trường kỹ thuật tuyển sinh ngành xã hộiNăm 2024, nhiều trường kinh tế mở ngành công nghệ, trường kỹ thuật tuyển sinh ngành xã hội

Xu hướng mở ngành mới năm nay chứng kiến sự tham gia mạnh mẽ của nhiều trường đại học khối kinh tế, khi tuyển sinh các ngành kỹ thuật công nghệ, đào tạo kỹ sư.

Học sinh lớp 11 có nên đăng ký thi đánh giá năng lực?- Ảnh 18.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên