13/02/2023 09:34 GMT+7

Gỡ những 'lầm tưởng' nghề nghiệp cho học sinh

Trong chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp sáng 12-2 tại Pleiku (Gia Lai), các chuyên gia tư vấn đã giải đáp nhiều câu hỏi, cũng là các 'lầm tưởng' trước nay của không ít học sinh xung quanh việc chọn ngành, chọn nghề.

Đông đảo học sinh các trường THPT tại TP Pleiku, Gia Lai hào hứng tham dự chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp sáng 12-2 - Ảnh: DUYÊN PHAN

Đông đảo học sinh các trường THPT tại TP Pleiku, Gia Lai hào hứng tham dự chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp sáng 12-2 - Ảnh: DUYÊN PHAN

Dưới đây là một số câu hỏi của học sinh và tư vấn của chuyên gia tư vấn tuyển sinh.

* Em thấy những năm gần đây có quá nhiều người theo học marketing hay kinh doanh quốc tế. Em muốn học nhưng sợ ngành này nhiều người theo sẽ hết việc làm?

- TS HOÀNG CỬU LONG (Trường ĐH Kinh tế TP.HCM): Hiện tại, dù nhiều trường đại học, cao đẳng trên cả nước có đào tạo marketing và kinh doanh quốc tế nhưng nhân sự các ngành này vẫn đang rất thiếu. 

Lấy ví dụ về một số tập đoàn lớn của Việt Nam muốn đem sản phẩm sang các thị trường nước ngoài phải thuê đội ngũ kinh doanh, marketing từ Thái Lan hay Singapore. Lý do là không tìm được nhân sự trong nước. 

Có thể thấy, các doanh nghiệp luôn cần nhân sự trình độ cao ở rất nhiều lĩnh vực, do vậy các bạn không nên lo lắng về việc làm chỉ vì thấy nhiều người theo học một ngành.

- PGS.TS BÙI HOÀI THẮNG (trưởng phòng đào tạo, Trường ĐH Bách khoa - ĐH Quốc gia TP.HCM): Cơ cấu chuyển dịch kinh tế quốc gia đang đi theo hướng thay đổi sản xuất thô sang sản xuất công nghệ cao, đòi hỏi các ngành sản xuất sẽ phải tuyển một số lượng lớn những nhân sự chất lượng cao. 

Ngay cả các ngành dịch vụ cũng cần nhân lực cao cấp. Khi các địa phương càng phát triển, cơ hội của bạn sẽ không chỉ tập trung ở các thành phố lớn mà vô cùng đa dạng theo vị trí địa lý. Quan trọng là bạn cần cố gắng học để liên tục nâng cao trình độ bản thân.

* Ngày càng có nhiều người biết nhiều tiếng Anh. Máy móc cũng có thể hỗ trợ dịch thuật. Em định theo ngành tiếng Anh, nhưng lo liệu có bị giảm cơ hội việc làm trong hoàn cảnh như thế?

- TS PHẠM TẤN HẠ (phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn - ĐH Quốc gia TP.HCM): Đây không chỉ là trăn trở của các bạn theo học tiếng Anh mà còn của nhiều học sinh có ý định học những ngành ngôn ngữ như tiếng Pháp, Nhật, Hàn, Ý, Tây Ban Nha... 

Trong nhiều trường hợp, công nghệ có thể hỗ trợ dịch các văn bản, tuy nhiên tại những hội nghị, hội thảo, sự kiện... việc dịch trực tiếp đòi hỏi một độ nhạy bén không chỉ về kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm mà còn cần sự hiểu biết trong nhiều lĩnh vực, sự am hiểu về văn hóa. Lúc này, máy móc vẫn không thể thay thế con người.

Lưu ý cho những bạn có mong muốn theo học ngôn ngữ, vấn đề quan trọng là bạn cần biết rèn luyện để giỏi được ngôn ngữ ấy. Muốn thế, không chỉ cần kiến thức về ngoại ngữ mà rất cần tư duy tốt. 

Ngoài ra, người học sẽ phải giỏi cả tiếng Việt để chuyển ngữ chính xác, đồng thời cần trau dồi vốn sống và nhiều hiểu biết xã hội khác.

* Em muốn học một ngành theo sở thích nhưng không biết ra trường có kiếm được nhiều tiền không?

- TS PHẠM TẤN HẠ: "Làm nghề thu nhập bao nhiêu?" là một yếu tố để cân nhắc chọn ngành nghề nhưng không phải là tất cả, cần xét thêm nhiều yếu tố: Bạn có thích công việc ấy không, môi trường làm việc thế nào, cơ hội phát triển của ngành ấy ra sao?... Đó nên là những câu hỏi đầu tiên thí sinh cần suy nghĩ về một ngành nghề nào đó, chứ không nên là công việc ấy lương cao hay thấp, kiếm được nhiều tiền không.

Những suy nghĩ chọn ngành, chọn nghề nên xuất phát từ sở thích. Nếu làm một công việc đam mê, bạn sẽ có được sự hứng thú trong lao động, có nhiều khả năng sáng tạo, đồng thời vượt qua được những khó khăn trong công việc cực kỳ dễ dàng. 

Ngược lại, nếu làm một nghề có nhiều tiền nhưng không yêu thích, nhiều khả năng bạn sẽ không hạnh phúc trong công việc. Vì vậy, từ đam mê, bạn sẽ dễ tìm được sự thăng hoa trong công việc, từ đó có được thành công và thu nhập tốt.

Từ nhiều năm qua, chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp do báo Tuổi Trẻ tổ chức đã được đông đảo học sinh và phụ huynh cả nước quan tâm, chờ đợi ở mỗi mùa thi. Thành công của chương trình thể hiện qua nội dung, thông tin phong phú, phương thức tổ chức đa dạng và sử dụng phương tiện truyền thông linh hoạt, tạo ra được cầu nối thông tin hữu hiệu giữa các trường ĐH, CĐ với học sinh và phụ huynh.

Ông Lê Duy Định (giám đốc Sở GD-ĐT Gia Lai)

Gia đình cùng nhau đến tư vấn

Bà Phạm Thị Thu và chồng lắng nghe chuyên gia tư vấn giải đáp các thắc mắc trong việc chọn ngành, chọn trường cho con - Ảnh: DUYÊN PHAN

Bà Phạm Thị Thu và chồng lắng nghe chuyên gia tư vấn giải đáp các thắc mắc trong việc chọn ngành, chọn trường cho con - Ảnh: DUYÊN PHAN

Đến dự chương trình từ sớm, ngồi nghe hết phần tư vấn chung, rồi lại tới nói chuyện trực tiếp cùng các thầy đại diện Trường ĐH Bách khoa và Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), bà Phạm Thị Thu - phụ huynh có con học Trường THPT Chi Lăng - cùng chồng cảm thấy nhẹ nhõm sau khi mọi thắc mắc về tuyển sinh, xét tuyển của mình đã được giải đáp.

Bà Thu chia sẻ thời gian gần đây thường xuyên "họp gia đình" vì chuyện chọn ngành của con: con rất thích học công nghệ thông tin, cha mẹ gợi ý thêm ngành kinh tế. Tuy nhiên khi đọc trên mạng về các thông tin tuyển sinh, xét tuyển, ông bà và con vẫn còn thấy rối.

"Chúng tôi soạn ra nhiều câu hỏi để hôm nay đến gặp và hỏi các chuyên gia tư vấn. Chúng tôi hỏi rất kỹ về các cách xét tuyển, cách đặt nguyện vọng, những điểm mới trong năm nay. Chúng tôi cũng được các chuyên gia phân tích rất rõ từng hướng đi trong ngành công nghệ thông tin. Mọi thắc mắc của chúng tôi đã có câu trả lời" - bà Thu tươi cười chia sẻ.

Đi tư vấn, chụp ảnh... tốt nghiệp

Chụp ảnh tốt nghiệp tại buổi tư vấn - Ảnh: TRỌNG NHÂN

Chụp ảnh tốt nghiệp tại buổi tư vấn - Ảnh: TRỌNG NHÂN

Bên cạnh khu vực tư vấn chính, chương trình sáng 12-2 tại thành phố Pleiku còn vô cùng sôi động ở các gian tư vấn của các trường đại học, cao đẳng. Hàng loạt hoạt động thú vị như trải nghiệm công nghệ thực tế ảo, tham gia trò chơi, vẽ tranh, trả lời đố vui có thưởng... đã được tổ chức, thu hút hàng trăm lượt trải nghiệm của các học sinh về tham dự chương trình.

Ấn tượng nhất là gian tư vấn của Trường đại học Nha Trang khi dành hẳn một khu cho học sinh đến chương trình có thể trải nghiệm chụp ảnh tốt nghiệp miễn phí. Học sinh được mượn các đồng phục tốt nghiệp và ghi lại các khoảnh khắc vui vẻ cùng nhau trong không khí tràn ngập tiếng cười.

Gia Nghi - học sinh Trường THPT Phan Bội Châu - cho biết đã chụp vài bộ ảnh tốt nghiệp với các bạn vì thấy vừa vui vừa lạ. Nghi cùng hai bạn thân tiếp tục tham gia hết các hoạt động ở các gian hàng.

"Dù đã chọn được ngành nghề mình yêu thích là truyền thông đa phương tiện, mình vẫn cùng các bạn đến với chương trình để vừa tiếp xúc trực tiếp với đại diện nhiều trường đại học, vừa được chơi rất vui" - Gia Nghi nói.

5 chương trình tư vấn cuối tuần này

Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp do báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT), Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) và sở GD-ĐT các địa phương tổ chức với sự đồng hành của Tập đoàn Vingroup. Cuối tuần này, chương trình sẽ đồng loạt đến với 4 địa phương.

Ở khu vực phía Nam, chương trình sẽ diễn ra tại TP Tuy Hòa, Phú Yên (buổi sáng) và huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa (buổi chiều) trong ngày thứ bảy, 18-2. Chủ nhật 19-2 sẽ là buổi tư vấn tiếp theo cho học sinh tại TP Nha Trang (Khánh Hòa).

Ở khu vực phía Bắc, các chương trình tư vấn sẽ chính thức khởi động với hai thành phố đầu tiên là TP Vinh (18-2) và TP Thanh Hóa (19-2).

Ban tổ chức vẫn tiếp tục nhận đăng ký gian tư vấn của các trường ĐH, CĐ mong muốn tham gia chương trình tại các tỉnh thành và ba ngày hội tại TP.HCM, Cần Thơ và Hà Nội. Để đăng ký, các trường có thể liên hệ: anh Trung Hiếu - điện thoại 0909023012, email: marketing@tuoitre.com.vn.

Tư vấn tuyển sinh 2023: Đắn đo chọn ngành vì ChatGPTTư vấn tuyển sinh 2023: Đắn đo chọn ngành vì ChatGPT

Ứng dụng ChatGPT đã làm "nóng" chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp do báo Tuổi Trẻ tổ chức tại thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) vào sáng 11-2.

Gỡ những 'lầm tưởng' nghề nghiệp cho học sinh - Ảnh 10.


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên