13/09/2023 10:27 GMT+7

Đại học có nên tự kiểm định chất lượng?

Nhiều trường đại học đề xuất Bộ GD-ĐT trao 'quyền tự quyết' về kiểm định chất lượng các chương trình đào tạo. Điều này có nên không?

Thí sinh dự ngày hội tư vấn xét tuyển do báo Tuổi Trẻ tổ chức - Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN

Thí sinh dự ngày hội tư vấn xét tuyển do báo Tuổi Trẻ tổ chức - Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN

Phóng viên Tuổi Trẻ đã trao đổi với NGƯT.TS Nguyễn Kim Dung - giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục Sài Gòn (CEA-SAIGON).

Chương trình đào tạo là xương sống

NGƯT.TS Nguyễn Kim Dung

NGƯT.TS Nguyễn Kim Dung

* Tại Hội nghị tổng kết năm học 2022-2023, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm học 2023-2024 khối giáo dục đại học do Bộ GD-ĐT tổ chức mới đây, một số trường đại học đề xuất được tự kiểm định các chương trình đào tạo thay vì một trung tâm kiểm định ngoài như hiện nay. Quan điểm của bà thế nào?

- Kinh nghiệm từ các nước cho thấy kiểm định chương trình đào tạo có tác động trực tiếp đến chất lượng người dạy, người học, vốn là các đối tượng quan trọng nhất làm nên chất lượng của một trường đại học.

Điều đó cũng thể hiện rõ khi Việt Nam tham gia vào hệ thống bảo đảm chất lượng của các nước Đông Nam Á với các tiêu chuẩn đánh giá của AUN-QA.

Với kinh nghiệm hơn 20 năm trong lĩnh vực này, tôi thấy việc kiểm định chất lượng chương trình đào tạo là một phần quan trọng trong quá trình giáo dục và đào tạo của một cơ sở giáo dục. Kiểm định chất lượng giúp bảo đảm chương trình đào tạo đáp ứng các tiêu chuẩn và yêu cầu chất lượng, bảo đảm rằng người học nhận được một trải nghiệm học tập tốt và chuẩn bị cho tương lai.

Bên cạnh đó, kiểm định chất lượng bảo đảm giúp cơ sở giáo dục đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng quốc gia và quốc tế. Điều này bảo đảm rằng sinh viên được cung cấp kiến thức và kỹ năng tốt nhất.

Theo thông tin mà chúng tôi ghi nhận được từ các chuyên gia là cộng tác viên - kiểm định viên của CEA-SAIGON, hệ thống quản trị ở không ít trường đại học (hầu hết là những trường đề xuất tự kiểm định chương trình đào tạo) chưa tốt, nhiều công tác ở mức dưới trung bình, chưa đạt yêu cầu của tiêu chuẩn kiểm định…

Nhiều cán bộ quản lý cấp trường, cấp chương trình đào tạo, giảng viên chưa hiểu thế nào là đào tạo để đáp ứng chuẩn đầu ra (vốn là yếu tố sống còn của chương trình đào tạo)…

Mặt khác, từ kết quả khuyến nghị của việc kiểm định chất lượng giáo dục, các trường sẽ cải thiện liên tục để nâng cao hiệu suất đào tạo, tăng cường uy tín của cơ sở giáo dục, thúc đẩy sự sáng tạo và đổi mới phương thức đào tạo đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội và thị trường lao động.

Vì thế, để thực sự khách quan, minh bạch, tôi cho rằng rất cần một tổ chức kiểm định độc lập đứng ra thực hiện việc này. Việc để các trường tự kiểm định chương trình đào tạo theo tôi giống như việc vừa đá bóng vừa thổi còi vậy.

Thí sinh tìm hiểu thông tin các trường đại học tại ngày hội tư vấn tuyển sinh do báo Tuổi Trẻ tổ chức ở TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG

Thí sinh tìm hiểu thông tin các trường đại học tại ngày hội tư vấn tuyển sinh do báo Tuổi Trẻ tổ chức ở TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG

* Điều gì đã khiến bà cho rằng việc để các trường tự kiểm định chương trình đào tạo giống như vừa đá bóng vừa thổi còi?

- Thẳng thắn mà nói, qua quá trình đánh giá chất lượng giáo dục, nhiều trường đại học còn tư tưởng rằng mình có danh tiếng, mình đã làm tốt. Nhưng thực tế khi chúng tôi tiếp cận, đánh giá đã chỉ ra rất nhiều lỗ hổng, thiếu sót, thậm chí là những bước chậm tiến, cách làm lỗi thời của các đơn vị. Có những trường rất nổi tiếng mà chúng tôi đã phải xem xét dừng đánh giá.

Nếu những trường này không thực sự nghiêm túc làm đánh giá ngoài để nhận được những góc nhìn khách quan, công tâm, đóng góp cho sự phát triển mới thì dễ bị tâm lý trì trệ, giậm chân tại chỗ hoặc tuột dốc trong đào tạo.

Thực tế đánh giá ngoài ở nhiều trường đại học của chúng tôi cũng cho thấy chất lượng dạy học sau đánh giá của các trường đã nâng lên rất cao. Ví dụ, sau đánh giá, họ đã phát triển nguồn nhân lực bảo đảm chất lượng, xây dựng và cải tiến chương trình đào tạo, rà soát và chỉnh sửa các đề cương chi tiết, các quy trình, quy định quản lý chương trình đào tạo, cơ sở vật chất, trang thiết bị, điều tra khảo sát… hướng đến chuẩn quốc tế.

Tôi cho rằng chương trình đào tạo là xương sống của chất lượng đào tạo trong nhà trường và các trường đại học tại Việt Nam vẫn còn phải nỗ lực rất nhiều nhằm xây dựng văn hóa chất lượng bên trong nhà trường, tự cải tiến chương trình đào tạo. Lúc đó, đánh giá từ bên ngoài chắc chắn sẽ không còn là việc đối phó và gánh nặng của các trường.

Đánh giá ngoài có tốn kém?

* Với kinh nghiệm của mình, bà đánh giá việc kiểm định chương trình đào tạo của các trường đại học tại nước ngoài thực hiện như thế nào? Việt Nam hiện nay có đủ các cơ sở kiểm định để đánh giá chương trình đào tạo của các trường đại học theo chuẩn quốc tế?

- Việc kiểm định chương trình đào tạo ở nước ngoài (như Mỹ) được thực hiện thông qua các cơ sở kiểm định giáo dục. Ví dụ, ở Mỹ có sáu trung tâm kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục cùng rất nhiều trung tâm thực hiện kiểm định chất lượng chương trình đào tạo, và các trung tâm kiểm định chương trình đào tạo này gắn với thị trường lao động.

Kết quả kiểm định chất lượng giáo dục sẽ giúp các trường tiếp tục cải thiện hiệu suất đào tạo, thúc đẩy sáng tạo, giúp trường đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động.

Việt Nam hiện đã có những trung tâm kiểm định giáo dục quốc tế đang được phép hoạt động tại Việt Nam cũng tập trung vào kiểm định chất lượng các chương trình đào tạo.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có những trung tâm kiểm định của Việt Nam đáp ứng tiêu chuẩn kiểm định quốc tế. Việc kiểm định này giúp cho xã hội có các thông tin minh bạch, đáng tin cậy và giúp người học lựa chọn trước khi ra quyết định nhập học.

* Có ý kiến cho rằng chi 300-400 triệu đồng cho một chương trình kiểm định còn gây tốn kém kinh phí của nhiều trường? Ý kiến của bà ra sao?

- Đối với các cơ sở công lập, kinh phí kiểm định chất lượng được tổ chức chủ yếu thông qua hình thức đấu thầu. Tùy thuộc số lượng chương trình đào tạo, bài toán đặt ra sẽ có một mức đấu giá phù hợp.

Với CEA-SAIGON chúng tôi đã thực hiện đánh giá hơn 200 chương trình nhưng chưa nhận mức chi phí nào tới 300 - 400 triệu đồng/chương trình cả. Tôi nghĩ mức 300 - 400 triệu là bao gồm các chi phí tự đánh giá của trường.

Thông tin chính xác từ các trường dao động từ 250 triệu cho đến hơn 500 triệu, tùy vào mức độ sẵn sàng của khoa/bộ môn và chuyên nghiệp của đội ngũ làm bảo đảm chất lượng của nhà trường.

Đồ họa: T.ĐẠT

Đồ họa: T.ĐẠT

Cứ kiểm định là đạt?

* Dư luận vẫn xôn xao câu chuyện hầu hết các trường đại học cứ kiểm định là đạt. Vậy có nghi ngờ về kết quả hay không, thưa bà?

- Các trung tâm kiểm định chất lượng ở Việt Nam phải chứng minh niềm tin khó khăn hơn ở nước ngoài do phải hạch toán kinh phí độc lập. Áp lực về kinh phí để trả cho kiểm định viên, chi phí trong quá trình kiểm định… sẽ được thu từ các trường để có thể vận hành một trung tâm.

Bài toán là các trung tâm phải chứng minh như thế nào khi mà nhận tiền của trường đại học nhưng phải đánh giá công tâm. Tuy nhiên, một điều mà rất ít người biết, là trước khi các trung tâm kiểm định chất lượng tại Việt Nam ký hợp đồng với trường đại học thì đã phải qua bước thẩm định báo cáo tự đánh giá, đánh giá sơ bộ. Nếu cảm thấy trường đại học đó không đủ điều kiện để đánh giá ngoài thì trung tâm thường dừng hoạt động đánh giá.

Chính từ vấn đề trên, dẫn đến thực tế phần lớn các trường tham gia đánh giá ngoài thì gần như 99% đều đạt kiểm định. Vô tình điều này gây hiểu lầm là chương trình đào tạo nào, trường đại học nào khi được đánh giá ngoài cũng đều đạt cả, nhưng thực tế bước thẩm định trước khi ký hợp đồng lại chưa được công khai.

Xã hội đánh giá chất lượng mới quan trọng

Bài viết "Trường đại học quanh năm lo kiểm định" trên báo Tuổi Trẻ ngày 12-9 nhận được sự quan tâm, phản hồi của bạn đọc. Xin được trích đăng:

Xã hội đánh giá năng lực và chất lượng mới quan trọng. Các ngành của các trường đã kiểm định xong trong thời gian qua thì chất lượng, số lượng tuyển sinh có tăng lên không và tỉ lệ có việc làm, làm đúng ngành bao nhiêu, người sử dụng lao động hài lòng thế nào...? Hồ sơ sẽ trang điểm rất đẹp và hoành tráng, cho dù rớt kiểm định 1, 2, 3 lần rồi cũng qua được nhưng thực tế và thực tiễn thì khác hoàn toàn. (Một bạn đọc)

Quá nặng nề giấy tờ thủ tục từ đó nảy sinh tiêu cực và bệnh thành tích. Những khách hàng - người học - đánh giá chất lượng mới là yếu tố quyết định nhất.

BAN GD-KH

Trường đại học quanh năm suốt tháng phải lo gánh nặng kiểm địnhTrường đại học quanh năm suốt tháng phải lo gánh nặng kiểm định

Các trường đại học quanh năm suốt tháng phải lo làm kiểm định chất lượng chương trình. Nguồn lực tài chính chi cho công tác kiểm định rất lớn nên việc này đang trở thành gánh nặng của nhiều trường.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên