Bức tranh start-up 2023: Hết tiền, hết bạc, hết thời gian

D. KIM THOA 01/01/2024 16:54 GMT+7

TTCT - "Quý vị không thể nói giảm quá nhiều về điều đó, 2023 đã là năm sóng gió với các start-up"

Ảnh: CrunchBase

Ảnh: CrunchBase

Sau khi nỗ lực trụ lại bằng cách cắt giảm chi phí trong hai năm qua, nhiều start-up công nghệ "hạng sao" một thời đang loạng choạng bên mép vực khi đã hết cả tiền bạc lẫn thời gian để vượt qua bão táp. 

Họ đang đối mặt với một thực tế khắc nghiệt: giới đầu tư không còn quan tâm tới những hứa hẹn nữa và giờ họ chỉ đang tính toán xem start-up nào đáng cứu và start-up nào nên dừng cuộc chơi càng sớm càng tốt.

Nhiều người còn nhớ những tin tức về các khoản vốn huy động được ở mức choáng váng của các start-up như WeWork với hơn 11 tỉ USD, Olive AI với 852 triệu USD, Convoy 900 triệu USD và Veev là 647 triệu USD. Nhưng chỉ trong sáu tuần từ đầu tháng 11 đến giữa tháng 12, tất cả các công ty này hoặc đã đóng cửa hoặc đang nộp đơn xin phá sản.

"Quý vị không thể nói giảm quá nhiều về điều đó, 2023 đã là năm sóng gió với các start-up" - Peter Walker, quan chức phụ trách chuyên môn sâu tại Carta - công ty chuyên cung cấp dịch vụ tài chính cho nhiều start-up ở Thung lũng Silicon (Mỹ), nói với Bloomberg cuối tháng 11.

Theo dữ liệu của Carta, tính tới thời điểm đó đã có 543 start-up ở Mỹ đóng cửa do phá sản hoặc giải tán (năm 2022 là 467 start-up). Riêng quý 3 trong tài khóa 2023 đã chứng kiến 212 công ty khởi nghiệp đóng cửa, con số cao nhất kể từ khi Carta bắt đầu thu thập dữ liệu. 

Đây là lý do khiến một số người trong giới nhận định tình hình đang tồi tệ tới mức có thể gọi là "cấp độ tuyệt chủng" với các start-up.

Từ "kỳ lân" đến "xác sống"

Trước khi bước vào "nốt trầm" 2023, giới công nghệ từng thăng hoa khi các nhà đầu tư mạo hiểm, các nhà đầu tư thiên thần đổ hàng tỉ tỉ USD vào các start-up công nghệ. Theo số liệu của The New York Times, trong giai đoạn từ 2021-2022, đầu tư cho các start-up ở Mỹ đã tăng gấp 8 lần, lên 344 tỉ USD.

Dòng tiền được thúc đẩy mạnh nhờ lãi suất thấp và những thành công của mạng xã hội và các app di động. Từng có những thời điểm chỉ cần một anh Tom, Dick hay Harry nào đó có một ý tưởng khởi nghiệp gắn với các từ khóa "hot trend" kiểu như "blockchain" hay "AI", ngay lập tức dòng tiền như thác lũ sẽ đổ vào họ rất dễ dàng.

Ở thời hoàng kim đó, số "kỳ lân" - các công ty khởi nghiệp chưa niêm yết được định giá từ 1 tỉ USD trở lên - nhiều như nấm sau mưa, bùng nổ từ vài chục lên tới cả ngàn, điều này không chỉ ở Mỹ và Trung Quốc. Tại Ấn Độ, kể từ đầu năm 2021, số kỳ lân đã tăng từ 40 lên 108, chỉ thua hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Tuy nhiên sau đó, khi lãi suất tăng cao, môi trường kinh tế bất ổn, nguồn vốn đầu tư không chỉ trở nên khan hiếm với các công ty đang ở giai đoạn đầu phát triển, mà còn với cả các doanh nghiệp đã gây dựng được vị thế nhất định. 

Perter Walker
Năm nay là năm khó khăn nhất với các start-up, ít nhất là trong một thập niên

CNN dẫn số liệu của PitchBook cho thấy nguồn vốn đầu tư mạo hiểm cho các stat-up trên toàn cầu đã giảm hơn một nửa kể từ năm ngoái. Tổng số vốn thu được thông qua các vòng huy động trong năm 2023 được dự đoán ở mức thấp nhất kể từ năm 2015.

Việc thiếu cả vốn lẫn các cơ hội thoái vốn khiến các công ty mới không thể triển khai hoạt động kinh doanh còn các công ty cũ thì rơi vào bế tắc. Với một công ty thuộc sở hữu tư nhân, các cơ hội bán cổ phiếu còn khó hơn nữa.

Tình cảnh khó khăn khiến nhiều start-up phải cắt giảm chi phí thông qua sa thải nhân sự và "bán tháo" tài sản để cố trụ lại. Tháng 8-2023, Hopin - start-up từng huy động được hơn 1,6 tỉ USD và được định giá 7,6 tỉ USD - đã bán mảng kinh doanh chính của họ với giá chỉ 15 triệu USD. 

Tháng 10, Zeus Living - một start-up bất động sản từng huy động được 150 triệu USD - cũng thông báo sẽ đóng cửa. Hay như Plastiq, một start-up công nghệ tài chính phá sản trong tháng 5-2023, dù từng huy động được 226 triệu USD.

Bức tranh start-up 2023: Hết tiền, hết bạc, hết thời gian- Ảnh 2.

Không dễ có được bức tranh đầy đủ về những cuộc "rời sân" của các công ty công nghệ tư nhân vì thường họ không bị yêu cầu phải công bố khi ngừng kinh doanh. Một số công ty chọn đóng cửa trước khi hết sạch tiền và dồn những gì còn lại trả cho các nhà đầu tư. 

Số khác rơi vào tình trạng "zombie" (xác sống) - tồn tại nhưng không thể phát triển. Với những trường hợp này, giới đầu tư cho rằng họ có thể kéo dài trạng thái zombie trong nhiều năm nhưng chắc chắn sẽ rất chật vật trong việc huy động thêm vốn.

Anand Lunia, thuộc công ty đầu tư mạo hiểm India Quotien có trụ sở tại Bangalore, tin rằng có khoảng từ 1/4 cho tới 1/2 các kỳ lân hiện nay ở Ấn Độ sẽ trở thành các zombie, sẽ chỉ còn tồn tại trên danh nghĩa nhưng sẽ dần bị đứt vốn đầu tư và không thể hoạt động. 

Theo thống kê của Công ty Inc42 chuyên theo dõi hoạt động của các start-up tại Ấn Độ, trong năm qua đã có khoảng 20.500 đợt sa thải nhân sự, dự báo còn tiếp tục làn sóng cho nghỉ lớn hơn nữa. Lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nhất là công nghệ giáo dục (Edtech) với 16 công ty sa thải hơn 8.000 người.

Nhìn thẳng vào sự thật

Đầu tháng 12 này, nữ doanh nhân Ishita Arora đã chia sẻ trên tài khoản X (Twitter) rằng bà phải "đối diện sự thật" là công ty phần mềm Dayslice của mình đã không thu hút đủ lượng khách hàng để thỏa mãn các nhà đầu tư. Vì thế, Arora đã đi đến quyết định khó khăn là dần thu hẹp và đóng cửa doanh nghiệp, hoàn trả một phần số tiền đã huy động được trước đó.

Tháng 11-2023, Gabor Cselle - nhà sáng lập start-up mạng xã hội Pebble - cũng đã chia sẻ thông điệp tương tự. Pebble sẽ trả lại các nhà đầu tư một phần nhỏ trong số tiền họ đã huy động và tin rằng đó là điều đúng đắn nên làm.

Amanda Peyton, nhà sáng lập start-up thanh toán Braid, cũng từng chia sẻ nỗi lo lắng và cô đơn khi phải đóng cửa doanh nghiệp vào tháng 10 năm nay trên blog cá nhân. Nhưng điều bà bất ngờ là đã có hơn 100.000 người đọc nó và rồi tới tấp các tin nhắn chia sẻ, động viên của những người trong cộng đồng khởi nghiệp đã gửi tới bà. 

Chia sẻ với báo NYT, nữ doanh nhân bảo rằng bà đã từng nghĩ cơ hội và tiềm năng phát triển với phần mềm là vô tận. "Nhưng rõ ràng không phải như vậy. Thị trường có giới hạn của nó" - bà nói.

Bức tranh start-up 2023: Hết tiền, hết bạc, hết thời gian- Ảnh 3.

Các nhà đầu tư mạo hiểm cũng đã thúc giục một số doanh nhân nên cân nhắc một cách lý trí trong tình cảnh khó khăn này để có thể thoát ra khỏi những start-up đã không còn cơ hội phát triển, thay vì tốn thêm tiền bạc và thời gian để rồi càng lún sâu vào bế tắc. 

"Có lẽ tốt hơn là hãy chấp nhận thực tế và thừa nhận thất bại" - Elad Gil, một nhà đầu tư mạo hiểm, đã viết như vậy từ cuối tháng 2-2023 trên blog của ông.

Hai trong số các start-up nhận được đầu tư của công ty đầu tư mạo hiểm Freestyle Ventures đã làm vậy: họ hoàn lại một nửa giá trị vốn đã huy động được cho các nhà đầu tư. Chính Freestyle Ventures cũng khuyến khích các start-up làm thế càng sớm càng tốt, để tránh rơi vào thế bế tắc sau này. "Càng nhận được nhiều tiền trước khi tàn cuộc thì hậu quả sẽ càng dai dẳng" - Jenny Lefcourt, một nhà đầu tư của hãng, giải thích.

Giới quan sát cho rằng tình trạng khó khăn trong huy động vốn cũng như triển khai chiến lược thoái vốn với các start-up sẽ còn tiếp tục kéo dài trong năm tới. Tuy nhiên các nhà phân tích cũng chỉ ra một số tín hiệu tiềm năng phía trước. 

Allan Parks, quản lý tại nền tảng cổ phần tư nhân Allvue, gần đây nhận định với CNN rằng các nguồn vốn đầu tư cho AI và công nghệ sinh học vẫn đang tương đối tốt.

Nhiều nhà đầu tư cũng cho rằng vẫn có điểm tích cực cho giới khởi nghiệp trong bối cảnh nhiều thách thức ngặt nghèo hiện nay. Việc các start-up được định giá cao chót vót tới mức vô lý và phi thực tế trong đại dịch COVID-19 đã qua và mọi thứ đang "trở lại đời thường". 

Thêm nữa, trong hoàn cảnh buộc phải thắt lưng buộc bụng hiện nay, các nhà sáng lập doanh nghiệp cũng tất yếu phải thực hành kỷ luật và tiết kiệm hơn trong chi tiêu ngân sách. 

"Giờ là thời điểm tốt để khởi sự một doanh nghiệp nhưng là giai đoạn khó khăn để phát triển một công ty, vì mọi người đều đang trải qua một giai đoạn có những thay đổi đột ngột này" - Walker nhận định.

Start-up giúp start-up đóng cửa làm không hết việc

SimpleClosure, một start-up ra đời với dịch vụ hỗ trợ các start-up khác làm thủ tục dừng hoạt động, đã gần như không đáp ứng hết các nhu cầu khách hàng kể từ khi khai trương vào tháng 9-2023, theo chia sẻ của nhà sáng lập Dori Yona.

Các dịch vụ SimpleClosure cung cấp bao gồm giúp chuẩn bị hồ sơ pháp lý và đàm phán, thỏa thuận các trách nhiệm với nhà đầu tư, với đối tác bán hàng, với khách hàng và với nhân viên. Theo ông Yona, thật buồn khi thấy quá nhiều

start-up đóng cửa nhưng công ty của ông cảm thấy việc có thể giúp các nhà sáng lập doanh nghiệp tìm giải pháp kết thúc - cả theo nghĩa đen và nghĩa bóng - trong một giai đoạn khó khăn là điều rất đặc biệt.

Mảng màu sáng hơn tại châu Âu

Năm nay, theo báo cáo thường niên của công ty đầu tư mạo hiểm Atomico, các start-up tại châu Âu ước tính đã thu hút được 45 tỉ USD vốn đầu tư, giảm 38% so với năm ngoái và giảm 55% so với năm đỉnh cao 2021.

Khu vực này chỉ có thêm bảy "kỳ lân" trong năm 2023, so với mức tăng thêm 48 trong năm 2022. Đó là chưa kể đã có thêm một số kỳ lân bị "mất sừng", năm nay là 50 và năm ngoái là 58.

Dù vậy, nhìn về tổng thể và dài hạn, tạp chí Economist cho rằng các start-up ở châu Âu vẫn đang cầm cự tốt hơn và trong một số phương diện, họ xử lý khủng hoảng tốt hơn các start-up ở Mỹ. Vốn đầu tư cho start-up ở châu Âu có giảm bớt trong hai năm qua nhưng vẫn cao hơn 18% so với năm 2020.

Châu Âu cũng đang có số start-up nhiều hơn Mỹ với khoảng 14.000 start-up được thành lập trong khoảng từ tháng 1 đến tháng 9-2023, trong khi ở Mỹ là 13.000.

Mức độ bền bỉ và vững vàng hơn của các doanh nghiệp công nghệ tại châu Âu được lý giải một phần là do sự trưởng thành ngày càng tăng của họ. Nhiều chủ start-up là dân kỳ cựu - họ rời các công ty đã thành công để lập doanh nghiệp của riêng mình; có hơn 9.000 người như thế ở châu Âu, nếu chỉ tính những người từng làm cho start-up kỳ lân thành lập vào những năm 2000.

Một nguyên nhân khác là "đặc tính châu Âu" rất khác với Mỹ của ngành công nghệ nơi đây. Từ tháng 1 đến tháng 9-2023, trong khi toàn châu Âu chỉ có khoảng 35 đợt huy động vốn rót tiền cho các nhà phát triển AI tạo sinh thì ở Mỹ là 106 đợt.

Cùng với đó, các start-up liên quan khí hậu đã chiếm tới 27% trong tổng số vốn đầu tư cho công nghệ tại châu Âu trong năm 2023, một tỉ lệ lớn hơn nhiều so với Mỹ. Các công ty công nghệ khí hậu giờ đã vượt qua lĩnh vực công nghệ tài chính tại châu Âu.

Dù vậy, trở ngại lớn nhất cho tham vọng của các start-up châu Âu chính là mặc dù châu lục này vẫn luôn cố gắng thiết lập một thị trường số thống nhất và thông suốt như Mỹ nhưng những khác biệt về thuế và quy định vẫn còn quá nhiều.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận