27/06/2023 11:07 GMT+7

Vào đại học: Dễ hay khó? - Kỳ 4: 'Dễ như ăn kẹo?'

Mới đây, nhiều thí sinh đăng ký xét học bạ vào Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM ngỡ ngàng khi vừa nộp hồ sơ đã trúng tuyển.

Thí sinh nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển học bạ THPT tại Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM tháng 5-2023 - Ảnh: TRẦN HUỲNH

Thí sinh nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển học bạ THPT tại Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM tháng 5-2023 - Ảnh: TRẦN HUỲNH

"Nghe một số bạn cùng trường "bắn" tin, muốn đậu đại học ngay thì đăng ký xét học bạ vô Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM. Em thử đăng ký buổi sáng mà đến tối đã có kết quả rồi, trúng tuyển ngành kỹ thuật xây dựng" - L.Q.H. (Quảng Nam) cho biết.

Nộp hồ sơ đậu ngay là chuyện thật

L.Q.H. kể: "Truy cập vào hệ thống tuyển sinh của trường, chỉ cần khai báo một số thông tin, trong đó có dữ liệu điểm học bạ. Chỉ trong ngày đã có tin trúng tuyển. Thật nhanh không tưởng".

Xét học bạ THPT là một trong bốn phương xét tuyển sớm của trường này trong năm nay. Theo đề án tuyển sinh của trường, thí sinh có tổng điểm trung bình năm học kỳ (ở bậc THPT, trừ học kỳ 2 lớp 12) của các môn trong tổ hợp xét tuyển đạt từ 18 điểm trở lên (thang 30 điểm) đủ điều kiện nộp hồ sơ.

Trường sẽ xét hai đợt, đợt 1 từ ngày 15-4 đến 30-5, đợt 2 từ ngày 3-6 đến 20-6.

Nhưng theo nhiều thí sinh, khi chưa kết thúc đợt 1, họ đã nhận được thông báo trúng tuyển (có điều kiện); có nghĩa chỉ chờ thí sinh đỗ tốt nghiệp THPT và xác nhận nguyện vọng xét tuyển vào trường trên hệ thống của Bộ GD-ĐT là có thể nhập học.

Kể về băn khoăn khi con bất ngờ trúng tuyển, bà Nguyễn Thị Huyền (phụ huynh ở TP.HCM) chia sẻ: "Thấy con tôi và bạn bè xôn xao chuyện đăng ký xét tuyển học bạ đậu ngay, ban đầu tôi nghĩ các con nhầm lẫn. Nhưng sự thật là chỉ cần đăng ký tài khoản theo số căn cước công dân là có thể đăng nhập vào hệ thống xét tuyển.

Sau đó, kê khai các thông tin theo yêu cầu, và tải lên các minh chứng gồm ảnh căn cước công dân, học bạ THPT. Đăng ký buổi tối đến sáng hôm sau nhận kết quả "đạt" với số điểm tổng hợp tổ hợp môn (A00) 19,38 điểm. Con tôi "trúng tuyển" vào ngành khoa học hàng hải - chương trình chất lượng cao".

Trúng tuyển ngay lập tức lẽ ra phải vui, nhưng nhiều thí sinh và phụ huynh lại lo âu không biết kết quả đó có được đảm bảo không. Biết đâu trường sẽ thay đổi hoặc có gì đó nhầm lẫn khiến "đỗ thành trượt". "Nhanh quá lại đâm lo", bà Huyền lo lắng.

Thanh Tuấn (Long Biên, Hà Nội) cũng có tâm trạng tương tự khi nhận thông báo đỗ hai trường ở khu vực miền Bắc và một trường khu vực miền Trung bằng phương thức xét học bạ:

"Em biết mình có lực học không tốt nên chỉ đăng ký vào mấy trường có yêu cầu vừa phải. Em đã đỗ vào Học viện Phụ nữ, ngành tâm lý học với mức điểm khá cao so với ngưỡng điểm học viện thông báo.

Hai trường còn lại, em chỉ đủ điểm bằng ngưỡng nhận hồ sơ, nhưng không ngờ cũng được thông báo trúng tuyển. Tự nhiên em lại thấy băn khoăn. Không biết nên học trường nhận mình với mức điểm bằng "sàn" hay trường mình có số điểm cao hơn ngưỡng nhận hồ sơ vài điểm".

Trúng tuyển sớm vào hơn 10 trường

Câu chuyện bỗng dưng trúng tuyển, thậm chí trúng tuyển hơn chục trường đã có từ năm trước. Ngọc Anh, sinh viên năm thứ nhất Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn - ĐH Quốc gia Hà Nội, cho biết mình đã phát hoảng khi liên tiếp có email thông báo hoặc giấy báo trúng tuyển gửi qua đường bưu điện về nhà, trong đó có trường tư Ngọc Anh không hề đăng ký.

Hà Tuân, một sinh viên khác, cho biết năm trước, để "chống trượt" em đã đăng ký dự tuyển vào bảy trường, mỗi trường đăng ký 3-4 ngành. Trong đó có ba trường ở tốp có điểm chuẩn dưới 20 theo phương thức thi tốt nghiệp THPT và một trường tư.

Tuân đủ điều kiện trúng tuyển cả bốn trường này theo phương thức xét điểm THPT. Ba trường còn lại Tuân phải "kiễng chân". Cậu trượt nguyện vọng 1 vào trường "hot" nhất và đỗ nguyện vọng 2.

Nhớ lại, Tuân kể: "Em không nghĩ thời bây giờ đỗ đại học lại dễ thế. Ai cũng có thể đỗ chỉ có điều là đỗ trường nào, ngành nào mà thôi. Nếu mục tiêu chỉ để được học đại học thì đơn giản. Năm trước đỗ tới năm trường.

Bố mẹ cứ trêu biết thế đăng ký chục trường, ai hỏi thì nói "đỗ chục trường" cho oách. Nhưng khi đã là sinh viên, nghĩ lại em mới thấy nên có sự chuẩn bị để chỉ đăng ký vào trường/ngành mình thực sự thích học, có khả năng học tốt thay vì đỗ quá nhiều và quá dễ".

Câu chuyện đỗ đại học "dễ như ăn kẹo" cũng tái diễn ở mùa tuyển sinh năm nay. Nguyễn Thị Thùy Linh (học sinh lớp 12 một trường THPT ở quận Tân Phú, TP.HCM) cho biết đã nộp hồ sơ xét tuyển vào năm trường. Trong đó ba trường xét tuyển học bạ, hai trường sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM.

Hiện Thùy Linh đã nhận được thông báo đủ điều kiện trúng tuyển của cả năm trường. Việc của Thùy Linh bây giờ là thi xong tốt nghiệp và lại "cân não" để chọn trường nào trong số năm trường đã đủ điều kiện trúng tuyển.

Năm trường vẫn chưa là gì. Con trai ông Hồ Văn Sang - phụ huynh ở quận Tân Bình, TP.HCM - tới thời điểm này đã nhận được 10 giấy báo trúng tuyển có điều kiện.

Chia sẻ về thành tích "đỗ 10 trường" của con nhưng ông Sang không thật sự vui, ông kể: "Đó vẫn chưa phải những trường nó thực sự muốn học. Nên nó vẫn đang chờ.

Thời nay khác thiệt, tôi không nghĩ đỗ đại học lại dễ như thế, chẳng bù cho thời của mình, chỉ được thi vào một trường lại quá khó nên nhiều người chỉ dám mơ mà không bước được vào cổng trường đại học".

Ông Sang cũng băn khoăn vì "đỗ dễ thế" thì chất lượng học hành sẽ thế nào? Liệu học các trường "dễ đỗ" ra trường bằng đại học có đủ uy tín để xin việc không?

Thí sinh tìm tên mình trong danh sách dự thi tốt nghiệp THPT - Ảnh: NGUYÊN BẢO

Thí sinh tìm tên mình trong danh sách dự thi tốt nghiệp THPT - Ảnh: NGUYÊN BẢO

Gọi trúng tuyển với mức điểm "chạm đáy"

Điểm chuẩn theo phương thức xét tuyển sớm của một số trường ở cả hai miền Nam, Bắc có những ngành thấp, thậm chí chạm đáy với trung bình chỉ 5 điểm/môn.

Ở khu vực Hà Nội, cùng một phương thức là xét điểm THPT và IELTS nhưng có trường điểm chuẩn vọt lên 28-30 điểm (Trường ĐH Ngoại thương, Trường ĐH Luật Hà Nội) nhưng có một số trường, học viện chỉ ở mức 18-22 điểm, tùy theo từng ngành.

Khu vực phía Nam, Trường ĐH Văn Hiến vừa công bố điểm trúng tuyển theo kết quả học bạ THPT. Với cách tính tổng điểm trung bình ba môn trong tổ hợp xét tuyển của năm học kỳ THPT thì chỉ cần 18 điểm là đỗ.

Một phương thức khác của trường này là tổng điểm trung bình chung cả năm lớp 12 đạt 6,0 điểm là có thể đỗ. Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM cũng công bố điểm chuẩn dao động từ 18-25,25 theo phương thức xét học bạ. Còn theo phương thức xét kết quả thi đánh giá năng lực có mức điểm chung là 550/1.200.

Trong khi Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM công bố điểm trúng tuyển sớm hai đợt cho tất cả các ngành tuyển sinh năm 2023 với mức điểm "chạm đáy" là 15 điểm theo phương thức xét kết quả học tập THPT và 500 điểm theo phương thức xét điểm thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM đợt 1.

Nhiều trường đại học công và tư có sức hút không cao đều dành từ 25-70% tổng chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển sớm. Và để cạnh tranh, níu chân người học, nhiều trường không chờ thời hạn chót nhận hồ sơ đã thông báo cho thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển.

Thật là dễ như ăn kẹo. Nhưng cũng mang đến nhiều băn khoăn, lo âu cho thí sinh về sự đảm bảo chắc chắn đỗ, về chất lượng đào tạo, giá trị của tấm bằng đại học.

Điều căn bản là chỉ vì "dễ như ăn kẹo" mà học đại một trường, một ngành không phù hợp, không yêu thích thì các bạn trẻ sẽ dễ chán, dễ bỏ ngang và khó có thể có đủ năng lực, thành công sau này.

------------

Kỳ tới:“Sàn đấu” cuối cùng?

Vào đại học: Dễ hay khó? - Kỳ 3: "Cửa" đánh giá năng lực vẫn còn lạ lẫmVào đại học: Dễ hay khó? - Kỳ 3: 'Cửa' đánh giá năng lực vẫn còn lạ lẫm

Nhìn vào phổ điểm thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội năm 2023 mới công bố thì thấy số lượt thí sinh đạt từ 110 điểm trở lên có 1,9%. Số đạt từ 100 điểm trở lên chỉ có 6%. Điểm trung bình của thí sinh dự thi là 77,1/150 điểm.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên