Dù sinh ra chỉ có mẹ, nhưng Lê Thị Hải Nguyên nói được có mặt trên cuộc đời này đã là một món quà của tạo hóa. Và cánh cửa Trường đại học Ngoại thương (Hà Nội) vừa mở ra với Hải Nguyên như một món quà, mà cũng là phép thử cho những ngày sắp tới: Làm sao đủ sức đi tiếp

Từ mớ rau ‘hai ngàn’ của mẹ, Hải Nguyên vào đại học, hứa thành người tử tế - Ảnh 1.

"Từ nhỏ, con đã nhận được sự giúp đỡ của mọi người. Mẹ mong con sau này lớn lên sẽ giúp đỡ những người khác". Lời dặn dò của mẹ đã gieo vào trái tim Lê Thị Hải Nguyên những hạt mầm của sự tử tế.


Từ mớ rau ‘hai ngàn’ của mẹ, Hải Nguyên vào đại học, hứa thành người tử tế - Ảnh 2.


Từ mớ rau ‘hai ngàn’ của mẹ, Hải Nguyên vào đại học, hứa thành người tử tế - Ảnh 3.


4h sáng, trên cánh đồng xóm Toàn Thắng 2 (xã Đồng Liên, thành phố Thái Nguyên), hai bóng người lui cui giữa ruộng, tay thoăn thoắt cắt từng mớ rau. Trời chưa tỏ mặt người, chỉ có tiếng ếch nhái kêu vang trên đồng ruộng. Chiếc đèn pin đội đầu soi rõ bóng lưng của mẹ giúp Nguyên an tâm phần nào.


Từ mớ rau ‘hai ngàn’ của mẹ, Hải Nguyên vào đại học, hứa thành người tử tế - Ảnh 4.

4h sáng, Nguyên dậy phụ mẹ cắt rau trên cánh đồng

"Trời mưa, rau nhanh lên mẹ nhỉ?" - Nguyên nói rồi rảo bước theo sát mẹ.

Cạnh bên, bà Lê Thị Toàn (mẹ của Nguyên) dặn dò con gái ráng cắt sát gốc rau. Thi thoảng, bà hỏi về chuyện học hành của con, chuyện tập dượt văn nghệ cho mấy đứa trẻ trong xóm. Tiếng trò chuyện râm ran của hai mẹ con như phá tan bầu không khí tĩnh mịch buổi sớm tinh mơ.

Chừng một giờ đồng hồ sau, Nguyên bê mớ rau muống nặng trịch chất lên chiếc xe đạp điện cũ trở về nhà.

Đôi tay vốn quen cầm bút, nay thoăn thoắt cắt rau, lựa bỏ lá vàng úa. Ngồi trước sân nhà, Nguyên rửa từng mớ rau muống cho sạch sẽ để lát nữa mẹ mang ra chợ bán hoặc gửi nhờ cửa hàng bán giùm.

Đều đặn mỗi ngày, Nguyên khởi đầu ngày mới bằng việc phụ giúp mẹ việc nhà, sau đó mới chuẩn bị bài vở đến trường. Đường từ nhà đến trường khá xa, nhưng chưa bao giờ Nguyên đi học muộn, luôn là lớp trưởng gương mẫu.

Đến trưa, Nguyên về phụ giúp mẹ dọn dẹp, sau đó tiếp tục đến trường học tập. Gặp hôm nhiều rau quá, hai mẹ con tranh thủ cắt rau từ buổi tối hôm trước để cho công việc sáng hôm sau nhẹ nhàng hơn. Đêm đến, Nguyên mới ngồi vào bàn học.

Mỗi ngày có 24 giờ được Nguyên tận dụng tối đa. Bận rộn nhất phải kể đến những năm lớp 12 khi em vừa học ở trường, tích cực tham gia các hoạt động, vừa dành thời gian phụ giúp gia đình.


Từ mớ rau ‘hai ngàn’ của mẹ, Hải Nguyên vào đại học, hứa thành người tử tế - Ảnh 5.

Vào đại học từ mớ rau muống sớm hôm của mẹ

Sinh ra thiếu vắng tình thương của cha, suốt 18 năm qua, Nguyên lớn lên trong vòng tay mẹ, sự chở che của ông bà ngoại và sự đùm bọc của hàng xóm, láng giềng. Có lẽ chính tình yêu thương của những người xung quanh đã gieo vào trái tim cô gái nhỏ hạt mầm của sự tử tế.

Mang vẻ ngoài cứng rắn, mạnh mẽ nhưng nếu ai đó vô tình "chạm đúng mạch", nước mắt của Nguyên cứ thế tuôn rơi. Nguyên thổ lộ khi ý thức được hoàn cảnh của mình, em chọn cách giấu kín nỗi buồn, dù không ít lần ước mong mình cũng có gia đình đủ đầy tình thương của mẹ, của cha.

Bà Nguyễn Thị Dừ - bà ngoại của Nguyên - kể ngày nhỏ có đôi lần cháu gái hỏi về cha, nhưng khi nghe bà ngoại và mẹ giải thích, cô gái nhỏ tỏ ra hiểu chuyện, không nhắc đến nữa vì sợ mẹ buồn.

"Được là con của mẹ là một món quà lớn mà cuộc đời tặng ban" - Nguyên giãi bày.

Những lúc thấy buồn, cô gái nhỏ chọn tìm đến những trang sách, nghe nhạc để giải tỏa áp lực, căng thẳng trong cuộc sống. Em cũng hay tâm sự với mẹ, nhìn thấy nụ cười của mẹ như tiếp thêm động lực cho em tiếp tục vững bước trên đường đời.

"Còn mẹ, em còn lý do để phấn đấu" - Nguyên quả quyết.

Từ mớ rau ‘hai ngàn’ của mẹ, Hải Nguyên vào đại học, hứa thành người tử tế - Ảnh 7.


Từ mớ rau ‘hai ngàn’ của mẹ, Hải Nguyên vào đại học, hứa thành người tử tế - Ảnh 8.


Căn nhà cấp bốn của hai mẹ con Nguyên nép mình ở cuối xóm Toàn Thắng 2, được dựng trên phần đất của ông bà ngoại chia cho. Bà Toàn bị khuyết tật vận động, một chân bị teo lại, đi tập tễnh. Sức vóc chỉ bằng một nửa người ta, vậy mà ngày ngày vẫn dậy sớm đi bán rau, bán ổi, một mình lặn lội ngược xuôi nuôi con gái nên người.

Mùa này, vườn rau muống mọc lên tươi tốt, nhưng ngặt nỗi giá cả bấp bênh. Bà Toàn nhẩm tính trước kia bán mớ rau ở chợ từ sáng đến trưa cũng kiếm được 50.000 - 70.000 đồng/ngày, nhưng nay rau muống chỉ hơn 2.000 đồng/mớ, thậm chí có hôm rau ế quá không bán được.

Ngày nhỏ con gái thường xuyên ốm đau, bà Toàn nhớ những lần lê đôi chân tập tễnh vào viện, một tay ôm lấy con, vừa đi vừa khóc. Đến khi Nguyên bước vào cấp 1, cấp 2, có ông bà ngoại đỡ đần nên bà cũng vơi bớt nhọc nhằn. Nhưng áp lực lớn dần khi Nguyên bước vào cấp 3, gánh nặng chi phí học tập khiến đôi vai của bà oằn xuống.

Lắm lúc áp lực quá, đêm về bà nằm khóc một mình. Nhưng rồi đến sớm mai lại vùng dậy, bắt đầu công việc của một ngày mới. Bà từng nghĩ: "Giá như con chỉ học bình thường thôi, chỉ học hết cấp ba thôi". Nhưng rồi chính người mẹ ấy lại gạt suy nghĩ đó đi. "Thôi đời mình đã khổ rồi, con học được thì mình cố gắng làm lụng, kiếm được đồng nào đầu tư cho con học".

Bà Toàn nhớ lại giây phút nhận tin con đạt thủ khoa trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 của Trường THPT Chu Văn An (Thái Nguyên), bà bật khóc nức nở. Nhận được điện thoại của thầy cô, các cô bác ở xã động viên, bà càng khóc lớn hơn.

Nay hễ thấy bà Toàn ra chợ là nhiều người xúm lại mua rau ủng hộ vì "có con gái học giỏi lắm". Nhiều lần các cô bác mua rau còn trả dư tiền, nói cho thêm hai mẹ con để động viên tinh thần.

Mới đây, Nguyên nhận tin đậu Trường đại học Ngoại thương (Hà Nội). Đôi vai của người mẹ một lần nữa lại trĩu nặng, bà Toàn không biết rồi nay mai lấy gì để trang trải việc học hành của con khi số nợ trong nhà ngày một lớn dần?

"Số nợ 80 triệu đồng sang năm đến hạn trả, nhưng chắc tôi lại xin khất…" - ánh mắt người mẹ chùng xuống khi nhắc đến sổ nợ ngày một lớn dần.

Ngồi cạnh mẹ, Nguyên nhớ lại suốt 20 ngày đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển là bấy nhiêu ngày em trăn trở trước hoàn cảnh của gia đình. "Liệu em có nên để nguyện vọng ở Hà Nội không hay để nguyện vọng ở Thái Nguyên?" - Nguyên tự hỏi. Đến ngày cuối cùng, em quyết tâm bước đến cánh cổng đại học ở Hà Nội.

Về chi phí suốt 4 năm học, Nguyên nói "chẳng có gì nhiều ngoài sức khỏe và ý chí, nên sẽ nỗ lực học thật giỏi để có học bổng, đồng thời cố gắng đi làm thêm, làm gia sư để trang trải sinh hoạt phí".

Từ mớ rau ‘hai ngàn’ của mẹ, Hải Nguyên vào đại học, hứa thành người tử tế - Ảnh 9.

Còn bà Toàn dự tính trước mắt vẫn cắt rau, cắt cỏ mỗi ngày để tích cóp được đồng nào hay đồng ấy. Bà cũng tính nay mai nếu ai thuê làm giúp việc, rửa bát thì sẽ đi làm để có thêm thu nhập.

Từ mớ rau ‘hai ngàn’ của mẹ, Hải Nguyên vào đại học, hứa thành người tử tế - Ảnh 10.


Chưa đầy một tháng nữa, Nguyên sẽ rời quê lên Hà Nội nhập học. Thời gian rảnh, Nguyên tranh thủ dạy thêm cho mấy đứa trẻ ở xóm. "Chiếc bảng" tự chế do chính tay em thiết kế được treo ngay ngắn trên tường thay bảng phấn, dạy các em học tiếng Anh, ngữ văn.


Tranh thủ thời gian nghỉ, Hải Nguyên dạy học cho đám trẻ trong làng

Vừa dạy học xong là Nguyên nhắn tin vào nhóm Zalo - quy tụ các bạn nhỏ năng nổ là "cây văn nghệ" của xóm, của trường. Khoảng sân trước nhà mẹ trồng đầy hoa nay được mượn làm sân tập văn nghệ cho các bạn nhỏ. Đứng nép mình trong góc nhà, bà Toàn không giấu được nụ cười hạnh phúc. Cũng bởi chẳng hạnh phúc nào hơn cho bằng trong nhà đầy ắp tiếng cười trẻ thơ.

Từ mớ rau ‘hai ngàn’ của mẹ, Hải Nguyên vào đại học, hứa thành người tử tế - Ảnh 12.

Nguyên còn là “cây văn nghệ” của xóm, tập văn nghệ cho các bạn nhỏ

Tập xong, mấy đứa trẻ ùa vào nhà, ngắm nghía tập giấy khen, bằng khen của Nguyên treo trên tường rồi reo lên xuýt xoa: "Woaaa, nhiều quá chị Nguyên ơi"! "Ước ước, xin vía, xin vía"… "Sau này em muốn được như chị Nguyên, học giỏi, chăm ngoan, lúc nào cũng được 9, 10" - bé Lê Mai Hương (6 tuổi) hào hứng nói.

Nơi góc học tập, có lẽ thứ đáng giá nhất là những tập vở, cuốn sách được Nguyên "note" tỉ mẩn. Với quỹ thời gian ít ỏi nhưng khối lượng công việc nhiều, em chọn cách lập kế hoạch, phân bổ thời gian hợp lý. Trong việc học, Nguyên thường xuyên lập sơ đồ tư duy, viết ghi chú để tiếp thu bài vở nhanh nhất.

Từ mớ rau ‘hai ngàn’ của mẹ, Hải Nguyên vào đại học, hứa thành người tử tế - Ảnh 13.

Hai mẹ con rạng rỡ trong ngày Nguyên tốt nghiệp lớp 12

Bên cạnh việc học, Nguyên còn năng nổ tham gia các hoạt động ở trường như tham gia đội tình nguyện "Tiếp sức mùa thi", đi thiện nguyện tại trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật. Hiện em là thành viên ban điều hành của một nhóm cựu học sinh Chu Văn An tổ chức các hoạt động hỗ trợ các bạn nhỏ có hoàn cảnh khó khăn.

Chia sẻ cơ duyên đến với hoạt động thiện nguyện, Nguyên nhớ mãi trước kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, em bị tai nạn, phải băng bó chân, không đi lại được. Nguyên đã được các anh chị tình nguyện viên cõng lên phòng thi, giúp em hoàn thành tốt bài thi, trở thành thủ khoa của kỳ thi tuyển sinh năm đó.

Từ mớ rau ‘hai ngàn’ của mẹ, Hải Nguyên vào đại học, hứa thành người tử tế - Ảnh 14.

Trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, Hải Nguyên được anh chị tình nguyện viên cõng vào phòng thi do chân không đi lại được

Kể từ giây phút ấy, Nguyên nỗ lực vừa học vừa tham gia các hoạt động xã hội, giúp đỡ những người có hoàn cảnh như em, giúp họ vượt qua khó khăn.

"Con hứa với mẹ sẽ học thật tốt và trở thành một người tử tế, tử tế với chính bản thân, tử tế với mẹ và tử tế với mọi người xung quanh nữa. Từ bé đến giờ con luôn nhận được sự giúp đỡ của mọi người, vì thế mẹ luôn mong con sau này lớn lên sẽ giúp đỡ người khác. Con hứa sẽ trở thành người như vậy" - Lê Thị Hải Nguyên tâm niệm.


Từ mớ rau ‘hai ngàn’ của mẹ, Hải Nguyên vào đại học, hứa thành người tử tế - Ảnh 15.


Từ mớ rau ‘hai ngàn’ của mẹ, Hải Nguyên vào đại học, hứa thành người tử tế - Ảnh 16.

Từ mớ rau ‘hai ngàn’ của mẹ, Hải Nguyên vào đại học, hứa thành người tử tế - Ảnh 17.

Các bạn đăng ký học bổng Tiếp sức đến trường 2023 TẠI ĐÂY

HÀ THANH - NGUYỄN HIỀN
NGUYỄN HIỀN - HÀ THANH - NVCC
SONG UYÊN


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0