11/05/2024 15:04 GMT+7

Trái cây teo tóp theo hạn mặn

Hạn mặn kéo dài khiến nguồn nước ngọt tại các tỉnh miền Tây khan hiếm dẫn đến tình trạng xứ dừa thiếu dừa, vương quốc sầu riêng khan hiếm sầu riêng.

Ảnh minh họa bằng công nghệ AI - Thực hiện: T.ĐẠT

Ảnh minh họa bằng công nghệ AI - Thực hiện: T.ĐẠT

Các địa phương chuyên canh vườn cây ăn trái như Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp... gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn nước tưới khiến năng suất một số loại trái cây như sầu riêng, chôm chôm, dừa, xoài giảm.

Bến Tre: thiếu dừa, giá tăng gấp đôi

Bến Tre là thủ phủ cây dừa của cả nước nhưng thời gian qua các nhà máy chế biến, xuất khẩu cũng "đỏ mắt" để tìm nguồn nguyên liệu dù đã tăng giá lên rất cao so với mọi năm. Đặc biệt là với loại dừa xiêm (dừa uống nước, chiếm hơn 20% trong tổng diện tích dừa khoảng 79.000ha) đang thiếu nghiêm trọng.

Những ngày đầu tháng 5, dọc theo các tuyến quốc lộ, huyện lộ trên địa bàn tỉnh Bến Tre, đâu đâu người dân cũng bàn tán về giá dừa xiêm đang nóng lên từng ngày. Mới tuần trước chỉ khoảng trên dưới 100.000 đồng/chục (12 trái) thì nay đã lên 130.000 đồng/chục.

"Giá cao nhưng đâu có dừa để bán! Treo đọt từ nhiều tháng nay rồi, trái nào trái nấy teo tóp như trái cacao nên không có nước" - bà Nguyễn Thị Thắm, ngụ huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre, nói.

Gia đình bà Thắm có khoảng 7 công (7.000m2) dừa xiêm xanh đã cho trái ổn định ba năm nay. Trong nửa đầu năm 2023 giá dừa chạm đáy, thậm chí thương lái không mua khiến gia đình bà phải tự thu hoạch rồi đi giao cho các điểm bán lẻ. Thế nhưng bước qua năm 2024, khi nắng nóng đạt đỉnh điểm thì cũng là lúc giá dừa xiêm tăng cao.

"Tui bán được một đợt 70.000 đồng/chục rồi đến nay giá dừa lên đến 130.000 đồng/chục cũng không có để bán nữa. Dừa bị treo đọt, chỉ đủ để uống nước thôi", bà Thắm tiếc rẻ nói.

Do ảnh hưởng của nước mặn, cũng giống như hàng chục ngàn hecta dừa xiêm khác trên địa bàn tỉnh Bến Tre, vườn dừa gia đình bà Thắm không được tưới từ nhiều tháng qua. Do không có nước tưới, bà cũng không bón phân nên dừa bị giảm năng suất rõ rệt.

Gặp anh Đinh Minh Quang (38 tuổi, quê Bến Tre) đang dùng xe rùa đẩy năm quày dừa xiêm từ một con hẻm nhỏ ra lộ lớn, nơi xe tải chở dừa đang đậu chờ lên hàng, anh Quang nói: "Dừa lên giá nhưng rất khó mua, nhiều khi lùng sục cả 2-3 ngày còn chưa đủ chuyến".

Anh Quang có vựa dừa tại Tiền Giang, trước đây chỉ mua dừa tại tỉnh là đủ giao cho mối, nhưng bây giờ phải xuống tận các vườn đặt cọc, thậm chí phải tìm đến các vườn tại tỉnh Bến Tre để mua nhưng vẫn không đủ hàng.

Ngoài lý do dừa bị treo đọt thì chất lượng trái dừa cũng giảm rõ. Một quày dừa trước đây có thể chọn ra được 10 trái đủ chuẩn để xuất khẩu nhưng hiện nay chỉ còn vài ba trái.

Ông Nguyễn Đình Toàn, giám đốc Nhà máy Kim Thanh Bến Tre - một đơn vị chuyên xuất khẩu trái cây sang thị trường EU, cho biết tình hình nguồn nguyên liệu dừa xuất khẩu năm nay thiếu trầm trọng. Nếu như trước đây mỗi ngày có thể đóng được một container hàng (khoảng 20.000 trái) thì nay phải mất cả tuần, 10 ngày mới gom đủ.

Không những dừa khan hiếm mà giá cả cũng tăng chóng mặt, theo ông Toàn, cũng thời điểm này năm ngoái giá dừa khoảng 60.000 đồng/chục thì hiện nay giá tăng lên hơn gấp đôi, khoảng 130.000 đồng/chục. Còn giá mua tại nhà máy đã tăng lên 180.000 đồng/chục.

Tương tự dừa, các mặt hàng trái cây khác mà công ty của ông Toàn đang kinh doanh trên địa bàn Bến Tre như bưởi da xanh, chôm chôm, sầu riêng... đều khan hiếm hàng. Lý do chủ yếu là nhà vườn không đủ nguồn nước tưới để chăm sóc cây, xử lý cho ra trái.

Vườn sầu riêng của ông Lê Văn Bòn (huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp) héo, rụng trái  vì thiếu nước tưới - Ảnh: ĐẶNG TUYẾT

Vườn sầu riêng của ông Lê Văn Bòn (huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp) héo, rụng trái vì thiếu nước tưới - Ảnh: ĐẶNG TUYẾT

Tiền Giang: sầu riêng rụng trái non

Tại Tiền Giang, dù các huyện phía tây của tỉnh không bị nước mặn tấn công nhưng do cống ngăn mặn đóng, nguồn nước tưới cũng bị cạn kiệt khiến năng suất giảm mạnh.

Ông Nguyễn Văn Bảy (67 tuổi, ngụ xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) cho biết vào đầu mùa khô đã tranh thủ tưới cho cây. Tuy nhiên, do nước bị nhiễm mặn (dù nồng độ thấp) nên cây bị ảnh hưởng, lá bị vàng và có dấu hiệu xuống sức nên đã ngưng tưới cho đến nay. Thiếu nước nên trái sầu riêng non rụng khá nhiều. Dù tiếc nhưng ông Bảy cũng đành cắt bỏ hết trái để giữ cây.

"Vụ đó coi như tôi bị thua trắng. Giá sầu riêng ba tháng đầu năm nay người ta mua tại vườn hơn 200.000 đồng/kg nhưng không bán được trái nào", ông Bảy cho biết.

Đây cũng là tình hình chung tại "vương quốc sầu riêng Cai Lậy (Tiền Giang)" trong những tháng cuối năm 2023, đầu năm 2024. Theo thống kê, Tiền Giang có khoảng 22.000ha tập trung tại các huyện Cái Bè, Cai Lậy, thị xã Cai Lậy và Châu Thành.

Tuy nhiên, trong đợt giá sầu riêng lập đỉnh, sản lượng sầu riêng trên địa bàn rất thấp một phần do thời điểm đó sầu riêng nghịch vụ, một phần do ảnh hưởng của hạn mặn.

Đồng Tháp: cây ăn trái chủ lực giảm

Trong khi đó, xoài được xem là cây ăn trái chủ lực của tỉnh Đồng Tháp cũng giảm sản lượng trong năm nay.

Gặp ông Trần Ngọc Ẩn, một nông dân trồng xoài ở xã Mỹ Tân (TP Cao Lãnh), vào những ngày đầu tháng 5. Dù đã đón những cơn mưa đầu mùa nhưng vườn xoài hơn 5 công (5.000m2) của gia đình ông cũng có nhiều dấu hiệu xuống sức thấy rõ.

Ông Ẩn cho biết nguyên nhân là do trước đó vườn xoài của ông ra hoa ngay đợt nắng nóng nên cây bị suy, tỉ lệ đậu trái cũng chỉ đạt khoảng 20 - 30%.

"Từ năm 2023 kéo dài đến đầu năm 2024 thời tiết khắc nghiệt, bà con trồng xoài đều bị ít bông ít trái, điển hình vụ vừa rồi chỉ thu 2 tấn, so sánh với năm trúng mùa 2022 thì sản lượng giảm 3 lần.

Tôi áp dụng biện pháp khoa học và đặc tính cây xoài, thời tiết nhiệt độ dưới 30oC thì dễ đậu bông, nếu nhiệt độ cao vượt ngưỡng khả năng lấy bông rất khó, nếu có đậu bông cũng không thể đậu trái nổi", ông Ẩn nói.

Như vậy dù không bị nước mặn tấn công trực tiếp nhưng với thời tiết nắng nóng kéo dài đã ảnh hưởng rất lớn đến diện tích xoài của tỉnh Đồng Tháp. Không chỉ xoài mà các loại cây ăn trái có múi của tỉnh này cũng bị giảm rõ rệt.

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp, tính đến quý 1-2024, sản lượng thu hoạch đối với cây ăn quả chủ lực sụt giảm so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó cây có múi thu hoạch đạt 29.296 tấn, giảm 3.828 tấn; sản lượng xoài đạt 73.941 tấn, giảm 1.659 tấn; sản lượng nhãn đạt 15.536 tấn, giảm 833 tấn.

Bên cạnh đó, phần lớn diện tích đã được khai thác hết và năng suất cây trồng vật nuôi đã đến ngưỡng giới hạn, ngành nông nghiệp đã định hướng chuyển dịch cơ cấu cây trồng từ đất lúa sang canh tác cây ăn trái, hoa kiểng, nuôi trồng thủy sản; tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm cung cấp nguyên liệu chế biến xuất khẩu.

Ông Trần Thanh Tâm, chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt tỉnh Đồng Tháp, cho biết hiện giờ xoài đã thu hoạch xong vụ chính, nông dân đang xử lý ra hoa nghịch mùa. Thời tiết nắng nóng, nông dân khi xử lý ra hoa nghịch vụ nếu thời tiết không thuận lợi sẽ bị ảnh hưởng. Như xoài ra hoa cần nhiệt độ 25 - 30oC, khi nhiệt độ tăng lên cao có thời điểm 37 - 38oC thì không riêng cây xoài mà tất cả các cây khác cũng không đạt tỉ lệ đậu trái.

"Thời tiết nắng nóng bà con nên trữ nước trên mương vườn để tưới kịp thời, giữ cỏ trên mặt vườn, bổ sung phân hữu cơ. Thời điểm cây ra hoa, tăng cường vòi phun sương làm giảm nhiệt độ trong vườn trước khi nhiệt độ tăng", ông Tâm nói.

Sản lượng trái cây giảm sẽ ảnh hưởng đến giá cả - Ảnh: M.TRƯỜNG

Sản lượng trái cây giảm sẽ ảnh hưởng đến giá cả - Ảnh: M.TRƯỜNG

Bộ NN&PTNT đánh giá tình hình hạn mặn

Theo ông Hoàng Trung - thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tình hình nắng nóng kéo dài cùng hạn mặn ảnh hưởng mạnh mẽ tới sản lượng cây trồng nói chung cũng như sầu riêng nói riêng. Bên cạnh đó, thời tiết bất thuận kéo theo nhiều loại sâu bệnh khiến chi phí do sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tăng cao.

Chính vì vậy, ngoài điều chỉnh về mặt quy hoạch vùng trồng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng rất quan tâm chọn lựa những vùng hợp thổ nhưỡng, điều kiện nước, tưới tiêu. Song song với đó, bộ cũng chỉ đạo tìm biện pháp phát huy khả năng tốt nhất của địa phương, tìm nguồn nước tưới tiêu cho diện tích.

"Kỳ vọng với những biện pháp kỹ thuật có thể giúp đảm bảo được năng suất, sản lượng cũng như khả năng xuất khẩu", ông Trung cho hay.

Trong khi đó, ông Huỳnh Tấn Đạt - cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật - cho hay ngay sau khi nhận được thông tin dự báo hạn mặn có xu thế tăng mạnh, cục đã tổ chức các đoàn khảo sát tại các tỉnh Sóc Trăng, Kiên Giang, Đồng Tháp…

Khảo sát cho thấy hiện nay người dân, địa phương đang tổ chức nhiều biện pháp kỹ thuật mang lại hiệu quả như tôn cao bờ mương, xây dựng công trình ngăn chặn chống xâm nhập mặn.

"Ảnh hưởng cụ thể của xâm nhập mặn trước mắt chưa đánh giá được hết, cần thời gian theo dõi thêm. Tuy nhiên các bộ, ban ngành, địa phương cũng đang nỗ lực đồng hành cùng người dân áp dụng, bố trí thêm các biện pháp kỹ thuật, vật tư nông nghiệp tăng cường sức khỏe bộ rễ cây trồng", ông Đạt nói.

Miền Đông, Tây Nguyên: vải, sầu riêng, chanh dây quay quắt trong khô hạn

Nhiều khu vực trồng cây ăn trái tại Tây Nguyên đang ghi nhận những thiệt hại gây ra do nắng nóng và khô hạn kéo dài.

Tại tỉnh Gia Lai, nhiều vùng trồng vải lần đầu tiên ghi nhận sản lượng sụt giảm đáng báo động kể từ khi cây vải được đưa về trồng tại đây.

Vải mất mùa lần đầu sau 16 năm

Tại huyện KBang, nông dân Dương Minh Thành có 2,5ha vải tại thôn 3 xã Đông, nói sản lượng năm nay chỉ còn 4 tấn, bằng 30% năm trước. Vườn vải của ông Thành còn may mắn vớt vát được ít tiền phân, thuốc nhưng nhiều vườn khác tại đây hầu như mất trắng vì không đậu quả. Đây là lần đầu tiên bà con gặp phải trong 16 năm trồng vải tại huyện này.

Theo ông Thành, năm nay quả vải mất mùa nặng do nắng nóng liên tục kéo dài, nền nhiệt cao khiến cây không đậu quả. Chưa hết, khi quả gần đến kỳ thu hoạch còn gặp mưa đá làm thối úng, không bán được. Có cây mùa trước đạt 50kg nhưng mùa này chỉ còn 10kg.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Mai Văn Tình, trưởng Phòng NN&PTNT huyện Kbang, xác nhận nắng nóng và khô hạn năm nay ảnh hưởng nhiều tới năng suất và chất lượng quả vải trên địa bàn.

Hiện địa phương này có khoảng 170ha vải, tập trung nhiều nhất ở xã Đông, Nghĩa An, Đăk Hlơ, Lơ Ku và thị trấn Kbang. Mùa vải Tây Nguyên thường chín sớm hơn phía Bắc nên các năm bà con bán rất được giá. Tuy nhiên, năm nay mùa vải coi như bỏ vì thời tiết quá khắc nghiệt.

Trong khi đó, tại huyện Chư Pưh, Phòng NN&PTNT huyện này cho hay toàn huyện đang có hơn 86ha cây ăn quả đang khó khăn về nước tưới, chủ yếu là sầu riêng, chanh dây, nhãn lồng.

Ông Nguyễn Đức Tôn, phó chủ tịch UBND xã Ia Hla - địa phương bị ảnh hưởng nặng nhất huyện này, nói nhiều diện tích chanh dây, sầu riêng, nhãn lồng bị thiếu nước tưới, nguy cơ giảm sản lượng.

Vừa qua may mắn có một số trận mưa đầu mùa, cây cối có dấu hiệu hồi phục nhưng năng suất giảm do khô hạn. Trong đó, cây chanh dây chỉ đạt năng suất khoảng 70%, cây sầu riêng có khả năng bị sốc nhiệt, rụng trái nếu tuần tới không có mưa, thiếu nước kéo dài.

Thiếu nước tưới do nắng nóng kéo dài khiến nhiều rẫy cà phê ở Bình Phước khô héo lá, khô bông, rụng trái - Ảnh: A LỘC

Thiếu nước tưới do nắng nóng kéo dài khiến nhiều rẫy cà phê ở Bình Phước khô héo lá, khô bông, rụng trái - Ảnh: A LỘC

Bình Phước: hơn 10.000ha cây trồng giảm năng suất

Theo thống kê của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Phước, tính đến đầu tháng 5-2024, toàn tỉnh có gần 10.500ha cây trồng bị ảnh hưởng bởi hạn hán.

Trong đó, cây ăn trái và cây lâu năm chiếm khoảng 7.834ha, cà phê 1.991ha, tiêu 313ha, lúa 215ha và 137ha cây hằng năm khác. Số cây trồng này bị giảm năng suất từ 30 - 70% nhưng vẫn đảm bảo duy trì sức sống.

Trước tình hình hạn hán phức tạp, UBND tỉnh Bình Phước đã ra công văn triển khai các biện pháp phòng chống hạn hán, thiếu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh cũng như ban hành kế hoạch ứng phó hạn hán xảy ra diện rộng trên địa bàn tỉnh mùa khô năm 2024.

Ngoài ra, UBND các huyện, thị xã, thành phố cũng đã tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các giải pháp tưới tiết kiệm nước, tích trữ nước, sử dụng hiệu quả; chủ động tự khoan giếng, nạo vét giếng đào hoặc đào ao tích nước, ngăn đập tạm để giữ nước trong các suối nhỏ... để cung cấp cho vùng trồng cây thiếu nước.

Về lâu dài, các địa phương bị ảnh hưởng nặng bởi hạn hán kiến nghị nâng cấp, đầu tư xây dựng hệ thống kênh mương nội đồng; hỗ trợ nạo vét các hồ đập để tăng khả năng trữ; hỗ trợ cải tạo giếng đào, đào giếng mới, khoan giếng chống hạn tại các xã thường xuyên bị ảnh hưởng do hạn hán...

Tây Nguyên còn nắng nóng đến giữa tháng 5

Theo lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Nông, nắng hạn và không có mưa năm nay kéo dài từ tháng 2 đến hết tháng 4 nên nhiều ao hồ, khe, suối... cạn nước dẫn đến nhiều ha cây trồng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Nông cho biết dù xuất hiện một số cơn mưa nhưng lượng nước không đáng kể. Dự kiến tình trạng hạn hán, thiếu nước ảnh hưởng khoảng 1.810ha cây trồng.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, tổng diện tích cây trồng tại các tỉnh Tây Nguyên chịu tác động của hạn hán, thiếu nước vào khoảng 16.000 - 27.000ha. Cụ thể, tỉnh Kon Tum khoảng 1.000 - 2.000ha, tỉnh Gia Lai khoảng 1.000 - 3.000ha, tỉnh Đắk Lắk khoảng 5.000 - 8.000ha, tỉnh Đắk Nông khoảng 7.000 - 10.000ha và tỉnh Lâm Đồng khoảng 2.000 - 4.000ha.

Dự báo từ nay đến 16-5 khu vực Tây Nguyên có thể xuất hiện thêm một đợt nắng nóng 35 - 38oC. Từ nửa cuối tháng 5, khu vực Tây Nguyên cũng như nhiều khu vực khác trên cả nước sẽ bước sang mùa mưa, tình trạng khô hạn và thiếu nước sẽ suy giảm.

Quay quắt giữa rốn hạn mặn miền TâyQuay quắt giữa rốn hạn mặn miền Tây

Kênh rạch khô cạn, đường sụp lún, vườn cây khô héo, người dân phải mua nước ngọt giá đến 50.000 đồng/m3... ở rốn hạn mặn khốc liệt. Có giải pháp căn cơ nào?

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên