14/08/2018 09:33 GMT+7

Tiếp sức đến trường 2018: Có những hạt mầm chỉ đợi cơn mưa...

HÀ THANH
HÀ THANH

TTO - Ốm đau, nghịch cảnh, cánh cửa trường đại học đã từng khép lại trước mắt hai bạn trẻ ấy. Họ quyết tâm thi lại và đã gửi lá thư đến chương trình “Tiếp sức đến trường” của báo Tuổi Trẻ.

Tiếp sức đến trường 2018: Có những hạt mầm chỉ đợi cơn mưa... - Ảnh 1.

Chớ A Sử (phải) vừa nhận làm thêm tại một công ty ở Hà Nội để kiếm tiền trang trải năm học mới - Ảnh: H.THANH

Mong sau này thành đạt tôi sẽ dành thật nhiều thời gian, dành mọi thứ để giúp sức cho những sinh viên khác.

A SỬ

Một năm học trôi qua, Chớ A Sử (22 tuổi, khoa y dược Trường CĐ Công nghệ và thương mại Hà Nội) đã vượt qua mọi thử thách của cuộc sống sinh viên chỉ với nửa cơ thể còn lại.

Bước đi với nửa cơ thể

Hoàn cảnh quá cơ cực, chàng trai ở tỉnh Điện Biên xa xôi từng phải dừng việc học. Bị liệt nửa người sau một tai nạn xe máy, bố mẹ quanh năm làm nương rẫy cũng không đủ nuôi tám miệng ăn trong gia đình, A Sử đỗ vào khoa y dược như mong muốn nhưng phía trước là thử thách tiền học phí, tiền thuê trọ, chi phí sinh hoạt…

Hai tiếng ngồi lì ở phòng máy tính của trường, trong cơn đau, trong nước mắt, A Sử gửi lá thư đến chương trình "Tiếp sức đến trường". Đó cũng là lần đầu tiên A Sử trải lòng về cuộc đời mình.

"Tôi vẫn nhớ như in ngày nhận học bổng, ấm áp và hồi hộp. Từ ngày được học bổng tiếp sức, tôi tự tin và có cái nhìn khác về cuộc đời. Một năm qua tôi tự bước đi trên đôi chân của mình, tự trang trải cuộc sống sinh viên" - A Sử bày tỏ.

Một năm học qua đi với kết quả học tập tốt, A Sử ước mơ sẽ học liên thông lên đại học nếu sau này có điều kiện hơn. Bố mẹ làm rẫy không có tiền chu cấp, buổi sáng đi học, chiều A Sử nhận việc làm thêm không ảnh hưởng đến sức khỏe.

A Sử giãi bày: "Cuộc sống sinh viên cần nhiều chi phí trang trải, việc nặng không làm được thì tôi chọn việc nhẹ, việc vừa sức. Nhờ phát tờ rơi, mỗi tháng tôi kiếm được 1,8-2 triệu đồng".

Hè này được nghỉ nhưng A Sử cũng không về quê vì tiết kiệm chi phí, tiền tàu xe. Chàng trai trẻ nén nỗi nhớ gia đình, ở lại thủ đô và làm tất cả mọi việc bằng nửa cơ thể còn lại với mong muốn có đủ tiền trang trải cho năm học tiếp theo.

Cũng còn nhiều bạn tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, gặp nhiều thử thách trong cuộc sống. Nếu chúng ta có suy nghĩ tích cực, đặt niềm tin vào mọi việc, dù không đạt hoàn hảo 100% thì mọi việc cũng sẽ tương đối tốt. Tôi muốn gửi lời cảm ơn đến chương trình và báo Tuổi Trẻ, các thầy cô, các nhà hảo tâm đã dành cho tôi tình thương quý báu. Mong sau này thành đạt tôi sẽ dành thật nhiều thời gian, dành mọi thứ để giúp sức cho những sinh viên khác...

A Sử bày tỏ

Chưa từng thất vọng

Cũng như A Sử, những ngày hè này, Nguyễn Thị Nguyên (Hà Nội) không về nhà, quyết định nán lại làm thêm, kiếm thu nhập trang trải chi phí cho năm học mới. 

Đang là kỳ nghỉ hè, giữa bộn bề công việc kiếm sống, Nguyên năm nay so với năm trước đã trưởng thành hơn khá nhiều. 23 tuổi, Nguyên sắp bước sang năm thứ hai đời sinh viên.

"Trong khi bạn bè cùng trang lứa đã có công việc và bắt đầu sự nghiệp, có bạn đã xây dựng gia đình thì tôi vẫn theo đuổi ước mơ trở thành điều dưỡng. Nghĩ về bản thân, tôi thấy mình giống bạn rùa, chạy chậm nhưng chưa từng thấy thất vọng, chưa bao giờ nghĩ con đường mình đang đi là sai" - Nguyên nở nụ cười kể về lựa chọn trở thành điều dưỡng viên.

Từng bỏ dở việc học ở ĐH Giao thông vận tải vì hoàn cảnh quá khó khăn, ba năm sau, khi 22 tuổi, cô bé mồ côi Nguyễn Thị Nguyên quyết tâm thi đỗ ĐH Điều dưỡng Nam Định.

Khoảng thời gian này, năm trước, khi nhận giấy báo trúng tuyển đại học, cô gái trẻ vừa mừng lại vừa lo. Mừng vì cô có thể tiếp tục ước mơ, nhưng lo sợ một lần nữa phải dừng việc học, cánh cửa đại học quá sức với một đứa trẻ mồ côi.

"Thời điểm đó, học bổng "Tiếp sức đến trường" là cái phao cho tôi. Tôi nhớ rất rõ lễ trao học bổng vào ngày 8-9-2017 tại Thái Bình. Đúng như tên gọi, học bổng đã tiếp thêm niềm tin, động lực, san sẻ bớt một phần lớn nỗi lo của chúng tôi" - Nguyên chia sẻ.

Một năm học qua đi với kết quả học tập khá tốt, cuộc sống sinh viên của cô bận rộn hơn với công việc làm thêm tại rạp chiếu phim để trang trải chi phí học tập và tham gia hoạt động tình nguyện.

"Có một hạt mầm mang sức sống mạnh mẽ/Chỉ đợi cơn mưa để vùng lên mãnh liệt. Hình ảnh này tôi vẫn thường nghĩ tới. Học bổng "Tiếp sức đến trường" là cơn mưa, còn thế hệ chúng tôi là hạt mầm, những hạt mầm hạnh phúc. Cho tôi gửi lời cảm ơn chân thành đến các nhà hảo tâm đã giúp đỡ tân sinh viên khó khăn tiến gần hơn với cánh cổng đại học" - Nguyên bộc bạch.

Mong các em được tiếp tục đi học

Sáng 10-8-2018, tôi cùng mẹ đến báo Tuổi Trẻ để đóng góp 15 triệu đồng cho quỹ "Tiếp sức đến trường". Ba tôi vừa mất ngày 5-8. Số tiền này trích từ tiền phúng điếu của đám tang.

Ba tôi từng là một sinh viên nghèo. Ba mẹ tôi đều là độc giả trung thành của Tuổi Trẻ từ những ngày đầu báo phát hành. Mẹ tôi đã quyết định dành toàn bộ tiền phúng điếu làm từ thiện, trích ra một phần để tặng quỹ "Tiếp sức đến trường" của Tuổi Trẻ.

Gia đình tôi cũng không thật sự quá khá giả. Hi vọng khoản chia sẻ này sẽ tiếp sức cho một sinh viên có cơ hội đến trường.

Không gì hơn, chúng tôi mong các em có hoàn cảnh khó khăn được tiếp tục và hoàn thành việc học.

Nếu được, mong quý báo làm cầu nối giữa sinh viên nhận được khoản học bổng với gia đình tôi, để chúng tôi thường xuyên động viên, khích lệ em ấy.

BẠN ĐỌC Q.K.

Tiếp sức đến trường: Kỳ công của Thảo Tiếp sức đến trường: Kỳ công của Thảo

TTO - Lê Trần Kim Thảo (xã Tam Xuân 2, huyện Núi Thành, Quảng Nam) gầy gò, đầu liên tục lắc lư vì bị bại não từ khi còn nhỏ, nhưng đã được xét tuyển vào ngành CNTT Trường ĐH Quảng Nam.

HÀ THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên