15/02/2023 10:56 GMT+7

Tiến sĩ Lê Doãn Hoàng: Thời đi dạy miễn phí là hạnh phúc khó quên

Sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo Quảng Trị, con đường học đã đưa Lê Doãn Hoàng (29 tuổi) bước chân ra khỏi ranh giới Việt Nam. Hiện anh là một trong những tiến sĩ, giảng viên trẻ tiêu biểu ngành mạng máy tính tại Đại học Aizu (Nhật Bản).

Tiến sĩ Lê Doãn Hoàng: Thời đi dạy miễn phí là hạnh phúc khó quên - Ảnh 1.

Tiến sĩ Lê Doãn Hoàng tại hội thảo Heidelberg Laureate Forum (Đức) năm 2022 - Ảnh: NVCC

Đã có 28 bài báo công bố quốc tế, hoàn thành chương trình sau tiến sĩ, anh đang có một con đường rộng mở với vị trí đáng mơ ước tại xứ sở hoa anh đào. Tiến sĩ 9X đã có một hành trình vượt khó không dễ dàng gì. Anh trải lòng:

- Quê tôi ở huyện Vĩnh Linh, vùng đất từng hứng nhiều bom đạn trong chiến tranh, cùng chịu vô số thiên tai khắc nghiệt nhưng giàu truyền thống hiếu học. Thật lòng tôi thấy biết ơn vì có lẽ nhờ được sinh ra ở đây mà tôi học được tính cần cù, không ngừng nỗ lực trong cuộc sống. Cùng với việc cha mẹ tôi đều theo nghề giáo, sớm dạy dỗ tôi nhiều điều quý giá.

Dạy thêm không lấy tiền

* Anh đã đi qua quãng đường học hành tại Việt Nam thế nào?

- Tôi học Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Quảng Trị), đoạt một số giải thưởng học sinh giỏi vật lý các cấp trước khi đỗ vào Đại học Bách khoa Hà Nội. Vì muốn hoàn thiện kỹ năng cho bản thân hơn, tôi tích cực tham gia các hoạt động Đoàn - Hội khi học đại học. Tôi được chọn làm đội trưởng đội Olympic vật lý của trường và từng giành hai huy chương vàng toàn quốc 2013 và 2014.

Tốt nghiệp đại học loại giỏi cùng một số thành tích khác, tôi được cấp học bổng thạc sĩ và tiến sĩ chuyên ngành mạng máy tính tại Đại học Aizu (Nhật Bản). Hiện tôi đã hoàn thành nghiên cứu sau tiến sĩ và sẽ được nhà trường cất nhắc vào một vị trí chính thức trong tháng 4 tới.

* Được biết anh từng mở lớp dạy thêm cho sinh viên hoàn toàn miễn phí ngay khi anh cũng đang là sinh viên.

- Tôi thấu cảm với thử thách mà dân tỉnh lẻ lên thành phố lớn trọ học nên mở lớp học miễn phí này như cách san sẻ phần nào với bạn bè mình. Tôi cũng từng chật vật ở giai đoạn đầu lên giảng đường vì chương trình khá khó, mà cũng do tôi thích nghề sư phạm nữa. Lúc đầu chừng 10 bạn học nhưng sau đó không biết mọi người truyền miệng nhau sao mà số học viên có thời điểm lên đến cả trăm ấy.

Đúng là gia đình tôi không khá giả gì, có người hỏi tôi sao không thu phí vì thời điểm đó đã có những lớp dạy thêm bậc đại học thu học phí khá mắc. Tôi thấy mình đủ sống với thu nhập khi làm gia sư riêng rồi. Cha mẹ tôi luôn ủng hộ các quyết định của tôi và họ cũng không lăn tăn lắm về điều này. Những buổi dạy ấy đem lại nhiều niềm vui, hạnh phúc, thế là đủ.

Tôi dạy suốt từ năm hai đến năm cuối đại học. Mà đến tận bây giờ, một số bạn sinh viên là học viên cũ vẫn còn nhớ đến, cảm ơn tôi mỗi khi gặp lại. Tôi nghĩ hạnh phúc đó không gì có thể mua được.

"Quả ngọt" nghiên cứu

* 28 công trình nghiên cứu khoa học được công bố trên tạp chí và các hội thảo quốc tế, anh đã làm điều đó như thế nào?

- Đa số các bài báo của tôi đều được công bố trên các tạp chí uy tín về truyền thông vô tuyến của tổ chức IEEE với chất lượng Q1. Trong đó, có một bài được đăng trên tạp chí IEEE Communications Surveys and Tutorials là tạp chí được xếp hạng hàng đầu về kỹ thuật điện và điện tử (theo Scopus). Trong số những bài viết ấy, tôi đã nhận được hai giải thưởng "bài báo xuất sắc nhất" tại các hội thảo quốc tế.

Nghiên cứu của tôi liên quan chủ yếu đến mạng Internet tốc độ cao từ không gian. Hướng nghiên cứu tập trung vào các vấn đề thiết kế mạng truyền thông quang không dây cho ứng dụng Internet tốc độ cao và cho các hệ thống khôi phục thông tin sau thảm họa thiên nhiên (bão, lũ lụt, động đất); bảo mật mạng Internet sử dụng mật mã khóa lượng tử; sử dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hiệu năng của mạng Internet... Cho đến hiện tại và tôi tin trong tương lai, đây vẫn là những vấn đề được các nước trên thế giới đều đặc biệt quan tâm.

* Đã từng có ai nói với anh rằng "cậu quá thông minh" khi điểm lại bảng vàng kết quả học hành và nghiên cứu như thế chưa?

- Tự bản thân, tôi thấy mình tư duy không tệ nhưng sự học đúng là không phải lúc nào cũng dễ dàng với tôi. Chẳng hạn tiếng Anh là ngôn ngữ tôi học khá chật vật vì lúc ở quê tôi gần như mù tịt. Lên tới đại học được các thầy cô dạy dỗ và chính mình cũng nhận ra lợi ích đáng kể rằng phải có ngoại ngữ tốt nên đã nỗ lực để cải thiện trình độ ngoại ngữ.

Hồi học cấp II, các thầy cô từng đánh giá tôi học yếu môn vật lý. Chính nhờ sự quyết tâm, thái độ và tìm được phương pháp học đúng mà tôi đã thay đổi được đánh giá này sau đó. Thời đại học, tôi luôn cố gắng tập trung để hiểu bài ngay trên lớp, vậy mới có thời gian làm những điều mình thích ngoài giảng đường chứ.

* Lê Doãn Hoàng là một trong những sinh viên xuất sắc mà tôi may mắn được hướng dẫn và rất vui khi chúng tôi sớm thành đồng nghiệp. Điểm nổi bật nhất ở bạn là năng lực tập trung, kiên định với mục tiêu trong thời gian dài. Tôi hy vọng bạn sẽ tiếp tục duy trì được năng lực này để tiến xa hơn nữa trong môi trường học thuật.

GS PHẠM TUẤN ANH (Đại học Aizu, Nhật Bản)

* Tôi gặp Doãn Hoàng ở hội thảo Heidelberg Laureate Forum năm 2022 tại Đức, cảm nhận bạn là người hòa nhã, khiêm tốn và cởi mở.

Thành tích nghiên cứu của bạn ấy chỉ có thể nói là thật sự xuất sắc. Bảo vệ thành công tiến sĩ mới hơn một năm mà đã được cất nhắc vào một vị trí chính thức ở trường đại học tại Nhật là rất đáng nể.

NGÔ KHẮC HOÀNG (nghiên cứu sinh sau tiến sĩ Đại học Công nghệ Chalmers, Thụy Điển)

Nữ tiến sĩ khuyến học và những thầy cô không nỡ bỏ học trò nghèo!Nữ tiến sĩ khuyến học và những thầy cô không nỡ bỏ học trò nghèo!

TTO - Dù có cơ hội chuyển đến những ngôi trường tốt hơn, danh tiếng hơn với mức thu nhập tốt hơn nhưng những người thầy, người cô vẫn quyết bám trụ lại trường bởi một điều rất đơn giản: Ở đó còn nhiều học trò nghèo quá, bỏ đi sao đành?

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên