25/09/2018 11:04 GMT+7

Thiếu giáo viên: trách nhiệm của ai?

VĨNH HÀ
VĨNH HÀ

TTO - Do không thể điều tiết giáo viên giữa các môn học, giữa các địa phương, nên một nghịch lý vẫn tồn tại là vừa thiếu nhưng cũng vừa thừa giáo viên. Điển hình là bậc THCS thiếu trên 10.000 giáo viên nhưng cũng đang thừa trên 12.000 giáo viên.

Thiếu giáo viên: trách nhiệm của ai? - Ảnh 1.

Có học sinh thì phải có giáo viên. Trong ảnh: Lớp ghép (lớp 1 và lớp 4) tại phân hiệu Trường tiểu học Nguyễn Du (xã Ea Wer, Buôn Đôn, Đắk Lắk) - Ảnh: TR.TÂN

Ngày 24-9, tại phiên giải trình do Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội tổ chức về thực hiện chính sách pháp luật trong tuyển dụng, sử dụng giáo viên và tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, nỗi khổ "thiếu giáo viên nhưng không được tuyển" một lần nữa được nhắc đến.

Câu hỏi "Trách nhiệm của ai?" được đặt ra suốt phiên giải trình dường như chưa được trả lời khi đại diện cấp bộ nói đã phân cấp cho địa phương, còn các đại biểu Quốc hội cho biết các địa phương đều đang rơi vào những vướng mắc từ chính quy định ở trên áp xuống.

Nỗi khổ từ địa phương

Theo báo cáo giải trình của Bộ GD-ĐT, tính tới ngày 15-8-2018, so với nhu cầu sử dụng theo định mức quy định thì số giáo viên các cấp hiện còn thiếu là gần 76.000 người. Do không thể điều tiết giáo viên được giữa các môn học, giữa các địa phương trong cùng một tỉnh, thành và giữa các tỉnh, thành trên cả nước nên một nghịch lý vẫn tồn tại là vừa thiếu nhưng cũng vừa thừa giáo viên. Điển hình là bậc THCS thiếu trên 10.000 giáo viên nhưng cũng đang thừa trên 12.000 giáo viên.

Ông Trần Hồng Quân, phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, đưa ra câu chuyện thực tế của tỉnh trong tiến trình nỗ lực thực hiện "giảm 10% biên chế" khi đã xóa đến 150 trong tổng số 600 điểm trường lẻ, giảm toàn bộ biên chế y tế học đường... nhưng vẫn chưa đạt được yêu cầu giảm 10%. 

"Nhưng chúng tôi khó có thể giảm biên chế tiếp nhằm vào đối tượng giáo viên vì số lượng học sinh đầu cấp năm nay tiếp tục tăng. Có học sinh thì phải có lớp, có giáo viên. Chúng tôi cũng không thể giảm bớt số điểm lẻ hơn, vì hiện chỉ những khu vực cách trường chính trên 7km mới có điểm lẻ. Ở khoảng cách này trong điều kiện chia cắt bởi sông nước, việc vận động học sinh đến trường đã rất khó khăn" - ông Quân chia sẻ.

Việc dồn điểm lẻ, sáp nhập lớp cũng gặp khó khăn. "Chúng tôi phê bình cấp dưới không thực hiện đúng yêu cầu. Nhưng khi đi thực tế mới biết là khó do đặc điểm địa bàn dân cư, do điều kiện cơ sở vật chất... không cho phép dồn lớp để giảm số giáo viên hơn nữa" - ông Quân nói.

Tại TP Biên Hòa (Đồng Nai), sĩ số học sinh phổ biến là 50-60 em/lớp, có nơi phải học ca ba. "Với tình hình đó, nếu việc giảm biên chế thực hiện nhằm vào đối tượng giáo viên thì rất có thể sẽ quay lại tình trạng trẻ tái mù chữ vì chất lượng giáo dục không đảm bảo" - một đại biểu nêu ý kiến.

Thiếu giáo viên: trách nhiệm của ai? - Ảnh 2.

Giờ dạy toán của giáo viên Trường tiểu học Tri Lễ 4, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An - Ảnh: DOÃN HÒA

Tuyển giáo viên hợp đồng: tình thế bắt buộc

Tại phiên giải trình, bà Đàng Thị Mỹ Hương, đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận, đưa ra một thực trạng do thiếu số lượng giáo viên quá lớn dẫn tới việc phải hợp đồng giáo viên để dạy. Chủ yếu giáo viên hợp đồng theo tiết, thù lao 35.000-40.000 đồng/tiết. Giáo viên mới ra trường được hợp đồng mà làm nhiệm vụ ở phòng thí nghiệm thì chỉ được 2,1 triệu đồng/tháng, trong khi giáo viên biên chế, nhất là biên chế lâu năm, có lương cao. Chính vì việc này dẫn đến tâm lý các trường muốn giữ biên chế lại để hợp đồng giáo viên.

"Chính sách hợp đồng giáo viên như vậy có phù hợp với ngành giáo dục hay không? Vì giáo dục học sinh phải có một quá trình, theo dõi tâm lý, chất lượng của học sinh để có biện pháp uốn nắn. Việc hợp đồng giáo viên như vậy bộ có thấy phù hợp với ngành hay không?" - bà Hương đặt câu hỏi.

Bày tỏ quan điểm về việc này, ông Phùng Xuân Nhạ - bộ trưởng Bộ GD-ĐT - cũng không đồng tình với việc duy trì phương thức tuyển dụng hàng trăm giáo viên hợp đồng theo thời vụ, rồi lại cắt hợp đồng hàng loạt như ở một số địa phương. Ông cho rằng cần tìm giải pháp căn cơ hơn để giải quyết bài toán giáo viên.

Nhưng theo ý kiến của đại diện các tỉnh thì khi vấn đề định biên còn đang thực hiện cứng nhắc và các bộ chưa thực sự ngồi với nhau để bàn giải pháp hữu hiệu giải quyết khó khăn cho các địa phương, việc hợp đồng giáo viên vẫn là giải pháp tình thế phải áp dụng để duy trì hoạt động dạy học.

Kỳ thi THPT quốc gia: vẫn nhiều băn khoăn

Nhiều đại biểu nhận xét kỳ thi THPT quốc gia vừa qua bộc lộ hạn chế khi giao cho địa phương thực hiện khâu tổ chức thi đến chấm thi, khi sử dụng kết quả thi cho xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH. Ngoài ra, tỉ lệ học sinh đạt tốt nghiệp THPT quá cao với trên 97%, trong khi gần 50% số bài thi lại dưới mức điểm trung bình, gây băn khoăn về giá trị của kỳ thi.

Ông Phùng Xuân Nhạ cho rằng kỳ thi không chỉ nhằm mục đích công nhận tốt nghiệp THPT mà còn là căn cứ để đánh giá chất lượng dạy học ở phổ thông, điều chỉnh các chính sách giáo dục để phù hợp với các vùng miền. Tuy nhiên, ông Nhạ cũng thừa nhận những hạn chế của kỳ thi, đặc biệt là việc để xảy ra tiêu cực và khẳng định sẽ điều chỉnh, khắc phục.

Vướng quy định, sửa được không?

* Ông Phùng Xuân Nhạ (Bộ trưởng Bộ Giáo dục - đào tạo):

Giáo viên có đặc thù về chuyên môn, nghiệp vụ, nên nếu coi giáo viên như các viên chức khác trong việc thực thi các chỉ đạo liên quan tới biên chế là bất cập.

Hiện nay, trách nhiệm của sở, phòng GD-ĐT vẫn chỉ là tham mưu, còn chủ trì quyết định vẫn là bên nội vụ.

Với trách nhiệm của Bộ GD-ĐT, chúng tôi đã và đang tiếp tục phối hợp với Bộ Nội vụ, UBND các tỉnh, thành rà soát đội ngũ giáo viên, tính toán cho việc áp dụng chương trình giáo dục mới, ban hành chuẩn giáo viên để biết thông số giáo viên thừa, thiếu, dự báo nhu cầu tăng dân số để từ đó các địa phương có kế hoạch trường lớp phù hợp...

* Ông Nguyễn Duy Thăng (thứ trưởng Bộ Nội vụ):

Luật viên chức nói rõ: đơn vị tự chủ thì người đứng đầu đơn vị đó quyết định. Đơn vị chưa tự chủ thì người quản lý đơn vị đó quyết định hoặc phân cấp việc tuyển dụng đó cho người đứng đầu đơn vị công lập. Hiện nay, hầu hết là không phân cấp. Đây là trách nhiệm của địa phương. Bộ Nội vụ chỉ có trách nhiệm xây dựng thể chế. Bộ Nội vụ không đứng ra để tuyển dụng.

Việc tinh giản biên chế là giao cho địa phương mức "tổng biên chế sự nghiệp giảm 10%", còn giảm cụ thể ở từng ngành như thế nào là do địa phương chịu trách nhiệm. Ví dụ nếu ngành giáo dục, y tế thiếu người thì giảm ít hơn các ngành khác. Trường hợp cá biệt do nhu cầu nhân lực thực tế thì các địa phương trình lên bộ, Bộ Nội vụ tập hợp trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Chuyện giáo viên là nghề đặc thù cần có ứng xử đặc biệt thì việc xếp thang bảng lương dựa trên sự phức tạp của lao động, điều kiện làm việc và chính sách ưu đãi của Nhà nước, còn sự so sánh nghề nào quan trọng hơn nghề nào rất khó xác định vì thực chất nghề nào trong xã hội cũng quan trọng.

* Bà Đàng Thị Mỹ Hương (đại biểu tỉnh Ninh Thuận):

Việc tuyển dụng giáo viên, công tác tuyển giao cho địa phương là đúng. Nhưng biên chế, định biên giáo viên trên lớp đều thực hiện theo thông tư liên tịch của Bộ GD-ĐT và Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính. Tất cả đều thực hiện theo đúng thông tư liên tịch của 3 bộ, quy định số giáo viên/lớp, số học sinh/lớp, số lớp/trường...

Kiến nghị lên thì Bộ Nội vụ bảo giao về địa phương. Nhưng địa phương vẫn phải thực hiện theo thông tư mà bộ nêu thì sao họ thực hiện được? Vì vậy, bộ phải sửa đổi thông tư để địa phương thực hiện được mới giảm biên chế được.

* Bà Văn Thị Bạch Tuyết (đại biểu TP.HCM):

Tôi không đồng ý với ý kiến của ông thứ trưởng Bộ Nội vụ. Một nghề truyền thụ kiến thức, giáo dục con người không phải là nghề đặc thù sao? Những người làm nghề giáo viên mà quy ra như các viên chức khác là không hợp lý.

Hai Bộ GD-ĐT và Bộ Nội vụ cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn và chia sẻ với những khó khăn thực tế của các địa phương hiện nay. Ví dụ TP.HCM năm nay học sinh tăng nhiều, sao có thể đảm bảo được chất lượng? Vậy mà vừa qua TP.HCM vẫn bị "bắt giò" do tuyển vượt (không thực hiện đúng yêu cầu giảm 10% biên chế sự nghiệp)... Việc xin tăng thêm biên chế để tuyển dụng giáo viên thì phải chờ duyệt. Chờ có được cũng hết năm học.

Bộ Nội vụ có thể giao cho các tỉnh thành đang thực hiện tự chủ quyền được quyết định biên chế giáo dục trong điều kiện ngân sách cho phép, đúng theo khung tiêu chuẩn Bộ GD-ĐT xây dựng để không còn tình trạng đi xin biên chế từng năm không?

* Ông Trần Hồng Quân (phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau):

Cà Mau có 18.000 biên chế giáo dục, 6.000 biên chế ngành y tế, còn các ngành khác chỉ khoảng 2.000. Nếu nói như ông thứ trưởng Bộ Nội vụ thì giảm ngành khác vẫn không thể đạt được việc giảm 10%. Nếu không giảm vào giáo viên thì chúng tôi hết cách.

VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên