23/05/2019 09:42 GMT+7

Sẽ không thiếu sách giáo khoa cho chương trình mới

V.HÀ
V.HÀ

TTO - Bộ GD-ĐT khẳng định sẽ không có tình trạng thiếu sách giáo khoa khi triển khai chương trình mới.

Sẽ không thiếu sách giáo khoa cho chương trình mới - Ảnh 1.

Ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT trao đổi với cán bộ, giáo viên cốt cán tại buổi tập huấn về chương trình giáo dục phổ thông mới, nhấn mạnh quan điểm không nên cứng nhắc coi SGK như "pháp lệnh" mà cần linh hoạt trong sử dụng các nguồn tài liệu dạy học - Ảnh: QUỲNH TRANG

Thông tin này được đưa ra sau khi Bộ GD-ĐT cho biết sẽ không biên soạn một bộ sách giáo khoa (SGK) riêng khiến dư luận băn khoăn về việc có thể thiếu sách ở một số cấp, lớp khi chỉ trông chờ vào các nhóm/đơn vị biên soạn theo nguồn xã hội hóa.

Không có bộ SGK do Bộ GD-ĐT chủ trì biên soạn

Theo nghị quyết 88/NQ-QH của Quốc hội, Bộ GD-ĐT chịu trách nhiệm việc biên soạn một bộ SGK từ lớp 1-12 nhằm tránh tình trạng có thể thiếu SGK của một lớp, cấp học hay một số môn học do các nhóm/đơn vị xã hội hóa không "phủ kín" hết.

Tuy nhiên, trong phần báo cáo trả lời Quốc hội lần này, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết phương án trực tiếp tuyển chọn tác giả biên soạn bộ SGK không thực hiện được do không đủ ứng viên tham gia.

Nguyên nhân: hầu hết các tác giả có khả năng viết SGK đều đã ký hợp đồng với một số nhà xuất bản (NXB) và bắt đầu việc biên soạn từ năm 2018 khi dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể được công bố để xin ý kiến. Nhân sự trong việc biên soạn như biên tập viên, họa sĩ trình bày cũng thuộc biên chế của các NXB nên không thể tham gia với Bộ GD-ĐT.

Theo ông Nguyễn Xuân Thành - giám đốc Dự án hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông, trước đó Bộ GD-ĐT cũng có một số phương án để biên soạn bộ SGK của Bộ GD-ĐT. Nhưng do vướng quy định của luật pháp hiện hành và ràng buộc điều kiện của Ngân hàng Thế giới - đối tác đầu tư tài chính - nên không thực hiện được. Và như vậy, sẽ không có một bộ SGK của Bộ GD-ĐT.

Khuyến khích tổ chức, cá nhân biên soạn SGK

Ông Phùng Xuân Nhạ cho biết thời gian tới sẽ triển khai thành lập hội đồng quốc gia thẩm định SGK và thông báo rộng rãi để khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn SGK đăng ký theo quy định trong thông tư 33 của Bộ GD-ĐT.

Theo đó, các tổ chức, cá nhân biên soạn SGK phải đăng ký với 1 trong 7 NXB trong nước đã được cấp phép xuất bản SGK để các NXB trình bản mẫu SGK lên hội đồng thẩm định.

Theo nguồn tin của Tuổi Trẻ, hiện có ít nhất 7 nhóm/đơn vị đang biên soạn sách theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Trong đó, NXB Giáo Dục VN, bao gồm cả các công ty thành viên của NXB Giáo Dục VN đang biên soạn 4 bộ.

Một số đơn vị khác từng có các bộ sách/sách thử nghiệm, sách cung cấp dưới dạng tài liệu tham khảo cũng đang tiến hành hoàn thiện, đăng ký thẩm định sách như nhóm Cánh Buồm, Trung tâm Công nghệ giáo dục VN (sách công nghệ giáo dục). Một số nhóm không tổ chức biên soạn cả bộ từ lớp 1-12 mà chỉ biên soạn một số SGK của một số môn học...

Nhưng để chắc chắn có ít nhất một bộ SGK đầy đủ, theo ông Nguyễn Xuân Thành, Bộ GD-ĐT sẽ giao kế hoạch biên soạn ít nhất 1 bộ SGK đầy đủ từ lớp 1-12 cho đơn vị trực thuộc bộ là NXB Giáo Dục (trên thực tế việc này NXB Giáo Dục đã thực hiện rồi).

"Việc này chỉ nhằm tránh việc thiếu sách, trong trường hợp các tổ chức/cá nhân khác không biên soạn một bộ SGK đầy đủ" - ông Thành chia sẻ. Và theo giải thích của Bộ GD-ĐT, bộ sách được "giao kế hoạch" đó cũng không gắn "mác" bộ SGK của bộ chủ trì.

Để đảm bảo công bằng, bộ SGK của NXB Giáo Dục cũng thực hiện bằng nguồn kinh phí của NXB, không lấy từ kinh phí của dự án như dự kiến trước đây và được thẩm định công bằng như các bộ SGK, các SGK khác do các NXB trình lên.

Bộ GD-ĐT sẽ đồng hành với các NXB

Theo ông Phùng Xuân Nhạ, sau khi thẩm định bản mẫu SGK, Bộ GD-ĐT tiếp tục đồng hành với các NXB để chỉnh sửa, hoàn thiện bản mẫu, đảm bảo có ít nhất một bộ SGK đầy đủ các môn học và hoạt động giáo dục được phê duyệt. Chia sẻ cụ thể hơn về điều này, ông Nguyễn Xuân Thành cho biết

Bộ GD-ĐT sẽ cụ thể hóa hơn nội dung thông tư 33 đã ban hành thành bộ tiêu chí, đó sẽ là thước đo để các tổ chức/cá nhân biên soạn SGK hoàn thiện và cũng là căn cứ để hội đồng thẩm định duyệt sách. Trong đó, sẽ cụ thể hóa các khung nội dung để có tính nhất quán xuyên các cấp học.

"Bộ GD-ĐT cũng sẽ hỗ trợ thông tin để các NXB có kế hoạch in ấn, tránh việc in thừa gây lãng phí, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân biên soạn SGK trong việc triển khai tập huấn, sau khi SGK được thẩm định", ông Nguyễn Xuân Thành cho biết thêm.

Tại buổi tập huấn các báo cáo viên của Bộ GD-ĐT để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới chiều 22-5, tuy không trực tiếp nói về định hướng biên soạn SGK nhưng ông Phùng Xuân Nhạ cũng khẳng định các trường, cán bộ giáo viên phải thay đổi tư duy về SGK, không nên xem SGK như "pháp lệnh", coi đó là khuôn thước nặng nề mà cần linh hoạt, sáng tạo trong việc sử dụng các nguồn tài liệu khác nhau để thực hiện yêu cầu giáo dục.

Việc có nhiều bộ SGK khác nhau sẽ tạo điều kiện cho các trường, giáo viên trong việc linh hoạt, sáng tạo - đó cũng là yêu cầu đặt ra đối với chương trình giáo dục phổ thông mới.

Một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa: Đồng tình nhưng phải làm trúng Một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa: Đồng tình nhưng phải làm trúng

TTO - Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giữ quan điểm 'một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa' khi trình Quốc hội thảo luận lần cuối Luật giáo dục (sửa đổi) ngày 21-5, trước khi Quốc hội xem xét thông qua.

V.HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên