30/09/2023 12:23 GMT+7

Quy hoạch đại học nhiều hạn chế, thách thức bài toán đổi mới

Kể từ sau thời kỳ đổi mới đến nay, đã có một số quy hoạch mạng lưới giáo dục đại học được phê duyệt. Tuy nhiên, nhiều quyết định chỉ trong những khoảng thời gian không dài đã bộc lộ những hạn chế và rất cần sự đổi mới trong cách tiếp cận.

Tân sinh viên làm thủ tục nhập học tại một trường đại học ở TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG

Tân sinh viên làm thủ tục nhập học tại một trường đại học ở TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG

Khái niệm quy hoạch mạng lưới có lẽ không phù hợp trong nền kinh tế năng động, vai trò quản lý nhà nước trước đây đã khác nay rất nhiều.

Cần đổi mới tư duy

Trong bối cảnh tự chủ giáo dục đại học (GDĐH) được đẩy mạnh, cần chỉ ra vai trò, nhiệm vụ, trách nhiệm quản lý nhà nước đối với quy hoạch phát triển GDĐH. Những vấn đề về mở ngành đào tạo và tuyển sinh, Nhà nước cần có các can thiệp ở mức nào với cơ chế nào để tránh chồng chéo ngành đào tạo, đồng thời đầu tư ưu tiên phát triển những ngành mới (liên ngành hoặc xuyên ngành), đảm bảo sự đầu tư xã hội cho GDĐH hiệu quả, hạn chế khủng hoảng thừa do nhiều cơ sở cùng mở những ngành tương tự.

Ở thời công nghệ 4.0, việc sắp xếp cơ sở GDĐH mang tính chất biên giới vật lý có thể ít mang ý nghĩa như trước kia mà GDĐH sẽ phát triển các khóa đào tạo online trong nước và toàn cầu. Vì thế, quy hoạch cần tính toán đến những tác động này ảnh hưởng tới nhu cầu học tập, đòi hỏi thị trường lao động, đầu tư cơ sở vật chất và công nghệ IT, đặc biệt công nghệ AI, để đầu tư hiệu quả.

Đầu tư từ nước ngoài vẫn đang phát triển. Điều đó đòi hỏi đất nước cần chuẩn bị cho một hệ thống GDĐH đào tạo nhân lực có trình độ đáp ứng nhu cầu nhân lực trước các làn sóng đầu tư, đặc biệt về công nghệ cao như công nghệ AI, công nghệ bán dẫn, vi mạch, công nghệ xanh...

Tư duy quy hoạch làm sao phát triển năng lực nội tại của từng trường và của cả hệ thống trên tinh thần đại học "đổi mới và sáng tạo", hạn chế sự can thiệp của Nhà nước vào các hoạt động tự chủ của GDĐH, và sự hỗ trợ cần thiết của Chính phủ về khung pháp lý, tài trợ nguồn lực cho những ngành học ưu tiên, thúc đẩy tự chủ và huy động nguồn lực từ xã hội để thực hiện quy hoạch.

Một số khuyến nghị

Để góp phần có được quy hoạch GDĐH hiệu quả và bền vững, rất cần quan tâm những vấn đề sau:

Một là, cần thay đổi hẳn nhận thức tư duy về phát triển GDĐH trong bối cảnh mới của toàn cầu hóa, tiến bộ khoa học công nghệ, đòi hỏi nhân lực của ngành kinh tế mới (kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế số...). Mỗi trường đại học và mỗi cá nhân tham gia quá trình GDĐH cần thấm nhuần tinh thần tự chủ đại học, trách nhiệm giải trình, đổi mới và sáng tạo.

Quy hoạch GDĐH mới chỉ là cái khung, nền tảng mang tính quốc gia, nhưng thực hiện thành công hay không lại nhờ vào sự năng động, sáng tạo của các cơ sở GDĐH. Với sự phát triển của CNTT, nhu cầu về đất đai xây dựng trường, yêu cầu về cơ sở vật chất sẽ rất khác khi biên giới khuôn viên của đại học sẽ không còn như xưa nữa.

Hai là, cần phải xây dựng chiến lược phát triển GDĐH để có những định hướng lớn cho triển khai thiết kế quy hoạch và thực hiện nó nhằm đảm bảo tính hiệu quả và bền vững của quy hoạch một khi được Thủ tướng phê duyệt.

Nhờ có chiến lược đó, Nhà nước sẽ có ưu tiên đầu tư cho những cơ sở GDĐH, những ngành học quan trọng cho nền kinh tế và cho sự phát triển bền vững. Rất cần các tiêu chí giám sát và đánh giá thực hiện quy hoạch để điều chỉnh kịp thời mục tiêu và phân bổ nguồn lực do quy hoạch không thể lường hết được các yếu tố bất định luôn thay đổi tác động vào quy hoạch, nhất là thời kỳ quy hoạch kéo dài.

Ba là, quy hoạch cần đảm bảo hài hòa giữa các hệ thống con của giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp để tính toán quy mô phát triển GDĐH hợp lý, hiệu quả theo các yếu tố đầu vào và đảm bảo sự cân đối trình độ nhân lực giữa giáo dục nghề nghiệp và GDĐH, tránh hiện tượng quy hoạch cục bộ theo ngành và hệ quả là quy hoạch sẽ mất đi tính ổn định và hiệu quả.

Các quyết định về sắp xếp, thành lập mới cơ sở đào tạo, mở ngành mới rất cần quyết định dựa trên thông tin dữ liệu tin cậy về chuẩn đào tạo của ngành học, nhu cầu thị trường lao động, xu hướng dân số, khả năng nguồn lực của Nhà nước và xã hội, đội ngũ, chất lượng, tích hợp công nghệ, hợp tác quốc tế...

Bốn là, cần thiết lập tiêu chuẩn chặt chẽ cho việc mở ngành học đảm bảo đáp ứng số lượng và chất lượng cho kinh tế địa phương, cho ngành và cho khu vực, tránh nhiều trường mở một ngành trên cùng một địa bàn sẽ làm giảm hiệu quả sử dụng nguồn lực xã hội (đất đai, tài chính, đội ngũ giảng viên) và của Nhà nước cũng như tạo ra sự cạnh tranh không cần thiết về tuyển sinh. Tránh mải mê với quy hoạch trường mà quên quy hoạch ngành đào tạo như đã và đang xảy ra hiện nay, như ngành y và quản trị kinh doanh.

Quản lý thiếu thống nhất

Nhiều quyết định về quy hoạch mạng lưới thì nội hàm chủ yếu là những giải pháp phát triển GDĐH mà ít thấy có sự liên hệ, hợp tác giữa các "nút mạng" là các trường đại học với nhau. Hiện tượng quản lý thiếu thống nhất trong hệ thống, nhiều viện nghiên cứu cũng tham gia đào tạo sau đại học và hợp tác nghiên cứu trường - viện còn hạn chế và quy hoạch ít khi đề cập đến.

Tăng cường hợp tác

Cần đặc biệt quan tâm tới việc huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống trong chia sẻ nguồn lực, chương trình, đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên. Nhà trường được quyền tự chủ trong mọi hoạt động này để phát huy tối đa tiềm năng đổi mới sáng tạo cho GDĐH Việt Nam.

Mô hình nào cho đại học Việt Nam? - Tự chủ đại học: cần căn cơ và trách nhiệmMô hình nào cho đại học Việt Nam? - Tự chủ đại học: cần căn cơ và trách nhiệm

GS.TS Nguyễn Hữu Đức (Đại học Quốc gia Hà Nội) gửi tới Tuổi Trẻ bài viết về những suy nghĩ con đường phát triển của giáo dục đại học Việt Nam.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên