08/01/2013 17:06 GMT+7

Quy định học liên thông như thế nào?

PHÚC ĐIỀN thực hiện
PHÚC ĐIỀN thực hiện

TTO - Chào báo Tuổi Trẻ Online, em có nguyện vọng muốn thi vào hệ CĐ Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM). Tuy nhiên vấn đề em đang lo lắng là quy chế tuyển sinh liên thông năm nay.

Em sợ nếu vào CĐ thì con đường liên thông sẽ khó khăn hơn. Nếu được, mong tiến sĩ Nguyễn Kim Quang (phó hiệu trưởng Trường ĐH KHTN - ĐHQG TP.HCM) tư vấn giúp em. (Quang Vinh Đặng, quangvinhdang93@...)

KbbNOf7o.jpgPhóng to
TS Phạm Tấn Hạ - trưởng phòng đào tạo ĐH KHXH&NV - ĐH Quốc gia TP.HCM tư vấn cho học sinh Tiền Giang trong chương trình tư vấn tuyển sinh 2012 - Ảnh: Như Hùng

- TS Nguyễn Kim Quang: Chào em, ĐH KHTN (ĐHQG TP.HCM) là trường đầu tiên được Bộ GD-ĐT cho phép tuyển sinh liên thông lên đại học ngành công nghệ thông tin từ năm 1999 với khoảng 400 chỉ tiêu mỗi năm. Trường luôn đảm bảo chất lượng trong đào tạo và tuyển sinh đúng quy chế. Năm 2013, trường sẽ tiếp tục tuyển sinh hệ cao đẳng và tuyển sinh hệ liên thông đại học phù hợp với nội dung thông tư 55/2012/TT-BGD-ĐT của Bộ Giáo dục & đào tạo và hướng dẫn của ĐH Quốc Gia TP.HCM. Quy định mới của bộ về liên thông không ảnh hưởng hoặc làm khó khăn đối với sinh viên học tập nghiêm túc. Sinh viên tốt nghiệp giỏi vẫn được tuyển thẳng lên đại học.

* Em luyện thi khối A1, học chuyên toán, dự định thi ngành xây dựng Trường ĐH Bách khoa TP.HCM. Em không có khiếu về vẽ cảnh vật, nhưng về vẽ khối chóp hay khối lăng trụ thì khá. Em đăng băn khoăn về những tố chất cần có cho ngành xây dựng, triển vọng của ngành, và có nghe nói là học ngành này thì phải ra công trường nhiều. Em mong quý tòa soạn chuyển tiếp câu hỏi về thầy Nguyễn Thành Nam - Trường ĐH Bách khoa TP.HCM. Em xin chân thành cảm ơn. (Âu Anh Minh - anhminhcttpcl@...)

- TS Nguyễn Thành Nam, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM): Chào em, em định thi vào ngành xây dựng Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM - QSB-115), không đòi hỏi năng khiếu vẽ cảnh vật. Nếu thi vào ngành kiến trúc QSB-117 theo khối V mới phải thi vẽ.

Về tố chất để học ngành xây dựng, tôi cho rằng:

+ Tư duy logic tốt (học giỏi môn toán) luôn là yếu tố thuận lợi để các em có thể theo học các ngành tự nhiên kỹ thuật.

+ Tuy nhiên điều quan trọng nhất là có niềm đam mê để có thể mau chóng nắm bắt được nghề, luôn mong muốn trở thành người kỹ sư thực thụ. Ban đầu điều này chỉ đơn giản là đam mê kỹ thuật nói chung, luôn tìm tòi và sáng tạo, rồi khi theo học ở trường, tiếp xúc với thực tế thì niềm đam mê sẽ hình thành rõ ràng hơn cho nghề nghiệp mình theo đuổi.

Cuối cùng thì việc ra công trường, vào nhà máy hay dù là lên rừng xuống biển... nếu để tích lũy kinh nghiệm thực tế, để hiểu biết thêm để có thể tự tin làm kỹ sư thì đâu có gì là khổ cực, phải tránh né. Khi mình yêu nghề cái nghiệp của mình thì sẽ thấy rất vui để tham gia vào thực tế, sẽ thấy nhớ công trường nữa đó! Chúc em có đủ nghị lực để hiện thực ước mơ làm kỹ sư xây dựng của mình.

* Cho em hỏi ngành tâm lý học sẽ được học những gì? Ngành này có những yêu cầu gì đặc biệt không? Chương trình dạy tâm lý học của Đại học Khoa học xã hội và nhân văn và Trường đại học Sư phạm khác nhau như thế nào? Cơ hội nghề nghiệp giữa ngành tâm lý và các ngành kỹ thuật bên nào cao hơn? (Thu Hoang, hthienthu@...)

- TS Phạm Tấn Hạ, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP.HCM): Ngành tâm lý học sẽ trang bị cho em những kiến thức cơ bản về khoa học tâm lý; kiến thức chuyên sâu về tư vấn tâm lý, trị liệu tâm lý, tổ chức nhân sự... đặc biệt là kỹ năng về tư vấn, trị liệu, kỹ năng xây dựng test và sử dụng test, kỹ năng làm việc với các nhóm ngành nghề, kỹ năng xã hội, kỹ năng sống và kỹ năng giảng dạy tâm lý.

Ngành học này không có những yêu cầu đặc biệt. Tuy nhiên, để thành công trong nghề nghiệp, em cần phải rèn luyện thêm một số khả năng: sự chịu đựng, biết lắng nghe, quan sát và xử lý tình huống... quan trọng nhất vẫn là sự chân thành toát ra từ con người em (từ giọng nói, gương mặt đến cử chỉ, hành động...). Nói chung là làm thế nào em tạo được một "ấn tượng" tốt cho người tiếp xúc với em.

Chương trình đào tạo ngành học này giữa Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn và ĐH Sư phạm TP.HCM nhìn chung là giống nhau. Tuy nhiên, sự khác nhau trong chương trình đào tạo giữa hai trường cũng chính là thế mạnh của từng trường. Điểm trúng tuyển của ngành này tại Trường ĐH KHXH&NV bao giờ cũng cao hơn so với Trường ĐH Sư phạm.

Cơ hội nghề nghiệp sau khi ra trường tùy thuộc rất nhiều vào chính khả năng của em. Nếu em có khả năng tốt, đáp ứng được tất cả yêu cầu của nhà tuyển dụng thì em sẽ có việc làm như mong muốn và ngược lại. Theo thầy, việc có việc làm hay không sau khi tốt nghiệp tùy thuộc rất nhiều vào ngành nghề mà em lựa chọn cũng như nhu cầu xã hội.

* Em đang cố gắng thi vào ngành ngôn ngữ Anh của Đại học Ngân hàng. Xem xét thấy điểm khá cao (từ 20 điểm trở lên), nếu chỉ đạt 16-17 điểm thì có trường nào tuyển NV2 vào ngành tiếng Anh không? Rất mong sự tư vấn của ban tư vấn. (Võ Thanh, thanh.vkim@...)

- TS Phạm Tấn Hạ: Việc xét tuyển nguyện vọng bổ sung (nguyện vọng 2) chỉ được thực hiện sau khi có kết quả thi tuyển sinh đại học năm 2013. Do đó, thầy chưa thể trả lời câu hỏi của em. Tuy nhiên, nếu em đã xác định sức học của mình chỉ thi đạt từ 16-17 điểm, em nên chọn một trường vừa sức với thực lực của em. Vấn đề quan trọng là em vẫn có khả năng để theo học ngành học mà em yêu thích. Chúc em thành công trong kỳ thi tuyển sinh đại học sắp tới.

* Em tôi đang học lớp 12. Nghe nói khi trúng tuyển vào Trường ĐH Kinh tế TP.HCM thì vẫn chưa học đúng ngành đã trúng tuyển. Chương trình có thể giải đáp thắc mắc trong thời gian bao lâu thì có thể chọn ngành và chọn ngành theo cơ sở nào? Tôi xin hỏi năm nay Trường Kinh tế TP.HCM lấy chỉ tiêu là bao nhiêu, cao hơn hay thấp hơn so với năm ngoái? (gioi200593@...)

- TS Trần Thế Hoàng, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP.HCM: Trong nhiều năm qua, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM tuyển sinh theo 1 điểm chuẩn chung cho tất cả các ngành đào tạo của trường. Từ năm 2012, thí sinh có thể chọn lựa 1 trong 2 khối thi là A (toán, lý, hóa) hoặc A1 (toán, lý, tiếng Anh) trong đợt thi đại học đầu tiên.

Thí sinh trúng tuyển sau 3 học kỳ sẽ được bố trí vào các ngành dựa trên nguyện vọng của sinh viên, kết quả học tập 3 học kỳ của sinh viên và chỉ tiêu từng ngành của trường, trong đó kết quả học tập 3 học kỳ của sinh viên là yếu tố quyết định nhất. Sinh viên học càng giỏi thì cơ hội chọn ngành đúng nguyện vọng càng cao.

Quy định này giúp sinh viên có thời gian 3 học kỳ để tìm hiểu thật kỹ ngành đào tạo có thích hợp với bản thân mình hay không để quyết định chọn ngành phù hợp. Sinh viên có thể tìm hiểu thông tin trong quá trình theo học tại trường, trực tiếp xin ý kiến các giảng viên, cố vấn học tập, ý kiến của gia đình, anh chị sinh viên khóa trước, các thông tin về tuyển dụng từ các doanh nghiệp…

Trường ĐH Kinh tế TP.HCM là đại học trọng điểm quốc gia, là trường công lập nên học phí không đáng ngại đối với sinh viên. Bên cạnh chính sách tín dụng học tập cho sinh viên, trường còn có các quỹ học bổng khuyến khích, hỗ trợ sinh viên trong suốt thời gian theo học tại trường.

Năm 2013, trường dự kiến chỉ tiêu tuyển sinh 4.000 sinh viên, bằng với các năm trước đây. Bạn có thể tìm hiểu thêm thông tin tuyển sinh của trường tại:

- Website, email thông tin tuyển sinh: tuyensinh.ueh.edu.vn; tuyensinh@ueh.edu.vn

- Điện thoại tuyển sinh: tổng đài (08) 38230082, bấm tiếp một trong các số nội bộ: 141, 143, 151, 181, 182, 183.

Thông tư số 55/2012/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục & đào tạo về liên thông đã ban hành ngày 25-12-2012 và có hiệu lực từ ngày 7-2-2013. Có thể tham khảo phần “Tuyển sinh” trong thông tư này như sau:

Điều 9. Tuyển sinh

1. Tuyển sinh đào tạo liên thông hình thức chính quy:

a) Người có bằng tốt nghiệp trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng nghề, cao đẳng sau thời hạn 36 tháng kể từ ngày được cấp bằng tốt nghiệp đến ngày nộp hồ sơ thi lên trình độ cao đẳng hoặc đại học phải dự thi 3 môn gồm: một môn cơ bản, một môn cơ sở ngành và một môn chuyên ngành (hoặc thực hành nghề). Cơ sở giáo dục đại học tự ra đề thi và xác định điểm trúng tuyển;

b) Người có bằng tốt nghiệp trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng nghề, cao đẳng chưa đủ 36 tháng kể từ ngày được cấp bằng tốt nghiệp đến ngày nộp hồ sơ thi lên trình độ cao đẳng hoặc đại học phải dự thi tuyển các môn văn hóa, năng khiếu theo khối thi của ngành thí sinh đăng ký học liên thông trong kỳ thi tuyển sinh cao đẳng, đại học chính quy do Bộ Giáo dục và đào tạo tổ chức hằng năm.

PHÚC ĐIỀN thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên