14/04/2018 15:42 GMT+7

Nhân sự không phải 'nghề sinh sự'

TƯỜNG HÂN
TƯỜNG HÂN

TTO - Nhiều người vẫn nghĩ nghề nhân sự "hành chính", nhàm chán và tiêu cực, có đúng thế không?

Nhân sự không phải nghề sinh sự - Ảnh 1.

Chị Đoan Trinh cùng các CEO đi công tác tại Hoa Kỳ (mùa hè 2017) - Ảnh: NVCC

Từng tư vấn song song cho 5 công ty, chị Lê Thị Đoan Trinh - giám đốc nhân sự của Scommerce Group nơi tập hợp hàng loạt startup như Giao hàng nhanh, Ahamove, Lala, Gido... cảm thấy đáng tiếc cho những bạn trẻ 'lỡ' có hình dung méo mó về nghề này.

Với gần 15 năm kinh nghiệm trong nghề nhân sự, Đoan Trinh khẳng định nghề này không hoàn toàn "hành chính", nhàm chán và tiêu cực như nhiều người vẫn tưởng mà là nghề của những chuyên gia thành thạo việc tuyển chọn, nâng đỡ và phát triển người tài.

Giải quyết bài toán con người

"Nhân sự không chỉ lo việc tuyển dụng, trả lương, phúc lợi, giải quyết chế độ nghỉ việc, chấm công, thực thi luật BHXH, luật công đoàn, luật an toàn vệ sinh lao động. Nhân sự là nhà thiết kế bộ máy con người cho tổ chức, là đối tác đáng tin cậy của ban giám đốc và nhân viên" - chị Trinh khái quát.

Ai từng đi làm đều ít nhiều "quan ngại" khi nghĩ đến bộ phận này. Khi chưa hiểu, chưa tường tận chuyên môn, nghề nhân sự dễ biến con người thành robot.

Họ bị kẹt giữa nhiều áp lực, dẫn tới tâm lý khó chịu, hay căng thẳng. Phòng nhân sự phải can thiệp khi nhân viên làm sai, gây thiệt hại cho công ty, miệt mài xử lý rất nhiều giấy tờ ngày nào như ngày nấy.

Phía trên, khá nhiều lãnh đạo doanh nghiệp chưa đánh giá đúng vai trò của bộ phận, không cho nhân sự can dự vào hoạt động hoạch định chiến lược, ít chia sẻ tầm nhìn, tình hình kinh doanh của công ty.

Vì vậy, khi có những thay đổi đột ngột từ trên xuống, bộ phận nhân sự hầu như không kịp chuẩn bị kỹ khâu truyền thông, gặp khó khăn trong việc giải thích, gây ảnh hưởng hoặc thuyết phục hàng trăm nhân viên bị ảnh hưởng phía dưới.

Để thấu hiểu con người, Đoan Trinh có cách học hỏi thú vị và độc đáo. Suốt 7 năm làm ở công ty sản xuất và phân phối kẹo, 3 năm làm ở tập đoàn công nghệ, chị áp dụng nguyên tắc "không bao giờ đi ăn một mình", miệt mài thiết lập mối quan hệ với hàng trăm đồng nghiệp, quản lý và lãnh đạo các phòng ban.

Nhân sự không phải nghề sinh sự - Ảnh 2.

Bí quyết tận dụng thời gian để học hỏi từ mọi người - nhân vật chia sẻ - ẢNH: tuyenchonsach.com

"Cách học hỏi nhanh nhất là hãy để người trong cuộc kể lại cho bạn. Bộ phận nhân sự phải hiểu các phòng ban làm gì, đang gặp vấn đề gì, sẵn sàng đối thoại và tranh luận hoặc góp ý với sếp khi sắp đưa ra quyết định chưa hợp lí. Qua đó, bạn cũng học nhiều từ sếp và thấu hiểu được trăn trở của lãnh đạo công ty" - chị Trinh nhấn mạnh khả năng quan sát và thấu hiểu người khác.

Sau giai đoạn đầu khởi nghiệp, khi doanh nghiệp đạt đến qui mô 50-70 nhân viên sẽ rối ren đội hình: Giữ người nào hay chia tay ai? Làm sao để người mới và người cũ đoàn kết, làm việc ăn khớp?

Nếu các bạn sáng lập và trở thành nhà quản lý, điều hành công ty đó không có chuyên môn về nhân sự, hầu như họ khó có thể trấn an, sắp xếp và giải thích cho toàn bộ nhân viên về những biến động mới.

"Nhân sự không dừng ở việc tuyển được người tài mà còn phải tạo ra cơ chế để giữ họ, tạo môi trường cho họ phát triển bản thân, gắn bó công ty" - chị Đoan Trinh tâm đắc. "Nếu coi nhẹ công tác nhân sự, không sớm thì muộn người tài cũng ra đi hoặc nội bộ mất đoàn kết".

Tư duy kinh doanh để đi xa

Khác với mẫu hình "vâng lời", chị Đoan Trinh cho rằng: "Giám đốc nhân sự thành công là khi ngồi cùng lãnh đạo công ty bàn kế hoạch sử dụng con người đáp ứng nhu cầu kinh doanh: Cần thêm bộ phận nào, số lượng tuyển mới, ngân sách bao nhiêu... Nếu có chỗ nào chưa hợp lí, phải phản hồi để tránh gây lãng phí về sau".

Nhân sự không phải nghề sinh sự - Ảnh 3.

Doanh nghiệp đến phỏng vấn tuyển dụng trong khuôn viên ĐH Bách khoa - ĐHQG TP.HCM - Ảnh: TƯỜNG HÂN

Muốn như vậy, bộ phận nhân sự phải hiểu về quỹ đạo vận hành của công ty, có nền tảng kinh tế, tư duy kinh doanh. Mọi thiết kế của nhân sự sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả công việc, phải dựa trên số liệu, không ước chừng.

Ngoài chuyên môn, người làm nhân sự được khuyên cần bổ sung kiến thức kinh doanh, tài chính, quan hệ đối ngoại, xây dựng thương hiệu, sản phẩm...

Nghệ thuật nói chuyện với nhân viên, theo chị Trinh, là điều quan trọng để động viên nhân viên thử cái mới, ra khỏi vùng an toàn, chấp nhận sai để tiến bộ.

Nhân sự giỏi cũng là người thành công trong việc tìm kiếm ‘thầy’ về đào tạo hướng dẫn cho nhân viên, giúp nhân viên định hướng được con đường nghề nghiệp của chính bản thân họ sẽ phát triển ra sao cùng với sự tăng trưởng, tiến bộ và mở rộng của công ty.

"Nhân sự không phải nghề sinh sự. Người muốn bước vào nghề này không nên là ‘cục than’, ngược lại, họ nên thấu hiểu và lan toả năng lượng tích cực cho mọi người xung quanh mình" - chị Trinh hài hước chia sẻ.

"Với startup mới, nguyên tắc về con người là ‘up or out’, nhân viên nên phát triển, đi lên hoặc ra đi, rời khỏi tổ chức để tìm công việc phù hợp hơn, đỡ lãng phí thời gian. Doanh nghiệp lúc bấy giờ không nên miễn cưỡng giữ họ rồi càm ràm, than phiền về những người nhân viên đã không còn phù hợp".

TƯỜNG HÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên