"Đặt hàng" đào tạo giáo viên: Càng làm càng rối

VĨNH HÀ 13/06/2023 10:09 GMT+7

TTCT - Năm 1998, lần đầu tiên Luật Giáo dục được thông qua (có hiệu lực năm 1999), cũng là lần đầu có quy định sinh viên sư phạm, người theo học các khóa đào tạo nghiệp vụ sư phạm không phải đóng học phí.

Bỏ một chính sách nhiều bất cập

Giáo viên dạy học trực tuyến trong giai đoạn đại dịch COVID bùng phát Ảnh: Chu Hà Linh

Giáo viên dạy học trực tuyến trong giai đoạn đại dịch COVID bùng phát Ảnh: Chu Hà Linh

Vào thời điểm đó, chính sách này được đánh giá cao, bởi người ta tin rằng nó sẽ khuyến khích các học sinh giỏi nhưng có điều kiện khó khăn lựa chọn ngành sư phạm. Tuy nhiên sau 20 năm, chính sách này đã bộc lộ nhiều bất ổn.

Bất ổn đầu tiên là các trường sư phạm đào tạo ồ ạt khiến tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp thất nghiệp nhiều. Chất lượng đầu vào và chất lượng đào tạo sư phạm xuống dốc thảm hại khiến Bộ GD-ĐT phải quy định ngưỡng điểm đảm bảo chất lượng đầu vào đối với ngành sư phạm để cứu vãn tình thế. Việc kiểm soát sinh viên hưởng chính sách gắn bó với nghề sau khi tốt nghiệp cũng không đạt yêu cầu.

Luật Giáo dục 2019 đã chính thức đóng lại chính sách miễn học phí sư phạm kéo dài 20 năm.

Năm 2020, nghị định 116/2020/NĐ-CP về chính sách hỗ trợ sinh viên sư phạm được triển khai, thay thế quy định trước đây. 

Theo đó, sinh viên sư phạm sẽ được hỗ trợ học phí và chi phí sinh hoạt với mức 3,63 triệu đồng/tháng (trước đây chỉ được miễn học phí), nhưng phải cam kết làm việc một thời gian nhất định trong ngành giáo dục sau khi tốt nghiệp. Ai không thực hiện sẽ phải hoàn trả kinh phí hỗ trợ.

Phương thức này được thiết kế qua cơ chế giao nhiệm vụ, đặt hàng và đấu thầu do địa phương thực hiện, gắn với trách nhiệm địa phương trong đào tạo và bố trí, sử dụng và theo dõi tình trạng việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp và cả trách nhiệm thu hồi kinh phí trong trường hợp sinh viên vi phạm cam kết.

Hằng năm, Bộ GD-ĐT căn cứ nhu cầu thực tế từ các địa phương để xác định chỉ tiêu, thông báo cho các cơ sở đào tạo. Sinh viên sư phạm được lựa chọn đăng ký hưởng chính sách hỗ trợ hoặc không.

Điểm mới của nghị định trên là không ràng buộc sinh viên của địa phương nào phải về địa phương đó làm việc. Sinh viên cũng lựa chọn sau khi ra trường sẽ làm việc ở một địa phương cụ thể.

Mới đầu, chính sách này có hiệu ứng tích cực ngay. Năm 2021, số thí sinh trúng tuyển nhập học sư phạm đạt 85,22%, cao hơn nhiều năm trước đó. Điểm chuẩn đầu vào các trường sư phạm năm 2021 cũng tăng, có những ngành tăng từ 6-10 điểm so với trước.

Thực tế nói điều khác

Tuy nhiên, do những vướng mắc trong thực hiện nghị định 116, tình cảnh sinh viên chờ tiền hỗ trợ kéo dài khiến cho năm 2022 cả số đăng ký và số sinh viên nhập học sư phạm đều giảm (bằng 70% so với chỉ tiêu).

Theo số liệu của Bộ GD-ĐT, trong số 30.807 sinh viên tuyển sinh năm 2021 được hưởng chế độ hỗ trợ của nghị định 116, chỉ có 24,3% được địa phương đặt hàng, giao nhiệm vụ (1.928 đặt hàng và 5.563 giao nhiệm vụ). Con số này so với tổng số sinh viên sư phạm nhập học năm 2021 chỉ chiếm 17,4%.

Có khoảng 75,7% số sinh viên được hưởng chế độ hỗ trợ thuộc diện "đào tạo theo nhu cầu xã hội". Có nghĩa, sinh viên đăng ký nhận hỗ trợ và cam kết sẽ làm việc trong ngành giáo dục đủ thời gian quy định, nhưng chưa được địa phương chấp nhận.

Hiện mới chỉ có trên 20 tỉnh thành thực hiện việc giao nhiệm vụ, đặt hàng đào tạo giáo viên. Hơn 40 tỉnh thành vẫn không màng.

Với sinh viên diện đào tạo theo nhu cầu xã hội, kinh phí được chuyển qua cơ quan chủ quản, các trường nhận kinh phí có trách nhiệm chuyển cho sinh viên phần sinh hoạt phí. Cụ thể, sinh viên ở các trường trực thuộc các bộ, kinh phí sẽ do các bộ giải quyết. Các trường trực thuộc địa phương sẽ do địa phương giải quyết bằng kinh phí phân bổ cho địa phương.

Năm 2021, chỉ có Bộ GD-ĐT thực hiện cấp kinh phí theo nghị định 116 cho sinh viên đào tạo theo nhu cầu xã hội ở các trường trực thuộc bộ. Nhưng do số chỉ tiêu lớn nên nguồn ngân sách phân bố từ Bộ Tài chính cũng không đáp ứng số lượng thực tuyển.

Với các trường trực thuộc địa phương, bất ổn thuộc dạng khác: những địa phương có nguồn kinh phí tốt như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng thì không có nhu cầu đặt hàng, giao nhiệm vụ vì họ rất dễ tuyển giáo viên. Đương nhiên, những địa phương này không muốn trích kinh phí để chi trả cho đối tượng đào tạo theo nhu cầu xã hội tại các trường trực thuộc.

Trong khi đó, các địa phương khó khăn thiếu giáo viên thì không đủ kinh phí để triển khai. Theo số liệu của Bộ GD-ĐT, nhiều trường đào tạo giáo viên trực thuộc địa phương hiện vẫn chưa nhận được kinh phí cấp cho sinh viên theo diện "đào tạo theo nhu cầu xã hội" tuyển sinh từ năm 2021.

Sinh ra từ một cách tiếp cận sai

Trong ba cơ chế được nghị định nêu là đặt hàng, giao nhiệm vụ và đấu thầu, báo cáo tổng hợp của Bộ GD-ĐT cho biết chỉ có cơ chế giao nhiệm vụ dễ triển khai. Nhưng trên thực tế, các địa phương có nhu cầu chỉ giao nhiệm vụ cho trường trực thuộc (do UBND các tỉnh thành lập). Vì thế những trường đại học sư phạm trọng điểm trong tốp đầu về chất lượng đào tạo không có sinh viên diện "giao nhiệm vụ".

Cơ chế đặt hàng, đấu thầu thì quá phức tạp do có sự tham gia của nhiều bên liên quan khiến các địa phương khó có thể thực hiện được đúng thời gian, quy trình, thủ tục.

Trên thực tế, không có địa phương nào thực hiện được cơ chế đấu thầu này. Số sinh viên diện đặt hàng của cả năm 2021, 2022 rất ít vì thực tế triển khai nảy sinh nhiều khó khăn do thủ tục phức tạp, "đơn đặt hàng" thì phân tán nhiều ngành, nhiều môn ở các bậc học, rất khó xử lý. 

"Giải quyết hết những yêu cầu về thủ tục thì trường đại học biến thành nơi làm hồ sơ đấu thầu, đặt hàng chứ không phải nơi để đào tạo", một hiệu trưởng trường sư phạm nói.

Số sinh viên trong diện đặt hàng, giao nhiệm vụ vốn đã rất ít nhưng nhóm này cũng vẫn bị "nợ tiền" như sinh viên diện đào tạo theo nhu cầu xã hội. 

Theo số liệu của Bộ GD-ĐT, năm 2021 mới có 12/58 cơ sở đào tạo trực thuộc địa phương được các địa phương giao nhiệm vụ chi trả kinh phí. Có sáu cơ sở đào tạo được các địa phương đặt hàng, trong đó có hai trường trọng điểm là Trường ĐH Sư phạm Hà Nội và Trường ĐH Sài Gòn chưa được chi trả kinh phí hoặc mới được chi trả một phần nhỏ.

Trong báo cáo Thủ tướng Chính phủ vào tháng 2-2023, Bộ GD-ĐT nói rằng quy trình triển khai gặp khó khăn "do đan xen nhiều chủ thể: nhu cầu về giáo viên do địa phương, bộ, ngành đề xuất trên tình hình thực tiễn, chỉ tiêu biên chế do ngành nội vụ giao và phân bổ, chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo do Bộ GD-ĐT xác định, kinh phí từ Bộ Tài chính". 

Trong khi đó, việc đăng ký nhận hưởng chính sách của sinh viên cùng lúc về nhiều địa phương nên một cơ sở đào tạo phải kết nối với nhiều địa phương. Đó là một quy trình phải qua rất nhiều bước, phụ thuộc vào việc triển khai của nhiều cơ quan.

Bộ GD-ĐT cho rằng việc xác định nhu cầu đào tạo, giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng, đấu thầu của địa phương gắn với trách nhiệm cấp kinh phí từ ngân sách địa phương, trách nhiệm thu hồi kinh phí từ người học nếu vi phạm khiến các địa phương lo ngại về trách nhiệm.

Tuy nhiên theo một lãnh đạo sở GD-ĐT, việc đặt hàng đào tạo thì theo nghị định 116, nhưng tuyển dụng lại dựa trên quy định khác của ngành nội vụ. Trách nhiệm không gắn với quyền được tuyển dụng, ưu tiên tuyển dụng những sinh viên tốt nghiệp do địa phương cấp ngân sách.

Trong một văn bản gửi Bộ GD-ĐT vào tháng 9-2022, Bộ Tài chính lại cho rằng một trong các nguyên nhân dẫn tới vướng mắc khi thực hiện nghị định 116 là do chưa có sự phân biệt rõ sự khác nhau của việc xác định chỉ tiêu đào tạo theo nhu cầu xã hội và đào tạo theo đặt hàng, giao nhiệm vụ của địa phương. Việc xác định hai chỉ tiêu chưa phù hợp gây áp lực cho ngân sách nhà nước và ngân sách trung ương.

Giữa "rừng" nhận định quá khác biệt nhau đó của các bộ, địa phương và thực tế gập ghềnh diễn ra ở các trường, dễ hiểu vì sao nghị định 116 không hiệu quả. Người trong cuộc, như GS.TS Nguyễn Quý Thanh, thì nói thẳng "cách tiếp cận của nghị định 116 về đặt hàng, giao nhiệm vụ và đấu thầu trong đào tạo giáo viên không thực sự phù hợp với lĩnh vực đào tạo con người".■

Với sự ra đời của Luật Giáo dục 2019, chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm (quy định từ năm 1998) chính thức bị bãi bỏ. Một chính sách mới về đào tạo giáo viên theo đơn đặt hàng được triển khai, với cam kết chặt chẽ hơn với sinh viên tốt nghiệp. Nhưng chính sách này cũng đang đi vào bế tắc.

"Tôi cảm thấy xấu hổ, thấy có lỗi với sinh viên khi các em nhập học theo diện được hỗ trợ kinh phí theo nghị định 116/2020/NĐ-CP mà chưa được nhận tiền hoặc mới chỉ được nhận một phần - GS.TS Nguyễn Quý Thanh, hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) chia sẻ - Trường chỉ là đầu mối tiếp nhận và chuyển tiền cho sinh viên. Có nhiều rắc rối, phức tạp dẫn tới việc chậm chi trả. Nhưng người học, phụ huynh chỉ kiến nghị lên trường. Và vô hình trung, trường giống như "con nợ"".

Theo GS Thanh, trường có gần 1.000 sinh viên các ngành đào tạo giáo viên (sư phạm) tuyển sinh trong hai năm 2021, 2022. Trong đó sinh viên tuyển vào trường năm 2021 hiện mới nhận đủ tiền sinh hoạt phí theo các tháng thực học của năm học trước và ba tháng thực học kỳ 1 năm học này. Sinh viên tuyển năm 2022 cũng mới nhận ba tháng thực học kỳ 1 năm học này. Ngoài ra, kinh phí hỗ trợ cho các em đóng học phí cho trường cũng chưa được cấp đủ.

Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đào tạo theo "đặt hàng" của sáu tỉnh theo nghị định 116/2020/NĐ-CP với con số khá ít là gần 200 sinh viên, nhưng theo GS.TS Nguyễn Văn Minh - hiệu trưởng nhà trường, tình trạng chậm, nợ tiền học phí, sinh hoạt phí cũng đang là vấn đề nổi cộm.

Tương tự, Trường ĐH Thủ đô (trực thuộc UBND TP Hà Nội) có 500 sinh viên sư phạm tuyển sinh năm 2021 đã đăng ký hưởng chế độ hỗ trợ (thuộc diện đào tạo theo nhu cầu xã hội). Nhưng hết năm học, sinh viên không nhận được khoản hỗ trợ theo nghị định 116/2020/NĐ-CP. Trường hợp "mắc kẹt" của Trường ĐH Thủ đô là do Hà Nội không sẵn sàng rót tiền cho trường này khi Hà Nội quá thuận lợi về nguồn tuyển ở những trường sư phạm trọng điểm.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận