18/07/2019 15:56 GMT+7

Cứ chiến dịch theo thời điểm thì muỗi, lăng quăng tiếp tục phát triển

A LỘC
A LỘC

TTO - Đó là nhận định của ông Nguyễn Vũ Thượng - phó viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM tại buổi làm việc giữa đoàn công tác của Bộ Y tế với Sở Y tế Đồng Nai về tình hình phòng chống sốt xuất huyết diễn ra sáng nay 18-7.

Cứ chiến dịch theo thời điểm thì muỗi, lăng quăng tiếp tục phát triển - Ảnh 1.

TS.BS Nguyễn Vũ Thượng - phó viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM - phát biểu tại buổi làm việc với Sở Y tế Đồng Nai - Ảnh: A LỘC

Theo ông Thượng, hiện nay đang vào mùa mưa, thời tiết rất thuận lợi phát sinh muỗi và lăng quăng, đây là vec-tơ (vật chủ trung gian) truyền bệnh sốt xuất huyết. Nếu không kiểm soát tốt bọ gậy, lăng quăng và muỗi thì sốt xuất huyết sẽ tiếp tục gia tăng, không chỉ ở Đồng Nai mà còn ở các tỉnh khác.

Nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới cho Đồng Nai và khu vực phía Nam là giám sát tốt cả vec-tơ bọ gậy, lăng quăng và muỗi. Nếu thấy chỉ số tăng thì phải xử lý ngay. Đồng thời, giám sát chặt chẽ các ca bệnh sốt xuất huyết. Việc phát hiện ca bệnh sớm vừa để xử lý ổ dịch không để lan ra cộng đồng, vừa để chăm sóc tốt hơn cho bệnh nhân, giảm tỉ lệ tử vong cho bệnh nhân mắc sốt xuất huyết.

TS.BS Nguyễn Vũ Thượng, phó viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, chia sẻ về huy động đoàn thể chung tay phòng chống dịch sốt xuất huyết - Video: A LỘC

Bên cạnh đó, cần vận động các ban ngành đoàn thể khác nhau, các mặt trận, đoàn thể chính trị như đoàn thanh niên, học sinh sinh viên, hội phụ nữ, hội nông dân, thậm chí các ban tôn giáo… cùng nhau vào cuộc. Qua đó, tạo ra sự thay đổi về nhận thức trong vấn đề dẹp bỏ vật chứa nước không chỉ một thời điểm mà phải hàng tuần, thường xuyên.

"Chúng ta chỉ tổ chức chiến dịch một thời điểm nào đó mà không duy trì thì muỗi, lăng quăng lại tiếp tục phát triển. Bởi vì đất nước ta xứ nhiệt đới, nóng ẩm mưa nhiều, nên việc diệt lăng quăng phải thường xuyên, hàng tuần. Khi có ca bệnh thì phối hợp thêm phun thuốc, hóa chất diệt muỗi. Bà con cũng cần phối hợp với ngành y tế để "hạ nhiệt" các đàn muỗi mang mầm bệnh" - ông Thượng nói.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Đức Khoa, phó trưởng phòng kiểm soát bệnh truyền nhiễm Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết do biến đổi khí hậu, thời tiết nắng nóng kéo dài xen lẫn các đợt mưa khiến các vec-tơ sinh sôi toàn cầu. 

Cứ chiến dịch theo thời điểm thì muỗi, lăng quăng tiếp tục phát triển - Ảnh 3.

Nhân viên y tế phun xịt thuốc diệt muỗi tại một hộ gia đình trên địa bàn TP Biên Hòa, Đồng Nai - Ảnh: A LỘC

Tại Việt Nam, số ca mắc sốt xuất huyết tăng 3,2 lần so với cùng kỳ 2018 (gần 100.000 ca). Đặc biệt, trong 5 tuần trở lại đây, sốt xuất huyết tại 34 tỉnh, thành phố của các khu vực miền Trung, Tây Nguyên và miền Nam.

Ông Huỳnh Cao Hải, phó giám đốc Sở Y tế Đồng Nai, nhấn mạnh sốt xuất huyết "không chừa ai", không chỉ trẻ em mà cả người lớn với tỉ lệ 50-50. Do đó, tất cả mọi người phải có ý thức tự phòng chống bệnh sốt xuất huyết như ngủ màn, mặc áo dài tay… đồng thời vệ sinh môi trường xung quanh, diệt lăng quăng, bọ gậy.

Đến nay, toàn tỉnh Đồng Nai đã có trên 5.000 ca mắc sốt xuất huyết, tăng hơn 2,4 lần so với cùng kỳ năm trước, chưa ghi nhận ca tử vong. Theo ông Hải, Đồng Nai là tỉnh có dân số đông, tập trung nhiều công nhân lao động, nhà trọ. Công nhân sau khi làm về lại lo ăn uống, nghỉ ngơi, ít có thời gian sinh hoạt giải trí, đặc biệt là chế độ dinh dưỡng không đảm bảo do phải dành dụm tiền gửi về quê.

A LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên