31/07/2023 20:12 GMT+7

Băn khoăn quy định chuẩn để xem xét điều kiện hoạt động trường đại học

Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ sử dụng ‘chuẩn cơ sở giáo dục đại học’ để xem xét điều kiện hoạt động của các trường và quy hoạch, sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục đại học.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn (giữa) chủ trì tọa đàm chiều nay 31-7 - Ảnh: TRẦN HUỲNH 

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn (giữa) chủ trì tọa đàm chiều nay 31-7 - Ảnh: TRẦN HUỲNH

Tọa đàm góp ý về dự thảo thông tư ban hành chuẩn cơ sở giáo dục đại học do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức tại TP.HCM chiều 31-7. Gần 100 đại biểu đại diện các trường đại học tham gia tọa đàm tiếp tục có nhiều ý kiến băn khoăn về bộ chuẩn này.

Băn khoăn các tiêu chí về diện tích đất, tỉ lệ giảng viên

PGS.TS Trần Thị Mỹ Diệu - hiệu trưởng Trường đại học Văn Lang - nêu ra nhiều băn khoăn về các tiêu chuẩn. Bà Diệu cho rằng tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ, nếu trường có đào tạo tiến sĩ nhưng chỉ đào tạo một ngành trong số nhiều ngành, so với trường đào tạo 10 ngành tiến sĩ trong số nhiều ngành thì chuẩn đặt ra yêu cầu chung cho tất cả các trường là không hợp lý.

Về tiêu chuẩn điều kiện học tập, nếu như tất cả các trường đều đạt được quy định 25 mét vuông trên một sinh viên là quá lý tưởng. Câu hỏi đặt ra là hiện nay có bao nhiêu trường đại học ở Việt Nam đạt được tiêu chuẩn này. 

Và lộ trình đặt ra đến năm 2030 có đạt được con số này hay không? Tương tự tiêu chí về diện tích sàn xây dựng trực tiếp phục vụ đào tạo hiện nay là 2,8 mét vuông, nay nâng lên 5 mét vuông trên một sinh viên là rất khó đạt.

PGS.TS Võ Viết Minh Nhật - phó trưởng ban đào tạo và công tác sinh viên Đại học Huế - thắc mắc với đại học hai cấp như Đại học Huế thì chuẩn này được tính cho từng trường thành viên hay tính chung về diện tích đất, diện tích sàn xây dựng, tỉ lệ giảng viên

PGS.TS Ngô Quốc Đạt - phó hiệu trưởng phụ trách Trường đại học Y Dược TP.HCM - cho biết đào tạo khoa học sức khỏe gắn liền với bệnh viện thực hành. Sinh viên y khoa năm thứ hai đã đi bệnh viện rồi. 

Như vậy, sinh viên thực tập tại bệnh viện có được tính diện tích phục vụ đào tạo? Về giảng viên hiện nay trường đang đào tạo sau đại học, có giảng viên trình độ chuyên khoa II có được tính tương đương tiến sĩ?

Ban hành chuẩn để quy hoạch, sắp xếp các cơ sở giáo dục đại học

Giải đáp những ý kiến băn khoăn về diện tích sàn xây dựng, ông Hoàng Minh Sơn - thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo - cho rằng cần có chuẩn để xây dựng quy hoạch vùng và địa phương. 

Hiện nay đã có nhiều nghị quyết của Bộ Chính trị, chương trình hành động của Chính phủ về việc di dời các trường đại học ra khỏi nội đô các thành phố lớn. Phải có chuẩn để các địa phương quy hoạch đất xây dựng các trường đại học đến năm 2030.

Về tiêu chí tỉ lệ giảng viên đối với cơ sở đào tạo tiến sĩ, mục đích đầu tiên của việc quy định các chuẩn là để phục vụ quy hoạch, sắp xếp các cơ sở giáo dục đại học. Hiện nay đang có quá nhiều cơ sở đào tạo tiến sĩ nên không tập trung được nguồn lực, chất lượng không đảm bảo đồng đều.

"Bộ Giáo dục và Đào tạo lần này quy hoạch các trường, nâng chuẩn để các cơ sở đào tạo khẳng định sứ mạng của mình. Khi đào tạo tiến sĩ thì phần nghiên cứu sẽ tăng lên. Mức độ nghiên cứu phụ thuộc vào nhiều yếu tố trong đó có tỉ lệ giảng viên trình độ tiến sĩ, nguồn thu từ nghiên cứu…", ông Sơn nói.

PGS.TS Ngô Quốc Đạt, phó hiệu trưởng phụ trách Trường đại học Y Dược TP.HCM, phát biểu tại tọa đàm - Ảnh: TRẦN HUỲNH

PGS.TS Ngô Quốc Đạt, phó hiệu trưởng phụ trách Trường đại học Y Dược TP.HCM, phát biểu tại tọa đàm - Ảnh: TRẦN HUỲNH

"Chuẩn cơ sở giáo dục đại học" khác "chuẩn kiểm định"

Liên quan tới một số ý kiến thắc mắc hiện đã có "chuẩn kiểm định" rồi, có cần thêm "chuẩn cơ sở giáo dục đại học", bà Nguyễn Thị Thu Thủy - phó vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học - khẳng định mục đích của hai bộ chuẩn khác nhau.

Chuẩn cơ sở giáo dục đại học nhằm đảm bảo tính thống nhất của quốc gia trong việc tuân thủ các yêu cầu tối thiểu cho các hoạt động. Trong khi chuẩn kiểm định không đánh giá được các cơ sở giáo dục đại học theo một thước đo chung hay những yêu cầu chung tối thiểu mà tất cả các trường phải đáp ứng khi thực hiện các hoạt động giáo dục đại học.

Chuẩn cơ sở giáo dục đại học sử dụng để xem xét điều kiện hoạt động và giám sát thường xuyên các kết quả hoạt động chính hằng năm của cơ sở giáo dục đại học; quy hoạch, sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục đại học.

Còn chuẩn kiểm định sử dụng để các cơ sở giáo dục đại học tự đánh giá và cải tiến chất lượng, mục tiêu đã công bố; để các tổ chức kiểm định đánh giá, xem xét công nhận chất lượng của cơ sở giáo dục đại học theo chu kỳ khoảng 5 năm một lần.

Năm 2025 công bố kết quả thực hiện chuẩn

Thông tin về việc tổ chức thực hiện chuẩn, bà Nguyễn Thị Thu Thủy cho biết Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ hướng dẫn các cơ sở giáo dục đại học cung cấp, cập nhật dữ liệu phục vụ tính toán các chỉ số và đánh giá mức độ đáp ứng các tiêu chí của chuẩn cơ sở giáo dục đại học vào cơ sở dữ liệu quốc gia về giáo dục đại học.

Công bố kết quả thực hiện chuẩn cơ sở giáo dục đại học của các trường đại học trước ngày 30-6 hằng năm, bắt đầu từ năm 2025.

Các cơ sở giáo dục đại học cung cấp, cập nhật đầy đủ, chính xác dữ liệu phục vụ tính toán các chỉ số và đánh giá mức độ đáp ứng các tiêu chí của chuẩn… Thực hiện các biện pháp cần thiết để thường xuyên giám sát , cải tiến chất lượng, đảm bảo đạt được tất cả tiêu chuẩn, tiêu chí của chuẩn cơ sở giáo dục đại học từ năm 2025.

Băn khoăn "chuẩn trường đại học"Băn khoăn 'chuẩn trường đại học'

Bộ GD-ĐT vừa công bố dự thảo thông tư quy định "Chuẩn cơ sở giáo dục đại học", trong đó có nhiều tiêu chí mới.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên