04/05/2024 15:09 GMT+7

Like 'dạo' quen tay, có ngày bị phạt

Nhiều người hiện nay thấy tin 'hot' trên mạng là like rồi chia sẻ mà không kiểm chứng. Câu chuyện đăng tin giả 'Đà Lạt có biến lớn, bạo động' là một ví dụ.

Like 'dạo' quen tay, có ngày bị phạt- Ảnh 1.

Câu chuyện đăng tin giả "Đà Lạt có biến lớn, bạo động" có một tình tiết khiến tôi chú ý: Bà N.Th. trình bày với cơ quan công an "do đọc được các thông tin ở các hội nhóm trên mạng, không kiểm chứng mà đăng tải lên Facebook cá nhân".

Đây là một thực trạng: có vô số hội, nhóm, người nổi tiếng trên mạng xã hội đưa tin và bình luận đủ chuyện, nếu chúng ta tham gia sai nhóm, theo dõi sai người thì rất dễ bị dẫn dắt để rồi rước họa vào thân.

Mê man với thông tin trên mạng

Trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook và Zalo, chúng ta sẽ thấy ngày càng có nhiều hội nhóm hay các trang của những người nổi tiếng được lập ra.

Ở đó có nhiều cộng đồng lành mạnh trở thành nơi để người dùng tâm sự, học hỏi và cập nhật kiến thức thực tế hay để kết nối chia sẻ thông tin cuộc sống. Nhưng cũng có rất nhiều cộng đồng núp bóng các trang giải trí để gài cá độ, cờ bạc, lừa đảo hay kể cả việc tung tin đồn nhằm nhiều mục đích khác nhau.

Điểm chung của những cộng đồng núp bóng này là chuyên đăng tin tức giật gân, thổi phồng tin tức thời sự, đúng xu thế trên mạng nên dễ khiến người dùng bị cuốn theo. 

Thậm chí có nhiều hội nhóm còn tạo ra các tin giả kiểu "có biến lớn", "người nổi tiếng mất", "chủ tịch ngân hàng bị cấm xuất cảnh"… để kích thích sự tò mò, thu hút người dùng.

Phía dưới mỗi bài viết này, những thành viên vẫn nêu ý kiến trong trạng thái tin tưởng cực độ. Họ xem những thông tin được đăng tải là sự thật rồi bình luận, chia sẻ mà không kiểm chứng. Câu chuyện đăng tin giả "Đà Lạt có biến lớn, bạo động" là một ví dụ.

Đó là chưa kể ngày nay có vô số KOL hay Influencer (người gây ảnh hưởng) đang lợi dụng sự nổi tiếng để rao giảng, quảng cáo hay thậm chí tung tin đồn nhằm vào một mục đích cá nhân.

Hậu quả, không chỉ những người theo dõi hoang mang mà những người tưởng chừng đứng ngoài cuộc như người dân ở thôn quê cũng bất an, mất niềm tin. Câu chuyện sốt đất ở nông thôn, chứng khoán, giá vàng hay là chuyện nghệ sĩ quảng cáo nơi xem bói… là những bài học đắt giá.

Người dùng như mê man trên mạng, bám vào trang những người nổi tiếng, những hội nhóm triệu người tham gia. Vì mải mê quan tâm đến sức nóng tin tức, họ tin vào những gì đám đông tin tưởng mà không cho mình cơ hội ngẫm lại để nhận biết đúng sai.

Chọn nhóm mà tham gia

Khi đọc lại các bài báo trước đây về những người đăng tin giả và bị xử phạt tôi thấy một điểm chung: tất cả họ đều khai rằng lấy lại trên mạng rồi đăng tải lên Facebook cá nhân. Câu hỏi đặt ra là: vì sao đã có nhiều người bị xử phạt nặng nhưng sau đó vẫn còn nhiều người mắc phải lỗi này?

Tôi nhận thấy một thực tế: họ chọn tham gia các nhóm, theo dõi các nhân vật chuyên đăng tải những thông tin không được kiểm chứng. Cứ thế, họ bị cuốn theo, hòa vào đám đông và đánh mất chính mình.

Nói cách khác, trên mạng xã hội nếu chúng ta không tự trang bị kiến thức cho mình thì rất dễ "gần bùn" và "hôi tanh mùi bùn".

Đặc biệt, trước những hội nhóm có cả triệu thành viên hay những người nổi tiếng có trăm ngàn người theo dõi chúng ta dễ vào tình cảnh "ngạc nhiên", "bất ngờ" và bị cuốn vào guồng thông tin không chính xác này.

Chưa kể ở thời điểm hiện tại, khi trí tuệ nhân tạo đã phát triển vượt bậc thì sự dối trá trên mạng xã hội sẽ được nâng tầm. Người dùng nếu không "đứng vững" sẽ rất khó phân biệt thật giả và dễ bị thao túng.

3 đề xuất ngăn tin giả

1. Mỗi người dùng mạng xã hội cần chọn đúng nhóm mà tham gia, chọn đúng người mà theo dõi, đừng "follow" theo phong trào, có thể nhầm người. Và dù chọn ai, chọn nhóm nào, mỗi người cũng cần có góc nhìn độc lập, không vội tin những gì được đăng tải trên mạng.

Có nhất thiết phải theo dõi nhất cử nhất động của các hội nhóm hay người nổi tiếng nào không? Ở những hội nhóm, có những người sẵn sàng nhảy vào chuyện đời tư người khác, bàn loạn tin tức giật gân để bình phẩm và cuồng nộ. Bạn nên giữ quan điểm độc lập khi quan tâm, chia sẻ thông tin một cách chính xác, sâu sắc hơn, tử tế hơn.

2. Ở nông thôn vẫn còn tình trạng người dân chưa biết "đâu là báo chính thống" hay kênh nào đáng tin cậy. Họ tin những gì được nói "trên mạng", họ chưa biết nên xác thực tin tức này ở đâu. Các cơ quan truyền thông cần nhanh hơn trong việc phản hồi các tin giả.

3. Cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng để xây dựng các hội, nhóm hay trang chống tin giả. Khi có một tin đồn được đưa ra, cơ quan chức năng sẽ thông báo tính thực hư trên các cộng đồng này để người dân được biết, được chia sẻ.

Không ít tin giả đang lan truyền một chiều trên mạng xã hội mà chưa có những thông tin phản biện kịp thời. Cần sự hỗ trợ kịp thời và mạnh tay xử lý từ các cơ quan chức năng và sự chung tay từ cộng đồng nhằm góp phần đẩy lùi tin giả.

Lo nhất học sinh dùng mạng xã hội, lên mạng thấy ai làm gì là học theoLo nhất học sinh dùng mạng xã hội, lên mạng thấy ai làm gì là học theo

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết từ vấn nạn bạo lực học đường tái diễn, lo ngại nhất là tình trạng học sinh sử dụng mạng xã hội, lên mạng thấy ai làm gì là học theo.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên