25/04/2024 18:11 GMT+7

Có thể thí điểm gắn chip quản lý chó, mèo ở TP.HCM

Việc gắn chip và đăng ký chăn nuôi chó, mèo với địa phương sẽ giúp giám sát dịch bệnh, dự trù vắc xin và góp phần duy trì thành công TP.HCM là vùng an toàn dịch bệnh động vật.

Hình ảnh tại một cơ sở chăm sóc thú cưng (chó) ở TP Thủ Đức - Ảnh: CHÂU TUẤN

Hình ảnh tại một cơ sở chăm sóc thú cưng (chó) ở TP Thủ Đức - Ảnh: CHÂU TUẤN

Những thông tin xoay quanh vấn đề gắn chip cho chó, mèo vừa được ông Nguyễn Văn Dũng - trưởng phòng chăn nuôi dịch tễ thuộc Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM - chia sẻ tại họp báo định kỳ chiều 25-4.

Ông Dũng cho biết nếu quy định tạm thời về quản lý nuôi chó, mèo ở TP.HCM được UBND TP.HCM thông qua thì Chi cục Chăn nuôi và Thú y sẽ tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm thí điểm tại một số nơi trong nội thành. 

Từ đó, sẽ đánh giá hiệu quả và khuyến khích người dân nuôi chó, mèo ở TP.HCM gắn chip, đặc biệt là chó, mèo cảnh có giá trị.

Việc đăng ký và khai báo chăn nuôi với địa phương sẽ giúp chính quyền quản lý chặt chẽ tổng đàn chó, mèo nuôi ở từng nơi. 

Đây là cơ sở để làm các biện pháp quản lý chăn nuôi, phòng chống, giám sát dịch bệnh, dự trù vắc xin phù hợp với thực tế và đạt hiệu quả cao.

Hoạt động này không chỉ góp phần duy trì thành công TP.HCM là vùng an toàn dịch bệnh động vật đối với bệnh dại mà còn giúp bảo vệ sức khỏe cho người dân.

Nếu người dân nuôi chó, mèo không đăng ký, kê khai hoạt động chăn nuôi với chính quyền địa phương đầy đủ thì số liệu về tổng đàn chó, mèo nuôi không được cập nhật đầy đủ và chính xác. 

Điều này ảnh hưởng đến việc xây dựng kế hoạch giám sát dịch bệnh và tiêm vắc xin phòng bệnh dại.

Đội chuyên trách bắt chó thả rông ở phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức - Ảnh: CHÂU TUẤN

Đội chuyên trách bắt chó thả rông ở phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức - Ảnh: CHÂU TUẤN

Trước đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trình UBND TP.HCM về việc đề nghị xây dựng quy định tạm thời về quản lý nuôi chó, mèo ở TP.HCM. 

Trong đó có quy định rõ về trách nhiệm của chủ vật nuôi.

Cụ thể, người nuôi phải đăng ký số lượng nuôi chó, mèo với UBND cấp xã và kê khai hoạt động chăn nuôi theo quy định. 

Đồng thời, khuyến khích người nuôi gắn chip trên chó, mèo nhằm quản lý các thông tin liên quan chó, mèo nuôi ở mức độ từng con một (phối giống, tiêm phòng, kiểm dịch vận chuyển…).

Người dân hạn chế nuôi các giống chó to con, bản tính hung dữ như chó Pitbull (Mỹ), chó Perro de Presa Canarios (Tây Ban Nha), chó săn Dogo Argentinos (Argentina), chó Tosa (Nhật Bản) và chó Fila Brasileiros (Brazil)...

Người dân nuôi chó, mèo phải kê khai định kỳ 2 lần/năm, kê khai đột xuất trong thời hạn 3 ngày kể từ khi nhập về nuôi mới, hoặc theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

Mặt khác, chủ vật nuôi phải theo dõi sức khỏe vật nuôi thường xuyên. Khi chó, mèo có biểu hiện bất thường nghi bệnh truyền nhiễm nguy hiểm phải cách ly, theo dõi và báo ngay cơ quan thú y hoặc chính quyền địa phương để được hỗ trợ, xử lý theo quy định.

TP.HCM có 59 đội chuyên trách bắt chó thả rông

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM, từ năm 2018, đơn vị đã tổ chức các buổi tập huấn bắt chó thả rông cho UBND cấp xã. Đến hiện tại, TP.HCM đã có 59 đội chuyên trách bắt chó thả rông.

Chủ vật nuôi phải chịu mọi chi phí trong trường hợp có chó thả rông bị bắt giữ, kể cả chi phí nuôi dưỡng và tiêu hủy chó. Nếu chó, mèo cắn, cào người thì người nuôi phải bồi thường cho người bị hại theo quy định pháp luật. Để giải quyết tình trạng thả rông chó, không đeo rọ mõm… TP.HCM đang tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức của người dân.

Liên hệ đội bắt chó thả rông: Thống nhất một đầu mối qua tổng đài 1022?Liên hệ đội bắt chó thả rông: Thống nhất một đầu mối qua tổng đài 1022?

Người dân TP.HCM gặp khó khi tìm cách liên hệ với các đội bắt chó thả rông, và mong muốn thống nhất một đầu mối.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên