03/11/2018 15:52 GMT+7

Yêu thương từ gian bếp sinh viên

QUỐC LINH
QUỐC LINH

TTO - Không đơn giản là nấu ăn, là tặng miễn phí những phần cơm tận tay sinh viên. Ở đó, gian bếp tỏa lan những thông điệp yêu thương, nói cùng nhau về ứng xử tử tế, sẻ chia giữa cộng đồng.

Yêu thương từ gian bếp sinh viên - Ảnh 1.

Trao tận tay các bạn sinh viên từng phần cơm trưa do chính sinh viên chuẩn bị, nấu ăn - Ảnh: Q.NG.

Không ít sinh viên ĐH Bách khoa đang học tại cơ sở của trường trong khu đô thị ĐH Quốc gia TP.HCM (Q.Thủ Đức) đã quen với hình ảnh chiếc bàn tặng cơm trưa vào mỗi thứ hai đầu tuần đặt ngay sảnh tòa nhà H1. Dự án cộng đồng "Bếp yêu thương" đã qua hai năm với 40 lần tự tay các bạn sinh viên nấu và trao tặng miễn phí hàng ngàn phần ăn trưa cho chính bạn bè mình.

Bếp yêu thương không chỉ phục vụ sinh viên một hay nhiều bữa ăn an toàn mà chính là đã tạo sự gắn kết, quan tâm chia sẻ giữa sinh viên với sinh viên, giữa sinh viên với thầy cô, xây dựng cộng đồng sống đẹp trong trường”.

Anh ĐÀO VŨ HOÀNG NAM (bí thư Đoàn Trường ĐH Bách khoa)

Mình ăn được, bạn ăn được

Đây là câu nằm lòng mà từng thành viên bộ phận phát triển nguồn lực Đoàn thanh niên - Hội sinh viên Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) - những người vận hành dự án này hai năm qua - phải nhớ khi nghĩ thực đơn cho mỗi lần nấu ăn.

Bạn Trần Hoàng Ân, chủ nhiệm bộ phận phát triển nguồn lực Đoàn - Hội trường, cho biết để đảm bảo nguồn gốc hàng hóa, các bạn mua hàng ở siêu thị và lưu hóa đơn cẩn thận, bởi ưu tiên cao nhất phải là đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. 

Sau khi nấu ăn xong, các mẫu thức ăn đều lưu tại y tế trường để kiểm nghiệm an toàn thực phẩm. "Tụi mình chỉ nấu vào ngày thứ hai mỗi tuần nên thường chiều chủ nhật sẽ mua thực phẩm, sơ chế để sáng sớm thứ hai nấu sao, cho chho chừng 10h30 sẽ có cơm đến tay các bạn" - Hoàng Ân nói.

Quy định không được nấu ăn trong trường, các bạn phải tận dụng khi là bếp của một cán bộ văn phòng Đoàn trường, khi là bếp của bạn nào đó trong nhóm trọ gần trường, để đảm bảo quãng đường di chuyển không quá xa, tránh ảnh hưởng đến chất lượng thức ăn. 

Nhận phần ăn, bạn Kim Ngân bày tỏ: "Mình vui không phải vì bớt chút chi phí trong túi tiền sinh viên eo hẹp mà cảm nhận được sự quan tâm, tình cảm của các bạn trao gửi trong từng suất ăn này".

Truyền đi yêu thương

Nhiều bạn từng nhận cơm sau đó đã quay lại xin được phụ một tay cho những lần tiếp theo. Bạn Sầm Tố Uyên (sinh viên năm 2) kể một trưa tình cờ đi học ra, được mời nhận cơm vậy là gắn bó với bếp luôn, đến nay cũng được gần năm rồi. Uyên nói vui nhất là khi đi siêu thị chọn thực phẩm, sơ chế và phụ nấu nướng cùng các bạn. 

"Mình vốn thích tham gia hoạt động xã hội, lúc còn học ở quê, thấy hình ảnh sinh viên tình nguyện đã tự nhủ vào ĐH phải làm như thế. Và dự án này đúng là điều mình tìm kiếm nên gắn bó đến nay" - cô kể.

"Đứa con tinh thần" khác từ cách làm của bếp đã được nhân rộng tại ký túc xá sinh viên trường ở Q.10 chính là "Suất cơm tình bạn". Từ sự hỗ trợ của nhiều đơn vị, cá nhân, mỗi ngày sẽ có khoảng 200 phần thức ăn, ký túc xá sẽ lo gạo nấu cơm để tặng sinh viên tại đây. Nhóm sinh viên phụ trách hoạt động này tại ký túc xá cũng là thành viên của dự án "Bếp yêu thương".

Các bạn trong nhóm khi tham gia tổ chức các hoạt động, sự kiện có được nguồn kinh phí bồi dưỡng cũng trích lại cho quỹ hoạt động của bếp. Để người nhận bớt ngại, các bạn để thùng ủng hộ ngay bàn nhận cơm. 

Ai muốn ủng hộ bao nhiêu cũng được, không có cũng không sao dù kinh phí vận hành dự án lâu dài cũng là trăn trở của những người thực hiện. Chưa kể chỗ nấu ăn không ổn định. "Nếu có đơn vị hay ai đó hảo tâm chung tay với tụi mình chắc chắn sẽ tốt hơn và có thể mở rộng quy mô dự án, phục vụ cho nhiều bạn hơn nữa" - Hồng Ân bộc bạch.

Đã bắt đầu có ý tưởng làm tiếp một "Bếp yêu thương" nữa ở cơ sở 1 của trường trong nội thành tại Q.10. Dĩ nhiên còn phải khảo sát xem nhu cầu của sinh viên nơi này thế nào, cũng là kinh nghiệm rút ra từ những ngày đầu tiên dự án ra đời, cơm nấu ra nhưng phát không hết làm người nấu cũng buồn. 

Nhưng có hề gì bởi "Bếp yêu thương" đã có một chỗ đứng nhất định trong lòng sinh viên nên vẫn đang nối dài những vòng tay bè bạn.

Không gian sẻ chia

"Bếp yêu thương" ra đời từ ý tưởng về một không gian chia sẻ mà anh Trần Trung Nghĩa (nguyên bí thư Đoàn Trường ĐH Bách khoa) muốn thực hiện khi đọc một bài báo về góc chia sẻ ở trường ĐH nước ngoài, nơi sinh viên có thể đến trao đổi bất cứ thứ gì với bạn bè mình. Sau góc chia sẻ trao đổi sách tại thư viện trường, bếp ra đời một phần cũng vì lo chuyện ăn uống an toàn của sinh viên tại khu này.

Nếu ban đầu dự án ra đời để phần nào chia sẻ với những bạn có hoàn cảnh khó khăn thì nay đã xây dựng được không gian để sinh viên chia sẻ với nhau, với nhà trường và với cộng đồng. "Tôi thấy vui khi đối diện trước những vấn đề phát sinh trong việc học, quản lý của nhà trường, các bạn đã lên tiếng xây dựng, chia sẻ chứ không chỉ là phê phán hay đưa thông tin chưa kiểm chứng lên mạng xã hội. Đó chính là sự chia sẻ tôi mong hướng đến" - anh Nghĩa bày tỏ.

Sinh viên khởi nghiệp với nghề bán cơm online ở làng đại học Sinh viên khởi nghiệp với nghề bán cơm online ở làng đại học

TTO - Không chỉ giao nhận những phần cơm trưa, cơm chiều, các bạn còn làm thêm các món ăn chơi như chả giò, nem nướng, nem chua, bún đậu…

QUỐC LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên