03/02/2024 21:53 GMT+7

Xúc động hình ảnh thầy giáo mặc áo dài vẫy chào học trò sau buổi học cuối năm

Nhiều học sinh và phụ huynh ở Trường Marie Curie (Hà Nội) xúc động khi thấy thầy giáo Nguyễn Xuân Khang trong trang phục áo dài truyền thống đứng ở cổng vẫy tay chào tạm biệt sau buổi học cuối năm.

Video do một nhân viên của Trường Marie Curie (Hà Nội) cung cấp

Thầy giáo Nguyễn Xuân Khang là người gây dựng hệ thống giáo dục Marie Curie gồm cả ba cấp học và liên tục làm hiệu trưởng cho tới cuối năm 2023 mới rời vị trí này, hiện là chủ tịch hội đồng trường. Ở trường, thầy thường xưng với học trò là "ông nội" và nhiều trò cũng gọi thầy là "ông nội".

Sau buổi học cuối năm, trước khi học sinh nghỉ Tết một đợt dài, thầy mặc áo dài truyền thống, đứng chờ sẵn ở cổng trường khi đoàn xe chở học sinh bắt đầu lăn bánh ra. Thầy giơ tay vẫy và làm động tác chào tạm biệt các em học sinh.

Bất ngờ khi thấy thầy, có bác tài xế đã cho xe chạy chậm lại. Qua cửa kính ô tô, nhiều bạn nhỏ ríu rít vẫy tay đáp lại "ông nội". Bác tài xế cũng hạ cửa kính vẫy tay chào.

Nhiều đứa trẻ vội vã chạy ra cổng sau giờ tan học bất ngờ gặp thầy vẫy tay chào cũng vui vẻ vẫy tay đáp lại. Thầy chào những học sinh sau cùng ra khỏi trường rồi mới rời đi. Một nhân viên của Trường Marie Curie đã quay lại hình ảnh đẹp này.

"Thầy Khang tiễn học trò về nghỉ Tết Giáp Thìn đấy", thầy Xuân Khang nói với Tuổi Trẻ Online rồi cao hứng đọc đoạn thơ dựa theo ý bài thơ "Ông đồ" (của Vũ Đình Liên): Mỗi năm hoa đào nở/Lại thấy ông đồ già/Đứng ven đường tạm biệt/Học trò nhỏ đi qua.

Không phải chỉ bây giờ mà nhiều giáo viên, phụ huynh và học sinh của Trường Marie Curie đã quen với hình ảnh người thầy gắn bó với ngôi trường suốt từ sáng sớm đến chiều tối. Thời điểm trường tuyển sinh, nhiều phụ huynh sốt ruột đến trường từ sớm, ngỡ ngàng khi thầy hiệu trưởng đã ra tận cổng chào đón, động viên.

Một đoàn giáo viên của trường lên miền ngược dạy học hỗ trợ tỉnh khó khăn theo dự án thầy khởi xướng, xe xuất phát lúc 1h sáng, thì thầy có mặt trước 1h sáng. Bất chấp cái lạnh cuối năm, ông bắt tay từng người, rồi giơ tay chào cho tới khi chiếc xe cuối cùng rời đi.

Trong một sự cố hiếm hoi ở Trường Marie Curie, học sinh bị dị ứng do phun thuốc muỗi, khi nhiều người còn chưa biết chuyện thì thầy Khang đã viết thư xin lỗi. Trong thư thầy viết "tôi cúi đầu xin lỗi quý vị cha mẹ của các con. Tôi xin chia sẻ trách nhiệm trước sức khỏe của các con…".

Và với riêng học sinh, ông viết: "Ông nội mong các con cố gắng đến trường. Trường hợp không cố gắng được, các con cứ ở nhà. Ông nội đã dặn các thầy cô cho các con thi sau. Ông nội thương các con vô cùng".

Trong lưu bút của học sinh Marie Curie, có em kể vào dịp chia tay học sinh lớp 12, thầy đi từng lớp để chào tạm biệt học sinh.

Trong phòng làm việc của thầy Xuân Khang không treo huân huy chương, bằng khen, mà chỉ có những hình ảnh của thầy với học trò. Đôi khi thầy khoe thầy chuẩn bị rất nhiều bánh kẹo vì có thể có những học trò tìm "ông nội" có việc thì mời bọn trẻ ăn.

Hình ảnh người thầy chào học sinh ở cổng trường trong buổi học cuối năm, với nhiều người là hình ảnh ấm áp, xúc động. Nhưng với học trò ở ngôi trường này thì đó là hình ảnh thân thuộc, lặp đi lặp lại.

Những người biết thầy Xuân Khang đều hiểu việc đứng cổng trường, đi từng lớp chào học sinh, hay làm những điều nhỏ nhặt cho bọn trẻ đều là thứ khiến thầy hạnh phúc. Như cách thầy hay hóm hỉnh nói "tôi là tỉ phú về mặt tinh thần".

Thầy Nguyễn Xuân Khang từng có quyết định cử giáo viên của mình dạy trực tuyến tiếng Anh cho học sinh lớp 3 ở Mèo Vạc (Hà Giang) khi địa phương này chỉ có duy nhất 1 giáo viên, không thể đáp ứng được yêu cầu đưa tiếng Anh là môn học bắt buộc từ lớp 3.

Dự án đang thực hiện ở năm học thứ hai và mới đây thầy đã quyết định đầu tư 12 tỉ đồng để đào tạo giáo viên dạy tiếng Anh cho Mèo Vạc.

Thầy hiệu trưởng chi 12 tỉ đồng đào tạo giáo viên tiếng Anh cho Mèo VạcThầy hiệu trưởng chi 12 tỉ đồng đào tạo giáo viên tiếng Anh cho Mèo Vạc

Nhà giáo Nguyễn Xuân Khang, hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội), đã quyết định chi trả khoảng 12 tỉ đồng để đào tạo khoảng 30 giáo viên tiếng Anh cho huyện khó khăn nhất cả nước là Mèo Vạc (tỉnh Hà Giang).

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên