13/01/2015 09:40 GMT+7

Xa nhà trọ học từ lớp 1

LƯU TRANG
LƯU TRANG

TT - Ngay từ lớp 1, nhiều gia đình ở các tỉnh thành khác đã cho con vào học nội trú tại các trường tư thục ở TP.HCM.

Học sinh Trường tiểu học Nhựt Tân, Gò Vấp, TP.HCM xếp hàng chuẩn bị lên phòng nội trú sau giờ ôn bài buổi tối - Ảnh: Như Hùng    

Kỳ 1: Một ngày ở trường nội trú

Học nội trú ở hệ THPT và THCS không phải là chuyện mới mẻ nhưng với hệ tiểu học, nhất là những trẻ chập chững ngày đầu đến trường, lại là chuyện hiếm. 

Chuyện hiếm này đang xảy ra ở một số trường tiểu học tại TP.HCM, trong đó học trò hầu hết đến từ các tỉnh thành.

Thật khó tưởng tượng hai bảo mẫu có thể khiến 80 đứa trẻ hiếu động có thể lên giường nằm ngay ngắn và ngủ đúng giờ.

Nhưng ở Trường tiểu học dân lập Nhựt Tân, Q.Gò Vấp, TP.HCM, mỗi tiếng trống đã thành hiệu lệnh để mọi hoạt động đi vào nề nếp.

Cô Phan Thị Tuyết cho HS lớp 1 Trường tiểu học, THCS & THPT Thanh Bình rửa tay trước giờ ăn trưa - Ảnh: L.T.

20g50. Sắp tới giờ ngủ. Cô bảo mẫu Bùi Thị Mỹ Hồng dắt một đoàn học trò đã xếp hàng ngay ngắn lần lượt lên cầu thang vào phòng ngủ.

“Cô ơi, bạn uýnh con!”, “Cô ơi, bạn X. khóc nhè”, “Cô ơi, con đi vệ sinh”, “Cô ơi cho bạn K. ngủ với con đi”...

Một em ngồi ở bậc cầu thang nói chuyện với mẹ qua điện thoại rồi tạm biệt mẹ, gửi trả điện thoại cho cô bảo mẫu.

Một em ôm gối đứng tần ngần ở cửa phòng ngủ: “Cô ơi tối nay con ngủ ở đâu?”. Em là HS mới, vừa nhập trường chiều nay, đây là đêm đầu tiên ngủ xa ba mẹ. Những tiếng í ới gọi cô để mách bạn hay để than “con đau bụng”.

Tất bật và rộn ràng là thế nhưng chỉ 15 phút sau, đèn tắt, tiếng học trò nhỏ dần, khu nội trú chìm trong im lặng.

Giờ ăn của HS tiểu học Trường tiểu học, THCS & THPT Ngô Thời Nhiệm - Ảnh: L.T.

Cùng ăn, cùng ngủ

Buổi tối của cô Mỹ Hồng đã theo nếp như vậy từ nhiều năm nay, kể từ khi cô nghỉ hưu và ở lại trường làm bảo mẫu.

Có hai phòng nội trú cho nam và nữ với tổng cộng 80 HS từ lớp 1 đến lớp 5. Mỗi phòng có hai bảo mẫu ngủ chung với các bé.

Cùng hỗ trợ cô Hồng, ngoài các bảo mẫu khác và nhân viên y tế, nhân viên bảo vệ, còn có một giáo viên thể dục (còn trẻ, chưa lập gia đình) của trường cũng ở lại buổi tối để chăm sóc, theo dõi học trò ở khu nội trú.

Khoảng 5g30 sáng, các bảo mẫu thức dậy và đánh thức HS lúc 6g để làm vệ sinh, tập thể dục.

Ngoại trừ những em mới đến và những em còn nhỏ, số còn lại đều đã quen với nếp sinh hoạt tự túc trong chuyện vệ sinh, thay áo quần, ăn sáng. Sau các bài tập thể dục và ăn sáng, các em ùa vào lớp cùng với những HS bán trú khác.

16g, khi các HS bán trú được cha mẹ đón về, HS nội trú ra sân chơi, tắm rửa, ăn tối, ôn bài và chuẩn bị bài đến 20g30 với giáo viên.

Cô giáo bơm mực, gọt bút chì, hướng dẫn những em chưa nhớ bài, nhắc HS chuẩn bị tập vở.

Trong khi HS ăn khuya, uống sữa, giáo viên nội trú viết vào phiếu liên lạc những nội dung HS đã ôn tập và chuẩn bị trong thời gian nội trú để hôm sau cô giáo chủ nhiệm có thể nắm được tình hình của từng em.

Giáo viên quản nhiệm một trường nội trú:

Nhiều lý do vào trường nội trú

Do hoàn cảnh chứ ai muốn xa con, có phụ huynh quản lý trong tay mấy cái khách sạn, đón con về cũng không chăm con được, con nghiện game, giao du với bạn bè lêu lổng, nói tục chửi bậy, không dạy nổi đành gửi vào trường.

Lại có người là bác sĩ phải trực đêm hay làm kinh doanh phải đi công tác liên tục.

Có vợ chồng ly hôn, chồng đi nước ngoài, vợ sống với người mới, cả hai cùng thống nhất gửi con vào trường nội trú cho an tâm.

Lại có em không cha mẹ, sống với ông bà đã già yếu, được cô, bác gửi đi học vì không có ai nuôi.

Giờ tắm, trò lớp 4, 5 tự tắm nhưng trò lớp dưới thì các cô phải tắm rửa, kỳ cọ tay chân rồi lau người, cắt móng tay, móng chân cho từng em.

Giờ ăn, tất cả giáo viên, bảo mẫu đều ăn chung với học trò, nhắc các em ăn rau, ăn canh (vì trẻ tiểu học đa số lười ăn rau, thích ăn đồ chiên), trẻ mới còn lười ăn thì được các cô đút.

Buổi tối cô giúp trò ôn bài những chỗ chưa hiểu. Đêm ngủ phải canh giờ để gọi một số em dậy đi tiểu vì các em tiểu học vẫn còn... đái dầm.

“Con của các cô”

Cha mẹ bận rộn không tiện đưa đón, đón con về nhà không có thời gian bảo ban, chăm sóc, con quậy phá, nghiện game, muốn con tự lập...

Đó là một số lý do phổ biến để phụ huynh chọn cách gửi con vào các trường tư thục nội trú, dù con họ chỉ mới ở độ tuổi tiểu học.

Tuy nhiên, trong số gần 90 trường tư thục ở TP.HCM chỉ một số trường mở và duy trì được hệ thống nội trú cho bậc tiểu học, do hoạt động này quá gian nan và tỉ lệ HS không cao so với bậc THCS và THPT.

Cá biệt có những trường tuyển sinh khối tiểu học vài năm nhưng không hoạt động nổi đành ngưng tuyển sinh, chỉ chuyên tâm cho bậc phổ thông, có trường đóng cửa.

Mức học phí phổ biến cho HS tiểu học nội trú dao động 4-6 triệu đồng/tháng với mỗi ngày hai bữa ăn chính, ba bữa ăn phụ.

Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Mỗi đứa trẻ ở nội trú là một câu chuyện đời khác nhau. Một số ít các em có nhà ở TP.HCM, còn lại đến từ nhiều tỉnh thành cả nước mà đông nhất là Đắk Lắk, Bình Phước, Vũng Tàu, Bình Dương...

Nhiều em từ các tỉnh miền Bắc xa xôi cũng được cha mẹ gửi vào TP.HCM vì tin tưởng điều kiện học tập ở đây.

Có em mỗi năm chỉ về quê hai lần: hè và tết, cha mẹ sau nửa năm gặp con bất ngờ đến mức khó nhận ra bởi chỉ có thể nghe tiếng con nói qua những cuộc điện thoại. Các em ở tỉnh gần có thể được ba mẹ ghé thăm mỗi cuối tuần hoặc cuối tháng, đưa đi chơi rồi lại quay về môi trường nội trú.

Có em không muốn về nhà vì nhà không có ai. Lại có em đi học nhưng hàng xóm là người đưa đến, đón về và đóng học phí. Bốn ngày nghỉ Tết dương lịch, ở Trường Nhựt Tân guồng máy vẫn hoạt động bình thường bởi có hai em ở lại trường vì cha mẹ bận công tác xa không đón kịp.

Thầy Hoàng Văn Hoan - phó tổng giám thị Trường tiểu học, THCS & THPT Ngô Thời Nhiệm (quận 9), một trong số ít trường tư có bậc tiểu học từ ngày đầu thành lập - kể có phụ huynh gửi con một thời gian, thấy con thích ở trường hơn về nhà liền nói với các cô: “Đây, con của các cô đây, giao hẳn cho các cô, chúng tôi chỉ là cha mẹ nuôi thôi!”.

Cha mẹ gửi điện thoại, tiền chi tiêu của các con cho giáo viên nội trú và liên lạc, thăm hỏi, gửi gắm, nhờ cậy các cô chăm con mình.

Cô bảo mẫu Bùi Thị Mỹ Hồng giúp HS nội trú chuẩn bị sách vở cho ngày học hôm sau - Ảnh: Như Hùng

Lo nhất là sức khỏe

Trẻ được tắm nước ấm kể cả trong mùa hè, bảo mẫu phải túc trực bên các bé cả giờ ăn, giờ tắm, giờ vệ sinh và giờ ngủ, phòng y tế trực 24/24 giờ, không mua thức ăn sẵn ở ngoài, từ bữa chính đến các bữa xế như bánh flan, sữa chua nhà bếp đều tự làm.

Trẻ vào trường phụ huynh ký gửi, khi đón trẻ phụ huynh phải ký nhận. Thậm chí nếu cha mẹ không sống chung, mẹ là người gửi trẻ thì cha đến đón cũng không được, trừ khi có ủy quyền của mẹ. Thành viên hội đồng quản trị túc trực tại trường suốt tuần để giám sát mọi hoạt động.

Đó là những chia sẻ của ông Hoàng Cao Đăng, chủ tịch HĐQT Trường Nhựt Tân. “Làm ở trường nội trú thấy nhanh hết ngày lắm. Sáng dậy thấy các cháu xuống sân, hết ngày các cháu lên giường ngủ là mình yên tâm và tiếp tục chuẩn bị cho hôm sau.

Có những đêm trò sốt, ho hay đau thì chúng tôi lại trắng đêm theo dõi, lo lắng. Mình thay cha mẹ nuôi dưỡng các cháu nên an toàn là điều kiện tiên quyết. Vì tuổi tiểu học rất hiếu động, lo nhất là các cháu nghịch dại nên luôn có người đứng ở tất cả các góc của trường để giám sát” - ông Đăng cho biết.

Thầy Nguyễn Quốc Huân - hiệu phó Trường tiểu học, THCS & THPT Thanh Bình (quận Tân Bình) - nói về áp lực tại trường tiểu học có tổ chức nội trú: “Trường có ba cô cấp dưỡng chỉ chuyên nấu nước sôi và đưa nước đi các phòng để châm vào bình nước. Quản lý trường tiểu học và nhất là có nội trú thì lo nhất là sức khỏe của học trò. Nghề này đòi hỏi giáo viên ngoài dạy học phải rất tinh ý. Sáng dậy phải xem một lượt có em nào nóng sốt gì không. Bác sĩ của trường cũng cho xịt thuốc phòng dịch thường xuyên để phòng bệnh”.

Giám sát mọi lúc mọi nơi

“Nhìn đơn giản vậy nhưng để có được một ngày bình yên ở trường nội trú thì không hề dễ dàng. Hồ bơi luôn có ít nhất một huấn luyện viên và ba nhân viên, giáo viên túc trực. Giám thị, giáo viên, bảo mẫu luôn phải tìm và ngăn chặn trước khi một tai nạn có thể xảy ra. Trong trường nơi nào cũng có camera, nơi nào cũng có người đứng giám sát nhắc nhở HS. Giáo viên nội trú ở lại trường suốt ngày đêm. Không có tấm lòng tận tụy với công việc và yêu thương học trò thì không thể làm ở trường nội trú được” - thầy Hoàng Văn Hoan chia sẻ.

LƯU TRANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên