29/03/2024 13:32 GMT+7

Vụ Trường quốc tế AISVN: Nên mở thủ tục phá sản

Nhiều chuyên gia cho rằng nên mở thủ tục phá sản với doanh nghiệp sở hữu Trường quốc tế AISVN để tìm lối ra cho việc khó khăn tài chính của trường hiện nay.

Bà Nguyễn Thị Út Em - chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần Giáo dục quốc tế Mỹ - Ảnh: TRẦN HUỲNH

Bà Nguyễn Thị Út Em - chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần Giáo dục quốc tế Mỹ - Ảnh: TRẦN HUỲNH

Việc mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp sở hữu Trường quốc tế Mỹ Việt Nam (gọi tắt là Trường quốc tế AISVN) không đồng nghĩa với việc chấm dứt ngay lập tức hoạt động của trường.

Thủ tục này chỉ nhằm để “kích hoạt” các bước pháp lý cần thiết để đảm bảo quyền và lợi ích của các bên, cũng như tránh các hậu quả pháp lý tranh chấp phức tạp về sau.

Trách nhiệm mở phá sản thuộc về ai?

Hiện nay, pháp nhân sở hữu Trường quốc tế AISVN là Công ty cổ phần Giáo dục quốc tế Mỹ do bà Nguyễn Thị Út Em làm chủ tịch hội đồng quản trị.

Luật sư Trần Đức Phượng cho hay Luật Phá sản quy định chủ doanh nghiệp tư nhân, chủ tịch hội đồng quản trị của công ty cổ phần có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi doanh nghiệp mất khả năng thanh toán.

Trong trường hợp Trường quốc tế AISVN đang gặp khó khăn, mất cân bằng tài chính nghiêm trọng không còn khả năng trả lương cho giáo viên, nhân viên hay không thể duy trì hoạt động thì rất cần mở thủ tục phá sản. Người có nghĩa vụ thực hiện thủ tục này là bà Nguyễn Thị Út Em.

Theo ông Phượng, việc mở thủ tục phá sản không phải đương nhiên buộc Công ty cổ phần Giáo dục quốc tế Mỹ phải phá sản. Việc doanh nghiệp có bị phá sản hay không do nhiều yếu tố quyết định.

Tuy nhiên, nếu mở thủ tục phá sản, chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần Giáo dục quốc tế Mỹ sẽ được ưu tiên lựa chọn quản tài viên. Ngược lại, nếu trường hợp Trường quốc tế AISVN mất khả năng thanh toán nhưng không mở thủ tục phá sản, bà Út Em phải chịu nhiều hậu quả pháp lý về sau.

Trước hết, các giao dịch phát sinh về sau của công ty có thể bị yêu cầu tuyên vô hiệu. Mặt khác, các chủ nợ, cổ đông, hoặc phụ huynh có thể yêu cầu bà Út Em bồi thường thiệt hại nếu việc quản lý không đúng, gây thiệt hại cho các chủ thể.

Luật sư Trần Đức Phượng - Ảnh: NVCC

Luật sư Trần Đức Phượng - Ảnh: NVCC

Quyền lợi của các bên như thế nào khi mở thủ tục phá sản?

TS Võ Trí Hảo, cố vấn cao cấp IICL - Trường đại học Kinh tế - Luật TP.HCM (UEL) - cho hay mở thủ tục phá sản không phải để xóa sổ trường mà để trao quyền quản trị và tái cơ cấu trường vào tay chủ nợ, trong đó bao gồm có phụ huynh.

Ông Hảo cho hay khi một doanh nghiệp rơi vào tình trạng phá sản nhưng để cho chủ doanh nghiệp tự tái cơ cấu, rất nhiều trường hợp chủ nợ không còn niềm tin nên họ chọn cách cho doanh nghiệp phá sản, kết thúc xóa sổ doanh nghiệp thay vì cứu sống doanh nghiệp.

Việc mở thủ tục phá sản và trao quyền quyết định, quyền giám sát cho cộng đồng chủ nợ, bao gồm các phụ huynh, họ sẽ có niềm tin để cứu sống, khôi phục hoạt động cho doanh nghiệp.

Đặc biệt, khi có sự giám sát của thẩm phán, quản tài viên và cộng đồng chung, việc tiếp tục rút ruột doanh nghiệp, tẩu tán tài sản, tiếp tục lừa đảo (nếu có) sẽ không diễn ra nữa. Như vậy, các chủ thể càng có niềm tin để khôi phục hoạt động của trường.

Theo ông Hảo, nếu tình hình tài chính doanh nghiệp quá xấu, không ai cứu hoặc cứu không nổi, nếu để cho chủ trường tiếp tục quản lý dễ dẫn đến việc tẩu tán tài sản, thanh lý tài sản hoặc mượn nợ thêm với lãi suất cao sẽ phát sinh nhiều hệ lụy khác.

Cũng theo ông Hảo, việc mở thủ tục phá sản cũng là một cơ hội để cho chính quyền TP tham gia vào tái cơ cấu.

Khi đó, chính quyền TP có thể mua lại nợ của các chủ nợ để được tham gia hội đồng chủ nợ và được quyết định việc tái cơ cấu hoạt động của trường giống như chính quyền Hoa Kỳ từng tham gia tái cơ cấu trong vai trò đúng với chủ nợ đối với General Motors.

Ngăn chặn cất giấu, tẩu tán tài sản

Luật sư Trần Đức Phượng cho biết sau khi có quyết định mở thủ tục phá sản, doanh nghiệp vẫn tiếp tục hoạt động kinh doanh, nhưng phải chịu sự giám sát của thẩm phán và quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản.

Trường hợp xét thấy người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp không có khả năng điều hành, doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm khoản 1, điều 48 của Luật Phá sản thì thẩm phán ra quyết định thay đổi người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp đó theo đề nghị của hội nghị chủ nợ hoặc quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản.

Bên cạnh đó, sau khi có quyết định mở thủ tục phá sản của doanh nghiệp, doanh nghiệp bị cấm thực hiện nhiều hoạt động, trong đó có các hoạt động cất giấu, tẩu tán, tặng cho tài sản...

TP.HCM báo cáo Thủ tướng vụ việc Trường quốc tế AISVNTP.HCM báo cáo Thủ tướng vụ việc Trường quốc tế AISVN

Theo Công an TP.HCM, hiện chưa có cơ sở để điều tra vụ việc tại Trường quốc tế Mỹ Việt Nam (AISVN). Nhà trường bị đình chỉ tuyển sinh trong năm học 2024 - 2025.


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên