26/06/2017 17:55 GMT+7

Vụ tàu vỏ thép nằm bờ: ​Công an phải khởi tố, dân phải khởi kiện

DUY THANH
DUY THANH

TTO - Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định yêu cầu Công an tỉnh như vậy tại cuộc họp nghe tổ thẩm định độc lập báo cáo chính thức kết quả thẩm định 18 chiếc tàu vỏ thép đóng mới theo nghị định 67/2014/NĐ-CP của ngư dân bị hư hỏng.

Ông Trần Châu, phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp - Ảnh: DUY THANH
Ông Trần Châu, phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp - Ảnh: DUY THANH

Ngoài các thành viên tổ thẩm định, cuộc họp còn có sự tham dự của các sở, ngành liên quan, trong đó có Công an tỉnh; chủ các tàu vỏ thép hư hỏng.

Hai đơn vị đóng tàu là Công ty TNHH một thành viên Nam Triệu (Bộ Công an) và Công ty TNHH Đại Nguyên Dương (Nam Định) được mời dự cuộc họp, nhưng theo ông Trần Châu, phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, đại diện Công ty Đại Nguyên Dương vắng họp không thông báo lý do.

Sai hàng loạt do 2 nhà máy đóng tàu

Ông Trần Văn Phúc - phó giám đốc Sở NN&PTNT Bình Định, tổ trưởng tổ thẩm định độc lập - báo cáo qua kiểm tra 17/18 con tàu mà các chủ tàu có đơn khiếu nại về hư hỏng, phát hiện có nhiều sai phạm của nhà máy đóng tàu so với hợp đồng của ngư dân.

Cụ thể, có 5 mẫu thép của Công ty TNHH một thành viên Nam Triệu (Bộ Công an) và 3 mẫu thép của Công ty TNHH Đại Nguyên Dương (Nam Định) không đạt thép mác A (thép đóng tàu biển) về chỉ tiêu hóa học.

Toàn bộ năm chiếc tàu do công ty Đại Nguyên Dương đóng phần vỏ tàu, mặt boong, cabin, trang thiết bị trên boong tàu gỉ sét nặng, bong tróc, xuống cấp trầm trọng so với các tàu đóng và hoạt động cùng thời điểm.

Có 9 máy thủy lắp vào 9 tàu vỏ thép do công ty Nam Triệu đóng không đúng chủng loại. Ngoài ra, nhiều máy phụ, thiết bị hàng hải, đèn cao áp dụ cá... được lắp trên các chiếc tàu không đúng như hợp đồng, có dấu hiệu thay thế hàng kém chất lượng...

Đại tá Trần Huy Giáp, phó giám đốc Công an tỉnh Bình Định, đánh giá việc nhiều chiếc tàu vỏ thép mới đóng, đang còn bảo hành mà bị hư hỏng nặng là có dấu hiệu vi phạm - Ảnh: DUY THANH
Đại tá Trần Huy Giáp, phó giám đốc Công an tỉnh Bình Định, đánh giá việc nhiều chiếc tàu vỏ thép mới đóng, đang còn bảo hành mà bị hư hỏng nặng là có dấu hiệu vi phạm - Ảnh: DUY THANH

Công an phải khởi tố, dân phải khởi kiện

Sau khi nghe ý kiến của các sở, ngành liên quan, ông Trần Châu kết luận “để xảy ra việc nhiều tàu vỏ thép mới đóng đã hư hỏng là trách nhiệm của hai công ty đóng tàu".

"Những ngày qua, trong khi công ty Nam Triệu có phần tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng để khắc phục hậu quả, thì công ty Đại Nguyên Dương hầu như không hợp tác. Công ty này rất có vấn đề".

"Tôi giao Sở NN&PTNT phối hợp Công an tỉnh hoặc Công an tỉnh chủ động nắm bắt tình hình của công ty này, báo cáo gấp cho UBND tỉnh".

"Yêu cầu chủ tịch UBND các huyện vận động và hỗ trợ các chủ tàu đóng tàu ở công ty Đại Nguyên Dương ngay trong ngày mai làm đơn khởi kiện công ty này ra tòa án về các hành vi sử dụng thép không đúng như cam kết để đóng tàu, thứ hai là có nhiều thiết bị hư hỏng nhưng không khắc phục".

"Công an tỉnh lập hồ sơ, báo cáo Bộ Công an, khởi tố công ty Đại Nguyên Dương. Họ sai phạm, chịu trách nhiệm chính, nhưng không tham gia giải quyết, khắc phục với tỉnh, có ý định lẩn tránh, là không thể chấp nhận được” - ông Châu chỉ đạo.

Một số chủ tàu vỏ thép hư hỏng được mời đến dự cuộc họp - Ảnh: DUY THANH
Một số chủ tàu vỏ thép hư hỏng được mời đến dự cuộc họp - Ảnh: DUY THANH

Giám sát kỹ việc sửa chữa

Về khắc phục hư hỏng của các con tàu vỏ thép, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định yêu cầu hai công ty Nam Triệu và Đại Nguyên Dương ngay sau cuộc họp phải ngồi lại cùng chủ tàu, có sự tham gia của Sở NN&PTNT, thống kê từng tàu hư hỏng thiết bị gì, lập biên bản sửa chữa gấp, hoàn thành trong tháng 7-2017.

Việc sửa chữa phải đảm bảo con tàu đạt chất lượng như mới về máy chính, máy phụ, máy dò, trang thiết bị hàng hải… do các nhà máy đã không thực hiện đúng hợp đồng với dân. Về sửa chữa vỏ, thân tàu, nếu đóng đúng loại thép như hợp đồng nhưng quy trình làm sạch thép, sơn chưa đúng thì phải cạo ra, bắn cát, sơn lại đúng quy trình.

Sở NN&PTNT Bình Định phải thành lập một tổ kỹ thuật phối hợp với UBND các huyện kiểm tra thiết bị, máy móc mà hai nhà máy đóng tàu sẽ thay thế cho dân, đảm bảo đúng chất lượng, chủng loại trước khi lắp đặt. Chi phí trả cho hoạt động của tổ kỹ thuật này do hai nhà máy đóng tàu chịu.

Sở NN&PTNT phối hợp UBND các huyện ven biển kiểm tra hoàn cảnh các gia đình các hộ đóng tàu theo Nghị định 67 thời gian qua không đi biển được do tàu hỏng để hỗ trợ về đời sống vật chất.

“Riêng kinh phí trả cho ngư dân do tàu nằm bờ chờ sửa chữa, tôi yêu cầu Công ty Nam Triệu và Công ty Đại Nguyên Dương trước mắt phải chi khoản này” - ông Châu chỉ đạo. Ông cũng yêu cầu hai công ty đóng tàu trả lại chi phí thiết kế con tàu đã thu không đúng theo tinh thần Nghị định 67 cho người dân.

* Đại tá Trần Huy Giáp - phó giám đốc Công an tỉnh Bình Định:

Có dấu hiệu vi phạm

“Nhiều tàu cá vỏ thép mới đi vào hoạt động, còn trong thời hạn bảo hành, qua kết quả thẩm định cho thấy chất lượng các tàu này không đảm bảo là có dấu hiệu vi phạm (…)

“Qua nắm tình hình, được biết một số tỉnh khác cũng có dấu hiệu tàu vỏ thép hư hỏng, các cơ sở đóng tàu và cung cấp máy đều ở ngoài tỉnh, việc đăng kiểm do Trung tâm Đăng kiểm tàu cá Tổng cục Thủy sản thực hiện nên việc triển khai công tác nắm tình hình liên quan đến nhiều đơn vị, nhiều bên và địa bàn rất rộng".

"Chúng tôi đang phối hợp với Cục An ninh kinh tế (Bộ Công an) tiếp tục tổ chức thực hiện các công việc".

DUY THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên