22/02/2021 08:40 GMT+7

Vĩnh biệt người con ưu tú của Bến Tre

PHẠM VŨ
PHẠM VŨ

TTO - Nghi thức lễ tang cấp Nhà nước của ông Trương Vĩnh Trọng - nguyên ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó thủ tướng - được tổ chức tại hội trường lớn UBND tỉnh Bến Tre và Nhà tang lễ quốc gia (Hà Nội) hôm qua 21-2.

Vĩnh biệt người con ưu tú của Bến Tre - Ảnh 1.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các lãnh đạo chia buồn cùng gia đình nguyên Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng - Ảnh: TỰ TRUNG

Nghi thức trang trọng cùng với sự xuất hiện tập trung của nhiều vị lãnh đạo - nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lại càng nghiêm túc trong bối cảnh phòng dịch COVID-19, nhưng sự ấm cúng, thân mật rất đặc trưng của đám tang ông Hai Nghĩa vẫn không phai đi.

Những câu chuyện về ông Hai Nghĩa lại tiếp tục

Bà Lê Thị Thu Ba - nguyên chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội - bùi ngùi nhắc: "Tôi làm việc với ông nhiều năm lắm, suốt thời gian làm cải cách tư pháp. Ông được gọi là "bố đẻ" của nghị quyết 49 về cải cách tư pháp. Bộ Chính trị ra chủ trương rồi giao cho ông chủ trì với các cơ quan pháp luật để xây dựng nghị quyết".

Ông đã làm việc với các cán bộ ban ngành bằng những câu chuyện và hình ảnh đặc biệt: "Các ông biết không, tôi gặp mấy bà ở Quảng Nam, Quảng Ngãi ra Hà Nội khiếu kiện. Họ đi kiện tới mức đôi dép Lào dưới chân mỏng như lưỡi dao cạo rồi. Có bà ngủ ngoài công viên...".

Ông gặp người dân, ghi nhận và kể những câu chuyện xót lòng như vậy để nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 ra đời tháng 6-2005 với tiêu chí thật mạnh mẽ: "Cơ quan tư pháp phải thật sự là chỗ dựa của nhân dân trong việc bảo vệ công lý, quyền con người, đồng thời phải là công cụ hữu hiệu bảo vệ pháp luật và pháp chế xã hội chủ nghĩa, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm và vi phạm".

Bà Thu Ba cho rằng những tư tưởng trong nghị quyết 49 là tiền đề quan trọng để sửa đổi Hiến pháp năm 2013 với nhiều điểm tiến bộ, nhất là về cải cách tư pháp: xác định tư pháp độc lập, xác định quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. 

Bà nhắc: ông còn đóng góp trong Luật dân sự bổ sung: trong các trường hợp đặc biệt (hết thời hiệu) mà xét thấy vẫn còn oan sai, thì viện kiểm sát vẫn được phép kiến nghị để giải quyết tiếp tục cho dân.

Người công dân Đồng Khởi

Hôm nay, ngồi chờ đến lượt vào viếng sau đoàn của các lãnh đạo, ban ngành, các cô bác ở Hội tương tế Bến Tre nhắc: "Tháng trước, tỉnh Bến Tre tôn vinh danh hiệu "Công dân Đồng Khởi" lần thứ 1, ông Hai Nghĩa được chọn là người số 1 trong số 3 người được tôn vinh lần đầu. Trên giường bệnh, ông khóc, nước mắt rơi giọt giọt... Mà Bến Tre hiện giờ, ông chính là người xứng đáng nhất chứ ai nữa".

Người "công dân Đồng Khởi" ấy, người con ưu tú của quê hương Bến Tre ấy hôm nay đang được hàng ngàn người từ Bắc chí Nam nhắc tới với món bánh xèo, cơm cháy thịt kho, vườn trái cây, giỏ vạn thọ ngày tết. 

Ông Bùi Chí Bửu - nguyên viện trưởng Viện Khoa học nông nghiệp miền Nam - tâm đắc nhắc: từ những năm 1980 làm bí thư Giồng Trôm cho đến sau này, ông Hai Nghĩa vẫn bình dân như thế. 

Hồi ấy Giồng Trôm đường sá khó khăn, công tác lội ruộng về trụ sở có khi đã nửa khuya, ông đi luộc hột vịt lộn. Sau này có nhà cửa, ở Hà Nội hay Lương Quới cũng vậy, mỗi lần gặp anh em, gia đình lại đổ bánh xèo...

Hàng vạn chiếc bánh xèo đã làm nên thương hiệu về nét tính cách đặc biệt "lão nông tri điền" của ông Hai Nghĩa ở Lương Quới, và tất nhiên sự nghiệp của ông để lại cũng đặc biệt như thế. 

Trong sổ tang hôm nay có lời chia buồn của bà Phạm Thị Cẩn, được bà ghi chú cẩn thận: "Vợ thầy Lê Văn Nhậm", một thầy giáo của ông Hai Nghĩa ngày xưa.

Bà viết: "Hai Nghĩa thương. Em là một trong những học sinh ưu tú của Trường trung học tư thục Bình Hòa lúc còn thơ. Khi trưởng thành, đã từng gian lao, hi sinh vất vả do công tác cách mạng. Sau đó em đã làm được nhiều việc giúp ích cho đất nước, cho nhân dân. Thương em quá! Tiếc em quá!".

Tiếp bước anh Hai Nghĩa - đẩy mạnh cải cách tư pháp

Là luật sư chuyên nghiệp, là phó chủ tịch liên đoàn, sau đó là ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, tôi có nhiều dịp nghiên cứu, tìm hiểu và vận dụng nhiều nội dung trong hai nghị quyết của Đảng về cải cách tư pháp: nghị quyết 08 tháng 1-2002 và nghị quyết 49 tháng 6-2005.

Càng nghiên cứu hai nghị quyết này, tôi càng nhận rõ tầm nhìn xa rộng và đúng đắn của những mục tiêu, kế hoạch, nhiệm vụ mà Đảng đề ra cho sự nghiệp cải cách tư pháp của nước nhà.

Trong quá trình thể chế hóa các nội dung của hai nghị quyết trên, một số tư tưởng, chế định, quan điểm trong hai nghị quyết trên đã gây nhiều tranh luận, có lúc rất căng thẳng, nhưng cuối cùng đã được ghi vào Hiến pháp 2013 và nhiều đạo luật được bổ sung, sửa đổi theo đó.

Đó là nhờ cái lõi tiến bộ, nhân văn, cách mạng, nhờ các luận cứ chặt chẽ và tính hệ thống của hai nghị quyết ấy.

Sau này tôi mới được biết anh Hai Nghĩa là người có công lớn trong việc giải trình và thuyết phục Bộ Chính trị thông qua hai nghị quyết này.

Luật sư Trương Trọng Nghĩa

Sáng qua 21-2, lễ viếng nguyên Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng diễn ra theo nghi thức lễ tang cấp Nhà nước tại hội trường lớn UBND tỉnh Bến Tre và Nhà tang lễ quốc gia (Hà Nội). Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã gửi vòng hoa viếng nguyên Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng.

Tại hội trường lớn UBND tỉnh Bến Tre, Đoàn đại biểu Ban chấp hành Trung ương Đảng do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu vào viếng ông Trương Vĩnh Trọng và chia buồn cùng gia quyến.

Thủ tướng ghi sổ tang: "Đồng chí Trương Vĩnh Trọng, một người con ưu tú của quê hương Bến Tre anh hùng, một tấm lòng nhân hậu, tấm gương sáng về lối sống giản dị, phẩm chất đạo đức cách mạng cao quý, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, luôn trăn trở và hành động quyết liệt vì lợi ích của Đảng, của đất nước và nhân dân".

Đoàn Quốc hội do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân làm trưởng đoàn vào viếng nguyên Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng.

Tại Nhà tang lễ quốc gia, đông đảo đoàn các cơ quan trung ương, bộ, ngành và nhân dân đã đến đặt những vòng hoa, dâng hương viếng nguyên Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng. Tuổi đã gần 90, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương đến viếng, tưởng niệm trước di ảnh người cộng sự năm nào.

Ông viết: "Nhớ mãi những ngày cộng tác sôi nổi trong Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp trung ương (khóa IX). Đồng chí luôn làm việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất, để lại trong lòng các đồng chí một tấm gương tận tụy".

Lễ truy điệu diễn ra lúc 9h hôm nay 22-2, sau đó linh cữu được an táng tại nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Bến Tre lúc 11h.

MẬU TRƯỜNG - LÊ KIÊN

Lễ viếng nguyên Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng tại Bến Tre và Hà Nội Lễ viếng nguyên Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng tại Bến Tre và Hà Nội

TTO - Sáng 21-2, lễ viếng nguyên Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng diễn ra theo nghi thức lễ tang cấp Nhà nước tại Hội trường lớn UBND tỉnh Bến Tre và Nhà tang lễ quốc gia (Hà Nội).

PHẠM VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên