15/12/2017 16:46 GMT+7

Việt Nam mất thế cạnh tranh do phí logistics quá cao

NGỌC AN
NGỌC AN

TTO - Chi phí logistics của Việt Nam hiện chiếm đến 18% GDP, cao gần gấp đôi so với các nước phát triển, và cao hơn mức bình quân thế giới là 14%.

Việt Nam mất thế cạnh tranh do phí logistics quá cao - Ảnh 1.

Ông Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia Ngân hàng thế giới tại Việt Nam, cho rằng Việt Nam cần phải cải thiện nhiều để giảm chi phí logistics - Ảnh: N.AN

Thông tin được ông Ousmane Dione - Giám đốc quốc gia Ngân hàng thế giới tại Việt Nam, đưa ra tại Diễn đàn Logistics Việt Nam 2017 do Bộ Công thương và Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức ngày 15-12.

Theo ông Dione, việc tham gia ký kết nhiều hiệp định thương mại đã giúp Việt Nam trở thành nền kinh tế hội nhập sâu rộng, với tỉ trọng kim ngạch thương mại trên GDP đạt trên 170%, tăng trưởng xuất khẩu đạt bình quân 15%, cao gần gấp 5 lần tăng trưởng thương mại toàn cầu.

Tuy nhiên, việc khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) hiện chiếm đến 70% tổng giá trị xuất khẩu cho thấy mối liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước với chuỗi giá trị toàn cầu còn yếu, chưa kể, chi phí xuất nhập khẩu của Việt Nam vẫn cao hơn mức bình quân của khối ASEAN.

"Tính theo tỉ trọng GDP, chi phí logistics Việt Nam là 18%, cao gần gấp đôi so với các nền kinh tế phát triển và cao hơn mức bình quân toàn cầu 14%. Thứ hạng của Việt Nam theo chỉ số năng lực logistics đã giảm từ 48 năm 2014 xuống 64 năm 2016, Việt Nam đang mất đi lợi thế cạnh tranh", ông Dione nói.

Ông Lê Duy Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), cho biết ngành hiện có 3.000 doanh nghiệp, nhưng các nhà đầu tư nước ngoài đã chiếm 70% thị phần, còn lại chủ yếu là quy mô nhỏ.

Theo ông Hiệp, điểm yếu của các doanh nghiệp là hạn chế về quy mô và vốn, về kinh nghiệm và trình độ quản lý, khả năng áp dụng công nghệ thông tin cũng như trình độ nguồn nhân lực chưa đáp ứng yếu cầu hoạt động quốc tế. 

Nguyên nhân quan trọng nữa là không có đầu mối nguồn hàng do Việt Nam chủ yếu (khoảng 91%) xuất FOB và nhập CIF.

Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam khuyến nghị trước hết Việt Nam cần tăng cường kết nối để giảm chi phí thương mại và tăng sự ổn định cho các doanh nghiệp trong nước về thực hiện đơn hàng trên cơ sở tối ưu hóa đầu tư vào vận tải đa phương thức và các trung tâm logistics, thu hút đầu tư tư nhân.

Điều kế tiếp, ông Ousmane Dione cho rằng Việt Nam cần tăng cường tạo thuận lợi thương mại thông qua đơn giản hóa thủ tục hải quan và các quy định quản lý chuyên ngành nhằm tăng cường hiệu quả của chuỗi cung ứng, giảm các chi phí, gánh nặng thủ tục, và các điểm tắc nghẽn đối với doanh nghiệp.

Cùng với cải cách của ngành hải quan thì việc cải thiện khung khổ pháp lý để tạo thuận lợi thương mại, gồm các quy trình cấp phép, thủ tục hành chính áp dụng trước và tại cửa khẩu cần phải hoàn thiện, tránh sự chồng chéo…

Một điểm nữa được ông Ousmane Dione đưa ra là phải phối hợp, cộng tác liên ngành với doanh nghiệp để thực hiện Chương trình hành động trên cơ sở cam kết của tất cả các cơ quan và một cơ chế phối hợp liên ngành có sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ. 

Khuyến nghị cuối cùng được ông Dione đưa ra là phải có cơ chế theo dõi và đo lường được tiến độ cải cách.

Ông Ousmane Dione cho biết Ngân hàng Thế giới đang hỗ trợ Bộ Giao thông - Vận tải xây dựng một cơ sở dữ liệu và các chỉ số toàn diện về logistics ở Việt Nam.

NGỌC AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên