23/01/2019 11:48 GMT+7

Việt Nam đặt mục tiêu 2 đại học lọt top 100 châu Á

NGỌC HÀ
NGỌC HÀ

TTO - Dù hiện Việt Nam chưa có trường nào lọt top 100 đại học hàng đầu châu Á, trong Đề án nâng cao chất lượng giáo dục đại học vừa phê duyệt, Thủ tướng Chính phủ đặt mục tiêu ít nhất 2 cơ sở giáo dục đại học vào top này.

Việt Nam đặt mục tiêu 2 đại học lọt top 100 châu Á - Ảnh 1.

Sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội trong ngày nhận bằng tốt nghiệp. - Ảnh: BÙI TUẤN

Top 100 châu Á: từ 0 thành 2 và 1.000 thế giới: từ 2 lên 4

Theo bảng xếp hạng ĐH châu Á năm 2019 do Tổ chức Quacquarelli Symonds (QS), Anh quốc công bố, Việt Nam có 7 cơ sở đào tạo đại học thuộc top 500 đại học châu Á. Đây là thành tích tốt nhất của Việt Nam từ trước đến nay.

Tuy nhiên, dù vậy, vẫn chưa có trường nào lọt top 100 đại học hàng đầu châu Á. Đơn vị giữ vị trí số 1 của Việt Nam trong bảng xếp hạng này là Đại học Quốc gia Hà Nội cũng chỉ ở vị trí 124.

Thậm chí, với bảng xếp hạng uy tín của tạp chí Times Higher Education (THE) về 350 trường đại học hàng đầu châu Á, Việt Nam không góp mặt được đại diện nào. 

Tuy nhiên, hướng đến việc tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, thực chất về chất lượng cũng như thương hiệu của giáo dục đại học Việt Nam, trong Đề án nâng cao chất lượng giáo dục đại học, Thủ tướng chính phủ đã đặt những mục tiêu đột phá cho giai đoạn giai đoạn 2019- 2025.

Trong đó, sẽ có ít nhất 2 cơ sở giáo dục đại học được xếp hạng trong số 100 trường đại học tốt nhất Châu Á.

Ngoài ra, đề án cũng hướng đến mục tiêu 10 cơ sở giáo dục đại học được xếp hạng trong số 400 trường đại học tốt nhất Châu Á và 4 cơ sở giáo dục đại học được xếp hạng trong số 1.000 trường đại học hàng đầu thế giới theo các bảng xếp hạng quốc tế có uy tín.

Thực tế, theo bảng xếp hạng QS 2019, Việt Nam cũng đã có 2 đại học quốc gia lọt top 1.000 trường địa học hàng đầu thế giới.

Dừng tuyển sinh chương trình đào tạo chậm đổi mới

Nhằm quyết liệt đẩy mạnh đổi mới quản trị giáo dục đại học gắn với cơ chế quản lý và giám sát hiệu quả, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu sẽ rà soát và dừng tuyển sinh các chương trình đào tạo chậm đổi mới hoặc không còn đáp ứng nhu cầu của xã hội.

Với những ngành không còn phù hợp hoặc không có nhu cầu,  sẽ xác định thời điểm và lộ trình giảm chỉ tiêu, chấm dứt đào tạo.

Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ nêu quyết tâm thực hiện giải thể hoặc sáp nhập các cơ sở giáo dục đại học hoạt động không hiệu quả.

Song bên cạnh đó, Nhà nước sẽ có chính sách hỗ trợ và khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học đầu tư phát triển các chương trình đào tạo chất lượng cao, đào tạo bằng tiếng nước ngoài ở các lĩnh vực ưu tiên (như công nghệ thông tin, du lịch, nông nghiệp xanh...) tạo nguồn nhân lực cạnh tranh trong khu vực và quốc tế.

Trong giai đoạn sắp tới, cũng sẽ  lựa chọn, xây dựng và vận hành hiệu quả một số mô hình quản trị đại học phù hợp với điều kiện của Việt Nam, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

Thủ tướng cũng yêu cầu đổi mới công tác quản trị đại học, chuyển từ mô hình quản lý sang quản trị có hiệu quả,  giảm can thiệp hành chính từ các cơ quan nhà nước, bảo đảm tăng cường minh bạch, công khai…

Thí điểm xây dựng làng đại học quốc tế

Đây là một mô hình mới đối với giáo dục đại học Việt Nam.

Theo đó, đề án đặt ra việc hình thành một số trung tâm thực hành, thí nghiệm hiện đại dùng chung cho các cơ sở giáo dục đại học.

Riêng việc thí điểm xây dựng một số làng đại học quốc tế sẽ thu hút các cơ sở giáo dục đại học có uy tín của nước ngoài tham gia đào tạo và nghiên cứu quốc tế.

NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên