05/12/2017 12:08 GMT+7

Việt Nam cần điều chỉnh chiến lược biển

QUỲNH TRUNG
QUỲNH TRUNG

TTO - Tại Đối thoại biển lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam, nhiều chuyên gia, nhà khoa học lên tiếng cần thay đổi hoặc điều chỉnh “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020” được ký năm 2007.

Việt Nam cần điều chỉnh chiến lược biển - Ảnh 1.

Các chuyên gia tại Đối thoại biển chủ đề "Chiến lược quản trị biển và vấn đề Biển Đông" - Ảnh: Q.TR.

Đề xuất này được đưa ra trong bối cảnh tài nguyên biển ở Việt Nam suy thoái nghiêm trọng và sự phối hợp giữa các cơ quan biển vẫn còn lỏng lẻo.

Khuyến nghị mới hoặc thay đổi chiến lược phụ thuộc vào quá trình rà soát. Chắc chắn là có bổ sung điều chỉnh chiến lược 2007

Ông Nguyễn Mạnh Đông (vụ trưởng Vụ Biển, Ủy ban Biên giới quốc gia)

Lúng túng về chủ trương chính sách

Cuộc đối thoại với chủ đề "Chiến lược quản trị biển và vấn đề Biển Đông" do Học viện Ngoại giao phối hợp với Đại sứ quán Úc và Viện KAS phối hợp tổ chức tại Hà Nội sáng 4-12, thu hút khoảng 80 đại biểu tham gia, bao gồm các bộ ngành, giới học thuật và ngoại giao.

Trao đổi tại đối thoại, giáo sư Nguyễn Hồng Thao - thành viên Ủy ban Luật pháp quốc tế của Liên Hiệp Quốc - cho biết Chiến lược biển Việt Nam chú trọng vào phát triển kinh tế với mong muốn đưa Việt Nam trở thành quốc gia đại dương thịnh vượng và giàu mạnh. 

Tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay, ngoài phát triển kinh tế, theo ông Thao, chiến lược cũng phải nhấn mạnh các vấn đề quan trọng khác như môi trường, an ninh...

Về mục tiêu các hoạt động kinh tế biển đóng góp 53-55% GDP, ông Thao cho rằng đây là mục tiêu tham vọng, rất khó đạt được. 

Ngoài ra, theo thành viên Ủy ban Luật pháp quốc tế của Liên Hiệp Quốc, Việt Nam cũng khá lúng túng về chủ trương chính sách, và chiến lược biển chưa có kế hoạch hành động cụ thể. 

"Năm 2007 khi chiến lược phát triển kinh tế biển được thông qua, Việt Nam nhập Bộ Thủy sản vào Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, 2 năm sau chuyển Bộ Thủy sản thành Tổng cục Thủy sản. Điều đó cho thấy lúng túng nhất định về chủ trương, chính sách, không có hành động, thiết chế cụ thể" - GS Thao nhấn mạnh.

GS Thao kiến nghị Việt Nam cần thành lập một cơ quan đủ mạnh để thực thi chính sách hiệu quả, đủ thẩm quyền xử phạt những vụ vi phạm như Formosa, thực thi các chính sách, cơ chế bảo tồn biển...

Trả lời Tuổi Trẻ, ông Vũ Thanh Ca - nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu biển và hải đảo - cho biết Chiến lược biển Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức, trong đó đáng lo ngại nhất là suy thoái tài nguyên. 

Các hệ sinh thái, trong đó có nguồn cá, đang bị suy thoái nghiêm trọng, do đó khiến Việt Nam chưa phát triển kinh tế biển đáng kể.

Ông Vũ Thanh Ca cũng thẳng thắn chỉ ra một vấn đề khác của Việt Nam chính là lãng phí nguồn lực khi hầu hết các tỉnh ven biển đều xây dựng cảng biển nhưng hàng hóa lại rất ít.

"Năm 1994, chúng tôi tham gia quy hoạch cảng biển Việt Nam, chúng tôi đã khảo sát từ Bắc đến Nam và kết luận rằng ngay cả Đà Nẵng, trọng điểm kinh tế miền Trung, rất ít hàng. Về hệ thống các cảng hiện nay, cực kỳ lãng phí nguồn lực. Đầu tư rất nhiều nhưng khai thác rất ít" - ông Ca nói.

Ông Nguyễn Mạnh Đông, vụ trưởng Vụ Biển thuộc Ủy ban Biên giới quốc gia, cho biết dù đưa ra chỉ tiêu hoạt động kinh tế biển đóng góp 53-55% GDP nhưng con số này trên thực tế chỉ đạt được 45-47%.

Phải có điều phối chung

Cũng tại đối thoại, ông Andrew Wiguna Mantong - nghiên cứu viên cấp cao của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS) Indonesia - nêu các kinh nghiệm của Indonesia trong việc đối phó với việc khai thác cá trái phép của Trung Quốc trong vùng biển của nước này.

Theo ông Mantong, một trong những thách thức về quản trị biển của Indonesia chính là lực lượng phòng vệ bờ biển khá yếu kém và các cơ chế điều phối, phối hợp không hiệu quả.

Ông Mantong cho biết Indonesia trước đây không duy trì yêu sách chủ quyền. Năm 2016, Indonesia phát hiện tàu của Trung Quốc đánh bắt trong lãnh hải của Indonesia. Sau đó, Indonesia vạch ra bản đồ những điểm thuộc vùng biển của Indonesia, khiến quan hệ với Trung Quốc trở nên khá căng thẳng.

Theo ông Mantong, dưới thời Tổng thống Joko Widodo, Indonesia không xem ASEAN là cơ chế đủ hiệu quả để giải quyết xung đột trên biển. Ví dụ, về giải quyết đánh bắt cá trái phép trên biển, Indonesia đưa ra vấn đề này thì Trung Quốc và một vài nước trong ASEAN đã phản đối.

"Các thành viên trong Chính phủ Indonesia cho biết nếu Trung Quốc không đồng ý cách giải quyết đánh bắt cá trái phép thì họ đưa ra quốc tế. Ví dụ như gần đây Indonesia đề xuất sáng kiến thành lập diễn đàn chống đánh bắt cá trái phép kêu gọi sự tham gia của Mỹ, New Zealand và EU" - chuyên gia Mantong nói.

Theo ông Vũ Thanh Ca, Biển Đông là một hệ sinh thái biển lớn nên cần có nỗ lực hợp tác bảo vệ môi trường và các hệ sinh thái biển, đặc biệt là điều phối chung về hoạt động đánh cá trên biển.

Ông Ca cho rằng phải có một khung chung, tổ chức chung điều phối tất cả các hoạt động để bảo vệ tài nguyên không bị khai thác quá mức, đảm bảo tất cả các nước đều thu lợi ích, bảo vệ hệ sinh thái biển. 

Ông Ca thẳng thắn khẳng định do Trung Quốc không tuân thủ phán quyết của Tòa trọng tài nên nước này chính là trở ngại lớn nhất của bảo vệ môi trường hệ sinh thái ở Biển Đông.

Phú Quốc bị băm nát

Chúng ta sử dụng rất không tốt những tài nguyên biển, đặc biệt là tài nguyên tái tạo như du lịch. Phú Quốc lẽ ra là "hòn ngọc" với các bãi biển hoang sơ, rặng san hô thiên nhiên tuyệt đẹp, nếu khai thác tốt thì có thể khai thác 40 triệu khách/năm. Bây giờ Phú Quốc bị băm nát, đó là suy thoái tài nguyên khủng khiếp nhất của Việt Nam.

Ông Vũ Thanh Ca (nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu biển và hải đảo)

QUỲNH TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên