20/05/2024 18:36 GMT+7

Vì sao hàng không Iran từng an toàn hàng đầu thế giới nay ra nông nỗi này?

Cả ngành hàng không dân dụng và quân sự Iran đều ghi nhận không ít vụ tai nạn thảm khốc vì Tehran phải gánh chịu hậu quả từ những lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây.

Tiêm kích Sukhoi Su-35 của Nga cũng là một trong số rất nhiều phương tiện quân sự mà Matxcơva chuyển cho Iran - Ảnh: THE NATIONAL

Tiêm kích Sukhoi Su-35 của Nga cũng là một trong số rất nhiều phương tiện quân sự mà Matxcơva chuyển cho Iran - Ảnh: THE NATIONAL

Theo Đài Al Jazeera, Iran sở hữu nhiều loại máy bay trực thăng khác nhau nhưng ngành hàng không Iran được cho có độ an toàn thấp, một phần do nước này không thể có được thiết bị cần thiết để bảo dưỡng máy bay.

Gần 2.000 người Iran đã thiệt mạng trong các vụ tai nạn máy bay kể từ năm 1979. Các vụ tai nạn liên quan đến các hãng hàng không trong khoảng thời gian 44 năm qua đã khiến 1.755 người thương vong.

Nguyên nhân đến từ các lệnh trừng phạt chống lại Iran kể từ cuộc cách mạng Hồi giáo 1979.

Mới đây, hôm 19-5, chiếc trực thăng Bell 212 do Mỹ sản xuất, chở Tổng thống Iran Ebrahim Raisi và Ngoại trưởng Hossein Amir-Abdollahian bị rơi sau chuyến thăm biên giới Azerbaijan.

Đây là mẫu trực thăng do Công ty sản xuất hàng không vũ trụ Bell Textron Inc. (Mỹ) sản xuất từ những năm 1960, thuộc biên chế của Lực lượng Không quân Iran và được hoán cải thành chuyên cơ phục vụ chính phủ từ năm 2021.

Tai nạn hàng không nhiều hơn sau lệnh cấm vận

Kênh tin tức Iranintl của Iran dẫn lời chuẩn tướng Kioumars Heidarian, một phi công về hưu, nói rằng nếu Iran có thể mua được các thiết bị, phụ tùng máy bay tốt hơn thì Tehran có thể giảm chi phí sản xuất, cũng như giảm số vụ tai nạn hàng không.

Theo nhận định của ông Heidarian - người từng tham gia khóa huấn luyện lái máy bay ở bang Texas (Mỹ) và lái máy bay chiến đấu cho lực lượng không quân Iran trước và sau cuộc cách mạng Hồi giáo năm 1979, các lệnh trừng phạt mà nước ngoài áp lên Iran là nguyên nhân chính khiến ngành hàng không Iran ghi nhận số lượng tai nạn hàng không rất lớn.

“Tai nạn xảy ra ở khắp nơi và trên thế giới chưa ai có thể ngăn chặn tai nạn xảy ra. Tuy nhiên, nếu được trang bị đầy đủ thì đương nhiên chúng ta sẽ hạn chế được số vụ tai nạn”, ông Heidarian nhận định.

Vị chuẩn tướng cho biết thêm mặc dù các phụ tùng của máy bay vẫn có thể sản xuất ngay trong nước, hoặc nhập khẩu từ các nước “thân thiện” như Nga hay Trung Quốc, nhưng vấn đề chính yếu và lớn hơn vẫn nằm ở các tác động tiêu cực từ những lệnh trừng phạt mà cộng đồng quốc tế áp vào Iran.

Trước đó vào ngày 15-7-2009, chiếc máy bay chở khách xuất xứ từ Nga mang số hiệu 7908 của Hãng hàng không Caspian Airlines (Iran) cất cánh từ thủ đô Tehran đến thủ đô Yerevan của Armenia.

Tuy nhiên, chỉ 16 phút sau khi rời sân bay quốc tế Imam Khomeini, chiếc máy bay xấu số đã lao xuống một cánh đồng ở ngoại ô thành phố Qazvin, cách Tehran 120km. Vụ tai nạn khiến toàn bộ 153 hành khách và 15 thành viên phi hành đoàn thiệt mạng.

Khi đó, Hãng tin AFP cho biết ở Iran thường xảy ra các tai nạn hàng không thảm khốc do máy bay của nước này đều đã cũ kỹ và lạc hậu, hầu như các máy bay đều nằm trong tình trạng kém vì bị khai thác quá lâu và thiếu sự bảo dưỡng.

Kể từ cuộc cách mạng Hồi giáo năm 1979, Iran đã hứng chịu làn sóng cấm vận và lệnh trừng phạt từ các nước phương Tây, buộc ngành hàng không của Iran phải chuyển sang mua các máy bay do Nga chế tạo.

Chiếc máy bay trong vụ tai nạn thảm khốc hồi năm 2009 là một máy bay do Nga sản xuất từ 22 năm trước ngày xảy ra tai nạn.

Kênh tin tức PBS Iran cho biết Hãng hàng không quốc gia Iran (Iran Air) từng là niềm tự nào của người dân nước này và được xếp hạng là hãng hàng không an toàn thứ hai trên thế giới vào năm 1976, chỉ sau Hãng hàng không quốc gia Úc Qantas.

Tuy nhiên, các lệnh trừng phạt từ Mỹ và các nước Liên minh châu Âu (EU) khiến Tehran không thể mua máy bay hoặc các bộ phận của máy bay. Từ đó, hãng hàng không với phi đội hùng mạnh một thời rơi vào hỗn loạn với hàng loạt chiếc máy bay bị hư hỏng.

Trong suốt nhiều năm kể từ đó, các kỹ thuật viên Iran ngày càng trở nên “cứng tay” hơn trong việc bảo trì, sửa chữa máy bay. Thế nhưng, việc thiếu các bộ phận thiết yếu khiến những đội bay vốn cũ kỹ lại phải đối mặt với các vấn đề kỹ thuật khác.

Từ tai nạn máy bay dân sự đến máy bay quân sự

Cũng theo AFP, không chỉ ngành hàng không dân dụng mà quân đội Iran cũng hứng chịu không ít thảm kịch hàng không.

Điển hình là vụ tai nạn hồi tháng 2-2003, một máy bay quân sự bị lâm nạn tại miền nam nước này, toàn bộ 276 người trong khoang bị thiệt mạng. 

Tháng 12-2005, 115 người đã chết khi chiếc máy bay quân sự C-130 do Mỹ sản xuất lao vào tòa nhà 10 tầng gần sân bay Mehrabad ở thủ đô Tehran. 

Tháng 11-2007, một máy bay quân sự của Iran do Nga sản xuất đã lâm nạn chỉ ít phút sau khi cất cánh, làm 36 người thiệt mạng.

Những vụ tai nạn trên được đánh giá đều là hậu quả của việc sử dụng đội bay cũ kỹ và kém an toàn.

Vì sao trực thăng chở tổng thống Iran không gọi cấp cứu?Vì sao trực thăng chở tổng thống Iran không gọi cấp cứu?

Giới phân tích cho rằng việc trực thăng chở Tổng thống Iran Ebrahim Raisi không phát cuộc gọi khẩn cấp cho thấy đã có vấn đề nghiêm trọng về khả năng kiểm soát.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên