10/07/2019 09:47 GMT+7

Tuyển thẳng nhiều, vào đại học quá dễ?

TRẦN HUỲNH
TRẦN HUỲNH

TTO - Đây là băn khoăn của không ít người khi thời điểm này một số trường ĐH đã công bố kết quả xét tuyển thẳng mùa tuyển sinh năm 2019, trong đó có trường gọi nhập học hàng ngàn thí sinh.

Tuyển thẳng nhiều, vào đại học quá dễ? - Ảnh 1.

Thí sinh và phụ huynh đến làm thủ tục xác nhận nhập học của diện xét tuyển thẳng vào trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) năm 2018 - Ảnh: NHƯ HÙNG

Cụ thể, trong khi nhiều trường khác tăng mạnh chỉ tiêu tuyển thẳng thì Trường ĐH Kinh tế TP.HCM đã công bố hơn 2.000 thí sinh trúng tuyển theo diện tuyển thẳng ĐH chính quy năm 2019.

Ông Vũ Nguyên - một phụ huynh - cho rằng: "Việc trường ĐH tuyển thẳng thí sinh đạt loại giỏi 3 năm liền ở bậc THPT sẽ khuyến khích các trường phổ thông cho điểm ảo. Tôi thấy tuyển thẳng như vậy không ổn chút nào".

Một số phụ huynh khác cũng tỏ ra băn khoăn với số lượng thí sinh "khủng" được tuyển thẳng vào Trường ĐH Kinh tế TP.HCM. "Tuyển thẳng kiểu này thấy vào ĐH dễ dãi quá. Đây là cách không nên" - một phụ huynh nói.

Tiêu chí không dễ

Đáp lại băn khoăn trên, ThS Nguyễn Văn Đương - phó trưởng phòng quản lý đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP.HCM - cho biết tất cả thí sinh được tuyển thẳng gồm các thí sinh đáp ứng được các yêu cầu của Bộ GD-ĐT và của nhà trường (theo đề án tuyển sinh của trường, trường xét tuyển thẳng cho tất cả các ngành/chuyên ngành với 28% tổng chỉ tiêu).

Theo đó, theo quy định của Bộ GD-ĐT, có 36 thí sinh đoạt giải nhất, nhì, ba trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia. Thí sinh trúng tuyển diện 30A (học bổ sung kiến thức 1 năm trước khi vào học chính thức) có 22 trường hợp, là học sinh phổ thông dân tộc thiểu số với kết quả 3 năm THPT đạt loại giỏi trở lên.

Các đối tượng còn lại gồm thí sinh là học sinh đoạt giải nhất, nhì, ba kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, thành phố năm học 2018-2019 với môn đoạt giải có trong tổ hợp xét tuyển của trường (toán, lý, hóa, tiếng Anh, văn); điểm trung bình học lực 3 năm từ khá trở lên; điểm trung bình tiếng Anh lớp 12 từ 6,5 trở lên.

Nguồn thí sinh khác nữa là học sinh giỏi 3 năm liền từ tất cả trường THPT trên toàn quốc, không phân biệt trường chuyên, năng khiếu. Yêu cầu bắt buộc là điểm trung bình môn tiếng Anh lớp 12 từ 8 trở lên.

Ngoài ra, thí sinh phải thỏa mãn các điều kiện khác theo thứ tự ưu tiên điểm trung bình các năm lớp 12, lớp 11, lớp 10, trung bình môn toán lớp 12 và trung bình môn tiếng Anh lớp 12... "Như vậy, tiêu chí tuyển thẳng của trường đặt ra rất khắt khe chứ không hề đơn giản" - ông Đương khẳng định.

Đồng thời, ông Đương cũng cho biết thêm hơn 2.000 thí sinh được tuyển thẳng này được xét chọn từ hơn 6.500 thí sinh và đây chỉ là số thí sinh được nhà trường báo gọi nhập học nhưng số thí sinh đến nhập học sẽ ít hơn.

"Năm 2018, trường dành 15% tổng chỉ tiêu để xét tuyển thẳng và qua khảo sát, chất lượng thí sinh được tuyển thẳng khá phù hợp với kết quả học tập của các sinh viên này nên năm nay trường tăng chỉ tiêu tuyển thẳng lên 30%.

Năm ngoái, trường gọi nhập học diện tuyển thẳng hơn 600 thí sinh nhưng chỉ 30% nhập học, năm nay chắc cũng có hơn 1.000 thí sinh đến nhập học" - ông Đương dự đoán.

Yên tâm với chất lượng thí sinh được tuyển thẳng

Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) năm nay dành 3% chỉ tiêu để tuyển thẳng theo quy chế tuyển sinh của Bộ GD-ĐT và đồng thời dành 15-25% tổng chỉ tiêu ưu tiên xét tuyển theo quy định của ĐH Quốc gia TP.HCM.

Tuy nhiên, PGS.TS Bùi Hoài Thắng - trưởng phòng đào tạo nhà trường - cho biết dù đưa ra chỉ tiêu như vậy nhưng chưa bao giờ trường tuyển thẳng được đủ số chỉ tiêu này.

"Đặc biệt, số hồ sơ tuyển thẳng theo quy định của bộ rất ít, chưa đến 100 hồ sơ. Với ưu tiên xét tuyển theo quy định của ĐH Quốc gia TP.HCM, năm nay trường nâng lên tối đa 25% chỉ tiêu do qua thống kê các năm, năng lực của thí sinh diện này khá tốt.

Các thí sinh này đều là học sinh giỏi của trường chuyên nên chất lượng cũng rất yên tâm. Tuy nhiên do tiêu chí xét tuyển cũng không đơn giản nên chắc chắn sẽ tuyển không đủ chỉ tiêu đặt ra" - ông Thắng nói.

Theo PGS.TS Đinh Đức Anh Vũ - trưởng ban ĐH, ĐH Quốc gia TP.HCM, hiện không có quy định nào giới hạn tỉ lệ phần trăm chỉ tiêu dành cho tuyển thẳng. ĐH Quốc gia TP.HCM căn cứ vào thực tiễn trong tuyển sinh các năm trước để xác định chỉ tiêu tuyển thẳng cho năm sau.

"Theo thống kê, chỉ có khoảng 1-2% chỉ tiêu thí sinh được tuyển thẳng theo quy định của bộ. Còn đối với diện ưu tiên xét tuyển theo quy định của ĐH Quốc gia TP.HCM, theo dõi các năm cho thấy những năm đầu chỉ tuyển được 5-8%, đến năm ngoái tăng lên khoảng 12% và các thí sinh này cũng học tập khá tốt khi đã trở thành sinh viên.

Do đó, năm nay các trường thành viên được phép tăng chỉ tiêu cho phương thức này nhưng rất thận trọng. Đến thời điểm này số hồ sơ ưu tiên xét tuyển vào các trường vẫn chưa đủ 15% tổng chỉ tiêu do nhiều thí sinh giỏi chọn phương thức khác để có học bổng" - ông Vũ cho hay.

Thế nào là "tuyển thẳng"?

Hiện nay, các trường ĐH đang áp dụng nhiều hình thức "tuyển thẳng" khác nhau, trong đó có hai dạng chính: tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD-ĐT (với chỉ tiêu rất ít do tiêu chí áp dụng chung và khá khắt khe) và tuyển thẳng theo quy định của nhà trường, được nêu rõ trong đề án tuyển sinh.

Vì thế, theo đề án tuyển sinh từng trường, sẽ có những điều kiện khác nhau dành cho thí sinh. Đây là điều khác với cách hiểu "tuyển thẳng rất khó" như nhiều người nghĩ.

Trường ĐH Y dược TP.HCM năm nay vẫn dành chỉ tiêu tuyển thẳng rất hạn chế (khoảng 5% chỉ tiêu từng ngành) nhưng theo quy định của Bộ GD-ĐT. Nhà trường còn quy định thí sinh phải đoạt giải trong kỳ thi chọn đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế hoặc kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia.

Chính vì thế, theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Khôi - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Y dược TP.HCM, chưa năm nào trường dùng hết số chỉ tiêu để tuyển thẳng. Ngoài tiêu chí khá ngặt nghèo, còn có việc do thí sinh nộp hồ sơ tuyển thẳng tập trung vào một số ngành hot như y đa khoa, dược, răng hàm mặt...

Không gây ảo cho các trường khác

Thí sinh không bị hạn chế việc nộp hồ sơ tuyển thẳng vô một trường nào. Do vậy, một thí sinh có thể trúng tuyển thẳng vô nhiều trường và chọn một trường để nhập học.

Theo quy định của Bộ GD-ĐT, trước ngày 24-7 tất cả các trường phải báo cáo kết quả xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển về Vụ Giáo dục ĐH. Đối với thí sinh trúng tuyển diện này phải xác nhận nhập học tại các trường bằng cách nộp bản chính giấy chứng nhận kết quả thi. Những thí sinh này sẽ bị loại ra khỏi hệ thống dữ liệu xét tuyển của bộ để không gây ảo cho các trường khác.

134 học sinh giỏi được xét tuyển thẳng đại học 134 học sinh giỏi được xét tuyển thẳng đại học

TTO - Bộ GD-ĐT vừa công bố danh sách 134 thí sinh tham gia kỳ thi chọn đội tuyển quốc gia để dự thi Olympic quốc tế sẽ được miễn thi THPT quốc gia năm 2019 và được tuyển thẳng vào đại học.

TRẦN HUỲNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên