01/06/2019 09:09 GMT+7

Tuyển sinh lớp 10: Cẩn thận với chứng 'hay quên' và bài thi trắc nghiệm

VĨNH HÀ - HOÀNG HƯƠNG
VĨNH HÀ - HOÀNG HƯƠNG

TTO - Theo các thầy cô giáo dạy THCS thì học sinh lớp 9 vẫn còn lơ đãng, nhiều cái nếu không 'cầm tay chỉ việc' các em dễ quên hoặc hiểu không đến nơi đến chốn. Từ thực tế nhiều năm, các giáo viên lưu ý thí sinh những chuyện cần chú ý.

Tuyển sinh lớp 10: Cẩn thận với chứng hay quên và bài thi trắc nghiệm - Ảnh 1.

Cô trò lớp 9/5 Trường THCS Chu Văn An (Q.1, TP.HCM) ráo riết ôn thi môn văn ngày cuối cùng chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm 2019 - Ảnh: NHƯ HÙNG

Bởi theo thầy cô, những "sự cố" xảy ra trong ngày đi thi chắc chắn sẽ ảnh hưởng không tốt đến tâm lý và kết quả thi của thí sinh.

Những điều "đừng quên"

"Năm nào tôi cũng nhắc học sinh phải chuẩn bị sẵn giấy tờ, bút viết, thước kẻ, compa... Tất cả những thứ ấy cho vào cái bóp chuyên để đồ dùng học tập, đi thi chỉ cần cầm cái bóp ấy là đầy đủ hết mọi thứ. Tuy nhiên thực tế nhiều em vẫn không làm được" - cô Mai Thị Dương, giáo viên lớp 9 ở TP.HCM, cho biết.

Cô Dương kể có năm, trước ngày thi mà học sinh ôn bài đến khuya. Sáng hôm sau em ngủ quên. Lúc giật mình thức dậy thì sợ trễ nên vội vàng quơ đại vài đồ dùng mang đi. Hậu quả: có em thì quên giấy báo dự thi, em quên thước kẻ, em quên compa... phải gọi điện cho người nhà mang đến, rất mất công và phấp phỏng đợi chờ, không tốt cho tâm lý thí sinh.

"Không những vậy, nhiều em thường hay ngủ quên nên đến điểm thi bị trễ giờ vào buổi chiều. Cách đây 2 năm, có em đã để đồng hồ báo thức nhưng đồng hồ kêu lúc nào không hay do buổi trưa ngủ quá say. Do đó, tôi khuyên các phụ huynh nên giám sát về mặt giờ giấc cho các em nếu có thể" - cô Hoàng Thu Hà, người đã từng làm giám thị trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 ở TP.HCM nhiều năm liền, đúc kết.

Ngoài ra, trước ngày đi thi chính thức, các phụ huynh và học sinh cũng nên đi thử từ nhà đến điểm thi để nắm được tình hình giao thông và đường đi, tránh bỡ ngỡ trong ngày thi. Cách đây vài năm, còn có trường hợp thí sinh đến nhầm điểm thi do đọc nhầm thông tin trong giấy báo dự thi.

Cô Trần Thị Thúy - giáo viên Trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) - cho biết có rất nhiều "tiểu tiết" cần các em học sinh đừng bỏ qua. Ví dụ cần chuẩn bị cho mình nhiều bút cùng loại, gồm cả bút mực và bút chì. Vì bài thi tự luận không cho phép học sinh viết hai loại mực khác nhau và không được viết bút mực đỏ.

Khi cần tẩy xóa bài thi tự luận, không được dùng bút xóa. Lỡ viết sai thì chỉ gạch bỏ từ ngữ/câu viết sai bằng một gạch là đủ, không xóa chằng chịt làm bẩn bài thi. "Trình bày bài thi với chữ viết dễ đọc, sạch sẽ sẽ gây thiện cảm cho người chấm, nhất là môn ngữ văn" - cô Thúy chia sẻ.

Đặc biệt, năm nào cũng có những thí sinh bị hủy bài thi vì mang điện thoại vào khu vực thi. Đa số thí sinh vướng vào sai phạm này đều không có động cơ gian lận mà chỉ vì quên hoặc tưởng "cứ tắt nguồn là không sao".

Một số giáo viên chủ nhiệm lớp 9 ở Hà Nội trong buổi họp cha mẹ học sinh cuối năm đã "quán triệt": cha mẹ phải kiểm tra việc này trước khi vào điểm thi.

Tuyển sinh lớp 10: Cẩn thận với chứng hay quên và bài thi trắc nghiệm - Ảnh 2.

Cẩn thận với bài thi trắc nghiệm

Năm nay là năm đầu tiên kỳ thi tuyển sinh lớp 10 tại Hà Nội có môn thi trắc nghiệm. Ngoài môn tiếng Anh có cả phần trắc nghiệm và tự luận, môn lịch sử lần đầu xuất hiện ở kỳ thi này cũng thi theo hình thức trắc nghiệm.

Cô Trần Vân Anh - Trường THCS Trưng Nhị (Hà Nội) - chia sẻ ở Hà Nội có trường THCS có điều kiện cho học sinh tập dượt nhưng vẫn còn nhiều trường chưa quan tâm được nhiều đến việc rèn kỹ năng thi trắc nghiệm cho học sinh. Vì thế, trước ngày thi, thay vì tiếp tục đi ôn luyện kiến thức thì học sinh nên chú ý đến thao tác kỹ thuật làm bài thi, nhất là môn thi theo hình thức trắc nghiệm.

"Tôi vẫn nhắc nhở học sinh những cái căn bản nhất, như chọn bút chì như thế nào để tô phương án trả lời cho rõ ràng, nhưng cũng không quá đậm vì nếu cần thay đổi lựa chọn thì có thể tẩy sạch.

Khi tô phương án trả lời thì phải tô hết ô tròn, không tô chờm ra ngoài, nếu tẩy thì phải tẩy sạch không để lại vết, không để phiếu trả lời bị nhàu, rách, dây bẩn, dây mực, không viết gì khác lên phiếu ngoài các thông tin theo mẫu yêu cầu" - cô Thu Trang, một giáo viên chủ nhiệm lớp 9 ở Hà Nội, đã dặn dò học sinh trong buổi ôn tập sau cùng.

Một trong những điểm học sinh cần lưu ý khi thi môn trắc nghiệm là cách phân bổ thời gian làm bài.

"Không nên sa đà vào một câu mà nên chia trung bình thời gian đều cho từng câu hỏi để có cơ sở kiểm soát thời gian. Nhưng theo đề thi minh họa thì các câu hỏi sắp xếp từ dễ đến khó nên các em cố gắng làm nhanh những câu hỏi dễ mà mình chắc chắn, để dành thời gian suy nghĩ cho các câu khó" - cô Ngô Thị Thành, Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội), lưu ý.

Đón xem bài giải các môn thi tuyển sinh lớp 10 trên Tuổi Trẻ Online

Tuổi Trẻ Online sẽ cập nhật tin tức liên tục về kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 ở TP.HCM và Hà Nội tại: tuoitre.vn (mục Giáo dục/Tuyển sinh). Ngay sau khi hết giờ làm bài của các môn thi, Tuổi Trẻ Online cũng sẽ đăng đề thi và bài giải của các môn thi để bạn đọc, thí sinh tham khảo.

Tuyển sinh lớp 10: Cẩn thận với chứng hay quên và bài thi trắc nghiệm - Ảnh 4.

Đồ họa: T.ĐẠT

Tuyển sinh lớp 10: Làm sao tránh những sai sót khi làm bài thi? Tuyển sinh lớp 10: Làm sao tránh những sai sót khi làm bài thi?

TTO - Ngày 2 và 3-6 tới đây, gần 200.000 học sinh ở TP.HCM và Hà Nội sẽ bước vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10 đầy cam go để giành một chỗ học trong trường THPT công lập.

VĨNH HÀ - HOÀNG HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên