17/11/2021 11:00 GMT+7

'Truyền lửa' học văn online

THẢO THƯƠNG
THẢO THƯƠNG

TTO - Sợ rằng những tiết dạy văn online chỉ là tương tác trên không gian ảo, xa rời với thực tế cuộc sống, thầy Võ Kim Bảo, giáo viên văn Trường THCS Nguyễn Du (quận 1, TP.HCM), nghĩ cách dạy học trải nghiệm online trong giờ văn.

Truyền lửa học văn online - Ảnh 1.

Thầy Võ Kim Bảo, giáo viên văn Trường THCS Nguyễn Du (quận 1, TP.HCM) - Ảnh: NVCC

Học văn, học sinh ví von như mình đang thực hành làm diễn viên, nghệ sĩ, người viết kịch... chứ không phải ngồi nghe - ghi chép - học thuộc.

Tôi thấy trong tiết dạy online của thầy Bảo rất hấp dẫn, sáng tạo. Dạy văn online có những cái khó riêng, nếu không sáng tạo đầu tư sẽ rơi vào đọc - giảng - ghi chép, điều đó rất nhàm chán.

Ông Trần Tiến Thành (chuyên viên môn ngữ văn Sở GD-ĐT TP.HCM)

Làm dự án cho tác phẩm văn học

Là tổ trưởng tổ văn của trường, thầy Bảo luôn nghĩ cách sao cho học văn không "ủy mị" như đặc thù của bộ môn. Học ở lớp, sự tương tác là trực tiếp, chuyện "vận động" trong giờ văn dễ dàng hơn. Đến khi dạy học online, thầy lại sáng tạo ra những chủ đề thông qua một số dự án dài hơi.

Với khối lớp 9, bước vào năm học 1-2 tuần, thầy giao cho từng lớp một dự án với thời gian là hai tháng để các em chọn lựa tác phẩm, xây dựng nhân vật, viết lại kịch bản và quay thành video phim.

"Năm nào cũng vậy, tôi thường cho học trò phải làm gì đó, phải chuyển thể nội dung thành chính những điều các em cảm nhận được. Vừa giúp học trò hứng thú, có trách nhiệm với môn học và tạo ấn tượng với các em sau này" - thầy Bảo nói. 

Với các tác phẩm như Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ; Hồi thứ mười bốn của tiểu thuyết Hoàng Lê nhất thống chí của Ngô gia văn phái hay đoạn trích "Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga" (trích Truyện Lục Vân Tiên) của Nguyễn Đình Chiểu... thầy Bảo phân nhóm giao nhiệm vụ "làm phim" với chủ đề "Những cuộc đời bước ra từ trang sách".

Nếu lớp đông học sinh, thầy chia ngẫu nhiên làm 4-5 nhóm. Nếu sĩ số ít thầy sẽ tách thành ba nhóm. Mỗi nhóm chọn một tác phẩm khác nhau có trong chương trình, làm dự án để vừa học vừa lấy kết quả cho bài kiểm tra hệ số 2. Và mỗi học sinh làm một nhiệm vụ khác nhau.

"Em thấy mình trưởng thành"

Tưởng chừng yêu cầu phải hoàn thành trong thời gian giãn cách xã hội sẽ khiến học sinh nhăn mặt, nhưng ngược lại các em thích thú và thấy rằng việc học online bằng hoạt động trải nghiệm khiến các em trưởng thành hơn. 

Em Nguyễn Thế Sơn - lớp 9/1 - kể rằng nhóm em thực hiện chuyển thể từ "Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga" lấy tên phim là "Chàng và em". 

"Ở phần này nhóm chia ra hai nhân vật chính đóng Kiều Nguyệt Nga và Lục Vân Tiên. Trước khi làm, nhóm đọc kỹ tác phẩm, lời thoại sẽ xây dựng lại nhưng giữ nguyên cốt truyện. Một số bạn khác trong nhóm làm về kỹ thuật, dựng phim, làm poster quảng cáo... như thật" - Sơn kể.

Không gặp nhau, chỉ nói chuyện qua group nhưng nhóm của bạn Trần Thị Uyên Phương - lớp 9/3 - lần đầu hợp tác với nhau làm một bộ phim hoành tráng "Chuyện người con gái Nam Xương". 

Phương kể: "Mỗi bạn trong nhóm sẽ có một năng lực khác nhau. Bạn có khả năng cảm thụ văn học tốt sẽ đọc văn bản và viết lại kịch bản. Bạn giỏi công nghệ thì dựng phim, lồng tiếng, chọn cảnh phối. Em thiên về diễn xuất nên em đóng nhân vật chính Vũ Nương. Khó nhất là khi nhóm làm phim về chi tiết chiếc bóng để tạo kịch tính, làm bật số phận đau thương của người phụ nữ... Mỗi bạn một công việc, dù không gặp nhau nhưng chúng em vẫn học tập, làm việc như tương tác trực tiếp mỗi ngày".

Em Thành An - lớp 9/2 - chia sẻ: "Em thấy mình tháo vát, năng động hơn vì tự mò được cách làm phim, trước đây em chưa bao giờ làm. Bận rộn trong mùa dịch cũng là thú vị. Đồng thời qua mỗi dự án học tập này, em thấy mình trưởng thành".

Học qua làm

Sự khác biệt ở đây là khi dạy học trực tiếp, có thể tôi cho các em vẽ tranh, biến nhân vật trong tác phẩm thành bức tranh mà nhìn vào sẽ thấy được dụng ý và độ cảm nhận của học trò; hoặc đi ra ngoài, trải nghiệm về thực hiện cảm nhận trong sự liên đới với tác phẩm. Bây giờ học online, tôi cho các em dựng kịch.

Chính học sinh sẽ làm phim, là diễn viên hoặc tạo con búp bê để diễn, hay là chọn nhân vật trong game đi, đứng, nằm, ngồi miễn sao có thể diễn và chuyển tải được nội dung.

Thầy Võ Kim Bảo

Thầy giáo gốc Bắc hát cải lương để dạy trò Sài Gòn học văn Thầy giáo gốc Bắc hát cải lương để dạy trò Sài Gòn học văn

TTO - 'Mình phát triển chút chút thì học trò sẽ biết đến, sẽ yêu thích cải lương hơn, gìn giữ loại nhạc truyền thống này...', thầy Đặng Ngọc Ngận tâm sự.

THẢO THƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên