07/06/2019 17:00 GMT+7

Trường thay giấy khen bằng thư khen khiến học trò, cha mẹ rưng rưng

NGỌC TÀI
NGỌC TÀI

TTO - Sổ hành trình học thành người thay cho sổ liên lạc, những lá thư khen thay cho giấy khen... thầy cô Trường Tương Lai khiến những cô cậu học trò nhỏ lẫn phụ huynh xúc động, nhớ mãi không quên...

Trường thay giấy khen bằng thư khen khiến học trò, cha mẹ rưng rưng - Ảnh 1.

Một lá thư khen với những tình cảm ấm áp của thầy cô gửi đến học sinh - Ảnh: TÚ NGUYỄN

Thay vì phát những tờ giấy khen và phần thưởng giống nhau, Trường tiểu học - trung học cơ sở - trung học phổ thông (TH-THCS-THPT) Tương Lai ở thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp đã gây ngạc nhiên lẫn xúc động với chính các cô cậu học trò nhỏ và phụ huynh của các em bằng những lá thư khen đặc biệt.

Cụm từ "chăm ngoan", "học giỏi", "lễ phép" là những câu lệnh cứng nhắc, giáo điều, không đọng được gì hết vì bé nào cũng chăm ngoan, học giỏi. Còn với thư khen, đó là những lời tâm tình, thể hiện sự quan tâm đến các bé từ ngày bước vào trường, sự tiến bộ, cố gắng từng ngày của các em.

Cô Phạm Thị Tuynh

"Ngày tổng kết năm học, con gái vui sướng và hãnh diện trao cho mình một tờ giấy được in ép chỉn chu. Mình thoáng ngạc nhiên vì đó không phải giấy khen, mà là thư khen" - bà Lê Thị Hồng Ân, phụ huynh một học sinh Trường TH-THCS-THPT Tương Lai, chia sẻ.

Dòng chữ ấm áp...

Nhận niềm vui từ con, song bà Ân lập tức băn khoăn: liệu đem lá thư này về nộp cho công ty, họ có chịu xét quà 1-6 cho con mình? Nhưng rồi khi chăm chú đọc những dòng chữ nắn nót cô giáo gửi riêng cho con gái, bà chợt thấy lòng ấm áp: "Con là một học trò nhỏ nhưng đã có những suy nghĩ chín chắn, trưởng thành... Cô mong rằng trong tương lai con cũng sẽ làm tốt như thế và tiếp tục cố gắng nhiều hơn nữa để chinh phục ước mơ của mình".

Bà Ân vỡ lẽ: "Mình nhận ra có nhiều điều còn đáng trân quý hơn cả những danh hiệu quen thuộc. Giấy khen học sinh giỏi hay học sinh xuất sắc - những danh hiệu thành tích đó liệu có phải là điều các con đang cần?".

Những lá thư được chăm chút với nội dung gửi riêng cho từng em, hoàn toàn không phải kiểu khen "đồng phục": "Những thể hiện của con trong việc học và rèn luyện suốt một năm qua làm cô rất an tâm và tự hào. Con giỏi toàn diện. Nhưng quan trọng nhất với cô, con là một cô bé luôn tin vào những điều tốt đẹp".

Với một học sinh cá tính, nghịch ngợm thì dòng thư lại tràn đầy lời khích lệ, động viên: "Người khác có thể nghĩ là con nghịch ngợm chọc phá, ít chịu nghe lời, nhưng cô thì cô biết con là một đứa trẻ luôn muốn gần gũi người khác và cũng muốn người khác chơi với mình thân thiết. Ở con, cô đã thấy một chàng trai mạnh mẽ và vì thế, nếu có điều gì mình chưa làm được, con hãy tin rằng rồi con sẽ làm được, như cô vẫn luôn tin điều đó".

Hay với cậu trò nhỏ phải vượt qua những thử thách đầu đời, lá thư ghi nhận nỗ lực của trò với những lời chân thành: "Con là một cậu bé đặc biệt, đặc biệt nhất là một trái tim giàu tình cảm. Năm học qua có lẽ nhiều khó khăn với con phải không, nhưng có hề gì vì con đã trải qua năm học đầu tiên ở trường rất tốt, rất nỗ lực. 

Bật mí cho con điều này: Cô rất thích những bức vẽ của con, con vẽ đẹp lắm đó". Rồi có cả những dòng thủ thỉ: "Có một chút lo lắng những ngày đầu tiên con đến trường và giờ thì cô không còn lo lắng nữa. 

Con đã trở thành một đứa trẻ năng động, được bạn bè yêu mến, một học trò được thầy cô yên lòng. Con học tốt môn toán, tiếng Việt và rất thích học tiếng Anh, cùng "lăn xả" với môn học này. Hãy cứ vậy mà tiến lên con nhé"...

Học thành người

Cô Phạm Thị Tuynh - hiệu trưởng nhà trường - chia sẻ hơn 30 năm gắn bó với nghề giáo, ký hàng ngàn tờ giấy khen rất dễ dàng, nhưng để chọn những lời khen thực sự có ý nghĩa và có giá trị với các em lại không hề đơn giản. Viết làm sao để các bé đọc có thể hiểu được, để các em là chính các em, không có sự so sánh với bạn bè, nâng lên đặt xuống thứ bậc trong lớp.

Những lá thư khen "không ai giống ai" ấy đã ghi dấu sự chuẩn bị công phu từ đầu năm học của cả tập thể nhà trường. Trường không sử dụng sổ liên lạc, mà thay vào đó là sổ hành trình học thành người. 

Giáo viên chủ nhiệm ghi kết quả học tập từng môn của từng em không bằng điểm số hay xếp loại, mà bằng những nhận xét tỉ mỉ theo từng nét tính cách: sở thích của học trò, điểm nổi bật nhất, giải pháp điều chỉnh... Để rồi cuối năm, giáo viên chủ nhiệm sẽ viết thư tâm tình gửi các bé ở cuối sổ. Từ các thư tâm tình này, hiệu trưởng sẽ cô đọng lại thành những dòng trong thư khen.

Nhìn những tờ thư khen của các em, chợt nhớ về những bài kiểm tra học trò thuở nào. Vẫn nhớ như in những lời phê của thầy cô hơn là điểm số bên cạnh. 

Trong lời phê khen có, chê có còn ẩn chứa cả tình cảm của thầy cô dành riêng cho mình. Có thể chính những rung cảm ấy cứ theo mãi sau này, vun đắp thêm những tình cảm ấm áp với trường lớp, với thầy cô...

Con không được giấy khen khiến mẹ cha mất mặt? Con không được giấy khen khiến mẹ cha mất mặt?

TTO - Đến khi nào thì phụ huynh không còn bị dằn vặt khi con bị điểm thấp, không được giấy khen? Đến khi nào thì các em mới được học trong niềm vui, được là chính mình?

NGỌC TÀI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên