26/04/2019 10:27 GMT+7

Trường kiện đòi lại học bổng, sinh viên vừa học và hầu tòa

MINH GIẢNG
MINH GIẢNG

TTO - Nhiều trường đại học tung ra hàng chục tỉ đồng cấp học bổng tuyển sinh năm 2019. Nhưng để nhận và duy trì không hề đơn giản, thậm chí vướng vào kiện tụng.

Trường kiện đòi lại học bổng, sinh viên vừa học và hầu tòa  - Ảnh 1.

Sinh viên và phụ huynh đến tòa án thực hiện các thủ tục liên quan đến vụ kiện đòi học bổng của Công ty cổ phần đầu tư Tân Đức (thuộc Tập đoàn Tân Tạo) - Ảnh: M.G.

Mới đây, một số cựu sinh viên ngành y đa khoa Trường đại học Tân Tạo phải đến Tòa án nhân dân huyện Châu Thành A (tỉnh Hậu Giang) làm các thủ tục liên quan đến vụ kiện đòi học bổng của Công ty cổ phần đầu tư Tân Đức (thuộc Tập đoàn Tân Tạo).

Trong số này có sinh viên bị kiện đòi lại học bổng, có sinh viên bị kiện đòi học bổng, bồi hoàn học bổng và lãi suất.

“Thí sinh cần phải đọc và hiểu các điều kiện duy trì cũng như bồi thường (nếu có) để cân nhắc các lựa chọn, lưu lại thông báo học bổng, bởi đó chính là một trong các cơ sở khi có những phát sinh đáng tiếc trong tương lai.

Ông HOÀNG ĐỨC BÌNH

Vừa học vừa... hầu tòa

Năm 2017, các tòa án quận tại TP.HCM đã đình chỉ vụ án Trường đại học Tân Tạo kiện sinh viên đòi học bổng, do người đứng đơn kiện không phải là đại diện hợp pháp của trường. Năm 2018, Công ty cổ phần đầu tư Tân Đức đứng ra kiện sinh viên ở tòa án một số quận tại TP.HCM.

Đầu tháng 4-2019, các tòa án này chuyển hồ sơ về Tòa án nhân dân huyện Châu Thành A (nơi các sinh viên này đang tạm trú học ĐH) để giải quyết. Trong thời gian này, sinh viên vừa học vừa đến tòa theo triệu tập để hòa giải, cung cấp chứng cứ khá nhiều lần.

Trước đó, năm 2016, bất bình trước việc trường bất ngờ tăng mạnh học phí, học phí học lại, thi lại cũng như thay đổi chính sách học bổng liên tục, sinh viên và phụ huynh đã phản đối, đề nghị giữ lại mức học phí như cam kết ban đầu.

Kết luận thanh tra của Bộ GD-ĐT yêu cầu trường hoàn trả hồ sơ bản gốc và tạo điều kiện cho sinh viên chuyển trường.

Hơn 80 trong số khoảng 100 sinh viên ngành y đã chuyển sang trường khác. Trường không trả hồ sơ gốc (bằng tốt nghiệp THPT, học bạ) cho 28 sinh viên và yêu cầu sinh viên phải hoàn trả học bổng đã cấp - dao động từ vài chục đến hơn 300 triệu đồng/sinh viên. Sinh viên không đồng ý nên trường khởi kiện ra tòa.

Một phụ huynh cho biết lúc đầu trường đến trường THPT tuyển sinh, hứa hẹn cấp học bổng. Lúc đó hoàn toàn không có thông tin nào về việc bồi thường học bổng, không nói lộ trình tăng học phí. Khi vào học, trường liên tục thay đổi điểm bình quân để duy trì học bổng từ 3.4 lên 3.6 và sau đó lên mức 3.8/4.0 khiến không có sinh viên nào đạt được.

Không có học bổng, trường lại tăng học phí rất cao khiến gia đình không thể kham nổi. Dù đã chuyển trường nhưng hai năm qua sinh viên phải vừa học vừa hầu tòa, trong khi giấy tờ gốc trường thu giữ trái quy định vẫn chưa trả.

Cân nhắc thiệt hơn

Năm nay, nhiều trường tiếp tục tung ra các học bổng từ 25% đến 100% học phí, với số tiền từ vài triệu đến gần 1 tỉ đồng. Học phí càng cao, số tiền học bổng càng lớn. Tuy nhiên, thí sinh cần lưu ý điều kiện duy trì, chính sách bồi thường học bổng cũng như có kế hoạch tài chính khi không duy trì được khoản hỗ trợ này.

Với các trường đại học công lập, mức điểm trung bình để duy trì học bổng 100% phần lớn chỉ ở mức khá. Trong khi đó, với các trường ĐH ngoài công lập, sinh viên phải đạt điểm giỏi, thậm chí xuất sắc mới duy trì được học bổng.

PGS.TS Hồ Thanh Phong - hiệu trưởng Trường ĐH quốc tế Hồng Bàng - cho biết việc đặt ra điều kiện duy trì học bổng là cần thiết để sinh viên phải cố gắng trong học tập, không tạo tâm lý ỷ lại họ sẽ được cấp học bổng dù không nỗ lực.

Trong khi đó, ông Phạm Doãn Nguyên - phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông Trường đại học Kinh tế - tài chính TP.HCM - cho biết trường luôn tư vấn kỹ về điều kiện duy trì học bổng để sinh viên chọn học bổng nào có lợi nhất.

Song song đó, sinh viên cũng nên tính toán phương án tài chính trong trường hợp không duy trì được học bổng để tránh gián đoạn việc học.

Bên cạnh điều kiện duy trì học bổng, nhiều trường còn đưa ra chính sách bồi thường học bổng để ràng buộc sinh viên. Chính sách học bổng của Trường đại học Hoa Sen quy định sinh viên nhận học bổng tài năng thôi học hoặc bị buộc thôi học phải bồi hoàn toàn bộ số học bổng đã nhận.

Tại Trường đại học Duy Tân, sinh viên nếu bỏ học hoặc chuyển trường trong năm 1 hoặc đầu năm 2 phải bồi thường học phí năm đầu tiên cho trường.

Bồi thường học bổng là điều thí sinh cần hết sức lưu tâm, bởi từng có tiền lệ như Trường đại học Tân Tạo. TS Hoàng Đức Bình - đại diện Trường đại học Bắc Đan Mạch tại Việt Nam - cho rằng với nhóm học bổng thu hút thí sinh, đưa ra điều kiện duy trì học bổng là cần thiết.

Tuy vậy, nếu học bổng này có thêm phần bồi thường khi người học nghỉ học thì nó mất tính nhân văn của học bổng. Do vậy, thí sinh và phụ huynh cần phải cân nhắc thiệt hơn trước khi lựa chọn nhận học bổng có ràng buộc bồi thường nếu ngưng học.

Phụ huynh kiện trường

Đáng chú ý trong vụ kiện lần này, Công ty cổ phần đầu tư Tân Đức đã bổ sung nội dung khởi kiện, yêu cầu bồi hoàn thêm số tiền bằng tiền học bổng và lãi nên có sinh viên bị đòi bồi hoàn gần 350 triệu đồng.

Trong khi đó, phụ huynh đã có đơn kiến nghị Bộ GD-ĐT xem xét xử lý việc trường không thực hiện kết luận thanh tra của bộ (trả lại hồ sơ gốc cho sinh viên). Thanh tra bộ đã có văn bản trả lời, hướng dẫn phụ huynh khởi kiện trường ra tòa do không trả hồ sơ theo quy định của pháp luật. Phụ huynh cho biết đang hoàn tất các thủ tục để kiện Trường đại học Tân Tạo, đòi lại hồ sơ gốc.

Thêm 2 tòa đình chỉ vụ kiện đòi học phí của ĐH Tân Tạo Thêm 2 tòa đình chỉ vụ kiện đòi học phí của ĐH Tân Tạo

TTO - Tòa án nhân dân quận 11 (TP.HCM) và huyện Cần Đước (Long An) vừa có quyết định đình chỉ vụ án tranh chấp đòi tài sản giữa Trường ĐH Tân Tạo và các cá nhân nguyên là sinh viên của trường.

MINH GIẢNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên