12/01/2024 19:56 GMT+7

TP.HCM: Không để kịch bản kinh tế quý 1 năm 2023 lặp lại

TP.HCM đang rất quan tâm đến việc không để kịch bản kinh tế quý 1 năm 2023 lặp lại trong quý 1-2024. Do đó, ngành công thương nên xem đây là bài học kinh nghiệm để tham mưu tổ chức công việc và hoạt động kinh doanh cho TP.

Năm 2023, ngành bán lẻ hàng hóa của TP.HCM có doanh thu tăng trưởng so với 2022 - Ảnh: N.TRÍ

Năm 2023, ngành bán lẻ hàng hóa của TP.HCM có doanh thu tăng trưởng so với 2022 - Ảnh: N.TRÍ

Ông Nguyễn Văn Dũng, phó chủ tịch UBND TP.HCM, phát biểu như trên tại "Hội nghị tổng kết ngành công thương TP.HCM năm 2023 và triển khai kế hoạch 2024" do Sở Công Thương TP.HCM tổ chức chiều 12-1.

Theo ông Dũng, đầu năm 2023 với xuất phát điểm TP vừa vượt qua khỏi đại dịch, kết thúc quý 1 tăng trưởng kinh tế thành phố gần như bằng 0, đạt 0,7%.

Tuy nhiên, với sự lãnh đạo của thành phố, sự đồng hành của ngành công thương, cộng đồng doanh nghiệp... đã giúp kinh tế dần phát triển. Quý 4 năm 2023 kinh tế TP đạt 9,65% và cả năm 5,81%, cao hơn mức trung bình cả nước 5,05%.

"TP.HCM đang rất quan tâm đến việc không để kịch bản kinh tế quý 1 năm 2023 lặp lại. Dự báo tình hình 2024 còn khó khăn, thách thức lớn, thành phố xác định chủ đề công tác năm là quyết tâm thực hiện hiệu quả chuyển đổi số và nghị quyết số 98 của Quốc hội", ông Dũng nhấn mạnh.

Lãnh đạo thành phố cũng cho rằng ngành công thương, cộng đồng doanh nghiệp nên xem quý 1-2023 là bài học để tham mưu công việc và hoạt động kinh doanh cho thành phố. Trước mắt, thực hiện tiêu dùng lành mạnh, nhất là dịp Tết Nguyên đán.

Theo báo cáo của Sở Công Thương TP.HCM, với mức đóng góp 44,23% trong tăng trưởng 5,81% GRDP trong năm 2023, ngành công thương thành phố tiếp tục giữ vai trò, trách nhiệm quan trọng trong phát triển kinh tế thành phố. Trong đó, đến tháng 11-2023, Sở Công Thương đã hoàn thành 12-12 nhiệm vụ theo quyết định của UBND TP.

Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ, giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, năm qua ngành công thương TP cũng đã chủ động theo dõi, nắm bắt thị trường, kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh; từ đó đảm bảo hoạt động ổn định, duy trì nguồn cung về điện, xăng dầu...

"Năm 2024, TP sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả chương trình bình ổn thị trường; tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thị trường thông qua chuỗi kết nối cung cầu hàng hóa, kết nối ngân hàng - doanh nghiệp; các chương trình kích cầu tiêu dùng", ông Vũ khẳng định.

Sở Công Thương cho biết năm 2023, doanh nghiệp TP và các địa phương đã thực hiện 2.352 lượt tiếp xúc; ký 233 biên bản ghi nhớ, trong đó có 61 biên bản hiện thực hóa thành hợp đồng thu mua. 

Thông qua các hoạt động kết nối, đã mở ra thị trường cho cả doanh nghiệp cung ứng ở các tỉnh, thành và thị trường thay thế cho thị trường xuất khẩu đang eo hẹp đối với doanh nghiệp TP.HCM…

Năm 2023, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của TP.HCM ước tăng 4,3% so với cùng kỳ 2022, trong đó 4 nhóm ngành công nghiệp trọng điểm ước tăng 6% (cùng kỳ tăng 20,4%). IIP ngành hóa dược, cao su, nhựa năm 2023 ước tăng 19,4%; ngành cơ khí ước tăng 6,7%, ngành sản xuất hàng điện tử tăng 5,6%.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu ngành dịch vụ của TP năm 2023 ước đạt 1.190.407,3 tỉ đồng, tăng 9,6% so với 2022. Trong đó doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 697.604,7 tỉ đồng, tăng 11,6% so với 2022.

Lãi toàn vài chục nghìn tỉ, Big4 ngân hàng bơm tiền ra nền kinh tế nhiều thế nào?Lãi toàn vài chục nghìn tỉ, Big4 ngân hàng bơm tiền ra nền kinh tế nhiều thế nào?

Hết năm 2023, tổng dư nợ tín dụng nhóm Big4 ngân hàng hơn 6 triệu tỉ đồng, chiếm hơn 44,7% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên