14/05/2024 13:42 GMT+7

TP.HCM còn 1.030ha đất chưa sử dụng, cần các quy định thực chất thay vì hình thức

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM Nguyễn Toàn Thắng chia sẻ như trên và đề nghị sớm hoàn thành việc xây dựng, ban hành và đưa vào áp dụng hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật mang tính chất “khung pháp lý”...

Toàn cảnh hội thảo - Ảnh: CẨM NƯƠNG

Toàn cảnh hội thảo - Ảnh: CẨM NƯƠNG

Sáng 14-5, Hội đồng Lý luận trung ương phối hợp với Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo khoa học "Quản lý đất đai trên địa bàn TP.HCM: Thực trạng và giải pháp".

Tham nhũng, tiêu cực liên quan đến đất đai chậm được đẩy lùi

Phát biểu mở đầu hội thảo, ông Tạ Ngọc Tấn - phó chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận trung ương - nhìn nhận trong suốt quá trình đổi mới, Đảng đã không ngừng phát triển nhận thức về tầm quan trọng của đất, về yêu cầu hoàn thiện quản lý khoa học và sử dụng đất hiệu quả trong phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Chính sách, pháp luật về đất đai đã có nhiều đổi mới, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu thực tiễn, từng bước tạo hành lang pháp lý cho việc quản lý và sử dụng đất hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả hơn… Tuy nhiên, thực tiễn phát triển đất nước nói chung và tại TP.HCM nói riêng những năm qua cho thấy ở nhiều nơi, việc sử dụng đất còn lãng phí, hiệu quả thấp.

Tệ tham nhũng, tiêu cực liên quan đến đất đai chậm được đẩy lùi, thậm chí gia tăng; số vụ khiếu nại, tố cáo thuộc về lĩnh vực đất đai vẫn còn nhiều và phức tạp; thị trường bất động sản phát triển thiếu lành mạnh, chưa bền vững và còn tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Do đó ông Tấn đề nghị các đại biểu dự hội thảo hôm nay tập trung phân tích, đánh giá đúng những thành tựu, hạn chế về quản lý đất đai trên địa bàn TP.HCM. Đề xuất, kiến nghị quan điểm, giải pháp hoàn thiện công tác quản lý đất đai trên địa bàn TP thời gian tới.

Ông Tạ Ngọc Tấn phát biểu tại hội thảo - Ảnh: CẨM NƯƠNG

Ông Tạ Ngọc Tấn phát biểu tại hội thảo - Ảnh: CẨM NƯƠNG

Ưu tiên đấu thầu dự án, không đấu giá đất

Phát biểu tham luận tại hội thảo, ông Phạm Chánh Trực - nguyên chủ tịch HĐND TP.HCM - cho rằng khi có kế hoạch cụ thể xây dựng một công trình quốc gia, công trình công cộng, công trình dân dụng ưu tiên, công trình vốn ngân sách nhà nước thì Nhà nước “đấu thầu dự án xây dựng công trình”.

Đấu thầu dự án đảm bảo tính khả thi công trình, những chi phí hợp lý, chất lượng công trình, tiến độ; kiểm soát được và tính ổn định quy hoạch, kế hoạch.

Theo ông Trực, nếu theo quy luật cung - cầu dù có định giá thì giá đất vẫn luôn biến động, vì người mua nhà (căn hộ), đất và đất phân lô bán nền để kinh doanh đầu cơ là phổ biến và không có hạn chế, không phải nhu cầu ở thật.

Vì vậy Nhà nước cần hạn chế đối tượng kinh doanh và kinh doanh đầu cơ bằng cách quy hoạch đất sử dụng cho nhà ở thương mại có phạm vi giới hạn, và hạn chế đấu giá bán đất (chuyển nhượng quyền sử dụng đất) mà thay bằng đấu thầu dự án, công trình, hạn chế đối tượng thiếu năng lực đấu thầu để rồi bán dự án.

Đồng thời Nhà nước cần quản lý các công ty địa ốc có lợi nhuận quá cao bằng chính sách thuế (thuế lợi tức, thuế tài sản).

Định giá đất cụ thể khi quy hoạch được phê duyệt

Báo cáo thực trạng biến động đất đai trên địa bàn TP qua công tác đăng ký, thống kê đất đai, giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM Nguyễn Toàn Thắng cho biết tổng diện tích tự nhiên của toàn TP năm 2021-2022 là 209.539ha. Diện tích đất chưa sử dụng của TP là 1.030ha, chiếm 0,49% diện tích tự nhiên, ổn định so với kết quả thống kê 2020.

Để phát triển đất đai trên địa bàn TP phù hợp với thực tiễn, ông Thắng đề xuất sớm hoàn thành việc xây dựng, ban hành và đưa vào áp dụng hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật mang tính chất “khung pháp lý” điều chỉnh các hoạt động sử dụng đất trong các lĩnh vực: tài sản công, đầu tư, quy hoạch, xây dựng, đất đai, kinh doanh bất động sản, nhà ở.

Việc xây dựng pháp luật nên hướng đến các quy định mang tính “thực chất” thay vì các quy định pháp luật mang tính “hình thức”.

Như việc xác định giá trị bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất, theo lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, việc Nhà nước thu hồi đất hiện nay vẫn còn tình trạng khiếu nại, khiếu kiện cao. Nguyên nhân chủ yếu là bồi thường, hỗ trợ mà giá trị chưa tương xứng với giá trị thị trường.

Giải pháp hợp lý nhất là thực hiện bồi thường, hỗ trợ bằng đất cùng loại hoặc đất khác loại. Tuy nhiên, giải pháp này chưa thể thực hiện vì không được quy định trong Luật Đất đai 2013. Do vậy, cần định giá cụ thể toàn bộ khu vực dự án ngay khi quy hoạch được phê duyệt và đó là giá đất để tính bồi thường, hỗ trợ.

Khẩn trương xây dựng văn bản hướng dẫn Luật Đất đaiKhẩn trương xây dựng văn bản hướng dẫn Luật Đất đai

Các bộ, ngành khẩn trương xây dựng văn bản hướng dẫn chi tiết, bảo đảm đủ điều kiện để Quốc hội xem xét, cho phép Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực vào ngày 1-7.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên