06/04/2017 09:22 GMT+7

​'Bí kíp' làm bài trắc nghiệm của thủ khoa khối A

TƯỜNG HÂN
TƯỜNG HÂN

TTO - Nguyễn Hữu Thọ và Nguyễn Hồ Minh Phước - hai thủ khoa khối A Trường ĐH Bách khoa - ĐHQG TP.HCM, đã tích lũy kinh nghiệm làm bài thi trắc nghiệm và tâm lý vững vàng trước những “chiêu gài” giấu trong đề.

Chấp nhận sai để sửa

Nguyễn Hữu Thọ
Nguyễn Hữu Thọ

Với 28,05 điểm ba môn toán, lý, hóa, Nguyễn Hữu Thọ trúng tuyển vào khoa điện – điện tử, Trường ĐH Bách khoa - ĐHQG TP.HCM. Mê robot từ hồi lớp 5, Thọ cho biết chọn ngành này để tiếp xúc và học chuyên sâu về thiết bị điện tử, máy móc tự động.

Đại học với Thọ là một trải nghiệm để tìm kiếm và xác định đam mê. Sau khi chọn lựa ngành nghề, Thọ tìm hiểu về môi trường học tập, làm việc thông qua các anh chị đi trước.

“Một số bạn giỏi tính toán, yêu thích đồ chơi điện tử có xu hướng học khối ngành kỹ thuật. Nhưng khi chuyên sâu vào ngành, bạn có thể chán nản do phát hiện đó chỉ là sở thích nhất thời hoặc trải nghiệm chưa đủ để bản thân xác định nghề yêu thích.

Tới thời điểm hiện tại mình khá hài lòng về ngành học này nhưng cũng chịu áp lực lớn về các môn học đặc thù. Việc học ở trường cũng khá nặng, nếu không phải là người thật sự thích các môn tự nhiên, thì việc học tập khá mệt mỏi” - Hữu Thọ chia sẻ.

Nhớ lại quãng thời gian học và ôn thi năm lớp 12 tại Trường THPT Nguyễn Khuyến (TP.HCM), Thọ cho biết: “Bí quyết của mình đơn giản là chấp nhận sai để sửa. Khi luyện đề, không biết thì bỏ qua, tuyệt đối mình không đánh lụi để lấy điểm an ủi và dành thời gian làm câu có thể làm.

Về nhà, mình sẽ tìm hiểu cách giải với những câu khó đã bỏ qua. Vì vậy hầu hết các bài thi thử ở trường của mình đều bị điểm xấu, nhưng đó là động lực và năng lực thật sự nhắc nhở mình cố gắng mỗi ngày”.

Nhưng Thọ cũng cho rằng bí quyết học tập hiệu quả là mỗi người phải lựa chọn phương pháp phù hợp nhất với mình. “Hai học kỳ năm lớp 12 là lúc Thọ rèn kỹ năng giải bài. Đối với kiểu thi trắc nghiệm như hiện nay thì nên tìm những cách giải nhanh cho mội bài.

Trong giai đoạn ôn nước rút, các bạn nên tập trung vào dạng bài cho-điểm-thí-sinh. Đối với môn lý, hóa, cần nắm chắc lý thuyết trong sách giáo khoa, luyện các đề lý thuyết nhằm đề phòng một số câu “bá đạo” ẩn trong đề” - Thọ mách nhỏ.

Khi vào phòng thi, cầm được đề, thói quen của Thọ là đọc sơ qua, đánh dấu câu khó và bỏ qua, tập trung làm câu dễ. Phải luyện đề đến mức thuần thục thế nào thì Thọ mới có khả năng “nhận mặt người quen”, thay số vào luôn công thức, giải ngay lập tức. Hàng loạt câu dễ được làm một lèo, tạo đà hưng phấn khi áp sát những câu khó còn lại.

Thọ chia sẻ: “Mình không tham điểm, chỉ làm những câu khó khi còn đủ thời gian và chắc chắn những câu đã làm đều đúng. Tuy nhiên, các bạn nên cẩn thận! Một số đáp án gài ngoạn mục nhất là ở phần đổi đơn vị. Dù tính toán đúng nhưng một giây sơ sót phải đánh rớt điểm oan uổng”.

Nhận diện đề ngay lập tức

Nguyễn Hồ Minh Phước
Nguyễn Hồ Minh Phước

Không hề kém cạnh, Nguyễn Hồ Minh Phước đạt 27,9 điểm đậu vào khoa khoa học và kỹ thuật máy tính, Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM). Hay chơi game, thích vọc máy tính, Phước quyết định đăng ký nhóm ngành này để học chuyên sâu. Khi tìm hiểu qua internet, Phước càng yên tâm khi thấy đầu ra của ngành rất rộng, nhiều hướng nghề nên không lo thiếu việc.

Là cựu học sinh Trường THPT chuyên Quốc học (Huế), Phước có nhiều điểm tương đồng về kinh nghiệm học tập với Thọ ở chỗ chú trọng quá trình ôn luyện kiến thức hàng ngày và hình thành thói quen nhận diện đề ngay lập tức.

Phước chia sẻ: “Với môn lý và hóa phải học kỹ từng bài khi ôn lại sẽ nhẹ nhàng. Bên cạnh lý thuyết và bài tập cơ bản, Phước ôn theo dạng bài tập để rút ra cách giải thuận tiện cho mình. Trung bình, mỗi tuần Phước làm ba đề hóa và ba đề lý theo một số dạng bài tập trung. Khoảng hai tháng cuối thì luyện đề tổng hợp để biết cách phân bố thời gian hợp lý.

Nhưng nhìn chung để điểm cao chỉ có cách càng làm nhiều càng tốt. Trong đề thường xuất hiện 4-5 câu khó thuộc dạng đề lạ nhưng chỉ chiếm khoảng 1 điểm. Nếu cách tính thông thường không ra kết quả, mình có thể suy luận từ dữ kiện đề bài, loại bớt phương án sai, còn lại 1-2 phương án có thể chấp nhận nhất”.

Bên cạnh kiến thức, Phước cho rằng tâm lý mới là yếu tố cần lưu ý. “Khi bước vào phòng thi phải chủ động về tinh thần. Những ngày đầu thi không tốt có thể gây áp lực tâm lý cho những ngày thi sau. Nhưng lo lắng không ích gì. Quan trọng nhất là phải tập trung cho bài thi hiện tại, làm tốt và không bị phân tâm” - Phước nói.

TƯỜNG HÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên