12/08/2017 07:57 GMT+7

Đầu vào sư phạm tụt dốc thảm hại?

NGỌC HÀ - VĨNH HÀ
NGỌC HÀ - VĨNH HÀ

TTO - Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng thông tin “điểm đầu vào sư phạm tụt dốc thảm hại” là không hoàn toàn chính xác, vì bên cạnh một số trường sư phạm tuyển sinh đầu vào thấp vẫn có nhiều trường có điểm chuẩn cao.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT PHÙNG XUÂN NHẠ - Ảnh: PHƯƠNG CHINH
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT PHÙNG XUÂN NHẠ - Ảnh: PHƯƠNG CHINH
Điểm đầu vào sư phạm tụt dốc thảm hại” là không hoàn toàn chính xác, vì bên cạnh một số trường sư phạm tuyển sinh đầu vào thấp vẫn có nhiều trường sư phạm có điểm chuẩn cao
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT PHÙNG XUÂN NHẠ

Ngày 11-8, Hội nghị tổng kết năm học 2016-2017 đối với các cơ sở ĐH, trường sư phạm được tổ chức đúng lúc dư luận đang nhìn về tâm điểm tuyển sinh. Ngoài chuyện hơn 100.000 thí sinh trúng tuyển không nhập học, rồi tranh cãi về điểm ưu tiên..., nhiều người đặc biệt quan tâm đến bức tranh không mấy sáng sủa của tuyển sinh sư phạm.

Chia sẻ tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng thông tin “điểm đầu vào sư phạm tụt dốc thảm hại” là không hoàn toàn chính xác. Vì bên cạnh một số trường sư phạm tuyển sinh đầu vào thấp vẫn có nhiều trường sư phạm có điểm chuẩn cao.

Trong một trường sư phạm cũng có những ngành có điểm chuẩn rất cao, có ngành điểm chuẩn ở mức thấp hơn.

“Đầu vào” thấp vì “đầu ra” gặp khó?

Tuy nhiên, nhìn thẳng vào thực tế đào tạo sư phạm, đại diện Bộ GD-ĐT cho rằng có nhiều vấn đề cần phải giải quyết và cần có những giải pháp hết sức căn cơ, quyết liệt nhằm hướng tới mục tiêu cung cấp đội ngũ giáo viên thực sự có chất lượng cho việc đổi mới giáo dục những năm tới.

Theo TS Lê Anh Phương - hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm (ĐH Huế), cần xây dựng cơ sở dữ liệu thực trạng giáo viên theo địa phương như thừa thiếu bao nhiêu giáo viên, môn gì; dự báo trong 5 năm tới số giáo viên nghỉ hưu là bao nhiêu, quy mô học sinh tăng giảm như thế nào, số lượng sinh viên sư phạm ra trường có bao nhiêu người theo nghề... Đây là một căn cứ để xác định quy mô đào tạo cũng như điều chỉnh mạng lưới trường sư phạm.

GS.TS Trần Văn Nam, giám đốc ĐH Đà Nẵng, đề xuất nên đặt ra yêu cầu về ngưỡng tối thiểu vào các trường ĐH sư phạm để đảm bảo chất lượng đầu vào vì đào tạo giáo viên cần đặc biệt quan tâm về chất lượng.

Ví dụ như có thể đặt ra ngưỡng tối thiểu là 20-22 điểm đầu vào. Hoặc thí sinh muốn đăng ký học sư phạm toán thì môn toán phải đạt điểm tối thiểu là bao nhiêu.

Trong khi đó, ông Phùng Xuân Nhạ cho biết việc quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm sẽ phải được ưu tiên làm ngay. Sẽ có những trường trung tâm, trọng điểm, những trường là phân hiệu, vệ tinh.

Tới đây sẽ áp dụng các giải pháp mạnh mẽ hơn theo hướng đầu tư sâu cho các trường sư phạm trọng điểm để đào tạo nhân lực chất lượng cao, tạo nên những “cỗ máy cái”, làm nòng cốt trong việc thực hiện các chủ trương đổi mới sáng tạo trong giảng dạy, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông.

Mạng lưới các trường sư phạm sẽ được quy hoạch theo nhu cầu nhân lực của mỗi vùng miền hoặc đáp ứng yêu cầu bồi dưỡng, đào tạo lại giáo viên. Tùy theo tình hình cụ thể, một số trường sư phạm có thể sẽ phải điều chỉnh nhiệm vụ đào tạo.

Đặc biệt, việc đổi mới ngành sư phạm cần hướng đến việc đào tạo gắn với sử dụng.

“Tại sao vào trường công an, quân đội lại hấp dẫn thí sinh? Một phần đó là những cơ sở đào tạo tốt, nhưng phần khác là các cháu muốn vào học mà không mất gì cả, điều kiện học tập tốt, ra trường lại có việc làm ngay. Khi quy hoạch ngành sư phạm cũng cần học hỏi kinh nghiệm của ngành công an, quân đội” - ông Nhạ nói.

Ông Nhạ cũng lưu ý điểm đầu vào chỉ là một yếu tố, quá trình tuyển chọn giáo sinh cho các trường sư phạm phải quan tâm tới năng khiếu có tính chất nghiệp vụ, chú ý tới năng lực phẩm chất nhà giáo. “Dù thế nào cũng phải làm sao để giáo sinh vào trường sư phạm cảm thấy tự hào”.

GS NGUYỄN VĂN MINH (hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) - Ảnh: PHƯƠNG CHINH
GS Nguyễn Văn Minh (hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) - Ảnh: PHƯƠNG CHINH
Cách thức tuyển sinh ngành sư phạm như hiện nay ở các trường CĐ, ĐH địa phương đang có vấn đề, đặc biệt là việc tuyển dụng giáo viên ở các cơ sở đang vượt khỏi sự kiểm soát của Bộ GD-ĐT
GS NGUYỄN VĂN MINH (hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội)

Nhiều việc đang “vượt sự kiểm soát của Bộ GD-ĐT”

Đó là trăn trở của GS Nguyễn Văn Minh, hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, khi đề cập một số bất cập trong đào tạo sư phạm cũng như việc tuyển dụng, sử dụng sinh viên sư phạm sau khi ra trường.

Theo ông Minh, cách thức tuyển sinh ngành sư phạm hiện nay ở các trường CĐ, ĐH địa phương đang có vấn đề, “đặc biệt là việc tuyển dụng giáo viên ở các cơ sở đang vượt khỏi sự kiểm soát của Bộ GD-ĐT”.

Bộ trưởng đã chỉ đạo rất rõ, đã nhận thấy điều này, nhưng với tay vào việc cụ thể thì cần sự vào cuộc của UBND tỉnh. Nếu thiếu sự phối hợp, việc đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo sư phạm khó có kết quả. “Theo tôi, cần phải trả công tác giáo dục cho ngành giáo dục”.

Trao đổi với Tuổi Trẻ bên lề hội nghị, GS Minh lý giải cần trả lại việc tuyển dụng giáo viên cho ngành giáo dục. Ngành nội vụ địa phương có thể xác định được chỉ tiêu tuyển cụ thể, nhưng việc đánh giá năng lực giáo viên để tuyển dụng, sắp xếp vị trí phù hợp với chuyên môn thì không ai làm tốt hơn, đúng chuyên môn hơn ngành giáo dục.

Ngoài ra, cần thống nhất chủ trương điều tiết chỉ tiêu sư phạm giữa phương thức được Bộ GD-ĐT áp dụng cho các trường sư phạm trực thuộc với phương thức của địa phương áp dụng cho các trường CĐ và ĐH địa phương.

Thực tế, trong khi tổng chỉ tiêu đào tạo các trường sư phạm trực thuộc Bộ GD-ĐT chưa đến 10.000 thì chỉ tiêu tuyển sinh ngành sư phạm từ các trường ĐH địa phương lại gấp 3-5 lần như vậy.

Đồng thời, do cơ chế tài chính đặc thù dành cho sinh viên sư phạm, việc cấp bù học phí cho trường sư phạm đã khiến một số trường vẫn có tâm lý chạy theo chỉ tiêu để nhận được nguồn tài chính hằng năm tốt hơn từ ngân sách, mà chưa thực sự quan tâm đến nhu cầu thực tế.

“Cứ bình quân chủ nghĩa như hiện nay thì mãi mãi sẽ không có trường đào tạo nguồn nhân lực đỉnh cao” - ông Minh bày tỏ quan điểm. Theo đó, với các trường sư phạm đang được đầu tư từ Nhà nước thì càng cần sự quy hoạch bài bản, công tác dự báo đến nơi đến chốn để sinh viên ra trường nhất định phải có việc làm.

“Cần phải xác lập rõ trường sư phạm nào trọng điểm có khả năng đào tạo đỉnh cao, các trường nào thực hiện nhiệm vụ đào tạo giáo viên đáp ứng nhu cầu hiện tại, còn các trường nào chủ yếu sẽ làm công tác bồi dưỡng đội ngũ, trở thành trường vệ tinh cho các trường sư phạm trọng điểm...” - ông Minh nhấn mạnh.

Dự kiến ngày 16-8, các trường sư phạm sẽ có cuộc làm việc với Bộ trưởng Bộ GD-ĐT để cùng bàn bạc, đề xuất, hiến kế nhằm làm sao tuyển sinh, đào tạo sư phạm được nguồn giáo viên tốt, đáp ứng được đòi hỏi của chương trình giáo dục phổ thông đổi mới sắp tới.

Thí sinh đến nộp phiếu điểm và nhận giấy báo nhập học tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG
Thí sinh đến nộp phiếu điểm và nhận giấy báo nhập học tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG
PGS.TS NGUYỄN KIM HỒNG (nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM):

“Thuốc” chưa đủ mạnh để “cắt cơn”  sự xuống dốc đầu vào

Sáng 11-8, VTV1 còn đưa tin: nhiều trường cao đẳng sư phạm địa phương có điểm chuẩn chỉ 10 điểm/3 môn!

Cũng trong sáng cùng ngày, hiệu trưởng một trường cao đẳng sư phạm của một tỉnh thành có đóng góp vào ngân sách trung ương chỉ sau TP.HCM cũng đã buồn bã thông tin điểm tuyển vào cao đẳng tỉnh này chỉ dừng ở mức 10 điểm/3 môn.

Cả nước có trên 1 triệu giáo viên, trung bình mỗi năm số giáo viên nghỉ hưu khoảng 33.000 - 35.000 người và để bù cho số giáo viên về hưu hằng năm, các trường sư phạm trong cả nước chỉ cần đào tạo khoảng 40.000 sinh viên.

Chỉ tính riêng số đào tạo của các trường sư phạm năm nay theo tin VTV1 đưa, số tuyển của năm nay đã nhiều hơn số giáo viên cần bổ sung trong những năm sau đến 25%.

Bộ GD-ĐT đã cắt 20% chỉ tiêu đào tạo trong năm nay cho tất cả các trường đại học sư phạm - đó là một biện pháp cần thiết để nâng cao chất lượng đào tạo của các trường sư phạm. Đã mạnh nhưng chưa đủ “đô”, chưa đủ để “cắt cơn” sự xuống dốc chất lượng đầu vào.

Phải cương quyết tiết giảm đầu vào của các trường sư phạm bằng chỉ tiêu, bằng quy định điểm tuyển tối thiểu cho các trường sư phạm. Thà rằng chưa có người học còn hơn tuyển đủ chỉ tiêu để có những lứa thầy cô không đủ chất lượng.

Biện pháp trước mắt là việc quy hoạch lại mạng lưới các trường sư phạm, cần thiết phải xóa bỏ các cơ sở đào tạo giáo viên không đủ năng lực. Nhưng căn cơ hơn là phải nâng cao vị thế nhà giáo, không chỉ trên các văn bản nghị quyết, chỉ thị mà phải cho thầy cô sống được bằng nghề, tự hào vì nghề nghiệp của mình.

Chỉ có như vậy, chất lượng đầu vào của các ngành sư phạm mới được nâng cao, học sinh giỏi mới vào các trường sư phạm, giáo dục Việt Nam mới phát triển bền vững!

Nguồn: Bộ GD-ĐT - Đồ họa: TẤN ĐẠT
Nguồn: Bộ GD-ĐT - Đồ họa: TẤN ĐẠT
NGỌC HÀ - VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên