20/09/2017 10:40 GMT+7

Teamwork - kỹ năng quan trọng ở bậc đại học

PHƯƠNG NGUYỄN
PHƯƠNG NGUYỄN

TTO - Muốn học tốt ở đại học, bạn phải biết làm việc nhóm (teamwork). Muốn ứng tuyển vào một công ty, muốn khởi nghiệp... bạn cũng phải biết làm việc nhóm.

Sinh viên làm việc theo nhóm ở trường đại học - Ảnh: Phương Nguyễn
Sinh viên làm việc theo nhóm ở trường đại học - Ảnh: Phương Nguyễn

Trước bối cảnh toàn cầu hóa, khoa học kỹ thuật phát triển không ngừng, các tổ chức ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào phương pháp làm việc nhóm.

Để đáp ứng nhu cầu cho một thị trường như vậy, ở bậc đại học, hầu hết giảng viên đều đưa hình thức làm việc theo nhóm vào quá trình giảng dạy như một phần quan trọng của các học phần.  

Dở khóc dở cười khi làm việc nhóm

Nguyễn Quỳnh Châu (cựu sinh viên Trường ĐH Ngoại thương cơ sở 2 tại TP.HCM) không khỏi bật cười khi nhớ lại những “cú sốc tâm lý” mà mình gặp phải khi làm việc nhóm trong những ngày đầu mới bước chân vào giảng đường đại học.

Tự nhận mình là một con người theo chủ nghĩa cá nhân, thích “tự làm tự chịu” nên khi giảng viên yêu cầu làm việc theo nhóm, Châu đã bị “khớp”, cho đến lúc bạn bè xung quanh ai cũng có nhóm hết rồi Châu vẫn một mình bơ vơ.

Khi có nhóm rồi, cô và cả các bạn lại chật vật để thích nghi với việc làm việc nhóm. “Hồi mới bắt đầu làm việc nhóm, nhóm mình ai cũng nghĩ bản thân giỏi và ai cũng có một cái tôi to đùng nên không ai chịu nghe ý kiến của ai, bạn này nói thì bạn kia phản bác ngay hoặc cùng im lặng từ đầu đến cuối.

Chỉ riêng vụ tranh luận ý tưởng đã hết hơn 2/3 thời gian giảng viên cho để hoàn thành bài tập. Đến khi bắt tay vào công việc thì chạy vắt chân lên cổ vẫn không kịp, thậm chí lúc đang chạy vắt chân lên cổ, tụi mình vẫn gây nhau”, Châu kể.

Không chỉ sinh viên năm nhất bỡ ngỡ mới gặp phải những trúc trắc trục trặc khi làm việc nhóm. Lê Thị Hồng Nhung (sinh viên khoa khoa học ứng dựng, Trường ĐH Bách khoa - ĐHQG TP.HCM) chia sẻ: từ năm 3 trở đi, mọi người trong nhóm của Nhung đều có nhiều dự định và thời khóa biểu bị lệch nhau nên khó thống nhất buổi họp trực tiếp dẫn đến làm việc qua mạng không thực sự hiệu quả.

Chẳng hạn như khi cả nhóm Nhung đã thống nhất cách trình bày slide hay báo cáo nhưng khi làm, một số thành viên không đến hoặc không để ý khiến người tổng hợp mất thời gian chỉnh sửa. Hay một lần, do hai thành viên bất đồng về lý thuyết và khi tranh luận đã to tiếng với nhau, một thành viên khác không chịu được đã xen vào giữa hai người với từ ngữ châm biếm.

Kết quả, dù mọi người đã can ngăn nhưng ba bạn đó thay vì tranh luận đã quay sang chỉ trích nhau làm không khí buổi họp trở nên căng thẳng, nặng nề và đó cũng là buổi họp trực tiếp cuối cùng của nhóm.

Còn nhóm của Nguyễn Như Quỳnh (sinh viên khoa báo chí-truyền thông, Trường ĐH KHXH&NV - ĐHQG TP.HCM) gặp phải sai lầm khi cho rằng một người giỏi nhất nên mọi trách nhiệm chỉnh sửa, hoàn thiện bài tập sẽ được giao hết cho người này.

Việc này đôi khi gây nên sự quá tải cho bản thân người nhận trách nhiệm còn những người khác thì “không còn gì để làm”.

Theo Quỳnh, thông thường một nhóm sẽ có hai loại cá nhân tồn tại: tự tin quá và tự ti quá. Người tự tin cực đoan luôn cho mình là trưởng nhóm, mọi sự phải thông qua mình và ý kiến của mình mang tính quyết định.

Tính cách này một phần cũng do thái độ của những người trong nhóm tạo nên. Mọi người trong nhóm chỉ nghe ý kiến người này và cho rằng chỉ có cá nhân đó mới đủ năng lực ra quyết định mỗi khi cần sự thống nhất.

Những kiểu như vậy sẽ tàn phá năng lực làm việc nhóm và nó thường là lý do dẫn nhóm đến sự tan vỡ hoặc khiến kết cấu của nhóm không chặt vì nó không dựa trên sự đóng góp của các thành viên mà nó dựa trên sự phân phối mang tính quyền lực của một thành viên trong nhóm.

Còn người tự ti quá thường có nhiều ý kiến, ý tưởng nhưng không đủ tự tin để bảo vệ nó. Một phần cũng do tâm lý đám đông như đã nói ở trên khiến cho cá nhân này bị ảnh hưởng và cho rằng ý kiến của mình không đủ tầm.

Vấn đề là vì không thực sự đồng thuận với ý kiến đám đông, cá nhân này sẽ sinh khó chịu, miễn cưỡng chấp nhận dẫn đến hiệu quả làm việc không cao. Làm việc nhóm gặp phải nhiều chuyện như vậy nhưng Quỳnh vẫn thích làm việc nhóm.

“Mình biết mình không phải 'giáo sư biết tuốt'. Nhiều vấn đề phát sinh ngoài tầm hiểu biết khiến mình gặp khó khăn trong quá trình giải quyết. Nhiều cái đầu cùng giải quyết một vấn đề sẽ nhanh chóng, hiệu quả và tập hợp được nhiều ý tưởng sáng tạo hơn. Mặt khác, mình cũng học hỏi được rất nhiều kiến thức và kỹ năng từ các bạn trong nhóm”, Quỳnh chia sẻ.

Để làm việc nhóm hiệu quả

“Đầu tiên, làm việc nhóm thì chúng ta phải hiểu như thế nào là nhóm. Nhóm phải gắn kết trên mục tiêu, phối hợp với nhau dựa trên năng lực và yêu cầu công việc.

Thứ hai làm việc nhóm tức phải có phương pháp. Nhóm không thể hình thành đơn giản theo kiểu tổ hợp”, TS Huỳnh Văn Thông, trưởng khoa báo chí-truyền thông, Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP.HCM) cho biết.

Ngoài ra, một nhóm tốt là một nhóm biết trả giá đúng cho các bài học, học hỏi nghiêm túc từ các thất bại, không đổ lỗi cho nhau nhưng cũng không xuề xòa, không bỏ qua lỗi mà sẽ cùng nhau chỉ ra những điều khiến nhóm thất bại, chân thành giúp nhau nhận ra điểm sai và tìm cách khắc phục.

Công tác tổ chức nhóm bao gồm trưởng nhóm, thư ký, chuyên gia và hỗ trợ kỹ thuật. Trưởng nhóm là người đại diện cho nhóm, có trách nhiệm tổ chức, điều phối nhóm hoạt động hiệu quả. Trưởng nhóm không phải trưởng phòng, trưởng nhóm không phải người giữ quyền hành, đặc biệt trưởng nhóm không nên là người ra quyết định một mình.

Thư ký là người đảm bảo toàn bộ quá trình làm việc nhóm được ghi chú lại và được chia sẻ cho tất cả các thành viên trong nhóm. Chuyên gia là người giỏi nhất trong lĩnh vực đó còn những người yếu về lĩnh vực đó sẽ làm hỗ trợ kỹ thuật.

Trước câu hỏi “Sinh viên nên làm việc cố định với một nhóm hay đổi nhóm thường xuyên?”, TS Thông cho rằng: “Cái nào cũng có mặt tốt mặt xấu của nó nhưng theo tôi, sinh viên nên thường xuyên đổi nhóm nếu bạn thực sự muốn học hỏi, trải nghiệm.

Đổi nhóm thường xuyên sẽ rèn cho sinh viên kỹ năng tương tác tốt với mọi người, cọ xát, học hỏi được nhiều hơn và sẽ không có thói quen khu trú mình trong một khu vực an toàn”.

Bốn giai đoạn làm việc nhóm

Theo TS Huỳnh Văn Thông làm việc nhóm có những phương pháp cụ thể gồm bốn giai đoạn. Giai đoạn đầu là động não (brainstorming) để tìm kiếm các ý tưởng, xử lý công việc, giải quyết vấn đề và sáng tạo.

Các thành viên trong nhóm làm việc với nhau trên nguyên tắc tự do suy nghĩ, đóng góp ý tưởng và tôn trọng ý tưởng của nhau và làm sao phải khai thác hết các ý tưởng đó, không có phân biệt đối xử với ý tưởng nào hết.

Sau đó, nhóm chuyển sang giai đoạn thảo luận để sàng lọc, chọn lọc các ý tưởng và ra quyết định chung, đảm bảo ai cũng chia sẻ cũng như hiểu rõ các quyết định đó. Quyết định này phải đảm bảo là quá trình ra quyết định của nhóm, có sự tham gia của các thành viên trong nhóm dựa trên việc tôn trọng các chuẩn mực, các tiêu chí đã được đặt ra.

Kế tiếp đến giai đoạn hành động nhóm, các công việc của nhóm phải được đảm bảo sự phân công dựa trên ưu điểm của từng thành viên. Ở đây nguyên tắc bù trừ về năng lực được sử dụng triệt để, cái yếu của người này sẽ được bù bằng cái mạnh của người khác.

Người nào mạnh nhất cái gì sẽ được sử dụng cái đấy trong nhóm. Đó mới là một nhóm tốt. Còn một nhóm chia đều công việc thì không phải nhóm tốt. Giai đoạn hành động nhóm này là giai đoạn thấy được đặc thù của sự phối hợp và bổ trợ lẫn nhau trong nhóm.

Giai đoạn cuối cùng là giai đoạn liên quan đến kết quả, sản phẩm nhóm. Giai đoạn này phải đạt được đặc trưng cơ bản là cùng chịu trách nhiệm. Một nhóm tệ là một nhóm có xu hướng thành công thì vui với nhau còn thất bại sẽ đổ lỗi cho nhau.

Một nhóm tốt là một nhóm làm việc chung với nhau, cùng chịu trách nhiệm và nếu có thất bại thì mọi người vẫn bên nhau.

PHƯƠNG NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên