05/08/2017 11:27 GMT+7

Nên giảm điểm ưu tiên tuyển sinh

MINH GIẢNG - NGỌC HÀ ghi
MINH GIẢNG - NGỌC HÀ ghi

TTO - Sau khi Tuổi Trẻ ngày 4-8 đăng bài “Cần xem lại chính sách ưu tiên” trong tuyển sinh ĐH, CĐ, nhiều trường tiếp tục ý kiến nên giảm điểm ưu tiên để tạo công bằng cho thí sinh.

Thí sinh nhận giấy báo nhập học đại học năm nay tại Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG
Thí sinh nhận giấy báo nhập học đại học năm nay tại Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG

“Xét tuyển ĐH là cuộc đua cam go. Điểm ưu tiên cao nhất theo quy chế thí sinh được hưởng có thể lên đến 3,5 điểm. Đây là con số quá lớn trong cuộc đua mà điểm thi tính đến hai số thập phân. Do vậy phải tính toán lại mức điểm ưu tiên sao cho hợp lý hơn

PGS.TS PHẠM ĐĂNG DIỆU (phó hiệu trưởng Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch)

“Cần xem xét lại diện ưu tiên đối tượng 01. Theo tôi, không cần ưu tiên điểm mà có các chính sách hỗ trợ học phí cho sinh viên

TS Lê Chí Thông (trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa - ĐHQG TP.HCM)

PGS-TS PHẠM ĐĂNG DIỆU (phó hiệu trưởng Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch):

PGS.TS Phạm Đăng Diệu (phó hiệu trưởng Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch)
PGS.TS Phạm Đăng Diệu (phó hiệu trưởng Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch)

3,5 điểm: Con số quá lớn!

Chính sách cộng điểm ưu tiên cần thiết duy trì. Nhưng theo tôi, cần giảm điểm ưu tiên xuống chỉ còn 1/2 so với hiện nay.

Ngoài yếu tố công bằng hơn trong xét tuyển, điều kiện học tập của các khu vực hiện nay đã được rút ngắn, không còn quá chênh lệch như trước đây.

Xét tuyển ĐH là cuộc đua cam go. Điểm ưu tiên cao nhất theo quy chế thí sinh được hưởng có thể lên đến 3,5 điểm.

Đây là con số quá lớn trong cuộc đua mà điểm thi tính đến hai số thập phân. Do vậy phải tính toán lại mức điểm ưu tiên sao cho hợp lý hơn.

TS Mỵ Giang Sơn (trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Sài Gòn):

Cần hài hòa giữa chính sách và thực tế

Theo tôi, việc duy trì chính sách ưu tiên khu vực và đối tượng là cần thiết. Tuy nhiên năm nay do mặt bằng điểm thi quá cao, dẫn đến việc nhiều thí sinh 28, 29 điểm nhưng ở KV3 (không được cộng điểm ưu tiên) vẫn không trúng tuyển. Bất hợp lý này xuất phát từ yếu tố đề thi và mức điểm ưu tiên.

Về vấn đề mức điểm ưu tiên, tôi cho rằng cần thay đổi theo hướng giảm bớt. Việc khuyến khích thí sinh ở các vùng khó khăn, gia đình chính sách là cần thiết.

Nhưng qua những bất hợp lý nói trên, chúng ta không nên đột ngột bỏ ngay điểm ưu tiên mà nên cắt giảm.

Theo đó, điểm ưu tiên khu vực giảm từ 0,5 xuống 0,25, điểm ưu tiên đối tượng giảm từ 1 xuống 0,5.

Điều này vừa đảm bảo chính sách chung của Nhà nước đối với những đối tượng thiệt thòi hơn trong giáo dục, nhưng cũng tạo sự công bằng hơn cho các thí sinh không được ưu tiên.

GS Hà Huy Khoái (Trường ĐH Thăng Long, nguyên viện trưởng Viện Toán học):

Duy trì sẽ tạo bất bình đẳng

Trước đây kỳ tuyển sinh ĐH tách riêng, mức độ đề thi khó hơn, điểm sàn thường ở mức 13 điểm. Với mức điểm này thí sinh có thể đỗ ĐH thì việc cộng 2 điểm tương ứng 15, 4%.

Từ năm 2015, thực hiện kỳ thi “2 trong 1” học sinh nếu chỉ cần tốt nghiệp THPT thì được khoảng 12 điểm (3 môn) kết hợp điểm tổng kết năm là đủ. Còn để đỗ ĐH cần khoảng 15-18 điểm.

Như vậy, từ thí sinh đỗ tốt nghiệp THPT đến mức điểm đỗ ĐH cần thêm khoảng 3-6 điểm. Nếu vẫn cộng 2 điểm như trước thì tức là đã cộng thêm 2 trong tổng số 3-6 điểm, tương ứng 33,3% đến 66,6% số điểm.

Do đó, nếu vẫn duy trì mức điểm cộng ưu tiên như hiện nay, sẽ tạo ra sự bất bình đẳng giữa thí sinh được ưu tiên và thí sinh không được ưu tiên.

Để các em giỏi ở các thành phố lớn không bị thiệt mà bảo đảm công bằng xã hội hơn cách làm hiện nay, trong tổng số chỉ tiêu vào đại học dành 50% để lấy theo số điểm từ cao xuống thấp. Khoảng 50% còn lại được chia đều theo tỉ lệ học sinh các tỉnh.

Ở mỗi tỉnh sẽ lấy điểm từ cao xuống thấp. Nếu tỉnh nào muốn bảo đảm sự công bằng trong tỉnh đó do điều kiện vùng miền, có thể lặp lại cách làm tương tự cho tỉnh mình.

TS Lê Chí Thông (trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa - ĐHQG TP.HCM):

TS Lê Chí Thông (trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa - ĐHQG TP.HCM)
TS Lê Chí Thông (trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa - ĐHQG TP.HCM)

Không ưu tiên điểm cho đối tượng, tính toán lại ưu tiên khu vực

Tôi cho rằng ưu tiên theo đối tượng không tác động nhiều đến việc học của thí sinh. Nhà nước đã có các chính sách hỗ trợ cần thiết cho những gia đình thuộc các đối tượng ưu tiên.

Do đó cần xem xét lại diện ưu tiên đối tượng 01. Theo tôi, không cần ưu tiên điểm mà có các chính sách hỗ trợ học phí cho sinh viên.

Những thí sinh người Hoa và một số thí sinh người dân tộc thiểu số tại TP.HCM có điều kiện học tập như những thí sinh khác cùng địa bàn, nhưng lại được ưu tiên 1 điểm đối tượng là vô lý.

Còn chính sách ưu tiên khu vực là cần thiết, phải duy trì. Thực tế ở nhiều địa phương điều kiện học tập của thí sinh còn nhiều khó khăn, thua kém so với thành phố.

Tuy nhiên, cần phải xác định lại tiêu chí của các khu vực ưu tiên để đảm bảo tính chính xác và công bằng.

Chẳng hạn TP Đà Lạt (Lâm Đồng) có điều kiện kinh tế, xã hội và giáo dục tốt, nhưng học sinh ở đây lại được hưởng ưu tiên KV1 được cộng 1,5 điểm.

Trong khi các thành phố thuộc tỉnh khác lại thuộc KV2. Cần phải có các tiêu chí cụ thể, xác đáng hơn để xác định khu vực ưu tiên sao cho công bằng.

TS Lê Trường Tùng (chủ tịch HĐQT Trường ĐH FPT):

Hầu hết được cộng điểm sao gọi là ưu tiên?

Hầu hết thí sinh trúng tuyển được cộng điểm ưu tiên thì sao được gọi là ưu tiên? Vậy nên mới có chuyện điểm chuẩn có trường, có ngành lên mức trên 30 điểm. Nghĩa là thí sinh 30 điểm không được cộng điểm ưu tiên nếu lao vào những ngành này cũng bị trượt thẳng.

Tốt nhất các trường nên dành một tỉ lệ nhất định để tuyển thí sinh theo điểm chuẩn đã tính toán và dành chỉ tiêu còn lại cho đối tượng thí sinh dưới mức điểm chuẩn quy định thuộc đối tượng ưu tiên.

MINH GIẢNG - NGỌC HÀ ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên