09/07/2017 09:55 GMT+7

Ngày hội tư vấn xét tuyển: ​Không học báo chí có làm nhà báo?

PHƯƠNG NGUYỄN - H.HG
PHƯƠNG NGUYỄN - H.HG

TTO - Năm nay, nhiều thí sinh thấy điểm của mình nhỉnh hơn dự kiến. Câu hỏi đặt ra là chúng ta có cần điều chỉnh nguyện vọng không và điều chỉnh thì điều chỉnh như thế nào?

Thí sinh chăm chú nghe tư vấn xét tuyển tại ngày hội - Ảnh: Như Hùng
Thí sinh chăm chú nghe tư vấn xét tuyển tại ngày hội - Ảnh: Như Hùng

Ngày hội do báo Tuổi Trẻ và Bộ GD-ĐT phối hợp tổ chức, cùng sự đồng hành của Tổng cục Dạy nghề (Bộ Lao động - thương binh và xã hội) và Tập đoàn Vingroup.

>> Tân sinh viên gặp khó khăn hãy gọi cho Tuổi Trẻ

Mở đầu buổi tư vấn nhóm ngành Khoa học xã hội, ngoại ngữ, sư phạm, luật, y dược, kinh tế, tài chính, ngân hàng, ngoại thương, kế toán-kiểm toán, marketing, quản trị kinh doanh... tại Ngày hội tư vấn xét tuyển ĐH, CĐ 2017 tại TP.HCM sáng 9-7, PGS.TS Trần Văn Nghĩa, phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng - Bộ GD-ĐT, cho biết năm nay, Bộ cho đăng ký không hạn chế số nguyện vọng, sắp xếp thứ tự nguyện vọng từ 1 đến N. 

PGS.TS Trần Văn Nghĩa trả lời các thắc mắc của phụ huynh và thí sinh - Ảnh: Duyên Phan
PGS.TS Trần Văn Nghĩa trả lời các thắc mắc của phụ huynh và thí sinh - Ảnh: Duyên Phan

Tuy nhiên, dù bộ cho đăng ký nhiều nguyện vọng như vậy, nhưng theo thống kê mới nhất thì trung bình cả nước một thí sinh chỉ đăng ký khoảng 4.8 nguyện vọng. Chỉ riêng một thí sinh Đồng Tháp đăng ký 48 nguyện vọng.

"Các nguyện vọng được xét bình đẳng. Ví dụ: ba thí sinh cùng xét tuyển vào một ngành của một trường với thứ tự ưu tiên khác nhau, lần lượt từ 1-3 thì em nào cao điểm nhất sẽ được chọn. Như vậy, ở trường hợp này, chúng ta không cần lo lắng để thứ tự nguyện vọng trước hay sau.

Tuy nhiên, nếu chúng ta xét tuyển vào trường “hot”, rất nhiều người đăng ký thì khi ấy các trường phải dùng đến tiêu chí phụ, làm hết các tiêu chí phụ vẫn thừa thí sinh thì sẽ xét đến thứ tự nguyện vọng. Vậy, để chắc chắn đỗ được những ngành mà mình yêu thích, mình nên để nguyện vọng ngành đó ở trên" , ông Nghĩa nói.

TS Phạm Tấn Hạ, phó hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP.HCM), trả lời câu hỏi của thí sinh - Ảnh: Như Hùng
TS Phạm Tấn Hạ, phó hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP.HCM), trả lời câu hỏi của thí sinh - Ảnh: Như Hùng

Cần đào tạo một triệu nhân lực công nghệ thông tin

Ông Đỗ Văn Giang, phó vụ trưởng Vụ Dạy nghề Chính quy (Tổng cục Dạy nghề, Bộ LĐTB&XH), cho biết Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ GD-ĐT, Bộ Thông tin tuyền thông và Bộ LĐTB&XH xây dựng đề án đào tạo một triệu nhân lực công nghệ thông tin để đáp ứng nhu cầu hội nhập phát triển của Việt Nam. Các em có thể cân nhắc, lựa chọn và tìm hiểu về ngành này.

Ngoài ra, theo ông Giang, xét tuyển cao đẳng và trung cấp năm nay có một điểm rất mới. Đó là chương trình kết hợp giữa Bộ LĐTB&XH với Bộ GD-ĐT và báo Tuổi Trẻ làm cầu nối giữa người học và các cơ sở đào tạo, mở ra nhiều hướng đi cho các bạn trẻ sau khi kết thúc giai đoạn phổ thông.

Các em có thể cập nhật thông tin tại các địa chỉ: tuyensinh.tcdn.gov.vn, tuyensinh.gdnn.gov.vn và xettuyennghe.tuoitre.vn.

Quy chế tuyển sinh cao đẳng và trung cấp rất mở, tuyển sinh quanh năm, chỉ cần tốt nghiệp THPT là có thể xét tuyển cao đẳng, trung cấp, với đối tượng tốt nghiệp THCS các em sẽ được học kết hợp giữa học văn hóa với học nghề, các em có thể liên thông lên CĐ và ĐH.

“Học phí học nghề thấp hơn ĐH, chúng ta nên cân nhắc đến năng lực của các em, điều kiện tài chính gia đình. Thêm nữa, đặc trưng nổi trội của CĐ, TC là thực hành nhiều hơn, chiếm 70% chương trình học. Cơ hội việc làm cũng cao hơn vì thị trường đang thiếu nguồn nhân lực lao động trực tiếp, có kỹ năng và kiến thức chuyên môn”, ông Giang nói.

Không đủ điểm vào ĐH, giờ em nên chọn con đường nào?

ThS Ngô THị Quỳnh Xuân, hiệu trưởng trường CĐ nghề Du lịch Sài Gòn đang trả lời thí sinh trong buổi tư vấn xét tuyển nhóm ngành KHXH - Ảnh: Như Hùng
ThS Ngô THị Quỳnh Xuân, hiệu trưởng trường CĐ nghề Du lịch Sài Gòn đang trả lời thí sinh trong buổi tư vấn xét tuyển nhóm ngành KHXH - Ảnh: Như Hùng

Một bạn đặt câu hỏi: “Em muốn học ngành du lịch nhưng không đủ điểm học ngành du lịch của trường đại học. Vậy, giờ em nên chọn con đường nào?”

Trước băn khoăn trên, ThS Ngô Thị Quỳnh Xuân, hiệu trưởng Trường CĐ nghề Du lịch Sài Gòn, cho biết: “Với ngành du lịch, muốn thành công thì chúng ta phải được đào tạo và học hành một cách nghiêm túc, chuyên nghiệp. Đại học không phải lựa chọn duy nhất. Các trường cao đẳng và trung cấp vẫn có chương trình đào đạo và môi trường học rất tốt. Các em hãy chú ý chọn lựa trường nào mạnh về cơ sở, hệ thống hoặc mạnh về thực hành.”

Theo bà Xuân, Việt Nam đang chuyển mình trong công cuộc hội nhập và việc MRA-TP (Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau trong ASEAN về nghề du lịch) được triển khai cuối năm 2015, cho phép lao động có kỹ năng trong ngành du lịch - nhà hàng - khách sạn từ các nước ASEAN đến Việt Nam làm việc và ngược lại. Vì vậy, cơ hội việc làm của học viên tốt nghiệp ngành này rất cao.

Không học báo chí liệu có thể làm báo?

Bạn Nguyễn Văn Tý, đến từ Kiên Giang, chia sẻ: “Em rất muốn theo nghề báo. Nhưng điểm thi của em không đủ để xét tuyển vào ngành này. Nếu em học ngành khác như văn học, ngoại ngữ hoặc Đông Phương học thì liệu mai mốt em có thể làm báo không ạ?”

TS Phạm Tấn Hạ, phó hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP.HCM), cho biết: “Nhiều người không học báo nhưng vẫn có thể làm báo. Em theo học các ngành văn học, ngoại ngữ hoặc Đông Phương học đều có thể làm báo được.

Tại Trường ĐH KHXH&NV, năm học 2017-2018, trường sẽ cho phép sinh viên học một ngành chính cùng với ngành phụ. Em có thể học ngành chính là Đông Phương học cùng với một ngành phụ là báo chí hoặc ngôn ngữ Anh.

Nhưng để học được cùng lúc hai ngành như vậy không đơn giản, đòi hỏi em phải có tư duy, năng lực và khả năng tổ chức sắp xếp thời gian”.

Đến TP.HCM vào tối qua, thí sinh Kim Ngân (áo cam), học sinh trường THPT chuyên Thủ Khoa Nghĩa (TP. Châu Đốc, An Giang), cùng ba mẹ, bà nội, anh chị và cháu đến nghe tư vấn xét tuyển ngành Kinh tế đối ngoại - Ảnh: Tường Hân
Đến TP.HCM vào tối qua, thí sinh Kim Ngân (áo cam), học sinh trường THPT chuyên Thủ Khoa Nghĩa (TP. Châu Đốc, An Giang), cùng ba mẹ, bà nội, anh chị và cháu đến nghe tư vấn xét tuyển ngành Kinh tế đối ngoại - Ảnh: Tường Hân

Căn cứ vào đâu để thay đổi nguyện vọng

Tại khu vực tư vấn nhóm ngành khoa học tự nhiên, điện - điện tử, cơ điện tử, CNTT, dầu khí, ôtô, cơ khí,.... TS Nguyễn Thị Kim Phụng, vụ trưởng Vụ GD ĐH, Bộ GD- ĐT, đã lưu ý về những điểm chung khi thực hiện thay đổi nguyện vọng, theo đó thời gian thay đổi NV từ 15 đến 23-7.

“Câu hỏi mà chúng tôi thường gặp là căn cứ vào đâu để thay đổi nguyện vọng. Theo tôi căn cứ chính là năng lực, sở trường, điểm thi tính trong tương quan những người thi chung, điểm đầu vào của những trường có đào tạo ngành học mà mình thích. Ví dụ: đối với ngành y đa khoa thì cần xem xét: trường lấy điểm cao nhất là bao nhiêu, với điểm thi thực tế của mình thì có thể đăng ký vào top trường nào”. 

Đăng ký bao nhiêu nguyện vọng là phù hợp, theo TS Nguyễn Thị Kim Phụng, nên đăng ký từ 5 đến 6 trường là đủ bao quát các nguyện vọng của thí sinh. Khi đã chọn được số trường rồi thì chọn ưu tiên theo thứ tự trên cơ sở mong muốn và điểm số trúng tuyển.

Như vậy, các thí sinh cân nhắc lần 1 đăng ký NV (trước khi thi THPT QG) đã phù hợp điểm thi chưa, nếu đã phù hợp rồi thì không nên thay đổi nữa.

“Nên nhớ là mỗi thí sinh chỉ được thay đổi 1 lần. Nếu thí sinh đăng ký số lượng nguyện vọng tăng lên so với lần 1 thì phải đăng ký bằng phiếu chứ không thể đăng ký qua mạng”, TS Phụng nhắc.

26 điểm, nên xét vào ngành nào của trường y?

Một phụ huynh đặt câu hỏi: Cháu nhà tôi thi được 26 điểm, nên xét vào ngành nào của trường y để có cơ hội đậu cao?

PGS.TS Nguyễn Ngọc Khôi, trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Y dược TP.HCM, cho biết thông thường Trường ĐH Y dược TP chỉ có ba ngành điểm cao: y đa khoa, dược và răng-hàm-mặt. Những ngành còn lại điểm tuyển không cao lắm. Theo nguyên tắc, năm nay không giới hạn nguyện vọng, nếu muốn có cơ hội càng nhiều thì hãy đăng ký càng nhiều.

“Tuy nhiên, các thí sinh nên tìm hiểu kỹ về các ngành học, không nên chỉ vì muốn trúng tuyển mà đăng ký. Học y cần rất nhiều yếu tố, một trong những yếu tố quan trọng nhất là đam mê”, ông Khôi nói.

Tiến sĩ Trần Thanh Thưởng, ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, hướng dẫn các thí sinh tìm hiểu thông tin tuyển sinh bằng điện thoại di động - Ảnh: Hữu Khoa
Tiến sĩ Trần Thanh Thưởng, ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, hướng dẫn các thí sinh tìm hiểu thông tin tuyển sinh bằng điện thoại di động - Ảnh: Hữu Khoa
PHƯƠNG NGUYỄN - H.HG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Tin cùng chuyên mục