27/05/2016 19:06 GMT+7

​Học ngành nào dễ tìm việc ở các khu công nghiệp TP.HCM?

TRẦN HUỲNH
TRẦN HUỲNH

TTO - TP.HCM hiện có ba khu chế xuất (KCX) và 14 khu công nghiệp (KCN) với 1.104 doanh nghiệp đang hoạt động cùng gần 280.000 lao động đang làm việc. Nhu cầu nguồn nhân lực ở các KCX, KCN này những năm tới tập trung vào những ngành nghề nào?

Các trường giới thiệu ngàng nghề đào tạo với học sinh trong ngày hội tư vấn tuyển sinh- hướng nghiệp năm 2016 - Ảnh: TRẦN HUỲNH
Các trường giới thiệu ngành nghề đào tạo với học sinh trong Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2016 - Ảnh: TRẦN HUỲNH

Theo ông Nguyễn Thanh Tùng - Trung tâm dịch vụ việc làm và hỗ trợ doanh nghiệp Ban quản lý các KCX-KCN TP.HCM (Hepza), nhu cầu lao động mới cho các KCX, KCN khoảng 50.000 lao động, tập trung vào các ngành nghề như dệt may, da giày, cơ khí chế biến thực phẩm, bao bì, nhựa, điện tử, hóa chất…

Lực lượng lao động trong các KCX, KCN chủ yếu là lao động trẻ (từ 18-25 tuổi), lao động nhập cư chiếm 65%, lao động nữ chiếm 65-75%. Tính đến giữa năm 2015, các KCX, KCN đã thu hút hơn 274.000 lao động, trong đó lao động nữ chiếm 64,5%.

Cần nhiều lao động chuyên môn cao

Cũng theo ông Nguyễn Thanh Tùng, hiện nay các doanh nghiệp trong các KCX, KCN tuyển phần lớn lao động là học sinh THCS, THPT (chiếm 75%).

“Thực tế cho thấy các doanh nghiệp đều muốn tuyển lao động có tay nghề chuyên môn, nhưng chất lượng đào tạo cũng như cơ cấu ngành nghề đào tạo chưa đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp, cho nên doanh nghiệp phải tự đào tạo” - ông Tùng cho biết.

Việc thu hút đầu tư tại Hepza cũng có chủ trương ngày càng giảm dần thâm dụng lao động, chỉ thu hút các giấy phép đầu tư có hàm lượng chất xám, sử dụng lực lượng lao động có chuyên môn nên số lao động phổ thông cũng giảm dần, tăng số lao động có chuyên môn cao.

Trong giai đoạn 2015-2020, nhu cầu cho các doanh nghiệp hiện hữu, doanh nghiệp mở rộng sản xuất và doanh nghiệp đầu tư mới khoảng 100.000 lao động, trong đó nữ chiếm 70%.

Dự án hiện hữu có nhu cầu tuyển dụng trong giai đoạn này tập trung vào các ngành cơ khí, điện tử, dệt may, chế biến thủy hải sản, nhựa, gỗ… Dự án được cấp mới trong giai đoạn này có tới 2.000ha đất thương phẩm đưa vào hoạt động, thu hút khoảng 50.000 lao động mới tập trung vào các ngành nghề mũi nhọn như cơ khí, điện - điện tử, công nghệ thông tin, hóa dược.

Những ngành nghề cần nhiều lao động

Theo chủ trương của lãnh đạo TP.HCM, cơ cấu ngành nghề và số lượng lao động theo quá trình dịch chuyển cơ cấu kinh tế, chú trọng thu hút đầu tư hàm lượng chất xám cao, gia tăng các dịch vụ hạn chế các ngành nghề có thâm dụng lao động.

Ngành nghề

Số lượng

Điện - điện tử

16.000 (16%)

Cơ khí

15.000 (15%)

Dệt may

15.000 (15%)

Dịch vụ

14.000 (14%)

Chế biến thực phẩm, hải sản

7.000 (7%)

Công nghệ thông tin

10.000 (10%)

Chế biến gỗ, bao bì

5.000 (5%)

Hóa, dược

6.000 (6%)

Ngành nghề khác

12.000 (12%)

Tổng cộng

100.000

Trong khi đó, theo Trung tâm dự báo nguồn nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, nhu cầu nguồn nhân lực tại TP giai đoạn 2015-2020 mỗi năm cần khoảng 270.000 việc làm trống (lao động có trình độ ĐH chiếm 13%, CĐ 15%, trung cấp 35%, sơ cấp nghề 20%).

Ông Trần Anh Tuấn, phó giám đốc Trung tâm dự báo nguồn nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, cho biết thêm: “Định hướng phát triển thị trường lao động TP theo bốn ngành công nghệp trọng yếu như cơ khí, điện tử, công nghệ thông tin, chế biến thực phẩm, hóa chất - nhựa…”.

Các KCN Đồng Nai cần 600.000 lao động

Hiện nay, Đồng Nai đã có 32 KCN đang hoạt động với hơn 490.000 lao động (trong đó lao động có trình độ ĐH, CĐ chiếm 8%; công nhân kỹ thuật, trình độ trung cấp 32%; lao động phổ thông và doanh nghiệp đào tạo tại chỗ 60%).

Trong thời gian tới, Đồng Nai tập trung nâng chất lượng của các KCN. Trong đó, sẽ áp dụng chính sách thu hút đầu tư các ngành công nghiệp có trình độ khoa học kỹ thuật cao, công nghệ hiện đại; sử dụng ít lao động, phát triển các ngành dịch vụ phục vụ KCN: tài chính ngân hàng, điện lực, viễn thông…

Theo dự báo, từ nay đến năm 2020 nhu cầu về nguồn nhân lực tại các KCN Đồng Nai không ngừng tăng với khoảng 600.000 lao động, trong đó: trình độ CĐ, ĐH, trên ĐH 10%; trung cấp, công nhân kỹ thuật 65%; lao động phổ thông 25%.

TRẦN HUỲNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên