20/10/2022 18:51 GMT+7

Tập 'Sử ký' của Tư Mã Thiên đầy đủ lần đầu ra mắt ở Việt Nam

ANMUSTANG
ANMUSTANG

TTO - Sau gần 100 năm, 'Biểu' - phần quan trọng nhất và khó dịch nhất của tác phẩm 'Sử ký' của Tư Mã Thiên - đã ra mắt độc giả Việt Nam.

Tập Sử ký của Tư Mã Thiên đầy đủ lần đầu ra mắt ở Việt Nam - Ảnh 1.

Ảnh: ANMUSTANG

Độc giả Việt Nam vốn không xa lạ gì với tác phẩm sử học kinh điển Sử ký của Tư Mã Thiên. Chỉ tính từ khi chữ quốc ngữ ra đời, bản Sử ký đầu tiên được học giả Phan Khôi dịch và giới thiệu tại Việt Nam vào năm 1932.

Sau đó, Sử ký tiếp tục được nhiều tên tuổi lớn như Nhượng Tống, Phan Ngọc, Giản Chi, Nguyễn Hiến Lê chuyển ngữ và trở thành sách "gối đầu giường" của nhiều thế hệ độc giả Việt Nam, bên cạnh các tác phẩm văn học sử Trung Quốc kinh điển như Đông Chu liệt quốc hay Tam quốc diễn nghĩa.

Sức hấp dẫn và thách thức của Sử ký

Sức hấp dẫn của Sử ký tiếp tục thu hút rất nhiều lứa học giả, dịch giả sau này bắt tay vào dịch, với hy vọng có được ấn bản tốt nhất. 

Tuy nhiên, một khiếm khuyết chung của tất cả các ấn bản Sử ký đã xuất hiện ở Việt Nam là đều thiếu phần văn bản quan trọng có giá trị xương sống cho toàn bộ tác phẩm là phần Biểu Thư.

Ngay cả bản dịch của Nhượng Tống và Giản Chi cũng chỉ dịch một vài lời mào của phần Biểu; còn bản dịch của Nhữ Thành (Phan Ngọc) hoàn toàn không có phần Biểu; bản dịch của Bùi Hạnh Cẩn - Việt Anh dịch đủ lời mào của phần Biểu nhưng không dịch Biểu. Các bản dịch khác trong thời gian gần đây đa phần đều nhảy từ Bản kỷ tới Thế gia, Liệt truyện, bỏ qua BiểuThư.

Thật đáng tiếc, bởi phần Biểu có vai trò vô cùng quan trọng với toàn bộ tác phẩm Sử ký. Chính vì thế, Tư Mã Thiên mới xếp trật tự của Sử ký gồm 5 phần: Bản kỷ - Biểu - Thư - Thế gia - Liệt truyện, chia thành 130 thiên, trong đó phần Biểu gồm 10 thiên. 

Vậy giá trị của phần Biểu như thế nào để được đánh giá là "xương sống" của Sử ký và được xếp ở vị trí thứ hai, sau Bản kỷ?

Ở phần Bản kỷ gồm 12 thiên, chép việc từ thời Ngũ Đế cho tới thời Hán Vũ Đế. Đây là giai đoạn lịch sử rộng lớn, bao trùm hơn 2.000 năm lịch sử của dân tộc Hoa Hạ. Bản kỷ ghi chép về các bậc đế, vương nắm giữ chính lệnh trong thiên hạ, được coi là bộ khung của Sử ký. Các phần khác như Thế gia, Liệt truyện, Thư cũng nằm trong cái khung này.

Sau khi đọc Bản kỷ, độc giả đã có được sự hình dung cơ bản về dòng chảy lịch sử Trung Hoa, tuy nhiên, dòng chảy này bao gồm những ghi chép xoay quanh những nhân vật lãnh đạo nên có rất nhiều chi tiết bị bỏ sót, đặc biệt ở những giai đoạn hỗn loạn như Xuân Thu, Chiến Quốc, Sở nối Tần, với vô số sự kiện lớn cùng xảy ra đan xen khiến độc giả khó nắm bắt chính xác.

Tư Mã Thiên đặt phần Biểu ở đây chính là nhằm giúp độc giả có một công cụ để nắm bắt được toàn bộ quá trình một cách tổng thể, không sai sót, không nhầm lẫn. Biểu được thể hiện bằng các bảng biểu lớn, có một trục là thời, một trục là địa điểm với các nhân vật, sự kiện được xếp cột, chia ô. 

Nhìn vào các bảng biểu này, độc giả xác định được sự kiện đó xảy ra ở đâu, vào thời điểm nào, cùng lúc đó đang có những điều gì khác xảy ra ở xung quanh một cách trực quan và dễ hiểu.

Tập Sử ký của Tư Mã Thiên đầy đủ lần đầu ra mắt ở Việt Nam - Ảnh 2.

Dịch giả Nguyễn Đức Vịnh tái hiện thành công phần Biểu trong ấn bản Sử ký mới - Ảnh: ANMUSTANG

Một công trình giá trị

Hãy hình dung rằng, ở thời điểm Tư Mã Thiên thiết lập 10 bảng biểu lớn cho 10 thiên của phần Biểu, ông vẫn phải sử dụng thẻ tre trúc, gỗ hay lụa để viết bởi giấy vẫn chưa được phát minh. 

Các bảng biểu ở phần Biểu một chiều có vài chục ô, còn trục kia có hàng trăm ô, chỉ lập bảng biểu thôi đã là một công trình vĩ đại, chưa kể đến việc sắp xếp sử liệu, xác định thời gian, địa điểm để đặt chính xác vào từng ô.

Chính vì thế, xét về mặt sử học, Biểu chính là phần có giá trị nhất trong toàn bộ tác phẩm Sử ký. Nếu không có Biểu, độc giả sẽ phải mất rất nhiều thời gian, công sức để sắp xếp ra một dòng thời gian dài hàng nghìn năm, cũng như làm rõ mối liên quan giữa các sự kiện. 

Nếu không có Biểu, độc giả khó có được cái nhìn bao quát với từng sự kiện trong bối cảnh rộng lớn của thời cuộc, rất nhiều nhân vật lịch sử sẽ bị bỏ quên, vô số sự kiện không được ghi chép lại. 

Biểu có giá trị và vai trò như thế, nhưng khi dịch Sử ký, các dịch giả Việt Nam lại gạt bỏ vì cho rằng Biểu không có giá trị văn học, và không dành cho số đông độc giả. 

Thách thức lớn nhất khiến Biểu bị gạt là hoàn toàn không có bản Hán văn bạch thoại để tham khảo và làm thế nào để tái hiện các bảng biểu của Biểu lên khổ sách thông thường là cả một vấn đề bởi biểu rất phức tạp, nhiều biểu có tới hàng chục cột dọc và hàng trăm hàng ngang.

Tuy nhiên, mới đây, dịch giả Nguyễn Đức Vịnh đã "dũng cảm" chuyển ngữ đầy đủ theo nguyên văn và tái hiện thành công phần Biểu trong ấn bản Sử ký của mình do NXB Văn Học phát hành. 

Bản Sử ký này gồm 3 tập, với đầy đủ 5 phần theo đúng trình tự của tác phẩm gồm Bản kỷ, Biểu, Thư, Thế gia, Liệt truyện. Tác phẩm cũng được bổ sung hơn 1.000 chú thích quan trọng, chủ yếu lấy từ Sử ký Tam gia chú, để giúp độc giả hiểu rõ hơn về Sử ký.

Tái bản Đại Việt sử ký toàn thư khổ lớn Tái bản Đại Việt sử ký toàn thư khổ lớn

TT - Bộ Đại Việt sử ký toàn thư vừa được Công ty Đông A và NXB Khoa Học Xã Hội tái bản với một quyển khổ lớn 25cm x 35cm, tổng cộng hơn 1.200 trang.

ANMUSTANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên