25/04/2024 16:29 GMT+7

Tại sao xuất hiện mưa đá khốc liệt hơn hẳn so với trung bình nhiều năm?

Không khí lạnh tương tác với nền nhiệt cao, tạo điều kiện cho vùng mây đối lưu phát triển mạnh và dịch chuyển chậm, nên gây ra mưa đá dày đặc ở Sơn La, Hòa Bình.

Mưa đá phủ trắng mặt đất ở Sơn La - Ảnh: Lớ Phàng Mông

Mưa đá phủ trắng mặt đất ở Sơn La - Ảnh: Lớ Phàng Mông

Từ khoảng 15h30 đến khoảng 17h chiều 24-4, ở khu vực phía nam của tỉnh Sơn La, trọng tâm là huyện Vân Hồ, khu vực huyện Mai Châu (Hòa Bình) đã xuất hiện một đợt mưa rào, dông mạnh, mưa đá trên diện rộng gây thiệt hại về hoa màu, tài sản của người dân.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online ngày 25-4, ông Nguyễn Văn Hưởng, trưởng phòng dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết do ảnh hưởng rìa phía nam của một khối không khí lạnh yếu, kết hợp với hoạt động một vùng hội tụ gió trên độ cao 1.500m được tạo ra bởi rìa phía tây của lưỡi áp cao cận nhiệt đới, cộng thêm gió Tây Nam di chuyển từ vùng Thượng Lào sang, hội tụ ở khu vực dọc kinh tuyến 105, chiều tối và đêm qua (24-4) ở khu vực Sơn La, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An có mưa rào, dông mạnh và mưa đá.

"Số liệu vệ tinh ước tính nhiệt độ đỉnh mây đối lưu thời điểm dông ở mức -81,2 độ C, đây là dấu hiệu cho thấy tháp mây đối lưu phát triển rất dữ dội. Độ cao khối mây có thể trên 10km.

Sự bột phát của những tháp mây như vậy thường xuất hiện vào giai đoạn giao mùa và gây ra dông lốc mạnh hoặc mưa đá.

Vùng mây đối lưu phát triển mạnh dịch chuyển chậm nên gây ra mưa đá tập trung ở vùng giáp ranh Sơn La, Hòa Bình" - ông Hưởng phân tích và đánh giá hiện tượng mưa đá xảy ra trong ngày 24-4 ở Hòa Bình, Sơn La là "khốc liệt hơn hẳn so với trung bình nhiều năm".

Theo ông Hưởng, thời gian tới là thời điểm giao mùa nên hiện tượng dông lốc, sét, mưa đá có khả năng tiếp tục xảy ra ở miền Bắc, miền Trung và miền Nam, với tần suất "nhiều và mãnh liệt hơn so với trung bình nhiều năm rất nhiều".

"Trước mắt, từ khoảng chiều tối 30-4 đến ngày 1 hoặc 2-5, có một đợt không khí lạnh yếu tràn xuống nước ta, khi tương tác với nền nhiệt cao sẽ gây ra mưa dông, lốc, gió giật mạnh ở Bắc Bộ, trọng tâm ở vùng núi và trung du Bắc Bộ.

Đối với phía nam, những ngày đầu tháng 5, gió mùa Tây Nam bắt đầu hoạt động nên có khả năng xảy ra hiện tượng mưa dông chuyển mùa ở Tây Nguyên và Nam Bộ và không loại trừ khả năng xảy ra dông lốc, sét và mưa đá ở khu vực này" - ông Hưởng cảnh báo.

Mưa đá kéo dài cả tiếng, phủ trắng mặt đất ở Sơn La

Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Sơn La, trận mưa đá chiều 25-4 trên địa bàn huyện Vân Hồ làm 30 nhà dân bị thiệt hại, ảnh hưởng.

Về nông nghiệp có 110ha rau màu, 410ha cây trồng hằng năm, 65ha cây ăn quả tập trung bị thiệt hại, hư hỏng trên 70%.

3.400 nhà dân ở Sơn La hư hại, bay nóc sau dông lốc, mưa đá to bằng quả trứng3.400 nhà dân ở Sơn La hư hại, bay nóc sau dông lốc, mưa đá to bằng quả trứng

Trận dông lốc, mưa đá chiều 20-4 làm hơn 3.000 nhà dân ở huyện Phù Yên (Sơn La) bị tốc mái, hư hỏng, toàn huyện mất điện.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên