29/06/2019 17:32 GMT+7

'Suất cơm bệnh viện 5.000 đồng, mẹ chỉ còn 3.000...'

TUYẾT NHUNG
TUYẾT NHUNG

TTO - Cuộc đời mỗi người như một cuộn phim. Có người, đó là sự hãnh diện, hạnh phúc. Còn với tôi lại là sự tủi thẹn, xót xa nhưng cũng cho tôi ý chí vươn lên vì người thương yêu của mình...

Suất cơm bệnh viện 5.000 đồng, mẹ chỉ còn 3.000... - Ảnh 1.

Dù đã 14 năm trôi qua, mỗi khi nhớ lại chuyện ngày ấy, tôi vẫn rơi nước mắt.

Tôi cố giúp mẹ vui bằng mọi cách. Tôi trân trọng từng phút giây được ở bên mẹ. Thường xuyên mở phim hài cho mẹ xem, tôi còn cho mẹ nghe những bài hát vui nhộn. Với tình thương yêu gia đình cùng nghị lực bản thân, sau 2 tháng xạ trị, mẹ tôi đã đẩy lùi bệnh hiểm nghèo. Cả nhà vỡ òa hạnh phúc!


Tình mẹ

Năm tôi học lớp 10, bệnh teo cơ Delta (hay còn gọi là bệnh chim cánh cụt) thành "thời sự" đáng lo cả nước. Nhiều nơi tổ chức khám bệnh miễn phí, đưa đón đến bệnh viện lớn để chữa trị. Và tôi cũng là một bệnh nhân teo cơ Delta.

Tôi vẫn nhớ như in ngày đó, khi bố mẹ đưa tôi xuống Bệnh viện tỉnh Phú Thọ khám. Tôi được yêu cầu nhập viện và đợi phẫu thuật. 

Cũng may mắn đợt đó tôi được thông báo ngay hôm sau sẽ mổ. Thường thì bệnh nhân quá tải, phải đăng ký trước một tuần mới được phẫu thuật. 

Mọi người cũng đến từ nhiều nơi khác nhau, tận Yên Bái, Thái Nguyên, Hà Giang cũng xuống đây mổ. Một ngày ở bệnh viện thường thực hiện 5 ca mổ cơ Delta vào buổi sáng và 5 ca buổi chiều.

Thấy con sắp phải mổ xẻ, mẹ tôi lo lắng khóc sưng cả mắt. Phòng bệnh nào cũng chật cứng người, mỗi giường đều 2-3 bệnh nhân nằm chung. 

May là nhà cậu tôi gần đó nên mẹ mượn tạm giường gập đặt hành lang để tôi có thể chợp mắt. Chứ cả ngày đầu đợi chờ, trừ lúc được phân giường, tôi còn chưa dám bước chân vào phòng bệnh. 

Căn phòng diện tích quá nhỏ, người nhà, người bệnh, mùi thuốc men nồng sực khiến tôi không thể thích ứng.

Hôm sau, tôi lên bàn phẫu thuật. Ca mổ thành công, bác sĩ bàn giao cho bố mẹ tôi đẩy con về phòng. Trạng thái mơ màng, tôi cảm thấy mẹ run run nắm chặt tay tôi, mắt mẹ thì rưng rưng ngấn nước. 

Vì thuốc tê thấm trong người nên tôi mệt mỏi, chưa thể nói năng gì. Đêm đến, hết thuốc tê, tay tôi đau nhức, cảm như vết khâu sắp bục ra.

Những bệnh nhân mổ cùng ca sáng với tôi bắt đầu kêu rên. Tiếng trẻ quấy khóc, nhiều em chỉ 5-6 tuổi gào thét. Những học sinh cấp II, cấp III như tôi thì cố nằm cam chịu, mong trời sáng. Nóng bức, giường bệnh kín người, thân nhân trải tấm nilông nằm la liệt trong phòng. 

Mẹ tôi không ngủ, ngồi bệt dưới sàn nhà, cầm quạt giấy phe phẩy suốt đêm cho tôi. Nhìn mặt mẹ hốc hác vì lo lắng, nước mắt cứ chực sẵn, tôi cố nhắm mắt cho mẹ yên lòng.

Cơm thịt mẹ nhường con

Mấy ngày sau, tay đỡ đau, tôi và nhiều bạn khác đã đi lại như thường. Những hôm đầu, mẹ mua cơm mang về phòng cho tôi, nhưng rồi tôi đi lại được nên xin mẹ cho đi cùng.

Căngtin bệnh viện nằm dưới sảnh. Và hôm đó, một ngày tháng 7 tôi không thể nào quên!

Xuống căngtin, mẹ tôi mua cho tôi suất cơm 5.000 đồng. Hồi đó, suất cơm bệnh viện tỉnh giá 5.000 đồng là khá "sang" với những người quê như nhà tôi. 

Cơm có 3, 4 miếng thịt cùng vài miếng đậu. Đấy là suất của tôi. Đến lượt mình, mẹ tôi bảo cho suất 3.000, thái độ nhân viên căngtin khác hẳn. 

Người phụ nữ tầm 40 tuổi gắt gỏng: "Ít thế, không bán". Mắt mẹ tôi chùng xuống, mẹ nói nhỏ nhẹ như van nài: "Cô thông cảm, nhà tôi hoàn cảnh".

Một vài người đang đứng xếp hàng liền lên tiếng: "Ít thì cũng là tiền, bán hàng thái độ kiểu gì vậy?". 

Nhiều tiếng xì xào, nhiều ánh mắt đổ dồn về phía mẹ con tôi. Với tôi lúc này, con bé nhút nhát chỉ biết núp sau áo mẹ bỗng thấy ghét người bán cơm kia vô cùng. 

Tôi cảm thấy sự coi thường người nghèo từ ánh mắt họ, và tôi thấy biết ơn khi có những người xa lạ lên tiếng bênh vực mẹ con tôi.

Người phụ nữ kia đưa cho mẹ tôi suất cơm mà thái độ rất khiếm nhã, vùng vằng. Nhìn mẹ buồn, lòng tôi nặng trĩu. 

Cầm cơm về phòng ngồi ăn, tôi thấy khóe mắt đầy vết chân chim của mẹ có những giọt nước đang chực trào. Nghẹn lòng, tôi không dám nhìn thẳng vào mắt mẹ. Tôi ăn qua quít rồi xin mẹ ra hành lang chơi.

Thực sự là tôi đã tìm chỗ để bật khóc! Tôi thấy thương mẹ quá. Nhà tôi nghèo, bố mẹ gác công việc, chạy tiền cho tôi phẫu thuật đã là rất cố gắng. Đến bệnh viện còn bao khoản phải chi tiêu, thuốc men, bồi bổ cho tôi, rồi cả tiền mẹ phải đóng riêng theo quy định bệnh viện để được chăm sóc con.

Nghĩa là chỉ riêng tiền người nhà đi trông nom bệnh nhân đã hơn cả tiền 2 suất cơm không của mẹ tôi. Nhiều nhà có con lớn như tôi đợi con tạm khỏe lại, họ để con ở viện một mình. Bởi cả ngày cũng chỉ đợi đến giờ tiêm, thêm người nuôi lại mất thêm khoản tiền. 

Nhưng vì thương con, mẹ vẫn cố ở lại với tôi. Mẹ chấp nhận ăn kham ăn khổ để được bên cạnh chăm sóc con. 

Vậy mà có người không biết đồng cảm hoàn cảnh khó khăn, lại còn buông lời gắt gỏng, chế giễu. Càng nghĩ, tôi càng tủi, càng khóc!

Tất cả yêu thương cho bố mẹ

Thế rồi, cái câu người bán cơm nói "Ít thế, không bán" cứ in hằn tâm trí tôi. Tôi không quên cảm giác bị tổn thương ra sao. Tôi luôn tự nhủ bản thân cố gắng học hành thật giỏi, kiếm tiền để mang những điều tốt đẹp dành cho bố mẹ, để cho không ai coi thường những người thân yêu của tôi chỉ vì nghèo.

Tôi thi đỗ đại học. Muốn đỡ đần mẹ, tôi cố gắng đi làm thêm để tự trang trải lặt vặt bản thân. Tôi biết bố mẹ vất vả vì con rất nhiều rồi.

Thế nhưng, cuộc đời đâu phải lúc nào cũng bằng phẳng như mình muốn. Một ngày, mẹ tôi nhận tin sét đánh với tờ kiểm tra sức khỏe báo mẹ bị ung thư. Cả nhà tôi hoảng loạn tinh thần! Bố rầu rĩ động viên mẹ. 

Tôi thì tự trách cuộc đời sao lại tàn nhẫn thế? Mẹ tôi cả đời hiền lành, chỉ biết lam lũ, dãi nắng dầm mưa vì chồng con. Cứ tưởng về già sẽ được an lành, vậy mà lại phải chịu đau đớn bệnh tật.

Tôi cố giúp mẹ vui bằng mọi cách. Tôi trân trọng từng phút giây được ở bên mẹ. Thường xuyên mở phim hài cho mẹ xem, tôi còn cho mẹ nghe những bài hát vui nhộn. Với tình thương yêu gia đình cùng nghị lực bản thân, sau 2 tháng xạ trị, mẹ tôi đã đẩy lùi bệnh hiểm nghèo. Cả nhà vỡ òa hạnh phúc.

Sau này, có lần tôi đưa mẹ đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ để khám sức khỏe, tôi đã tạt vào căngtin đó xem thay đổi ra sao. Giờ đã là nhà bếp khác nấu, nhìn những người bán cơm nhẹ nhàng, niềm nở, tôi bỗng thấy ấm lòng.

Gọi suất cơm, tôi ngồi ăn mà nhớ lại đĩa cơm không 3.000 đồng của mẹ để nhường thịt cho con. Nước mắt tôi vẫn rơi, nhưng sau đó tôi lại mỉm cười, vì khoảnh khắc của năm ấy đã làm nên tôi hôm nay!

Hộp thư cuộc thi

Sau một tuần phát động, cuộc thi "Khoảnh khắc thay đổi đời tôi" lần 2 năm 2019 đã nhận được bài dự thi của các bạn: Đinh Thành Trung (Hà Nội), Nguyễn Thị Kim Oanh (TP.HCM), Trần Văn Tám (TP.HCM), Nguyễn Thành Công (Bạc Liêu), Mai Mộng Tưởng (Đà Nẵng), Trương Thị Yên Lynh (TP.HCM), Lê Tấn Thời (An Giang), Ngọc Tapu (TP.HCM), Lê Thị Thanh Huyền (Hà Nội), Vũ Lam Hiền (TP.HCM), Mai Đức Dũng (TP.HCM), Đoàn Thị Thanh Tuyền (TP.HCM), Phạm Văn Trung (Cần Thơ), Phan Tiềm (Quảng Nam), Huỳnh Diệu Huy (TP.HCM), Trần Ngọc Thanh (Quảng Ngãi), Phan Thi Trang (TP.HCM), Triệu Thị Tuyết Nhung (Phú Thọ), Nguyễn Thị Thùy Trang (Thừa Thiên Huế), Nguyễn Thị Mỹ Châu (Long An), Đỗ Thị Thanh Hoài (Bình Dương), Lê Quang Huy (Tiền Giang).

Mời bạn đọc tham gia cuộc thi viết KHOẢNH KHẮC THAY ĐỔI ĐỜI TÔI lần 2 năm 2019

photo-1

* Thể lệ: Bài viết bằng chữ tiếng Việt, có thể viết trên giấy hoặc gửi qua email.

* Độ dài: 1.000 - 1.700 chữ.

* Tiêu chí: Câu chuyện CÓ THẬT của chính người dự thi. Khoảnh khắc có tính bước ngoặt trong đời, có cú hích với bản thân, có bài học sâu sắc, đậm tính nhân văn, rung động người đọc.

Bài chưa đăng báo và mạng xã hội.

Những bài viết hay sẽ được chọn đăng trên các ấn phẩm: Tuổi Trẻ nhật báo, Tuổi Trẻ Online - tuoitre.vn, Tuổi Trẻ Video Online, fanpage Tuổi Trẻ.

Bài được chọn đăng, Tuổi Trẻ có quyền tiến hành xác minh, biên tập và giữ bản quyền.

Bài đã gửi, ban tổ chức sẽ không trả lại.

* Đối tượng dự thi: Công dân Việt Nam (trong và ngoài nước). Các phóng viên, cán bộ, nhân viên báo Tuổi Trẻ không dự thi.

Mỗi tác giả gửi tối đa hai (02) bài.

* Giải thưởng: 1 giải nhất: 30 triệu đồng; 1 giải nhì: 20 triệu đồng; 1 giải ba: 10 triệu đồng; 10 giải khuyến khích: 5 triệu đồng.

* Thời gian bắt đầu và kết thúc: Bắt đầu nhận bài thi: từ ngày 21-6-2019. Kết thúc nhận bài: ngày 21-12-2019 và tổ chức trao thưởng vào tháng 1-2020.

Cuối mỗi bài viết vui lòng ghi rõ thông tin về tác giả: địa chỉ, số điện thoại và email liên hệ.

Bài dự thi gửi về địa chỉ: báo Tuổi Trẻ, 60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM, Việt Nam hoặc email: khoanhkhaccuocdoi@tuoitre.com.vn.

Ngoài bì thư hoặc tiêu đề bài dự thi gửi qua email vui lòng ghi: Bài dự thi "Khoảnh khắc thay đổi đời tôi".

logo hdbank

Ngọn đèn không tắt Ngọn đèn không tắt

TTO - 31 năm trước, đang là cô bé tuổi 13 yêu đời, tôi ngã bệnh! Rời bệnh viện, tôi về nhà mình ở làng quê huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình, với tiên liệu của bác sĩ phủ bóng tối xuống đời tôi: bệnh loạn dưỡng cơ nan y, có thể không qua tuổi 18!


TUYẾT NHUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên