23/06/2019 13:11 GMT+7

Sinh nghề tử nghiệp - Kỳ cuối: Các nhà báo vẫn tiếp tục bị giết

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - Tối 11-6-2019 tại Huimanguillo thuộc bang Tabasco (Mexico), Norma Sarabia đang đứng trước nhà, hai kẻ lạ mặt đi xe môtô dừng lại gọi tên cô, sau đó bắn chết cô rồi tẩu thoát.

Sinh nghề tử nghiệp - Kỳ cuối: Các nhà báo vẫn tiếp tục bị giết - Ảnh 1.

Nhà báo nữ Norma Sarabia ở Mexico - Ảnh: elindependiente.mx

Sarabia là đặc phái viên báo Tabasco Hoy ở Huimanguillo và cộng tác nhiều báo khác, chuyên viết về tội phạm và bạo lực. Nhiều tháng trước khi bị sát hại, cô đã điều tra hàng chục vụ giết người, phần lớn liên quan đến bọn tội phạm có tổ chức.

Năm 2014, cô đã từng bị bọn mafia đe dọa lấy mạng đến mức chủ biên báo Tabasco Hoy quyết định không để tên cô dưới các bài báo.

Mexico - mỗi tháng một nhà báo bị giết

Mexico không phải là đất nước có chiến tranh nhưng lại là một trong những quốc gia có số nhà báo thiệt mạng nhiều nhất trong khi tác nghiệp. Từ năm 2000 đến nay đã có hơn 100 nhà báo bị sát hại ở Mexico. Tính từ đầu năm 2019 đến nay đã có sáu nhà báo bị sát hại, trung bình mỗi tháng một nhà báo. 

Norma Sarabia là nhà báo thứ sáu bị sát hại trong năm 2019 và là nhà báo nữ đầu tiên thiệt mạng. Trong năm 2018 đã có tám nhà báo bị giết. Báo cáo "Tội phạm có tổ chức và bạo lực ở Mexico" của Đại học San Diego (Mỹ) công bố cuối tháng 4-2019 ghi nhận nhà báo Mexico có nguy cơ bị ám sát ba lần cao hơn dân thường.

Gần một tháng trước khi nhà báo nữ Norma Sarabia bị bắn chết, nhà báo trẻ Francisco Romero Diaz, 28 tuổi, làm việc cho báo Quintana Roo Hoy cũng bị sát hại tại Playa Del Carmen (bang Quintana Roo). 

Sáng sớm 16-5-2019, Romero nhận được tin báo có đề tài hay nên vội vã lái môtô rời khỏi nhà. Ngay khi anh đến quán bar La Gota, nhiều kẻ lạ mặt xuất hiện bắn vào đầu anh. Nhóm sát thủ thuộc băng mafia Jalisco Nueva Generación, một trong những băng tội phạm có tổ chức nguy hiểm nhất Mexico.

Romero từng bị bắt cóc và bị hăm dọa về bài phóng sự của mình nhưng anh vẫn tiếp tục đeo bám điều tra. Anh và gia đình thường xuyên nhận được tin nhắn hăm dọa. Vì vậy giữa năm 2018, anh đã đề nghị được bảo vệ theo cơ chế bảo vệ nhà báo của Bộ Nội vụ, sau đó được bố trí vệ sĩ và nút báo động khẩn cấp. Song hôm bị sát hại, anh lại ra khỏi nhà mà không báo cho vệ sĩ đi theo.

Bộ Nội vụ Mexico thực hiện "Cơ chế liên bang bảo vệ nhà báo và người bảo vệ nhân quyền" vào năm 2012. Cơ quan phụ trách cơ chế này đánh giá yêu cầu bảo vệ của nhà báo bị đe dọa và tiến hành các biện pháp bảo vệ gồm bố trí vệ sĩ, lắp camera giám sát, bảo vệ an ninh nhà riêng và văn phòng, bố trí thiết bị định vị qua vệ tinh hoặc nút khẩn cấp. 

Mexico cũng đã thành lập "Văn phòng công tố viên đặc biệt về tội phạm chống nhà báo" (FEADL) từ năm 2006.

Trên thực tế, cơ chế bảo vệ nhà báo và văn phòng công tố viên đặc biệt không thể bảo vệ nhà báo hiệu quả do thiếu tiền bạc, thiếu nhân lực và thiếu ý chí chính trị. Hầu hết bọn chủ mưu sát hại nhà báo đều thoát khỏi vòng pháp luật và những tên bị bắt chỉ là tốt thí. FEADL có thẩm quyền rút hồ sơ từ các bang để xử lý song lại không thường xuyên thực hiện thẩm quyền này. 

Có hai lý do để giải thích vì sao nhiều nhà báo ở Mexico bị sát hại. Một là bạo lực phổ biến ở Mexico qua nhiều năm chống tham nhũng và tội phạm có tổ chức (buôn ma túy và buôn súng), và hai là một số quan chức tham nhũng câu kết với mafia để che giấu bàn tay bẩn.

Tôi lên án vụ sát hại Francisco Romero... Nền dân chủ không bao che cho các vụ tấn công bạo lực đối với nhà báo.

Tổng giám đốc UNESCO Audrey Azoulay

Sinh nghề tử nghiệp - Kỳ cuối: Các nhà báo vẫn tiếp tục bị giết - Ảnh 3.

Thi thể nhà báo trẻ Francisco Romero trước cửa quán bar tại thành phố biển Playa Del Carmen (Mexico) - Ảnh: depeso.com

Tổ công tác đặc biệt của tổng thống Philippines

Tại Philippines, Tổng thống Rodrigo Duterte đã ban hành sắc lệnh hành chính ngày 11-10-2016 thành lập "Tổ công tác tổng thống về an ninh truyền thông" phụ trách bảo vệ các nhà báo. Song nhiều nhà báo vẫn bị giết. 

Gần đây nhất, sáng 6-6-2019 tại Quezon, nhà báo Adam Moraleta (56 tuổi) - thành viên Câu lạc bộ Báo chí quốc gia Philippines - đã bị bắn ba phát đạn vào đầu. Hai tên đi xe gắn máy không biển số đã bỏ chạy khỏi hiện trường. Câu lạc bộ Báo chí quốc gia Philippines đã đề nghị "Tổ công tác tổng thống về an ninh truyền thông" tiến hành điều tra.

Tổ công tác nêu trên là cơ quan liên ngành do bộ trưởng tư pháp và thư ký truyền thông của tổng thống giữ chức đồng chủ tịch, bao gồm đại diện của Bộ Nội vụ và chính quyền địa phương, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp, giám đốc điều hành Ủy ban Nhân quyền tổng thống, lãnh đạo quân đội và cảnh sát, giám đốc cơ quan tình báo quốc gia. 

Trong số các quan sát viên có các lãnh đạo Câu lạc bộ Báo chí quốc gia Philippines, Hiệp hội Nhà báo quốc gia Philippines, Hiệp hội Nhà xuất bản Philippines và Học viện Báo chí Philippines.

Tổ công tác sẽ ghi nhận mọi trường hợp chống lại người làm báo trong thời gian 30 ngày và lập đội điều tra đặc biệt đối với các vụ chưa giải quyết và lập đội giám sát đặc biệt để theo dõi các vụ đã thống kê.

Năm ngoái, vào rạng sáng 20-7-2018, Joey Llana (43 tuổi) - phóng viên Đài truyền thanh Home Radio Legazpi - lái ôtô rời khỏi nhà ở Daraga (tỉnh Albay) để đến tòa soạn thì rơi vào ổ phục kích. Năm tên có súng chặn xe lại bắn chết ông. Gia đình nạn nhân cho biết từ năm 2017 nhà báo này đã bị người lạ đe dọa. 

Cảnh sát nghi vấn án mạng có liên quan đến bọn buôn ma túy vì tìm thấy cạnh ôtô một túi xách có bảy gói ma túy đá shabu. Túi xách không phải của nạn nhân và nạn nhân cũng không chơi ma túy đá. 

Joey Llana là một trong 12 nhà báo bị sát hại trong thời gian cầm quyền của Tổng thống Rodrigo Duterte tính đến cuối năm ngoái và là nạn nhân thứ 185 trong danh sách nhà báo và nhân viên truyền thông bị sát hại từ khi Philippines tái lập dân chủ năm 1986.

Sinh nghề tử nghiệp - Kỳ cuối: Các nhà báo vẫn tiếp tục bị giết - Ảnh 4.

Phóng viên Joey Llana và ôtô tại hiện trường - Ảnh: Philstar

Năm nào nhà báo cũng chết nhiều

Trong năm 2018 có 66 nhà báo thiệt mạng tại 17 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tính từ đầu năm 2019 đến nay đã có 17 nhà báo thiệt mạng.

Philippines bị đánh giá là quốc gia nguy hiểm nhất của nhà báo ở Đông Nam Á và là nước trừng phạt thủ phạm sát hại nhà báo kém nhất theo báo cáo của Liên đoàn Báo chí quốc tế (IFJ) công bố cuối năm 2018.

Đầu tháng 5-2019, tổ chức "Tự do cho truyền thông - Tự do cho toàn bộ mạng" của Philippines đã công bố báo cáo ghi nhận từ cuối tháng 6-2016 đến cuối tháng 4-2019, tại Philippines đã có 12 nhà báo bị sát hại trong 128 vụ tấn công nhà báo và nhân viên truyền thông. Gần 50% số vụ tấn công và đe dọa do viên chức nhà nước thực hiện.

HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên