25/03/2019 09:31 GMT+7

Sẽ trả giá nặng nề nếu cứ tôn thờ bằng cấp và chạy trường

HỒNG VÂN - HÀ MY - NGỌC ĐÔNG
HỒNG VÂN - HÀ MY - NGỌC ĐÔNG

TTO - Từ câu chuyện gây sốc dùng tiền mua điểm cho con vào đại học ở Hòa Bình đến đường dây chạy vào đại học danh giá tính bằng triệu đô ở Mỹ, một số người nước ngoài chia sẻ ý kiến về tầm quan trọng của thực học và xã hội tôn thờ bằng cấp...

Sẽ trả giá nặng nề nếu cứ tôn thờ bằng cấp và chạy trường  - Ảnh 1.

Bà SIMONETTE KRAAIJ (người Hà Lan):

Hà Lan không có nạn chạy trường, chạy điểm

nguoi ha lan

Ở Hà Lan, chúng tôi rất đề cao giáo dục. Giáo dục hoàn toàn miễn phí đến 18 tuổi. 

Chúng tôi có chính sách tạo ra sự ràng buộc mềm để ai cũng phải đi học. Cụ thể, nếu bỏ học khi chưa đến 18 tuổi, công dân sẽ không được nhận các loại trợ cấp xã hội khác về sau.

Ở Hà Lan, học sinh học tiểu học đến 12 tuổi. Từ 12-18 tuổi, học sinh học hệ trung học theo hướng phân hóa. Đến 18 tuổi, học sinh nào có tiềm năng về tư duy thì vào thẳng đại học, ai kém hơn sẽ vào cao đẳng, thấp hơn nữa sẽ học nghề. 

Tuy nhiên, những cửa ngõ vào đời này không đóng chặt sau đó mà rất linh hoạt. Ví dụ một học sinh ở trường nghề nếu có ý chí vẫn có thể tiếp tục học đại học hoặc sinh viên đại học có thể chuyển xuống trường nghề. 

Không có sự phân biệt nghề sang hay kém sang ở Hà Lan. Trên thực tế, người Hà Lan rất tôn trọng nghề thủ công. Tiền công cho lao động thủ công như may vá, thợ mộc... không hề rẻ.

Trong xã hội của chúng tôi, sự chuyên môn hóa là rõ rệt. Mỗi người là chuyên gia trong công việc của mình. Cha mẹ không ép con vào trường đại học danh tiếng, không học sinh nào cố vào một ngành đang hot vì sĩ diện hay vì khả năng kiếm được nhiều tiền. Họ học một ngành vì mình đam mê hoặc giỏi trong chuyên môn đó. Chúng tôi tôn trọng đam mê gần như tương đương với năng lực học sinh vì người Hà Lan là những người thực tiễn.

Tôi rất tự hào với hệ thống giáo dục ở Hà Lan. Theo tôi, chính những nỗ lực của nhà nước và sự tôn trọng với mọi người, mọi ngành nghề trong xã hội đã tạo nên một môi trường không có áp lực đối với việc chọn trường, chọn nghề. Vì lẽ đó, xã hội chúng tôi không có tình trạng chạy trường, chạy điểm.

Anh PETER FARRELL (giảng viên, người Scotland):

Nên khuyến khích nhiều con đường nghề nghiệp

Nhiều người sẵn sàng chi trả để con vào trường tốt và thậm chí dùng cả "cửa sau" với chi phí ngầm đắt đỏ để giúp con mình dù không đủ chuẩn cũng vào được những ngôi trường danh tiếng. Nhưng hãy hình dung những ảnh hưởng tiêu cực đến học sinh, sinh viên. 

Ở độ tuổi 18, 20, thay vì được phát triển năng lực theo cách tự nhiên, học sinh có thể gặp những áp lực không đáng như học các chuyên ngành quá khó, học ngành mình không hứng thú, phải sống xa gia đình, bạn bè, hay bị ép đi du học khi chưa sẵn sàng.

Theo tôi, việc chú trọng bằng cấp dẫn đến một hệ quả không ai mong muốn là chạy trường, chạy điểm ở một số nơi nếu sự cạnh tranh quá khốc liệt. Nhưng đáng tiếc là ở khắp thế giới, việc tôn thờ bằng cấp vẫn rất phổ biến. 

Cụ thể ở nước tôi, một số tổ chức sẽ nhận được nhiều tài trợ từ chính phủ hơn nếu họ có nhân viên có trình độ sau đại học. Vì vậy các tổ chức này ưu tiên thuê những người có bằng cấp cao. Dần dần, điều này trở thành tiền lệ và tạo ra một tiêu chuẩn tuyển dụng trong xã hội.

Ở nước tôi, do có quá nhiều người vào đại học, hệ quả là với bằng cử nhân, việc tìm việc làm rất khó khăn. Nhiều người chỉ kiếm được công việc bán thời gian hoặc hợp đồng ngắn hạn với mức lương tối thiểu. 

Tôi nghĩ xã hội nên khuyến khích những con đường nghề nghiệp khác cho giới trẻ trên cơ sở trang bị những kỹ năng ứng dụng, kinh nghiệm thực tế cụ thể thay vì nặng về hướng học thuật như vào đại học hoặc nghiên cứu cao hơn. Theo đuổi lựa chọn về học thuật không nên áp đặt cho tất cả mọi người. Xã hội cần nghệ sĩ, thợ thủ công, đầu bếp, người lái tàu, lái xe...

Một xã hội mà ai cũng muốn làm thầy thì lấy ai làm thợ. Đối với tôi, làm thầy hay làm thợ không quan trọng, miễn người đó là chuyên gia trong lĩnh vực của mình.

Bằng cấp cao chưa hẳn làm việc tốt

Trong lĩnh vực dạy tiếng Anh cho người nước ngoài của tôi, có bằng thạc sĩ được các nhà tuyển dụng đánh giá cao hơn so với bằng DELTA (chứng chỉ sư phạm quốc tế đạt được sau ít nhất một năm cho những người dạy tiếng Anh cho người dùng tiếng Anh như một ngoại ngữ - NV).

Không phải bằng thạc sĩ không có lợi ích, nhưng nó thiên về lý thuyết và không đặc biệt áp dụng ở lớp học. Ngược lại, bằng DELTA là vô cùng thiết thực và cải thiện khả năng giảng dạy của người học rất tốt. Tôi không hiểu tại sao lại có sự coi trọng bằng thạc sĩ hơn trong khi bằng DELTA hữu ích hơn.

PETER FARRELL

Anh MICHAEL DOLAN (người Ireland):

Học sinh Việt Nam mới cấp I đã bị dò xét điểm!

michael dolan

Ở Ireland, trước khi lên cấp III, chẳng mấy ai chú tâm vào việc bạn mình bao nhiêu điểm hay học trường nào.

Ngược lại, khi dạy tiếng Anh ở Việt Nam, tôi thấy học sinh có ý thức này từ khi mới học cấp I và cấp II. Kiểu như: "Tôi học trường chuyên nên tôi giỏi hơn bạn, tôi được 10 điểm và bạn chỉ được 9 thôi là không tốt bằng tôi!".

Thật ra việc trọng bằng cấp không phải vấn đề riêng của Việt Nam, nhưng áp lực phải học đại học, phải có bằng cấp ở Việt Nam lớn hơn rất nhiều so với nước tôi. Tôi nghĩ rằng tâm lý này phần nào do nền giáo dục với tinh thần "được ăn cả ngã về không", đặc biệt là đối với kỳ thi đại học.

Dù ở Việt Nam có nhiều cơ hội khác như trường cao đẳng, trường trung cấp, trường nghề... cho những bạn cảm thấy mình không phù hợp với việc học đại học hay không đủ năng lực, tuy nhiên những bạn "thành công" theo định nghĩa thông thường của các bậc phụ huynh chẳng bao giờ được xét đến sự lựa chọn này.

Phụ huynh và xã hội nước tôi quan tâm đến vấn đề giáo dục, nhưng họ hiểu được rằng mấu chốt vấn đề là giúp con họ chuẩn bị tốt cho thị trường lao động. Còn việc con họ chuẩn bị như thế nào không thật sự quan trọng.

Trong khi đó tại Việt Nam, tôi thấy ngay cả những đứa trẻ mới học cấp I đã bị cha mẹ dò xét điểm và so sánh với bạn bè. Đây có lẽ là do sự thiếu hụt cơ hội cho các bạn bên cạnh việc học.

Anh ONDRA SLOWIK (người Cộng hòa Czech):

Cần kiến thức, không cần học vị

ondraslowik

Hậu quả của một xã hội trọng bằng cấp không chỉ dừng lại ở việc đút lót để có bằng, hay học không đúng thực chất, mà còn kéo theo hệ lụy là nhiều người có vị trí xã hội cao với một nghề khá quan trọng, nhưng năng lực chưa chắc đã đủ để làm nghề đó cho tốt.

Theo lẽ tự nhiên, những người giỏi sẽ thành công trong cuộc sống dù học vị của họ có ra sao, vì những người có kiến thức thật sự mới có thể nhanh chóng nắm bắt vấn đề và làm cho tốt. Những người học gạo, không hiểu bản chất, và không thật sự có kỹ năng sẽ khó có thể tìm việc và thành công dù họ có bằng thạc sĩ hay là tiến sĩ.

Trong thời đại toàn cầu hóa, người Việt bắt buộc phải nhận ra rằng nếu muốn theo kịp với xu hướng thế giới hiện đại thì họ không cần lãnh đạo có học vị, mà cần lãnh đạo có kiến thức chung và chuyên ngành.

Ông Stephen Isaacs (người Anh):

Chẳng có bằng cấp nào cho kinh nghiệm sống cả!

Những người bỏ tiền ra để con cái họ có thể vào được trường đại học tốt, hay được điểm cao hơn ở trường đã không hiểu là tiền không thể mua được trí thông minh! Họ cũng không hiểu được làm như vậy là đẩy con cái đến chỗ chật vật trong một môi trường học thuật đầy tính thử thách.

Trên thực tế, bằng cấp luôn là thứ mà các nhà tuyển dụng dựa vào đó để đảm bảo người ứng tuyển vào công ty họ có đào tạo qua trường lớp, các khóa học và các kỳ thi. Dù tôi vẫn còn niềm tin vào sự nghiêm túc trong đào tạo bằng cấp, xu thế hiện nay của các nhà tuyển dụng đều là tìm kiếm ứng viên có các kỹ năng mềm và kỹ năng xã hội.

Tôi từng nghe nhiều nhà tuyển dụng nói rằng dù một nhân viên có thông minh đến đâu thì thực tế công việc vẫn luôn khác xa so với những gì mà anh ta học trong trường lớp.

Khi đi học, nếu bạn trễ deadline (hạn nộp bài) thì cùng lắm là thấy phiền toái. Còn khi đi làm mà trễ deadline thì bạn phải chuẩn bị tinh thần có khi bị đuổi việc.

Thỉnh thoảng, mọi người cũng nên nhớ rằng chẳng có bằng cấp nào cho kinh nghiệm sống cả!

ĐH Yale, Stanford bị học sinh kiện sau bê bối chạy trường ĐH Yale, Stanford bị học sinh kiện sau bê bối chạy trường

TTO - Nhiều học sinh đã kiện các trường đại học danh tiếng tại Mỹ vì cho rằng họ mất cơ hội nhập học vì bê bối chạy trường.

HỒNG VÂN - HÀ MY - NGỌC ĐÔNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên