16/11/2023 09:32 GMT+7

Sao không xét tốt nghiệp THPT? Nếu thi, sao không bắt buộc thi ngoại ngữ?

Nhiều bạn đọc Tuổi Trẻ kiến nghị nên xét tốt nghiệp THPT thay vì phải tổ chức kỳ thi hằng năm ở cấp quốc gia tốn kém, căng thẳng và nhiều rủi ro.

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT 2023 tại điểm thi THPT Ernst Thalmann (Q.1, TP.HCM) - Ảnh: DUYÊN PHAN

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT 2023 tại điểm thi THPT Ernst Thalmann (Q.1, TP.HCM) - Ảnh: DUYÊN PHAN

Chỉ còn vài tuần nữa Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ chốt phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025. Mới đây, bộ đề xuất phương án thí sinh thi bốn môn - gồm hai môn bắt buộc là ngữ văn và toán cùng hai môn tự chọn trong chương trình lớp 12.

Bộ cho rằng phương án thi tốt nghiệp THPT này đã đáp ứng một số yêu cầu, đặc biệt là giảm áp lực thi cử cho học sinh, giảm chi phí cho gia đình học sinh và cả xã hội (thí sinh chỉ thi bốn môn so với sáu môn hiện nay, số buổi thi ba buổi - giảm một buổi so với hiện nay).

Dù ghi nhận những bước tiến trong phương án tổ chức thi nhưng bạn đọc Tuổi Trẻ vẫn đề nghị đổi mới thi cần quyết liệt và mạnh mẽ hơn, thậm chí nhiều bạn đọc nói cần bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT và thay bằng việc xét tốt nghiệp.

* Tôi đề xuất mấy phương án sau: Thứ nhất, nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT vì thi mà không có người rớt thì thi làm gì cho lãng phí. Thứ hai, chỉ tập trung cho một kỳ thi đó là thi tuyển sinh đại học, vì kỳ thi này mang tính chất nghề nghiệp cho tương lai, ai đủ năng lực thì đỗ đại học. (manh.vdb@...)

* Luật có thể sửa. Bộ nói Luật Giáo dục quy định phải thi tốt nghiệp nên phải tổ chức thi. Vậy thì bộ hãy đề xuất sửa luật, không quy định phải thi mới được tốt nghiệp nữa. (vnvunguyen@...)

* Việc kiểm tra, thi cử, đánh giá như hiện nay là vô tác dụng. Đề kiểm tra đánh giá toàn nhận biết là chính, học sinh chỉ dựa vào thi trắc nghiệm, tự luận thì bỏ giấy trắng. Vì vậy kỳ thi tốt nghiệp THPT bây giờ không còn ý nghĩa. Cải cách giáo dục quá lãng phí. (vivia08@...)

* Theo tôi, nên bỏ thi để tiết kiệm cho toàn xã hội. Thi mà tỉ lệ đậu 99% trở lên thì thi làm gì, lại tạo nhiều áp lực cho học sinh, gia đình? (huutrivl2007@...)

* Tôi nghĩ nên tiến tới xét tốt nghiệp chứ không thi vì các trường đại học trong nước cũng như nhiều nước đã có kỳ khảo sát năng lực để xét tuyển vào đại học. (phu***@...)

* Phải thi nhưng thi thế nào cho phù hợp mới là vấn đề. Cứ chạy theo các góp ý mang tính chủ quan, thiếu cơ sở khoa học vững chắc thì chẳng khác nào "đẽo cày giữa đường", đưa nền giáo dục nước nhà đi vào ngõ cụt, không lối thoát! (nhoangdungantho@...)

* Tiếng Anh mà không quan trọng thì cái gì quan trọng hơn?! Cấp III môn tiếng Anh là môn chính. Lên đại học phải có chứng chỉ tiếng Anh mới tốt nghiệp được. Không khuyến khích học tiếng Anh là bước cải cách lùi của nền giáo dục, thế mà Bộ Giáo dục và Đào tạo không nhìn thấy hay sao mà chịu sức ép và chạy theo dư luận? (gh@...)

Thi tốt nghiệp THPT, sao không bắt buộc thi ngoại ngữ?

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa đề xuất phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT, theo đó kể từ năm 2025, học sinh chỉ phải thi hai môn bắt buộc là ngữ văn và toán cùng hai môn tự chọn.

Tôi thấy đây là một đề xuất không hợp lý, thậm chí là một bước lùi, có thể sẽ xóa sạch thành quả từ những nỗ lực nâng cao trình độ ngoại ngữ cho học sinh phổ thông mà các chương trình, đề án do chính Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tiến hành trong thời gian qua.

Sở dĩ tôi nói vậy là vì hiện nay hầu hết các tỉnh thành đều dạy tiếng Anh ở tiểu học và khi thi vào lớp 10 đều có ba môn bắt buộc là ngữ văn, toán và ngoại ngữ (chủ yếu là tiếng Anh). Rồi lên đại học hay cao đẳng cũng phải học tiếng Anh, muốn tốt nghiệp phải đạt một mức chuẩn nào đó do trường quy định.

Đang liền mạch như thế đột nhiên bây giờ thi tốt nghiệp THPT lại không có tiếng Anh thì quả là một sự lãng phí lớn. Nguy hiểm hơn, các trường và học sinh sẽ có xu hướng lơ là hoặc bỏ bê những môn không thi.

Dù rằng sẽ có người cho rằng làm gì có chuyện không thi thì không học. Xin thưa đó là thực tế, người trong nghề ai cũng biết, chỉ có điều là không muốn hoặc... không dám nói ra.

Nhiều trường ngay từ đầu năm học đã xác định kết quả tốt nghiệp mới là cái quan trọng nhất để "nói chuyện" với cấp trên nên nếu đó là môn không thi thì việc gì phải tốn thời gian, công sức để dạy và học? Và nếu là phụ huynh có con học cuối cấp thì bạn sẽ có suy nghĩ tương tự không?

Vậy bắt buộc thi môn ngoại ngữ có giúp cải thiện trình độ ngoại ngữ của học sinh hay chỉ sản sinh ra nạn học đối phó, thi xong rồi chẳng nhớ gì? Đúng là trong điều kiện giảng dạy hiện nay, khó mà đòi hỏi có được sự cải thiện đồng đều ở các tỉnh thành. Tuy nhiên, mặt tích cực của việc bắt buộc phải thi là giúp học sinh hiểu rõ tầm quan trọng của môn ngoại ngữ.

Trong thời đại này làm gì cũng cần biết chút ngoại ngữ. Nếu tốt nghiệp xong muốn đi xuất khẩu lao động cũng phải cần ngoại ngữ để kiếm sống nơi xứ người. Còn nếu muốn tiếp tục con đường học vấn để hội nhập, bay cao thì đây là phương tiện nhanh nhất đưa mình đến với mục tiêu đó.

LÊ THANH HẢI (Phan Thiết)

Thăm dò ý kiến

Bộ Giáo dục và đào tạo vừa đề xuất kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 sẽ theo phương án thí sinh thi 4 môn (lựa chọn 2 + 2), gồm: thi bắt buộc môn ngữ văn, toán và được lựa chọn 2 môn học trong lớp 12. Theo bạn:

Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.

Thi tốt nghiệp THPT: cần thay đổi quan niệm học để thi, thi mới họcThi tốt nghiệp THPT: cần thay đổi quan niệm học để thi, thi mới học

Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng phương án thi tốt nghiệp THPT 2 môn bắt buộc, 2 môn tự chọn đáp ứng một số yêu cầu, trong đó rõ nhất là giảm áp lực thi cử cho học sinh.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên